Trung Quốc cấm người dân đến Paula du lịch sau khi quốc đảo này lên tiếng ủng hộ Đài Loan

Từ một địa điểm du lịch khá hút khách, Palau bỗng nhiên trở nên đìu hiu quạnh vắng sau khi Trung Quốc chính thức ban bố lệnh cấm du khách tới quốc đảo này do những xung đột ngoại giao kéo dài giữa Bắc Kinh và người đồng minh Đài Loan của Palau.

13:00 21/08/2018

Tình trạng ế ẩm ở Palau

Theo Reuters, từ một địa điểm du lịch khá hút khách, Palau bỗng nhiên trở nên đìu hiu quạnh vắng sau khi Trung Quốc chính thức ban bố lệnh cấm du khách tới quốc đảo này do những xung đột ngoại giao kéo dài giữa Bắc Kinh và người đồng minh Đài Loan của Palau.

Những căn phòng khách sạn trống rỗng, những chiếc tàu du lịch chẳng còn mấy khi hoạt động, và các văn phòng du lịch buộc phải đóng cửa cho thấy tình trạng khốn đốn của quốc đảo nhỏ bé ở Thái Bình Dương này.

Hồi cuối năm ngoái, chính quyền Bắc Kinh đã cấm tổ chức các tour du lịch đến Palau và tuyên bố quốc đảo này là địa điểm du lịch phi pháp vì vẫn duy trì quan hệ và ủng hộ đảo Đài Loan.

Trung Quốc đang ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng tại Thái Bình Dương bằng các chương trình viện trợ và cho vay ưu đãi dành cho các quốc gia nhỏ bé tại khu vực này. Trước những lời đề nghị hấp dẫn ấy, một số quốc gia Thái Bình Dương đã 'dứt tình' với Đài Loan.

Hiện nay Palau là một trong số 18 đồng minh ít ỏi còn sót lại của Đài Loan trên toàn thế giới, và nước này cũng đang phải đối mặt với rất nhiều áp lực từ phía Trung Quốc.

"Mọi người đang bàn luận về việc Trung Quốc biến ngành du lịch thành vũ khí", ông Jeffrey Barabe, chủ sở hữu khách sạn Palau Central Hotel và resort Palau Carolines ở Koror nói. "Một số ý kiến cho rằng ban đầu Trung Quốc cho phép dòng tiền USD chảy vào Palau, và giờ đây họ đang rút tiền ra nhằm gây sức ép để buộc Palau thiết lập quan hệ ngoại giao với họ.

Tại trung tâm thương mại của Koror, những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang rút khỏi nước này rất rõ ràng. Những khách sạn và nhà hàng không hề có khách du lịch ghé thăm, các văn phòng du lịch thì đóng cửa và những con tàu trước đây từng tấp nập đưa du khách tới Quần đảo Rock giờ đây thường xuyên ế ẩm.

Trước khi chính phủ Bắc Kinh ban hành lệnh cấm, số khách du lịch từ Trung Quốc chiếm gần một nửa lượng khách tới Palau hằng năm.

Theo số liệu của chính phủ, trong tổng số 122.000 khách du lịch đến Palau năm 2017, có 55.000 người đến từ Đại Lục, và 9.000 người đến từ Đài Loan.

Trung Quốc cấm người dân đến Paula du lịch sau khi quốc đảo này lên tiếng ủng hộ Đài Loan - ảnh 1

Nhiều văn phòng du lịch tại Palau ế khách đến mức phải đóng cửa. Ảnh: Reuters.

Trước đó các nhà đầu tư Trung Quốc đã đổ xô tới quốc đảo nhỏ bé này để mua đất, xây khách sạn, mở các loại hình kinh doanh - dịch vụ, và mua các khu bất động sản lớn ở ven biển.

Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm, có thể thấy vốn đầu tư và lượng khách du lịch đến Palau suy giảm rõ rệt, đến mức hãng hàng không Palau Pacific trong tháng 7 vừa qua đã đưa ra thông báo rằng họ sẽ ngừng khai thác hoàn toàn các chuyến bay Palau - Trung Quốc, bắt đầu từ tháng 8 này.

Chính quyền Trung Quốc đang "nỗ lực ngăn cản hoặc thậm chí ngăn chặn hẳn lượng khách du lịch tới quốc đảo Palau", hãng hàng không này cho biết. Kể từ khi có lệnh cấm du lịch, khoảng 50% lượng khách hàng đã ngừng đặt vé của hãng này.

Việc Trung Quốc dùng du lịch làm con bài gây sức ép không phải điều gì mới lạ, bởi năm trước nước này cũng ngừng khai thác các tour du lịch tới Hàn Quốc sau khi chính quyền Seoul cho lắp đặt một hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ gây tranh cãi.

Trả lời câu hỏi liệu việc đưa Palau vào danh sách điểm đến phi pháp có phải để gây sức ép nhằm buộc nước này 'dứt tình' với Đài Loan hay không, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định mối quan hệ giữa nước này và các quốc gia khác buộc phải được xây dựng trên nền tảng "Một Trung Quốc".

"Chính sách 'Một Trung Quốc' là điều kiện tiền đề và là nền tảng chính trị để Trung Quốc duy trì và phát triển các mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các quốc gia khác trên thế giới", Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh trong câu trả lời dành cho Reuters.

Cơ quan Ngoại giao của Đài Loan cho biết trong vòng 2 năm qua, Bắc Kinh đã thuyết phục thành công 4 đồng minh của đảo này "đổi phe" bằng các gói viện trợ và các khoản đầu tư hào phóng.Xe buýt phục vụ khách du lịch Trung Quốc ế dài sau khi Bắc Kinh ban lệnh cấm. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc cấm người dân đến Paula du lịch sau khi quốc đảo này lên tiếng ủng hộ Đài Loan - ảnh 2

Xe buýt phục vụ khách du lịch Trung Quốc ế dài sau khi Bắc Kinh ban lệnh cấm. Ảnh: Reuters.

Thay đổi trọng tâm

Trước bối cảnh ngành du lịch ế ẩm như hiện nay, Tổng thống Palau Tommy Remengesau Jr. cho biết nước này chưa hề nhận được thông báo chính thức nào từ Trung Quốc về lệnh cấm du lịch.

"Hiển nhiên là Trung Quốc muốn chúng tôi từ bỏ mối quan hệ ngoại giao thân thiện với Đài Loan và chuyển sang thiết lập quan hệ với họ, nhưng lựa chọn của chúng tôi không thể quyết định chính sách 'Một Trung Quốc'", ông Remengesau nói.

Ông Remengesau sẽ kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống vào tháng 1/2021. Vị Tổng thống này khẳng định Palau hoan nghênh các khoản đầu tư và du lịch từ Trung Quốc, nhưng chính sách của nước này hiện đang ủng hộ Đài Loan hơn.

Hiện nay Palau đang phải khắc phục 'khoảng trống' sau khi Trung Quốc rút khỏi nước này bằng cách thay đổi trọng tâm, tập trung nhiều hơn vào đối tượng khách du lịch hạng sang, thay vì khai thác du lịch đại trà và tập trung vào đối tượng du khách tầm trung.

Việc khai thác du lịch đại trà cũng đặt gánh nặng lớn lên môi trường tại quốc đảo nhỏ bé này.

"Trong thực tế, số lượng lớn khách du lịch chưa chắc đã đem lại lợi nhuận lớn cho Palau. Điều này khiến chúng tôi càng quyết tâm tìm ra những chính sách thiên về chất lượng, thay vì số lượng như trước đây".

Củng cố ảnh hưởng

Theo lời cựu quan chức chính phủ Palau, Bắc Kinh đang nỗ lực củng cố ảnh hưởng trong khu vực trước khi thỏa thuận tài trợ của chính phủ Mỹ dành cho các nước Liên bang Micronesia, Quần đảo Marshall và Palau kết thúc vào năm 2023 và 2024.

Theo thỏa thuận trên, Mỹ có nghĩa vụ chu cấp cho các nước này 200 triệu USD mỗi năm, và phải chịu trách nhiệm bảo vệ 3 quốc gia này.

Tháng 12 năm ngoái, Mỹ đã chấp nhận viện trợ 124 triệu USD cho Palau tới năm 2024, tuy nhiên tới nay Washington vẫn chưa công bố kế hoạch kéo dài thỏa thuận trên.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ trả lời Reuters:

"Mỹ và Trung Quốc không phải là hai đối thủ trong trò chơi một mất, một còn. Tuy nhiên, chúng tôi có những mối quan ngại riêng về những rủi ro bất ổn của các khoản nợ tại các nước vốn đang nợ rất nhiều của Trung Quốc, cùng với đó là các điều kiện về môi trường, xã hội, hay điều kiện lao động thường đi cùng các dự án do Trung Quốc cấp vốn".

Một bản báo cáo vừa được công bố hồi tháng 6 vừa qua của Ủy ban Thẩm định Kinh tế và chứng khoán Mỹ-Trung cho biết việc Bắc Kinh tăng cường ảnh hưởng về kinh tế tại khu vực Thái Bình Dương là để phục vụ cho các ưu tiên về ngoại giao và chiến lược của họ.

Theo báo cáo trên, những ưu tiên của Trung Quốc gồm giảm thiểu sự hiện diện của Đài Loan trên trường quốc tế, tiếp cận với nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên, và phát triển lực lực lượng hải quân.

Ngoài ra, theo cựu quan chức chính phủ Micronesia, Bắc Kinh còn muốn mở rộng quy mô của dự án Vành đai và Con đường tới Palau, và còn có thể cho quốc đảo Palau vay một khoản lớn khi thỏa thuận được kí với Mỹ hết hạn.

Trung Quốc cấm người dân đến Paula du lịch sau khi quốc đảo này lên tiếng ủng hộ Đài Loan - ảnh 3

Một khách sạn ế khách ở Palau. Ảnh Reuters.

Cựu Tổng thống Palau Johnson Toribiong cho rằng quốc đảo này không nên tự cô lập mình, mà nên hoan nghênh các nhà đầu tư Trung Quốc.

"Tôi thích Đài Loan. Nhưng hiện nay nhiều người trên đảo đó cũng muốn Trung Quốc. Nhất là các doanh nhân, họ lại càng muốn Trung Quốc hơn. Họ không quan tâm về hậu quả chính trị, mà chỉ nghĩ về lợi ích kinh tế", ông Toribiong nói.

Mỗi năm Palau nhận được 10 triệu USD từ Đài Loan, cùng với đó là các học bổng cho ngành y khoa và giáo dục.

Theo Tổng thống Remengesau, giữa Palau và Trung Quốc chưa từng có đối thoại cấp cao về vấn đề hỗ trợ sau khi thỏa thuận với Mỹ kết thúc, tuy nhiên chính phủ nước này đang tiến hành thảo luận nội bộ.

Trung Quốc 'hãm phanh'

Trung Quốc đã nhanh chóng trở thành một trong những quốc gia có ảnh hưởng lớn về kinh tế tại Thái Bình Dương khi mạnh tay chi hàng tỉ USD trong thương mại, đầu tư, viện trợ và du lịch trong khu vực này.

Tổng giá trị trao đổi hàng hóa giữa Trung Quốc và các quốc đảo Thái Bình Dương đã lên đến 8,2 tỉ USD trong năm 2017, trong khi đó giao thương với Mỹ chỉ vỏn vẹn 1,6 tỉ USD. Số tiền Trung Quốc cho các nước này vay theo diện ưu đãi cũng tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Trong khi đó, những nỗ lực tăng cường ảnh hưởng của Washington tại Palau gần như chỉ ở mức bề mặt.

Tuy nhiên, gần đây các hoạt động của Trung Quốc cũng đã có những dấu hiệu bị 'hãm phanh' rõ rệt. Nhiều dự án khách sạn dự kiến sẽ cho các nhà đầu tư Trung Quốc thuê trong vòng 99 năm, nhưng họ thậm chí còn chưa khởi công xây dựng. Nhiều khu đất dự án còn đang bị bỏ hoang.

Theo ông Jackson M. Henry, cựu đại diện của Palau tại Đài Loan, quốc đảo nhỏ này muốn thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với cả Đài Bắc và Đại Lục.

Hiện nay Palau đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan khi phải chọn giữa kinh tế và quan hệ ngoại giao. Còn theo ông Henry, Trung Quốc "đang mong chờ thế hệ lãnh đạo mới của Palau để cải thiện quan hệ giữa đôi bên".

Tags:
Tranh của họa sĩ gốc Việt được đánh giá cao tại Mỹ

Tranh của họa sĩ gốc Việt được đánh giá cao tại Mỹ

Nữ họa sĩ gốc Việt Lara Nguyen vừa hoàn thành một bức bích họa với chiều rộng hơn 7 m và chiều dài trên 32 m.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất