Trung Quốc cảnh báo Mỹ 'bất ổn nếu chia tách'
Trung Quốc (TQ) cảnh báo về bất ổn nếu xảy ra “chia tách” giữa Bắc Kinh và Washington, sau khi có tin đồn Mỹ cân nhắc việc loại bỏ doanh nghiệp TQ ra khỏi thị trường chứng khoán Mỹ.
06:00 01/10/2019
Hôm 27/9, ba nguồn tin nội bộ cho biết, chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc về bước đi này. Nếu được thực hiện, đây sẽ là một động thái gây gia tăng căng thẳng đặc biệt nghiêm trọng trong thương chiến Mỹ - Trung.
Việc này sẽ nằm trong một nỗ lực rộng hơn nhằm giới hạn nguồn đầu tư của Mỹ vào các công ty TQ, hai nguồn tin cho biết. Một người khác thì cho hay, động lực cho sự cân nhắc này xuất phát từ những lo ngại an ninh ngày càng gia tăng từ hoạt động của các công ty TQ ở Mỹ.
Phát Ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Cảnh Sảng cho biết, ông đã có lưu ý về tin đồn này từ Washington và cả phản hồi của Bộ Tài chính Mỹ, nói rằng không có kế hoạch chặn giao dịch chứng khoán của các công ty TQ “tại thời điểm này”.
Theo ông, quan hệ hợp tác thương mại, tài chính giữa Mỹ và TQ có lợi cho cả đôi bên.
“Việc gây áp lực tối đa và thậm chí là ép buộc chia tách các mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ gây tổn hại đến lợi ích của các doanh nghiệp và người dân TQ và Mỹ, làm đảo lộn các thị trường tài chính và gây rủi ro cho tăng trưởng thương mại và kinh tế toàn cầu”, ông nói thêm.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ bày tỏ hi vọng Mỹ sẽ làm việc cùng TQ để làm sâu đậm thêm các mối quan hệ hợp tác kinh tế và tài chính, và rằng Mỹ sẽ có một “thái độ mang tính xây dựng” đối với việc giải quyết các bất đồng.
Hai nền kinh tế hàng đầu thế giới được dự kiến sẽ tái khởi động đàm phán cấp cao vào tuần sau tại Washington, nhằm tìm ra lời giải cho cuộc thương chiến khốc liệt đang ngày càng kéo dài.
TQ hi vọng Bắc Kinh và Washington sẽ giải quyết xung đột thương mại giữa hai nước “với một thái độ bình tĩnh và chừng mực”, Thứ trưởng Thương mại Vương Thụ Văn, thành viên đoàn đàm phán Trung Quốc cho biết hôm 29/9.
Nguồn: VietNamNet
"Gấp 40 lần": Đặt cược lớn, Trung Quốc "soán ngôi" Mỹ tại vùng đất đặc biệt giàu tiềm năng
Từ những năm 1990, Bắc Kinh đã để mắt tới châu Phi và khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư nhiều hơn ra nước ngoài.