Trời không tuyệt đường người, 11 bí quyết giúp bạn vượt qua khó khăn thất bại
Có câu nói rằng: “Nước đến tận cùng là thác đổ, người đến đường cùng sẽ hồi sinh”. Vậy thì hễ đứng trước một chút khó khăn, chúng ta cớ sao đã vội bi quan?
14:00 08/11/2021
Dưới đây là 11 bí quyết của người lạc quan, hy vọng sẽ giúp bạn mau chóng thoát khỏi cảm xúc bi quan, để thấy rằng mỗi phút giây trôi qua trong đời đều vô cùng trân quý.
1. Không sợ thất bại
Con người sống trên đời, đâu có thể không trải qua bất kỳ sóng gió nào. Nếu không thì cả cuộc đời thật nhạt nhòa vô vị. Những khó khăn và thất bại bạn gặp phải trên con đường nhân sinh là điều khó tránh khỏi. Vậy thì không thể vì sợ thất bại mà bạn dừng chân không bước tiếp, không dám thử thêm một lần. Nếu cố thêm 1 lần nữa mà vẫn không thành công, thì chí ít bạn cũng biết rằng cách này không ổn. Cùng lắm thì ta làm lại từ đầu.
Kỳ thực thất bại không hề đáng sợ, hãy biến nó trở thành nó thành đồng minh của chúng ta. Mỗi một lần thất bại là một nấc thang đưa ta tới gần thành công hơn. Tổng thống Donald Trump từng nói, chừng nào bạn còn học được từ thất bại của mình thì đó không được gọi là thất bại. Nếu ngoảnh đầu nhìn lại thành tựu của những người thành công, chúng ta sẽ thấy rằng số lần họ vấp ngã còn nhiều hơn chúng ta. Nhưng ở họ có một điểm khác biệt: Họ không coi thất bại là điều đáng sợ, chỉ đơn giản là vấp ngã thì đứng dậy và bước tiếp.
2. Trời không tuyệt đường người
Tục ngữ có câu “Trời không tuyệt đường của con người”. Bất kỳ ai khi vận mệnh đi tới bước đường cùng cũng đều sẽ khơi dậy trong họ những tiềm năng xưa nay chưa từng có. Đây sẽ là một trải nghiệm hoàn toàn mới. Nhưng trước tiên bạn cần vực lại tinh thần và đối diện với hiện thực. Chẳng phải có câu “Nước đến tận cùng là thác đổ, người đến đường cùng sẽ hồi sinh” đó sao?
Cuộc sống luôn có nhiều ẩn số thú vị, vậy nên hãy lạc quan và tìm cho mình những tia hy vọng dù nhỏ nhất. Chỉ cần giữ tâm tĩnh lặng, bình thản, thì sức mạnh và trí tuệ tiềm ẩn bên trong bản thân bạn sẽ thức giấc. Nhưng dĩ nhiên là nền tảng của những may mắn và trí huệ chỉ được dẫn dắt bởi sự thiện lương trong tâm mỗi người.
3. Hài hước không có kẻ thù
Sự thật chứng minh rằng những người có khiếu hài hước thường dễ thành công. Người không có khiếu hài hước thường chỉ biết than thân trách phận, tự làm mình tổn thương. Ngược lại người hài hước lại biến thất bại thành điều dí dỏm mà tự trào lộng chính mình. Điều này sẽ khiến cảm xúc bi quan không còn nơi đặt chân, bén rễ.
4. Bám sát hiện thực
Nguyên nhân thất bại mặc dù rất nhiều nhưng chỉ cần bạn bám sát hiện thực, làm thật tốt những gì trong khả năng của mình thì tỷ lệ thất bại sẽ giảm đi rất nhiều.
Trước khi chúng ta cảm thấy chùn chân mỏi gối, hay khi muốn buông xuôi để mặc sự đời, hãy nhớ động viên mình bước thêm một bước nhỏ nữa thôi. Chỉ suy nghĩ và lo lắng cũng chẳng thể cải thiện được điều gì. Hành trình dài bắt đầu từ những vết chân, cuộc đời là sự tích lũy của biết bao nhiêu năm tháng. Vậy nên khi thấy chán nản nhất xin bạn cũng đừng ngồi yên sầu khổ. Hãy bắt tay vào những việc dù nhỏ nhất và cố gắng làm tốt nhất những gì có thể.
5. Hóa giải những nhân tố bất lợi
Trong bất kỳ tình huống nào cũng đều có cách thoát khỏi khó khăn. Chỉ cần xem bạn có viết cách phát hiện và lợi dụng nó hay không. Những người lạc quan thường chuyển hóa những nhân tố bất lợi thành nhân tố có lợi. Người bi quan lại thường bị những nhân tố bất lợi che kín hai mắt, từ đó vấp ngã không thể đứng dậy.
Hãy coi những nhân tố bất lợi như một khảo nghiệm để chúng ta trưởng thành hơn. Đây cũng là một cơ hội để chúng ta nhìn sâu thêm vào sâu thẳm nội tâm mình. Biết đâu những thử thách này đang muốn chúng ta buông bỏ những suy nghĩ, quan niệm không tốt trong tâm. Cổ nhân có câu “Tu nội mà an ngoại”. Nên khi tâm rối bời chúng ta hãy tạm lui lại một bước và trò chuyện với chính bản thân mình. Chỉ cần những việc chúng ta làm là chính đáng và mang lại nhiều ích lợi cho mọi người thì sớm muộn gì khó khăn cũng được tháo gỡ.
6. Xem xét vấn đề một cách toàn diện
Người bi quan thường nhìn vào hướng tiêu cực của sự việc. Mặc dù điều này cũng có thể giải quyết vấn đề và tạo ra điều kiện tốt hơn. Nhưng rốt cuộc là khi giải quyết vấn đề lại bị ảnh hưởng bởi những tư tưởng phụ diện.
Chúng ta nên học cách xem xét vấn đề một cách toàn diện. Đây chính là cách tránh khỏi cảm giác trắc trở. Giống như trăng tròn rồi trăng lại khuyết, con nước vơi rồi mới có thể đầy. Trời đất có 4 mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông xoay vần. Nếu không có cái giá lạnh ngày đông rét buốt, ấp ủ mầm sống và gieo vào vạn vật sự kiên cường thì sẽ chẳng có ngày xuân trăm hoa đua nở, hay ngày hạ nắng vàng rực rỡ. Hoa thơm trái ngọt vì có rễ đắng ngày đêm miệt mài cắm sâu vào lòng đất chắt lọc dưỡng chất nuôi cây.
Vậy nên nếu xét một cách toàn diện thì những khó khăn trắc trở cũng là một phần trong con đường đưa con người đến vinh quang và thành tựu.
7. Không được cố chấp
Những người bi quan đều thích truyền cảm xúc bi quan của mình sang cho người khác. Khi nhìn thấy người khác không vui thì anh ấy cũng không vui. Đây là một nhược điểm chí mạng của con người. Người bi quan nên tiếp xúc nhiều với những người có tính cách phóng khoáng, dần dần họ sẽ có thể học cách tạo cho mình một tâm thái lạc quan.
Kỳ thực nếu quá coi trọng thành bại, được mất trước mắt mà buồn mà vui thì những cảm xúc đan xen này sẽ chẳng bao giờ dứt. Có vị đế vương nào ngồi mãi trên ngai vàng của mình trường tồn cùng tuế nguyệt? Có ai là không già đi và nhường lại ngai vàng và sự vinh quang cho người khác?
Nếu những gì bạn mong muốn chẳng như ý thì có thể là cuộc sống muốn dành tặng bạn một món quà khác. Đừng cố chấp vào những gì mình mong muốn, hãy mở cửa trái tim để đón nhận và trân trọng những gì cuộc sống muốn trao cho chúng ta.
8. Học cách lãng quên
Cố gắng đừng nhớ đến những chuyện khiến bạn cảm thấy bi thương và tức giận. Hãy cho chúng ngủ yên với dĩ vãng, bởi lẽ tinh lực của mỗi người đều có hạn. Nếu bạn để những chuyện đau khổ xâm chiếm trí óc của mình thì sự phiền muộn cũng sẽ kéo dài vô cùng vô tận. Làm vậy không chỉ vắt kiệt sinh lực cả thân lẫn tâm của mình mà còn khiến bạn không thể tập trung vào công việc và cuộc sống mới. Nó cũng khiến bạn không thể nhìn thấy những điều tốt đẹp đang chờ đợi mình ở phía trước.
Cứ để vạn sự tùy duyên, thuận theo tự nhiên mới là bậc trí huệ. Những sự việc không như ý qua đi cũng như một mối nhân duyên đã khép lại. Trong quá trình ấy bạn chỉ cần gạn lọc điều có ý nghĩa và đáng trân trọng với bản thân mình và nỗ lực hơn trong tương lai mà thôi.
9. Thay đổi góc nhìn
Những người bi quan hãy thử ngẫm nhiều hơn một chút: Vì sao người khác thường có khuôn mặt tươi cười mà chúng ta lại không làm được. Lẽ nào một người thường mỉm cười lại không gặp phải chuyện không vui nào hay sao?
Bạn cần biết rằng trên thế gian này, xưa nay không hề có bất kỳ ai có thể thuận buồm xuôi gió suốt cả cuộc đời. Có thể có nhiều người hoàn cảnh còn bi đát hơn bạn. Hoặc khi bạn đang tâm phiền ý loạn mà ngưỡng mộ niềm hạnh phúc của người khác, bạn cũng đang được người khác ngưỡng mộ mà không hay biết.
Đôi khi thay đổi góc nhìn có thể mang đến cho bạn một trải nghiệm hoàn toàn mới. Điều này ít nhiều cũng sẽ xoa dịu nỗi đau mà cảm xúc bi quan mang trong lòng bạn.
Khi cảm thấy cuộc sống thật bế tắc, bạn có thể tạm thời dừng suy nghĩ về những điều đó và đưa cánh tay trợ giúp những người kém may mắn hơn mình. Khi hòa cùng với câu chuyện đời của người khác, khi chung vai sát cánh giúp đỡ người khác, bạn sẽ thấy cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn.
10. Tự khích lệ bản thân
Tự khích lệ bản thân là cách rất tốt để thoát khỏi tâm trạng bi quan. Khi gặp thất bại, hay khi đứng trước một công việc mới, hãy thổi đầy sinh khí cho bản thân và nói với mình rằng: “Mình có thể làm được!”. Tất cả mọi người ít nhiều đều có thể đạt được sức mạnh dấy khởi tinh thần khi tự khích lệ bản thân.
Bạn thử nghĩ mà xem, có ai thân thiết và đáng trân trọng như chính bản thân mình không? Hãy học cách bầu bạn với chính mình, luôn yêu thương, động viên và khích lệ ‘bạn ấy’. Chúng ta thiện đãi người khác nhưng cũng đừng quên thiện đãi chính bản thân mình. Khi biết chung sống hòa hợp với bản thân mình, bạn sẽ phải ngạc nhiên trước khả năng tiềm ẩn mà người bạn ấy cất giấu bấy lâu nay.
11. Học cách giao tiếp
Bất kỳ ai trong xã hội cũng đều phải giao tiếp với người khác. Trong quá trình giao tiếp, những người lạc quan sẽ có thể điềm nhiên ứng biến với các mối quan hệ. Nhưng người bi quan lại chẳng thể thong dong tự tại.
Khi giao tiếp với người khác, bạn có thể mang đến niềm vui, cũng có thể mang đến nỗi buồn cho họ. Khi bạn chỉ có thể mang đến cảm giác bi thương cho mọi người xung quanh thì số người còn lại bên bạn sẽ ngày càng thưa thớt.
Chỉ khi học được cách thong dong ứng biến với các mối quan hệ xã giao thì bạn mới có thể mang đến niềm vui cho họ. Bạn sẽ được họ yêu mến, bạn bè cũng sẽ vây quanh bạn nhiều hơn. Như vậy, cảm xúc bi quan của bạn cũng sẽ dần nhạt nhòa và tan biến. Sự chân thành, thiện lương và nhẫn nại luôn khiến tâm hồn con người tĩnh lặng và tràn đầy trí huệ. Đây cũng là chìa khóa thành công cho mọi mối quan hệ trong giao tiếp.
Hãy tìm cho bạn một tín ngưỡng chân chính. Khi đó, trái tim bạn sẽ bao dung hơn, tầm nhìn sẽ rộng mở hơn và sức nhẫn nại cũng trở nên lớn hơn. Bạn sẽ không thấy bơ vơ sợ hãi trước khó khăn thất bại, mà sẽ nhìn nó với ánh mắt hoàn toàn khác, với sự trân trọng và biết ơn những gì cuộc sống dành tặng cho mình.
Đào Viên
Báo Mỹ: 'Việt Nam đang căng mình chiến đấu với xe máy'
Topspeed nhận xét, giao thông ở Việt Nam như đặc sản và du khách thường đăng ảnh đường phố để chia sẻ trải nghiệm khó quên khi trở về nhà.