Trùm tài chính chỉ ra kẻ thù lớn nhất của Mỹ

Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ nhưng khó có thể soán ngôi Mỹ, nếu Washington khắc phục những rối loạn, chia rẽ nội bộ, theo CEO Jamie Dimon.

03:30 13/04/2021

Jamie Dimon, CEO của JPMorgan Chase, một trong những hãng dịch vụ tài chính lâu đời nhất thế giới, đã gióng hồi chuông cảnh báo về tương lai thịnh vượng của Mỹ trong bức thư thường niên dài 66 trang gửi cổ đông được công bố ngày 7/4.

Trong thư, Dimon bình luận về hàng loạt chính sách của Mỹ, chỉ ra rằng Washington từng đối mặt và vượt qua rất nhiều khoảng thời gian rất khó khăn như Nội chiến, Thế chiến I, Đại suy thoái và Thế chiến II.

Jamie Dimon trong một cuộc phỏng vấn với CNBC hồi tháng 1. Ảnh: CNBC.
Jamie Dimon trong một cuộc phỏng vấn với CNBC hồi tháng 1. Ảnh: CNBC.

"Trong mỗi thời kỳ như vậy, sức mạnh và khả năng phục hồi của Mỹ đã củng cố vị thế của chúng ta trên thế giới, đặc biệt trong quan hệ với các đối thủ cạnh tranh lớn. Nhưng lần này có thể sẽ khác", Dimon nói, ngầm ám chỉ các đối thủ của Mỹ, đặc biệt là Trung Quốc, có thể tận dụng thời điểm khó khăn hiện tại để theo đuổi tham vọng "vượt mặt" Washington.

Dimon đã đề cập tới Trung Quốc hơn 30 lần trong thư, dự đoán cường quốc châu Á này có thể "soán ngôi" Mỹ trong 20 năm tới để trở thành thị trường tài chính và nền kinh tế lớn nhất, dựa trên tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc trong 40 năm qua.

Tuy nhiên, CEO của JPMorgan Chase cho rằng kịch bản Mỹ đánh mất vị thế lãnh đạo toàn cầu vào tay Trung Quốc không phải là không thể tránh khỏi, nếu Washington nhận ra kẻ thù lớn nhất của mình là chính mình, có thể đối diện với các thất bại và bắt đầu vạch ra chiến lược dài hạn hơn.

Dimon đã mổ xẻ những điểm mạnh - yếu của Trung Quốc, đồng thời xem xét thực trạng của Mỹ, cho rằng cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc đang đứng trước bước ngoặt.

"Trung Quốc không phải cứ băng băng trở thành cường quốc thống trị kinh tế", Dimon viết. "Tương tự, Mỹ không phải lúc nào cũng mặc định thành công, dù tôi có niềm tin sâu sắc vào nước Mỹ cũng như sức mạnh và khả năng phục hồi phi thường của đất nước này".

Lãnh đạo Trung Quốc cho rằng Mỹ đang sa sút, mất dần lợi thế về công nghệ, cơ sở hạ tầng và giáo dục, bị xé nát bởi chính trị và bất bình đẳng, không thể điều phối các chính sách về tài khóa, tiền tệ, công nghiệp và quản lý một cách nhất quán để đạt được mục tiêu quốc gia, theo Dimon. "Thật không may khi gần đây, nhiều điều trong đó đã trở thành sự thật", ông nói.

Đại dịch Covid-19, vụ cảnh sát ghì chết người đàn ông da màu Georgie Floyd và tăng trưởng chậm chạp của kinh tế Mỹ trong hai thập kỷ qua đều là triệu chứng của một vấn đề lớn hơn: Chính sách công yếu kém và rối loạn chức năng chính phủ.

"Những thảm kịch trong năm vừa qua chỉ là phần nổi của tảng băng, chúng chỉ phơi bày những thất bại đã tồn tại suốt nhiều thập kỷ và đang tàn phá nước Mỹ", Dimon nhận đinh, nói thêm rằng đất nước này "hoàn toàn không sẵn sàng" ứng phó với một đại dịch như Covid-19.

Trong cuộc phỏng vấn sau đó với CNN, Dimon cho rằng bước đầu tiên để Mỹ khắc phục điều này là thừa nhận những vấn đề nghiêm trọng họ đang gặp phải. "Ngay cả trong kinh doanh, bạn sẽ không thể sửa chữa sai lầm nếu không thừa nhận bạn đang mắc sai lầm", ông nói. "Đã đến lúc chúng ta có thể làm một công việc vĩ đại, hoặc tiếp tục lún sâu trong vũng bùn và quay sang đổ lỗi lẫn nhau".

Đề cập tới tầm nhìn của Tổng thống Joe Biden về khôi phục kinh tế hậu đại dịch, Dimon cho rằng Washington cần một chính sách công nghiệp thông minh, như đầu tư vào cơ sở hạ tầng hoặc tăng ngân sách cho nghiên cứu và phát triển để cải tiến công nghệ quan trọng, trong các lĩnh vực mà thị trường tự do không đủ đáp ứng.

CEO của JPMorgan Chase cũng cho rằng Washingtong phải giải quyết vấn đề bất bình đẳng mà nguyên nhân mấu chốt nằm ở nền chính trị rối loạn và chia rẽ nghiêm trọng của Mỹ. "Bất bình đẳng chính là vấn đề", ông viết trong thư.

Dimon lập luận rằng chính phủ Mỹ cần thực hiện những chiến lược dài hạn về ngân sách hay chính sách công, thay vì liên tục thay đổi "xoành xoạch" theo nhiệm kỳ tổng thống hiện nay. Cách làm này nhằm ứng phó với hệ thống chính trị vốn duy trì được chính sách và sự lãnh đạo nhất quán trong nhiều năm của Trung Quốc.

Thừa nhận cơ chế tập trung quyền lực vào chính quyền trung ương và sự ổn định của hệ thống chính trị là thế mạnh đáng kể của Trung Quốc, Dimon trong khi đó khẳng định Bắc Kinh không phải là đối thủ "bất khả xâm phạm".

Chủ tịch Tập Cận Bình kiểm tra duyệt binh tại doanh trại Shek Kong, Hong Kong năm 2017. Ảnh: AFP.
Chủ tịch Tập Cận Bình kiểm tra duyệt binh tại doanh trại Shek Kong, Hong Kong năm 2017. Ảnh: AFP.

Theo ông, Trung Quốc sẽ phải đương đầu với một số vấn đề nghiêm trọng trong 40 năm tới, từ môi trường ô nhiễm, doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả, cho tới những khoản nợ khổng lồ, thị trường tài chính nhiều vấn đề, già hóa dân số, bất bình đẳng thu nhập, áp lực chính trị ngày càng tăng từ phương Tây, cũng như mâu thuẫn với láng giềng châu Á.

Ông trùm tài chính này cho rằng sự thiếu minh bạch và thượng tôn pháp luật trong cơ chế quản lý có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống tài chính Trung Quốc cũng như triển vọng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.

"Về cơ bản, chúng ta không cần lo sợ trước thành công của Trung Quốc. Mỹ chỉ cần sợ hãi trước thất bại của chính mình vì đó là điều duy nhất kìm hãm chúng ta", Dimon kết luận. Ông cho rằng Washington chỉ cần "xắn tay áo và dùng sự lãnh đạo táo bạo để giải quyết những vấn đề tự mình gây ra".

Nhận định của Dimon có nhiều tương đồng với Ray Dalio, đồng chủ tịch Bridgewater, người hồi tháng 9 năm ngoái nói "cuộc chiến lớn nhất của Mỹ là đấu với chính mình".

CEO của JPMorgan Chase ủng hộ mối quan hệ kinh tế và chiến lược lành mạnh giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong báo cáo thường niên năm 2020, JPMorgan cũng từng nhận định Trung Quốc "vẫn là một trong những cơ hội lớn nhất" cho công ty này và khách hàng của họ.

"Trong ngắn hạn, nếu Trung Quốc và Mỹ có thể duy trì mối quan hệ kinh tế và chiến lược lành mạnh, nó có thể mang lại lợi ích to lớn cho cả hai quốc gia, cũng như phần còn lại của thế giới", Dimon nói.

Tags:
Kỳ thị hàng xóm gốc Việt, người phụ nữ Mỹ phải hầu tòa

Kỳ thị hàng xóm gốc Việt, người phụ nữ Mỹ phải hầu tòa

Giới chức Mỹ đang phải "đau đầu" đối phó với làn sóng kỳ thị người Mỹ gốc Á lớn nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất