Trump nguy cơ trả giá vì những cử tri "vỡ mộng"

Tập đoàn Thép Mỹ hồi tháng 5 công bố đợt sa thải thứ tư, với 2.700 người mất việc ngay lập tức, bất chấp cam kết "đưa việc làm trở lại" của Trump.

10:00 28/10/2020

6.500 lao động của tập đoàn này cũng đứng bên bờ thất nghiệp, nhiều người trong số họ từng góp công lớn trong việc đưa Donald Trump vào Nhà Trắng hồi năm 2016, vì lời hứa phục hưng ngành sản xuất của ông. Tuy nhiên, nhóm cử tri này dường như đã vỡ mộng trước viễn cảnh u ám về tương lai của họ trong ngành sản xuất thép, máy móc và ô tô.

Dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy nước này đã mất 170.000 việc làm trong ngành sản xuất dưới thời Trump. Ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, lương trung bình theo giờ của những người lao động này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010.

"Rất nhiều lời hứa của Trump chỉ là nói suông, không mang lại lợi ích có ý nghĩa cho ngành sản xuất", Scott Paul, chủ tịch Liên minh Sản xuất Mỹ (AAM), một tổ chức phi lợi nhuận, nhận định. "Điều còn thiếu ở đây là chiến lược rộng lớn hơn, hoặc hiểu biết về cách định hình lại khả năng cạnh tranh của Mỹ, cũng như cách đối phó với Trung Quốc".

Theo bình luận viên Jodi Xu Klein của SCMP, sau 4 năm điều hành đất nước, Trump không chứng minh được khả năng biến các chính sách của mình thành việc làm thực sự cho người lao động Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc vận động tranh cử ở thành phố Allentown, bang Pennsylvania, hôm 26/10. Ảnh: AFP.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc vận động tranh cử ở thành phố Allentown, bang Pennsylvania, hôm 26/10. Ảnh: AFP.

Trump nhiều lần chỉ trích Trung Quốc đánh cắp việc làm của người Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông cam kết mang lại hàng triệu công việc được trả lương tốt. Tuy nhiên, các đòn áp thuế với hàng trăm tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, được tung ra sau khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ từ giữa năm 2018, không chỉ thất bại trong việc khôi phục ngành sản xuất nội địa của Mỹ, mà còn làm suy yếu nhu cầu mua hàng vốn đang ảm đạm, Klein đánh giá.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng các đòn thuế của Trump với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thực chất là đánh vào các công ty và người tiêu dùng Mỹ, khi chi phí tiêu dùng tăng lên khoảng 57 tỷ USD/năm, theo phân tích của nhóm cố vấn Diễn đàn Hành động Mỹ.

Trump và đội ngũ cố vấn bác bỏ quan điểm này, nhấn mạnh rằng thuế quan giúp điều chỉnh tình trạng mất cân bằng thương mại và bảo vệ ngành sản xuất Mỹ. Nhưng trên thực tế, khi nhu cầu mua hàng Trung Quốc không còn, các đòn thuế không giúp tăng sản lượng của Mỹ. Theo hãng tư vấn Kearney, sản lượng sản xuất nội địa Mỹ năm 2019 ở mức 6,27 nghìn tỷ USD, không thay đổi so với năm trước đó, dù nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm 17%.

"Thật sai lầm khi chấp thuận một thỏa thuận thương mại nửa vời, gây suy yếu chiến lược của chính Trump, cùng các mục tiêu về lâu dài. Thách thức với ngành sản xuất là không có điều khoản nào giúp xóa bỏ các hoạt động phản cạnh tranh, đó là trợ cấp. Cơ hội đó đã bị tước đoạt theo nhiều cách", Paul nêu ý kiến, đề cập tới thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Washington và Bắc Kinh được ký tại Nhà Trắng hồi đầu năm.

Một lời hứa đáng chú ý khác của ông chủ Nhà Trắng là chi một nghìn tỷ USD cho cơ sở hạ tầng, sử dụng sản phẩm của Mỹ để xây cầu đường và nhiều dự án khác. Tuy nhiên, không có nhiều hoạt động được triển khai theo kế hoạch này.

Theo khảo sát tháng này của Gallup, 89% cử tri cho biết nền kinh tế, vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, là mối quan tâm hàng đầu của họ. Trong khi đó, Trump "không làm được điều kỳ diệu mà ông ấy đã hứa", theo Michael Lewis-Beck, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Iowa.

"Quy luật bầu cử truyền thống đơn giản là nếu nền kinh tế đi xuống, cử tri sẽ trừng phạt tổng thống đương nhiệm. Nền kinh tế giờ đây thậm chí tệ hơn nhiều so với Đại Suy thoái năm 2008. Tỷ lệ thất nghiệp cao đồng nghĩa với việc người dân sẽ thay đổi và chống lại Trump trong cuộc bầu cử", Lewis-Beck nhận định.

Biden, đối thủ của Trump, được cho là đã thấy rõ điểm yếu này. Vì vậy, cựu phó tổng thống đề xuất chính sách ưu đãi thuế cho những doanh nghiệp "Sản xuất tại Mỹ", đồng thời trừng phạt các công ty sản xuất mặt hàng hoặc dịch vụ ở nước ngoài rồi bán trở lại thị trường Mỹ.

"Tôi chưa từng nghĩ rằng ngành sản xuất Mỹ không còn sức sống. Bây giờ, tôi sẽ công bố kế hoạch về cách tạo ra hàng triệu công việc có thu nhập tốt. Khi tiêu tiền thuế của người Mỹ, chúng ta nên dùng chúng để mua sản phẩm Mỹ, hỗ trợ công việc của người Mỹ", Biden phát biểu trong cuộc vận động gần đây ở bang Michigan. Trong khi đó, Trump dường như bớt đề cập đến vấn đề việc làm.

Bình luận viên Klein nhận định Trump có nguy cơ trả giá vì thất hứa, khi các bang chiến trường đang phải trải qua suy thoái. Michigan, Wisconsin và Pennsylvania có thể dễ dàng quay lưng với đảng Cộng hòa lần này, sau khi trao cho Trump chiến thắng sít sao năm 2016.

Tại một số bang, sự thay đổi trong thái độ của cử tri thể hiện rõ rệt. 6 tuần qua, Liên đoàn Công nhân Ngành thép Mỹ (USW) đã chiếu tên ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden và "phó tướng" Kamala Harris lên những tòa nhà ở các bang Pennsylvania, Ohio, Wisconsin, Minnesota và Illinois.

Tính đến ngày 22/10, Biden đang dẫn trước Trump tại 6 bang chiến trường, bao gồm Pennsylvania, Wisconsin, Michigan, Florida, Bắc Carolina và Arizona, theo khảo sát của Real Clear Politics. Dữ liệu của Cục Thống kê Dân số Mỹ năm 2018 cho thấy việc làm của tầng lớp lao động tay chân ở những bang này đã giảm trong những năm gần đây, khiến tình trạng đói nghèo bị nâng lên mức hai con số.

Các kết quả thăm dò khi ngày bầu cử đang gần kề cũng cho thấy tỷ lệ tín nhiệm trung bình của Trump là 41%, thấp nhất kể từ thời Jimmy Carter năm 1980, và chưa bao giờ vượt quá 50%.

Theo Cục Thống kê Dân số Mỹ, thâm hụt thương mại hàng hóa của nước này đã chạm mức kỷ lục 83,9 tỷ USD hồi tháng 8. Tuy nhiên, Trump tiếp tục tuyên bố tình hình đang tốt đẹp hơn, bất chấp tất cả bằng chứng cho thấy điều ngược lại.

Tháng trước, chiến dịch tranh cử của Trump cho chạy một quảng cáo trên truyền hình, nói rằng Mỹ đang tận hưởng nền kinh tế "tốt nhất" trong lịch sử, với hình nền là chuyến thăm Tập đoàn Thép Mỹ của Trump hồi năm 2018, trước khi công ty bắt đầu sa thải hàng nghìn công nhân.

"Ngành thép đang trở lại nhanh chóng! Năng lực của Tập đoàn Thép Mỹ đang gia tăng tuyệt vời. Những doanh nghiệp khác cũng vậy", Trump viết trên Twitter trong chuyến đi đó.

Tuy nhiên, chủ tịch AAM Paul cho biết những người lao động trong ngành sản xuất "vô cùng thất vọng vì bị lợi dụng làm công cụ chính trị".

"Các công nhân nhà máy rất nhiều lần cảm thấy giới chính trị gia lãng quên họ sau cuộc bầu cử. Họ đang nghĩ rằng Tổng thống chưa hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều người đang thảo luận về những điều cần thay đổi", Paul nói.

Ánh Ngọc (Theo SCMP)

Link nguồn: https://vnexpress.net/trump-nguy-co-tra-gia-vi-nhung-cu-tri-vo-mong-4182617.html

Tags:
Tiệm Làm Móng Của Người Việt Ở Mỹ Chuyển Sang May Khẩu Trang

Tiệm Làm Móng Của Người Việt Ở Mỹ Chuyển Sang May Khẩu Trang

Hàng loạt tiệm làm móng của người Việt tại Mỹ chủ động quyên góp thiết bị, vật tư y tế cho các bệnh viện để chống dịch Covid-19, đồng thời chuyển sang may khẩu trang.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất