Trung Quốc sẵn sàng "hy sinh" 300 triệu người để bảo toàn nền kinh tế trong cuộc chiến với Mỹ
Cuộc chiến thương mại ít khả năng thay đổi mô hình kinh tế Trung Quốc nhưng có thể khiến Bắc Kinh củng cố kiểm soát Nhà nước. Kết quả là, tầng lớp trung lưu sẽ phải "chịu trận".
05:30 12/09/2018
Bài viết thể hiện quan điểm của nhà nghiên cứu Zhang Lin, Viện kinh tế Unirule tại Bắc Kinh, đăng trên tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (South China Morning Post).
Lợi ích của tầng lớp trung lưu đang lên, những người ủng hộ thị trường tự do sẽ phải chịu "sứt mẻ" để giữ an toàn cho nền kinh tế Trung Quốc.
Nếu cuộc chiến thương mại là một cuộc đua xem bên nào có thể "nằm gai nếm mật" lâu hơn, Trung Quốc có ít nhất một lợi thế quan trọng.
Như các phương tiện truyền thông vẫn tuyên truyền, Trung Quốc có thể thắng Mỹ trong cuộc chiến thương mại bởi người dân nước này "sẵn sàng chịu khổ để chia sẻ khó khăn với đất nước". Nhưng tầng lớp trung lưu của Trung Quốc, ước lượng từ 100 - 300 triệu người, chủ yếu là giới công chức cổ cồn trắng và chủ doanh nghiệp tư nhân, có thể suy nghĩ khác.
Họ sở hữu các tài sản tư, vì thế, họ coi trọng quyền sở hữu tư nhân và nền kinh tế thị trường; họ thường là fan của iPhone, Google và Hollywood, yêu thích lối sống phương Tây; họ thường xuyên phàn nàn tình trạng ô nhiễm không khí và mất điểm của thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Tầng lớp trung lưu Trung Quốc yêu thích lối sống phương Tây, là fan của Iphone... (Ảnh: SCMP)
Sự ủng hộ của họ với thị trường tự do và chủ nghĩa cá nhân gần gũi với những giá trị cơ bản của Mỹ hơn là chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa dân tộc theo tuyên truyền của nhà chức trách Trung Quốc, nơi vẫn luôn kêu gọi người dân hạn chế lợi ích cá nhân vì quyền lợi của đất nước.
Thực tế, nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu Trung Quốc thậm chí ủng hộ cuộc chiến thương mại như một áp lực cần thiết từ bên ngoài với Bắc Kinh để thay đổi việc can thiệp quá sâu vào nền kinh tế.
Đối với chính phủ Trung Quốc, kiểm soát nhà nước chặt chẽ hơn về thông tin, tài sản và các hoạt động kinh tế sẽ giúp Bắc Kinh quản lý các tác động từ cuộc chiến thương mại, trong khi cách tiếp cận khó khăn cũng có thể giúp ngăn chặn các khiếu nại ở nhà.
Bên cạnh đó, hạn chế khu vực tư nhân để khối kinh tế nhà nước có thêm "hỏa lực" đẩy mạnh chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước - là một chiến lược để cân bằng tác động từ cuộc chiến tranh thương mại.
Trung Quốc phản ứng với cuộc chiến thương mại bằng cách mở rộng vai trò của nhà nước trong nền kinh tế.
Theo quan điểm của Bắc Kinh, lợi ích của tầng lớp trung lưu Trung Quốc, chắc chắn không phải là một ưu tiên.
Mục đích quan trọng nhất là bảo vệ mô hình chính trị của Trung Quốc và nền kinh tế do nhà nước kiểm soát. Cuộc chiến thương mại đang thúc đẩy Bắc Kinh "hy sinh" tầng lớp trung lưu để trở thành một quốc gia bảo thủ hơn.
Nguyên nhân khiến Trung Quốc trở thành cường quốc về hàng giả, hàng nhái
Cơ quan Cảnh sát Châu Âu (Europol) mới đây công bố một báo cáo cho biết Trung Quốc ngày càng nổi lên là một trung tâm sản xuất hàng nhái, hàng giả lớn nhất để bán ra toàn thế giới, làm phức tạp thêm cho cuộc chiến chống lại những kẻ làm hàng giả ngày càng tinh vi.