Trung Quốc đưa Venezuela đến bờ vực khủng hoảng như thế nào?
Cuối tháng 1/2019, Venezuela đang như nồi dầu sôi, xung đột dường như có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Một bên là tân Tổng thống tự xưng Juan Guaido được đông đảo thường dân ủng hộ, cùng với sự trợ giúp của Mỹ, Canada và ngày càng nhiều các quốc gia phương Tây. Một bên là Tổng thống chính phủ hiện tại Nicolas Maduro được quân đội, Nga và Trung Quốc hậu thuẫn. Từ một nước từng giàu nhất Nam Mỹ với trữ lượng tài nguyên khổng lồ, những phi vụ làm ăn mờ ám với Trung Quốc đã góp phần lớn khiến quốc gia này lâm vào bờ vực sụp đổ.
07:00 03/02/2019
Trước khi Chavez lên nắm quyền, Venezuela đã là trùm bán dầu mỏ cho Châu Á. Năm 1996, nước này bán được hơn 1 tỷ USD nhờ vào điều này, với nước nhập lớn nhất là Nhật Bản. Trong khi đó, ông Chavez đã dẫn đầu làn sóng chỉ trích chính sách bán tài nguyên ra nước ngoài cho các thế lực đế quốc của chính quyền đương nhiệm. Tuy nhiên sau khi chiến thắng bầu cử năm 1998, chính Chavez lại tăng cường hợp tác với Trung Quốc bởi tìm thấy điểm chung trong ý thức hiện hiếm có. Tập đoàn dầu mỏ Trung Quốc NPCC tìm cách đàm phán để có quyền khai thác tại Venezuela.
Tháng 4/2001, Giang Trạch Dân đích thân với Venezuela để thúc đẩy ký hợp đồng hợp tác, mở ra thời kỳ quan hệ mật thiết cũng như khởi đầu ngọt ngào cho quá trình sụp đổ cay đắng của đất nước Nam Mỹ này.
Năm 2004 Bắc Kinh và Caracas ký thỏa thuận cho phép mỗi bên đầu tư tại quốc gia đối tác, mà không phải nộp thuế, Caracas cũng dành cho Bắc Kinh nhiều chế độ ưu đãi về thuế nhập khẩu, hơn hẳn với Hoa Kỳ.
Trung Quốc đến thời điểm này đã coi Venezuela là cánh cửa mở vào Nam Mỹ. Năm 2005, Trung Quốc đầu tư một tỉ USD vào quốc gia này. Lúc này, đã có khoảng 20 doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động tại Venezuela trong đủ các lĩnh vực, từ khai thác dầu mỏ, khoáng sản, đến xây dựng đường sắt, các hạ tầng giao thông khác, viễn thông, năng lượng, nông nghiệp, sản xuất dụng cụ điện tử gia dụng…
Năm 2005, tổng thống Venezuela Chavez đình chỉ quan hệ hợp tác lịch sử về quân sự với Hoa Kỳ, xích lại gần Trung Quốc hơn. Năm 2007, Quỹ chung Trung Quốc – Venezuela thành lập, thương mại 2 bên tăng cường, tổng giá trị vượt quá 4 tỷ USD. Nhưng từ lúc này, Venezuela trở thành con nợ lớn nhất Trung Quốc tại Mỹ Latinh với số nợ đã lên tới 5 tỷ USD.
Các nhà quan sát nhìn nhận, dòng tín dụng dễ dãi của Trung Quốc đã tạo ra một tầng lớp quan chức tham nhũng khổng lồ, chỉ biết bán tài nguyên quốc gia cho Trung Quốc mà không cần nghĩ đến phải thay đổi chính sách để phát triển kinh tế bền vững, nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng không lối thoát của nền kinh tế Venezuela hiện tại. Trong khi giá dầu còn cao, những khoản đầu tư của kếch xù của Trung Quốc tạo ra ảo tưởng du ngủ tầng lớp dân nghèo. Còn trong khi giá dầu sụt giảm và nền kinh tế trải qua thảm họa, nguồn tiền này đã chèo chống cho chế độ Maduro.
Thực tế cho thấy, khi mà cuộc khủng hoảng kinh tế Venezuela càng tồi tệ thì sự lệ thuộc vào Trung Quốc của quốc gia này càng tăng. Trung Quốc không công bố số tiền cho vay với các dự án cụ thể nào, cũng như điều kiện cấp tín dụng, một điều được cho là nhằm mua chuộc và khuyến khích giới quan chức tham nhũng.
Theo một số nhà quan sát, Trung Quốc đã cho Venezuela vay 60 tỷ USD, chiếm khoảng 40% tổng tín dụng của nước này cho các nước Mỹ Latinh. Nhìn chung, Trung Quốc dành đến 90% đầu tư trực tiếp tại châu Mỹ Latinh cho các hoạt động khai thác khoáng sản, số tiền đầu tư phát triển rất ít, tức chỉ mang tính mị dân.
Một trong những ví dụ đó là tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của Mỹ Latinh trị giá 7,5 tỷ USD tại Venezuela được trao cho công ty Trung Quốc China Railway đã hoàn toàn đổ bể. Tập đoàn này âm thầm rút khỏi Venezuela năm 2015 trong bối cảnh nước này sắp vỡ nợ, và để lại khoản nợ 400 triệu USD cho chính phủ Maduro.
Huawei, tập đoàn viễn thông Trung Quốc đang gặp rắc rối tại Mỹ và phương Tây cũng đặt chân lên Venezuela. Năm 2010, tập đoàn này đóng góp 35% vốn cho công ty điện tử viễn thông Orinoquia của Venezuela, tuy nhiên các dự án được hứa hẹn cũng đổ bể giống như dự án đường sắt. Chính phủ Maduro gần đây sử dụng các thiết bị của Huawei để giám sát và trừng phạt phe đối lập và người biểu tình.
Trong lúc nền kinh tế chỉ huy của Venezuela không tạo ra được một ngành sản xuất nội địa nào ra hồn, thì hàng nhập khẩu Trung Quốc tràn ngập thị trường. Năm 1998, trước khi Chavez nắm quyền, chỉ có 0,18% hàng nhập khẩu là của Trung Quốc. Sau 14 năm, tỷ lệ này là gần 40%.
Từ năm 2007 đến năm 2014, Trung Quốc cho Venezuela vay 63 tỷ USD – 53% tất cả các khoản vay mà Bắc Kinh dành cho khu vực Mỹ Latinh trong giai đoạn này. Sự hào phóng đi kèm theo một cái bẫy; để đảm bảo việc trả nợ, Bắc Kinh khăng khăng đòi trả bằng dầu hỏa. Hầu hết các khoản vay được thỏa thuận khi giá dầu ở mức hơn 100 USD/thùng, như đã từng xảy ra trong giai đoạn 2007 – 2014, và dường như cả hai bên đều được lợi. Tuy nhiên, tháng 1 năm 2016, giá dầu giảm xuống còn 30 USD/thùng, làm cho khoản nợ của Venezuela trở thành quá lớn. Để trả nợ cho Bắc Kinh, nếu theo thỏa thuận trước đây, Venezuela phải chuyển một thùng thì nay phải trả hai thùng.
Sau Hugo Chavez qua đời năm 2013, Trung Quốc đã gia tăng nỗ lực biến Venezuela thành một chư hầu, thúc đẩy Caracas tăng cường khai thác tài nguyên để trả nợ.
Trong bối cảnh giá dầu sụt giảm mạnh, tổng thống Maduro đã bí mật đàm phán với Trung Quốc và một số nước khác nhằm khai thác trên quy mô lớn nhiều loại khoáng sản quý hiếm, như vàng, coltan, boxit, kim cương, titan, nikel… tại vùng “Vòng cung mỏ Orinoco”, với tổng diện tích 112.000 km² (tương đương 12% diện tích Venezuela).
Năm 2016, Trung Quốc ký được hợp đồng khai thác quặng coltan, thứ kim loại cần cho linh kiện điện thoại di động. Vòng cung mỏ Orinoco chính thức được coi là một “đặc khu kinh tế”, mở rộng cho các tập đoàn Trung Quốc và nhiều tập đoàn đa quốc gia khác. Đây là nơi các điều kiện kinh doanh hết sức dễ dãi, các tiêu chuẩn về lao động, môi trường gần như bị bỏ qua, chưa kể đến vấn đề môi trường sống của rất nhiều cộng đồng sắc tộc sống lâu đời bị đe dọa nghiêm trọng.
Tháng 9/2018, Bắc Kinh tiếp tục bỏ thêm 5 tỷ đô la, để mua lại 10% cổ phần của tập đoàn dầu khí Venezuela (PDVSA). Trung Quốc cũng đạt được thỏa thuận với chính quyền Maduro để công ty Yankuang Group khai thác vàng tại khu vực Vòng cung Orinoco nói trên.
Mặc dù chế độ Maduro đang khủng hoảng trầm trọng, Bắc Kinh chắc chắn sẽ không từ bỏ vùng đất màu mỡ Nam Mỹ này. Một mặt để bảo vệ số tiền khổng lồ đã đầu tư ở đây, một mặt muốn giữ đặc quyền khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào. Một khi đã đứng chân được tại Venezuela, thì bằng cách này hay cách khác, Trung Quốc tìm mọi cách ở lại. Kể từ những năm 2015, 2016, Bắc Kinh bắt đầu tiếp xúc với phe đối lập Venezuela, để chuẩn bị phương án mới, đề phòng thay đổi chế độ. Hơn nữa, theo một số nhà nghiên cứu, việc Venezuela thay đổi chế độ sẽ không cản trở Trung Quốc tiếp tục mô hình dùng tiền bạc mua chuộc giới chóp bu để thao túng mà họ đã quen sử dụng trên khắp thế giới, kể cả các quốc gia tiên tiến như Úc và Canada.
Trọng Đức
Tình báo Mỹ nói Trung Quốc sắp biên chế pháo hạm mạnh nhất thế giới
Tình báo Mỹ khẳng định pháo điện từ Trung Quốc có tầm bắn gần 200 km và đã được thử trên tàu chiến, điều chưa nước nào làm được.