Trung Quốc - Mỹ mất lòng tin, một cuộc "đoạn tuyệt" đã và đang diễn ra

Trả lời Trí Thức Trẻ, chuyên gia nhận định, cuộc "đoạn tuyệt" giữa 2 nền kinh tế, dù ở mức độ nào, sẽ là rạn nứt chưa từng thấy, và là điều tồi tệ với cả công ty Trung Quốc và Mỹ.

04:00 11/10/2019

Tác động từ thương chiến với kinh tế Mỹ đã hiển hiện

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bị mắc kẹt trong cuộc tranh chấp thương mại kéo dài hơn 1 năm qua, với việc cả 2 áp thuế qua lại lên hàng hóa nhập khẩu lẫn nhau. Tuy nhiên, trước thềm cuộc gặp vào giữa tháng này, Mỹ đã miễn trừ thuế các mặt hàng từ Trung Quốc như đèn trang trí cây thông Noel, ống hút nhựa… tổng cộng lên đến 437 mặt hàng và nằm trong số 250 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc mà Mỹ đã đánh thuế vào năm ngoái.

Việc miễn trừ các mặt hàng được đưa ra vào lúc quan chức Mỹ và Trung Quốc có cuộc gặp để chuẩn bị cho cuộc họp cấp cao dự kiến diễn ra vào tháng 10.

"Hành động miễn trừ mới nhất là sự thừa nhận ngầm của Mỹ rằng, việc áp thuế đã gây ra những thiệt hại cho lợi ích trong nước", Stephen Olson, nhà nghiên cứu tại Quỹ Hinrich Foundation tại Hong Kong cho biết.

Động thái này được xem là do tác động từ cuộc chiến thương mại lên kinh tế nội địa Mỹ hơn là một nhượng bộ với Trung Quốc, nhưng điều này cũng giúp tạo ra thiện chí trước các cuộc đàm phán thương mại vào tháng 10, ông nói thêm, lưu ý rằng các cuộc biểu tình ở Hong Kong và căng thẳng liên quan đến Huawei vẫn có nguy cơ đe dọa bất kỳ một thỏa thuận nào. 

Chính quyền Tổng thống Trump đã đặt "ông lớn" viễn thông Huawei của Trung Quốc vào danh sách đen, ngăn các nhà cung cấp của Mỹ bán thiết bị cho công ty này.

Theo Giáo sư Charles Morrison, Trung tâm nghiên cứu East - West, Hawaii, Mỹ, trái với các nhà kinh tế, Tổng thống Trump cho rằng thương chiến sẽ mang việc làm về Mỹ và phát triển nền kinh tế.

Thực tế, có rất ít dấu hiệu cho thấy nền kinh tế có lợi từ thương chiến, nhưng cho đến nay, hầu hết người dân Mỹ, trong đó có bản thân tôi, vẫn chưa cảm thấy nhiều ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại. Một số sản phẩm đắt hơn một chút, nhưng tác động đã được làm dịu đi bởi các chính sách tiền tệ và giảm giá, vị GS từ Mỹ chia sẻ với Trí Thức Trẻ.

Kết quả vòng đàm phán diễn ra mùa thu này dự kiến ​​sẽ ảnh hưởng đáng kể đến giá tiêu dùng, đó là lý do Trump trì hoãn áp dụng một số mức thuế đối với các mặt hàng tiêu dùng phổ biến hơn cho đến ngày 15/12, thời điểm các công ty mua hàng trước mùa Giáng sinh.

Ngoài ra, theo GS Morrison, nạn nhân chính cho đến nay là nông dân Mỹ, bởi sự trả đũa của Trung Quốc. Nhu cầu giảm từ ngành nông nghiệp vốn đã bị teo tóp bởi việc mất đi thị trường tiềm năng Trung Quốc, giá các sản phẩm đã giảm mạnh, từ ngô cho đến đậu nành, sau khi các nhà nhập khẩu Trung Quốc chuyển hướng sang các thị trường khác.

Một cuộc "đoạn tuyệt" đã và đang diễn ra

Mặc dù cho rằng, Tổng thống Trump không thể "ra lệnh" cho các công ty Mỹ rút khỏi Trung Quốc như ông tuyên bố trên Twitter vài tuần trước, nhưng nhà nghiên cứu của trung tâm East - West cho rằng, dù sao thì một cuộc "đoạn tuyệt" cũng đang diễn ra khi cả công ty Trung Quốc và Mỹ đều lo lắng rằng môi trường chính trị và nhiều động thái trong cuộc chiến thương mại sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ.

Một số công ty Mỹ đã chuyển chuỗi cung ứng của họ sang Việt Nam, Mexico hoặc Bangladesh. Sức mua hàng Trung Quốc từ Mỹ và đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào Mỹ đã giảm đáng kể. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc.

Trong khi đó, ông Stephen Olson cho rằng sẽ khó có khả năng cho một cuộc "đoạn tuyệt" hoàn toàn giữa 2 nền kinh tế diễn ra. Tuy nhiên, sự gián đoạn trong hội nhập kinh tế ở một mức độ nhất định là không thể tránh khỏi và thực tế là đã xảy ra.

Một cuộc "đoạn tuyệt" giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, dù ở mức độ này hay mức độ khác, sẽ là một sự rạn nứt chưa từng thấy trong mối quan hệ thương mại và kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, và là điều tồi tệ đối với cả hai công ty Trung Quốc và Mỹ. Các khoản thuế được áp dụng đã buộc nhiều nhà nhập khẩu phải nhập sản phẩm từ nước thứ ba, và mức độ khó lường ngày càng tăng của cuộc chiến thương mại đã buộc nhiều công ty phải từ bỏ mối quan hệ thương mại lâu dài với các công ty Trung Quốc hoặc Mỹ. Trên hết, ngày càng có nhiều giao dịch bị hạn chế trên cơ sở an ninh quốc gia, ông Stephen Olson cảnh báo.

Về cuộc gặp trong tuần này, GS Morrison không kỳ vọng vào một đột phá lớn. Khả năng cao nhất, sẽ có hy vọng cho một "lệnh ngừng bắn" và có thể là một thỏa thuận "mini" bao gồm việc mua nông sản và rút lại một số khoản thuế. Nhưng vấn đề lớn hơn, thuộc về hệ thống, vẫn rất khó giải quyết.

"Gần như là cả 2 bên đã mất lòng tin với nhau. Phía Mỹ cho rằng Trung Quốc đã "lật kèo" thỏa thuận hồi tháng 5. Trong khi Bắc Kinh cho rằng Washington đã hiểu sai tinh thần thỏa thuận", ông Charles Morrison lý giải.

Hơn nữa, lời đe dọa áp thuế lên Mexico ngay cả sau khi đạt được một thỏa thuận khiến các đối tác thương mại khác lo lắng về khả năng tương tự, ngay cả khi có thỏa thuận, nhà nghiên cứu Mỹ cho biết.

"Tôi không nghĩ rằng cả Trung Quốc hoặc Mỹ có mong muốn giải quyết cuộc chiến thương mại. Trong khi cả hai nền kinh tế đang bị tổn thương ở một mức độ nào đó, không nhà lãnh đạo nào muốn bị coi là nhượng bộ cho đối phương", GS Morrison đánh giá.

Trung Quốc bây giờ có thể đang cho rằng, kịch bản tốt nhất là chờ đến lúc nước Mỹ có tổng thống kế tiếp. Trong khi ông Trump sẽ cố gắng sử dụng việc chưa có thỏa thuận để thuyết phục cử tri Mỹ rằng, họ nên bầu lại cho ông để buộc Trung Quốc phải đàm phán. 

"Vì vậy, có thể, như tôi đã nói, có thể có một số thỏa thuận nhỏ, nhưng cuộc chiến thương mại và quá trình phân tách giữa 2 nền kinh tế sẽ tiếp tục", chuyên gia của East -  West cho hay.

Lưu ý đến thời điểm đưa ra quyết định miễn thuế, ông Olson cho rằng động thái này thể hiện việc cả 2 bên đều nhận thức rằng, gia tăng căng thẳng không phải là điều họ muốn ở thời điểm này, vì vậy, cả 2 bên đều cố gắng tạo ra bầu không khí tích cực trước vòng đàm phán vào tháng 10, với hy vọng ít nhất có thể hạn chế leo thang.

Các cuộc đàm phán rất biến động và không thể đoán trước. Tuy nhiên, các bước tích cực gần đây dường như chỉ ra rằng cả hai quốc gia đều thấy giá trị - ít nhất là bây giờ - trong việc tránh bất kỳ sự leo thang nào nữa.

Nói thêm về tác động của một cuộc "ly hôn" kinh tế giữa Washington và Bắc Kinh, nhà nghiên cứu Stephen Olson cho rằng việc bỏ trống thị trường Trung Quốc có lẽ sẽ mở ra cơ hội cho các công ty Trung Quốc lấp đầy khoảng trống

Một cuộc chiến thương mại trường kỳ có lẽ đã thúc đẩy nhanh hơn các bước mà các quan chức Trung Quốc lên kế hoạch thực hiện. Trong đó, quan trọng nhất là, thúc đẩy các khả năng công nghệ trong nước hơn, đặc biệt là trong các công nghệ chip, để các công ty Trung Quốc không còn phụ thuộc vào các nguồn của Mỹ. Và nói rộng hơn, tiếp tục quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế theo nhu cầu trong nước để sự gián đoạn thương mại ít gây thiệt hại hơn.

theo Trí Thức Trẻ

Tags:
Trung Quốc yêu cầu Mỹ rút hạn chế thị thực

Trung Quốc yêu cầu Mỹ rút hạn chế thị thực

Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích Mỹ có "ý đồ nham hiểm" khi hạn chế thị thực quan chức nước này và yêu cầu Washington rút quyết định.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất