Trung Quốc gánh sức ép nặng nề khi các nước liên tục điều tàu chiến đến Biển Đông

Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng khi các cường quốc dồn dập cử tàu chiến đến biển Đông để thách thức hành vi tuyên bố chủ quyền phi pháp của nước này.

22:00 03/10/2018

Hành vi tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên biển Đông đang khiến quốc gia này phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng. Khi mà Mỹ và các nước đồng minh liên tục điều tàu chiến và máy bay đến vùng biển tranh chấp với mục đích duy trì tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.

Các hoạt động quân sự trong vùng biển tranh chấp không những đã tạo thêm ma sát giữa quân đội Trung Quốc với Hoa Kỳ, mà còn giữa Trung Quốc với Anh và Nhật Bản.

Trong động thái mới nhất, Mỹ ngày 30/9 đã điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Decatur đi qua vùng biển ngoài khơi quần đảo Trường Sa, thực hiện chiến dịch tuần tra kéo dài 10 giờ đồng hồ ở khu vực 12 hải lý gần các bãi Đá Gaven và Đá Gạc Ma, một nỗ lực duy trì tự do hàng hải trong khu vực.

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Decatur của Mỹ (Ảnh: AFP)

Phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ Charles Brown cho biết tàu khu trục Luyang của Trung Quốc đã áp sát tàu USS Decatur, một hành vi “không an toàn” và “thiếu chuyên nghiệp”. Tàu Trung Quốc đã áp sát ngay trước mũi tàu Mỹ ở khoảng cách chỉ hơn 40m và yêu cầu tàu Mỹ rời đi.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc ngày 1/10 cáo buộc Mỹ liên tục điều các tàu quân sự tiến gần các đảo ở Biển Đông mà không được cho phép, đe dọa nghiêm trọng chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, làm tổn hại mối quan hệ song phương cũng như hòa bình và ổn định khu vực.

Đáp lại, giới chức Mỹ tuyên bố các tàu và máy bay của nước này có quyền hoạt động tự do ở bất kỳ nơi nào luật quốc tế cho phép.

Sự việc xảy ra trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa hai nước leo thang khi Mỹ và Trung Quốc liên tục áp thuế trả đũa đối với hàng nhập khẩu của nhau.Căng thẳng sục sôi đã khiến Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis từ bỏ kế hoạch thăm Trung Quốc cuối tháng 10, theo truyền thông Mỹ.

Giới phân tích nhận định, sự gia tăng hiện diện của Mỹ trên Biển Đông là một dấu hiệu cho thấy cuộc chiến thương mại đã lan sang lĩnh vực an ninh, và rằng các hoạt động gần đây ở Biển Đông cho thấy đồng minh của Mỹ cũng đang có khuynh hướng muốn can thiệp vào vấn đề này.

Sau cuộc tuần tra của tàu chiến Mỹ, Bắc Kinh đã hủy bỏ các cuộc đàm phán an ninh dự kiến diễn ra trong tháng Mười giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa.

Không chỉ Mỹ, nhiều nước khác cũng đang gia tăng hiện diện quân sự trên Biển Đông. Tuần trước, tàu khu trục nhỏ của Anh, HMS Argyll đã tham gia tập trận hải quân với tàu chiến Nhật Bản, tàu sân bay trực thăng Kaga và tàu khu trục Inazuma trên biển Ấn Độ Dương trước khi đi qua Biển Đông.

Tàu khu trục nhỏ của Anh, HMS Argyll dẫn đầu, tàu khu trục Inazuma và tàu sân bay trực thăng Kaga của Nhật Bản tập trận trên Ấn Độ Dương hôm 26/9 trước khi đi qua Biển Đông. (Ảnh: Reuters)

Trung Quốc đã phải gửi một tàu chiến và máy bay trực thăng để đối phó với sự hiện diện của Anh. Bên cạnh đó, một tàu ngầm Nhật Bản cũng thực hiện một chuyến dừng chân kéo dài 5 ngày tại Việt Nam, nhằm thắt chặt quan hệ ngoại giao trong khu vực. 

Trung Quốc tỏ ra đặc biệt nhạy cảm đối với các hoạt động của Mỹ trong khu vực, đặc biệt là khi Mỹ điều tàu tiếp cận các khu vực mà Trung Quốc đã thiết lập các cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo trên các khu vực tranh chấp. Bắc Kinh đã tuyên bố phi pháp chủ quyền chồng chéo với Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Đài Loan tại Biển Đông.

Đông Nam Á và thách thức cân bằng lợi ích

“Không chỉ sự hiện diện của Mỹ là đáng lưu tâm trong những ngày này. Chúng ta có thể nhận thấy rằng các cường quốc khác cũng đang đẩy mạnh sự hiện diện quân sự ở Biển Đông”, Collin Koh, một chuyên gia về an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang tại Singapore cho biết. “Tôi cho rằng đủ để nói, ít nhất là một số, nếu không phải tất cả các nước Đông Nam Á đang bị kẹp ở giữa [trong cuộc xung đột này].”

Các nước Đông Nam Á đang cố gắng để cân bằng quan hệ của họ với cả Trung Quốc và Mỹ. Theo ông Koh, các nước Đông Nam Á đang nỗ lực để có thể tăng cường quan hệ kinh tế với Bắc Kinh nhưng vẫn duy trì cam kết về an ninh với Washington.

Các nhà lãnh đạo ASEAN chụp ảnh nhóm trước lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 32 tại Singapore, ngày 28 tháng 4 năm 2018. (Ảnh: Reuters)

Adam Ni, một nhà nghiên cứu về chính sách đối ngoại và an ninh của Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Úc, cho biết sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc ở châu Á có thể đưa các quốc gia Đông Nam Á vào tình thế phải chọn một trong hai bên.

“Đối với các nước Đông Nam Á, một tư thế hiện diện mạnh mẽ của Mỹ ở châu Á nhằm cân bằng tham vọng bành trướng của Trung Quốc được xem là tích cực cho sự ổn định và lợi ích của họ”, ông nói. .

Tuy nhiên, việc này cũng gia tăng nguy cơ về một cuộc chiến tranh lạnh mới ở châu Á giữa Mỹ và Trung Quốc. Đây là một viễn cảnh không được mong đợi đối với một khu vực phụ thuộc nhiều vào kết nối và dòng chảy tự do của hàng hóa, ý tưởng và con người, Ni nói.

Ông Wu Shicun, giám đốc Viện Quốc gia Trung Quốc về Nghiên cứu Biển Đông, cho các động thái tuyên bố chủ quyền ngày càng trắng trợn của Trung Quốc trên Biển Đông đã tạo áp lực để Hoa Kỳ và các nước đồng minh như Nhật Bản và Anh, thậm chí Úc, thực hiện các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực, ông nói, Mỹ sẽ không rời khỏi Biển Đông và vẫn giữ vai trò là một nhân tố trọng yếu trong khu vực này.

Minh Hạnh

Tags:
Huntington Beach: 5 chiếc xe cháy một cách bí ẩn

Huntington Beach: 5 chiếc xe cháy một cách bí ẩn

Năm chiếc xe bị đốt cháy một cách bí ẩn ở Huntington Beach vào sáng sớm Thứ Hai, 1 Tháng Mười.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất