Trung Quốc bứt tốc tiêm chủng Covid-19

Sau khởi đầu chậm chạp, chiến dịch tiêm chủng Trung Quốc bứt phá ngoạn mục khi tiêm 100 triệu liều chỉ trong 5 ngày tháng trước.

22:00 04/06/2021

Tốc độ tiêm chủng đáng kinh ngạc ngày tiếp tục được duy trì và tính đến ngày 2/6, Trung Quốc đã tiêm hơn 704 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó riêng tháng 5 đã chiếm gần một nửa. Con số này tương đương khoảng 1/3 trong tổng số 1,9 tỷ liều vaccine đã được phân phối trên toàn cầu, theo trang web nghiên cứu trực tuyến Our World in Data.

Khoảng 19 triệu liều vaccine Covid-19 đang được tiêm mỗi ngày tại Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ, quốc gia có dân số bằng khoảng 1/4 Trung Quốc, tiêm được khoảng 3,4 triệu liều mỗi ngày hồi tháng 4, thời điểm chiến dịch tiêm chủng đạt tốc độ tối đa. Vẫn chưa rõ bao nhiêu người ở Trung Quốc đã được tiêm đầy đủ, bởi chính phủ không công bố số liệu này.

Chung Nam Sơn, nhà dịch tễ học nổi tiếng đứng đầu nhóm chuyên gia trực thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC), hôm 30/5 cho biết 40% dân số nước này đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19. Mục tiêu của họ là 40% dân số được tiêm đầy đủ hai liều vào cuối tháng 6.

Tại thủ đô Bắc Kinh, 87% dân số đã được tiêm ít nhất một liều. Việc tiêm chủng ở đây vô cùng dễ dàng, khi người dân chỉ cần đến một trong hàng trăm điểm tiêm trên khắp thành phố. Những xe buýt tiêm chủng đỗ trong các khu vực đông người qua lại, bao gồm trung tâm thành phố và các trung tâm thương mại.

Người dân xếp hàng tiêm vaccine Covid-19 của Sinopharm tại một trung tâm tiêm chủng ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 2/6. Ảnh: AP.
Người dân xếp hàng tiêm vaccine Covid-19 của Sinopharm tại một trung tâm tiêm chủng ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 2/6. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, phần còn lại của đất nước không được tiêm chủng tiện lợi như Bắc Kinh. Tin tức địa phương và những lời phàn nàn trên mạng xã hội cho thấy nhiều nơi người dân gặp khó khăn khi đặt lịch tiêm.

"Tôi bắt đầu xếp hàng vào 9h sáng, đến 18h mới được tiêm. Thật là mệt mỏi. Khi tôi rời đi, vẫn còn nhiều người đang chờ đợi", Zhou Hongxia, cư dân thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc, tây bắc Trung Quốc, kể lại. Chồng của Zhou vẫn chưa được tiêm. Khi họ gọi đến đường dây nóng của địa phương, câu trả lời đơn giản là hãy tiếp tục chờ.

Chính quyền trung ương cho biết họ đang cố gắng đảm bảo nguồn cung được phân phối đồng đều hơn. Bất chấp những khó khăn như vậy, giới lãnh đạo y tế cộng đồng Trung Quốc vẫn bày tỏ hy vọng tiêm được cho 80% trong tổng số 1,4 tỷ dân vào cuối năm nay.

Trung Quốc thậm chí còn tập trung tiêm chủng cho công dân ở nước ngoài. Họ tài trợ vaccine Covid-19 cho Thái Lan, trong đó một phần dùng để tiêm cho người Trung Quốc tại đây. Tính trên toàn cầu, Trung Quốc đã tiêm được cho hơn 500.000 công dân ở nước ngoài theo chương trình "Mầm Xuân".

Sự bứt phá này diễn ra sau khởi đầu khá chậm chạp của chương trình tiêm chủng quốc gia Trung Quốc. Hồi đầu tháng 3, khi tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 ở Anh lên tới 30% dân số, chuyên gia Chung Nam Sơn cho biết Trung Quốc mới đạt 3,56%. Tính đến cuối tháng 2, mới chỉ 52 triệu liều vaccine Covid-19 được sử dụng tại Trung Quốc, đất nước hơn 1,4 tỷ dân.

Công tác chống dịch hiệu quả nhờ những biện pháp phong tỏa, hạn chế nghiêm ngặt được cho là lý do khiến người dân Trung Quốc ban đầu không vội vàng tiêm chủng. Một số người còn lo lắng về tác dụng phụ của vaccine.

Để khắc phục tình trạng này, chính quyền đã sử dụng một loạt biện pháp thuyết phục công chúng, bắt đầu bằng bài phát biểu vào ngày 22/3 của Phó thủ tướng Tôn Xuân Lan.

Những lời kêu gọi tiêm chủng sau đó len lỏi vào mọi ngóc ngách xã hội. Các công ty đề nghị tiêm vaccine cho nhân viên, trường học thuyết phục học sinh, chính quyền địa phương kêu gọi cư dân. Nhiều người nổi tiếng, như ngôi sao bóng rổ Yao Ming, cũng lên tiếng kêu gọi người dân tiêm chủng.

Tại Thượng Hải, một số khu phố thưởng cho mỗi người mới tiêm phòng khoản tiền 300 tệ (khoảng 47 USD). Vài nơi khác tặng sữa, trứng và bột giặt. Ủy ban Y tế tỉnh Tứ Xuyên thậm chí còn phát hành một bài rap kêu gọi nhanh chóng tiêm chủng.

Ngoài những biện pháp khuyến khích, giới chức còn cảnh báo về nguy cơ khi người dân quá tự tin, mất cảnh giác với dịch bệnh. "Ngay khi mọi người tưởng rằng không còn bất cứ vấn đề nào nữa, đại dịch đột ngột trở lại", bác sĩ Zhang Wenhong, người được mệnh danh là Anthony Fauci của Trung Quốc, tháng trước cho biết.

Những đợt bùng phát dịch gần đây tại một số địa phương dường như chính là công cụ thuyết phục mạnh mẽ nhất. Giữa tháng trước, 4 ca nhiễm cộng đồng đầu tiên tại Trung Quốc sau 20 ngày xuất hiện ở tỉnh An Huy. Giới chức nhấn mạnh rằng những người này đều chưa được tiêm phòng.

Kết quả là chỉ riêng trong ngày 16/5, tỉnh An Huy tiêm được cho hơn 1,1 triệu người. Đến ngày 23/5, Trung Quốc thông báo hơn nửa tỷ người đã được tiêm chủng. Một số chuyên gia nước này còn lạc quan rằng họ đang trên đường đạt được mục tiêu "miễn dịch cộng đồng".

Các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng dù công tác phân phối trục trặc, Trung Quốc ít khả năng gặp khó khăn về số lượng vaccine. Sinovac và Sinopharm, hai công ty sản xuất phần lớn vaccine đang được triển khai tại Trung Quốc, đều tích cực tăng cường sản xuất, xây dựng các nhà máy hoàn toàn mới và chuyển đổi mục đích sử dụng những cơ sở hiện có để sản xuất vaccine Covid-19. Vaccine của cả hai công ty đều đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt sử dụng khẩn cấp.

Sinovac cho biết họ đã tăng gấp đôi năng lực sản xuất, lên 2 tỷ liều mỗi năm, trong khi Sinopharm tuyên bố có thể sản xuất 3 tỷ liều mỗi năm. Các hãng vaccine Trung Quốc phần lớn không phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu trong quá trình sản xuất.

Đây là lợi thế hậu cần to lớn giữa lúc nhiều nước đang chật vật kiếm nguyên liệu vaccine, giúp Trung Quốc có thể tránh viễn cảnh xảy ra với Viện Huyết thanh Ấn Độ, một trong những đơn vị sản xuất vaccine hàng đầu thế giới. Một số dây chuyền sản xuất tại Viện Huyết thanh Ấn Độ đã bị đình trệ vì phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Mỹ.

"Nơi nào trên thế giới có thể sánh được với Trung Quốc về năng lực xây dựng và sản xuất? Chúng tôi mất bao lâu để xây dựng các bệnh viện dã chiến?", Li Mengyuan, chuyên gia nghiên cứu dược phẩm tại công ty tài chính Western Securities nói, đề cập đến việc Trung Quốc từng chỉ mất vài ngày để xây bệnh viện dã chiến trong thời kỳ đầu đại dịch.

Tags:
LÃNH SỰ QUÁN MỸ TẠM DỪNG CÁC DỊCH VỤ DU TRÚ THÔNG THƯỜNG ĐẾN 11/06/2021

LÃNH SỰ QUÁN MỸ TẠM DỪNG CÁC DỊCH VỤ DU TRÚ THÔNG THƯỜNG ĐẾN 11/06/2021

Tối ngày 30/05/2021, Lãnh Sự Quán Mỹ tại Tp.HCM thông báo sẽ áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 của Thành phố nhằm góp phần cùng Thành phố chung tay chống dịch COVID-19.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất