Trump tung đòn kinh tế kiểm soát đảng Cộng hòa

Trump dường như đang nỗ lực tăng cường kiểm soát phe Cộng hòa bằng một trong những chiến thuật đau đớn nhất - đánh vào "túi tiền" của đảng.

00:30 12/03/2021

Tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ ở Florida hôm 28/2, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố cách "duy nhất" để các nhà tài trợ đóng góp cho ứng viên Cộng hòa chung chí hướng với ông là thông qua Save America, ủy ban hành động chính trị (PAC) do ông kiểm soát, đồng thời chỉ trích cách đảng Cộng hòa "phung phí" nguồn tiền của người quyên góp.

Thông điệp trở nên rõ ràng hơn trong tuần này, khi Trump nói rằng không nên đóng góp thêm tiền cho "những người Cộng hòa trên danh nghĩa" (RINO). Trong một phát biểu khác hôm 9/3, cựu tổng thống cho hay việc gửi tiền cho PAC của ông là "hành động đúng đắn".

Hôm 6/3, một cố vấn của Trump cho biết đội ngũ luật sư của ông đã gửi thư tới Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa (RNC), Ủy ban Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Quốc gia (NRSC) và Ủy ban Quốc hội đảng Cộng hòa Quốc gia (NRCC), yêu cầu họ ngừng sử dụng tên và hình ảnh cựu tổng thống để gây quỹ. Ba nhóm này là những cơ quan gây quỹ lớn nhất của đảng Cộng hòa.

Theo cố vấn, Trump nhạy cảm với việc sử dụng tên và hình ảnh của ông cho các mục đích xây dựng thương hiệu, càng không hài lòng khi ba nhóm trên ủng hộ những nghị sĩ Cộng hòa tham gia cùng đảng Dân chủ bỏ phiếu luận tội ông sau vụ bạo loạn tại quốc hội hôm 6/1.

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ ở thành phố Orlando, bang Florida, hôm 28/2. Ảnh: AFP.
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ ở thành phố Orlando, bang Florida, hôm 28/2. Ảnh: AFP.

Theo bình luận viên Alex Isenstadt của Politico, những động thái này làm nổi bật ý định duy trì quyền kiểm soát đảng Cộng hòa của Trump, ngay cả khi ông đã rời Nhà Trắng. Bằng cách kêu gọi các nhà tài trợ chuyển tiền vào PAC riêng, cựu tổng thống được cho là đang sử dụng đòn đánh kinh tế để gây sức ép, buộc phe Cộng hòa tuân theo ý chí của ông nếu không muốn cạn tiền mặt.

Nhiều quan chức và chiến lược gia đảng Cộng hòa lo ngại đòn đánh của Trump có thể gây ảnh hưởng đáng kể tới đảng, vốn đang dựa vào ông để thu hút nguồn tài trợ, chuẩn bị cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022.

"Mọi người đang kiếm tiền nhờ danh tiếng của Trump. Giờ đây, ông ấy muốn kiểm soát số tiền đó. Trump muốn có tầm ảnh hưởng, và một trong những cách tuyệt vời nhất để đạt được điều này là kiểm soát nguồn quỹ", Mike DuHaime, cựu giám đốc chính trị của RNC, cho hay.

Hiện chưa rõ các nhóm của đảng Cộng hòa sẽ chịu tác động tài chính đến mức nào nếu mọi nguồn tiền tài trợ đều đổ về PAC của Trump. RNC, ủy ban có mối liên hệ mật thiết nhất với Trump, từ chối yêu cầu từ luật sư của ông về việc ngừng sử dụng tên và hình ảnh cựu tổng thống để gây quỹ.

Họ giải thích Trump đã "tái khẳng định" với Chủ tịch RNC Ronna McDaniel rằng ông vẫn đồng ý để họ dùng tên mình gây quỹ. Ngoài ra, RNC tuyên bố họ có quyền sử dụng hình ảnh, tên tuổi "người của công chúng" trong các bài phát biểu chính trị cốt lõi, được bảo vệ bởi quyền tự do ngôn luận trong Hiến pháp Mỹ.

Dù Trump giúp mang lại nguồn tài trợ lớn, các tổ chức của đảng Cộng hòa vẫn có nhiều cách khác để gây quỹ, như thông qua những lời kêu gọi nhắm vào các vấn đề xung đột văn hóa trong giới bảo thủ. Họ cũng nhận được khoản tiền đáng kể từ những đại gia siêu giàu, trong đó nhiều người bất bình với Trump, cùng các siêu ủy ban chính trị và tổ chức phi lợi nhuận liên kết.

Bên cạnh đó, với phe Dân chủ nắm cả lưỡng viện quốc hội và Nhà Trắng, các đảng viên Cộng hòa tin rằng họ sẽ có nhiều cách để thúc đẩy các nhà tài trợ chịu chi.

Tuy nhiên, giới chức Cộng hòa thừa nhận "đòn đánh vào kinh tế" của Trump ít nhất vẫn có thể tạm thời cản trở khả năng gây quỹ từ đông đảo các nhà tài trợ nhỏ của ông, đặc biệt nếu cựu tổng thống thuyết phục được họ rằng các lãnh đạo đảng Cộng hòa không đủ trung thành với ông.

Tony Fabrizio, nhà thăm dò dư luận trong chiến dịch tranh cử năm ngoái của Trump, gần đây tiến hành một khảo sát với 1.200 cử tri Cộng hòa. Kết quả cho thấy đa số tin rằng đảng "nên tiếp tục được Trump dẫn dắt".

Một trong những lý do khiến Trump không muốn các ủy ban của đảng Cộng hòa tiếp tục sử dụng tên ông để gây quỹ là họ vẫn ủng hộ những nghị sĩ bỏ phiếu luận tội ông. Đối với những người ủng hộ Trump, việc này không có gì là quá đáng.

"Trump không muốn mọi người hỗ trợ cho phe phản đối ông ấy gay gắt và đang lợi dụng tên của ông ấy. Ông ấy muốn kiểm soát trở lại. Tôi không đổ lỗi cho ông ấy", Brian Ballard, nhà vận động hành lang và là đồng minh lâu năm của Trump, nêu ý kiến.

Đây không phải lần đầu tiên Trump và các lãnh đạo đảng Cộng hòa xích mích về vấn đề gây quỹ. Trước cuộc bầu cử năm ngoái, các thành viên hàng đầu của phe Cộng hòa tại Thượng viện từng phàn nàn rằng cựu tổng thống không hành động hết sức để giúp đỡ họ về mặt tài chính.

Trump còn khiến giới chức trong đảng thất vọng vì tập trung kêu gọi gây quỹ cho bản thân tại cuộc vận động bầu thượng nghị sĩ vòng hai ở bang Georgia hồi tháng 1, khiến nguồn tiền đổ về PAC của Trump thay vì các ứng viên Cộng hòa, những người sau đó chịu thất bại sát nút, khiến phe Cộng hòa đánh mất quyền kiểm soát Thượng viện.

Tình huống hiện nay khiến những thành viên cấp cao của đảng Cộng hòa lo ngại rằng các nhà tài trợ sẽ bối rối về nơi họ nên đổ tiền vào. Bên cạnh đó, Trump được cho là còn muốn thành lập một siêu ủy ban hành động chính trị, tiềm ẩn khả năng cạnh tranh nguồn tài trợ với các nhóm bên ngoài có mối liên hệ chặt chẽ với ban lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện và Hạ viện.

Scott Reed, cựu chiến lược gia cấp cao tại Phòng Thương mại Mỹ, cho biết những thông điệp "vô cùng khó hiểu" đang được gửi tới các nhà vận động gây quỹ cấp cơ sở. "Nhiều người lắc đầu ngao ngán", ông nói.

Tuy nhiên, một số đảng viên Cộng hòa hàng đầu cho biết họ quyết tâm dập tắt mọi căng thẳng giữa Trump và bộ máy vận động của đảng, đồng thời nhấn mạnh rằng họ đang cố gắng thuyết phục Trump tập trung vào việc đánh bại phe Dân chủ, thay vì đối đầu với những người cùng đảng.

Họ chỉ ra một dấu hiệu tích cực gần đây là Trump đã lên tiếng ủng hộ nhiều thượng nghị sĩ Cộng hòa đương nhiệm, động thái được đánh giá sẽ giúp những người này thoát khỏi các vòng bầu cử sơ bộ khó khăn vào năm sau. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, một đồng minh thân cận với Trump, cho rằng sự hỗ trợ này của cựu tổng thống là "vô giá".

"Không có Trump, mọi nỗ lực sẽ rất khó khăn", ông nói.

Tags:
Trump lần đầu về quê nhà sau khi rời Nhà Trắng

Trump lần đầu về quê nhà sau khi rời Nhà Trắng

Trump lần đầu trở về bang quê nhà New York sau hơn 6 tuần rời Nhà Trắng và nhiều người ủng hộ tập trung yêu cầu ông tái tranh cử.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất