Trung Quốc thảo luận về "lựa chọn hạt nhân" đáp trả Mỹ, trong nước phản đối vì vô đạo đức

Các cố vấn chính phủ ở Bắc Kinh đã bắt đầu cuộc tranh luận về một lựa chọn được gọi là "lựa chọn hạt nhân": cắt đường tiếp cận của Mỹ đến nguồn cung dược phẩm.

01:30 13/09/2020

Vấp phải phản đối vì "vô đạo đức"

Trong những tuần gần đây, khi Mỹ đã tăng cường cuộc tấn công vào các công ty công nghệ Trung Quốc và nguy cơ phân tách trong lĩnh vực tài chính tăng cao, các cố vấn chính phủ ở Bắc Kinh đã bắt đầu cuộc tranh luận về một lựa chọn được gọi là lựa chọn hạt nhân: cắt đường tiếp cận của Mỹ đến dược phẩm.

Từ thuốc giảm đau đến điều trị HIV, Mỹ đang phụ thuộc nghiêm trọng vào nguồn dược phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, do chiến lược sản xuất ở nước ngoài quy mô lớn trong những năm 1990.

Ý tưởng được đưa ra bởi Li Daokui, một cố vấn chính phủ và học giả nổi bật, người đã trả lời truyền thông địa phương rằng, hạn chế đường tiếp cận dược phẩm có thể là biện pháp đáp trả hợp pháp.

Trả lời SCMP, Li nói rằng, ông đang làm rõ thực tế, Mỹ và Trung Quốc đang phụ thuộc lẫn nhau và việc tách rời 2 quốc gia là không thể. 

Tuy nhiên, các chuyên gia khác cho rằng, ý tưởng này không chỉ vô đạo dức mà còn có thể gây ra tác dụng ngược.

"Gợi ý này không hợp lý. Nó sẽ không thể giúp Trung Quốc trả đũa Mỹ, cũng không thể ngăn chặn nỗ lực chặn đứng các công ty công nghệ cao của Trung Quốc", Shi Yinhong, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đai học Nhân dân Trung Quốc và cố vấn Hội đồng nhà nước nói.

An ninh chuỗi cung ứng dược phẩm đã nổi lên như là chủ đề chính trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới, với cả Trump và Biden đều cam kết sẽ giải quyết vấn đề này sau khi đại dịch coronavirus làm lộ ra các lỗ hổng trong ngành dược phẩm và thiết bị y tế của quốc gia này.

Trong khi các hãng dược phẩm của Mỹ vẫn duy trì các cơ sở nghiên cứu ở trong nước, thì việc sản xuất hàng loạt các loại thuốc gốc giá rẻ đã được đưa ra nước ngoài.

Nhiều thành phần chính của thuốc kháng sinh không còn được sản xuất trong nước, với nhà sản xuất nguyên liệu penicillin cuối cùng có trụ sở tại Mỹ đã đóng cửa vào năm 2004.

Năm ngoái, khoảng 40% lượng thuốc kháng sinh nhập khẩu vào Mỹ đến từ Trung Quốc, bao gồm 90% chloramphenicol, 93% tetracycline và 52% penicillin, theo số liệu của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ.

Theo Zhang Weiwei, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Fudan, phụ thuộc vào Trung Quốc trong việc cung cấp một số loại thuốc cơ bản là một lỗ hổng đối với Mỹ và là lợi thế cho Bắc Kinh.

Trung Quốc là nhà sản xuất dược phẩm hoạt tính (API) lớn nhất thế giới, các thành phần tiền chất được sử dụng trong các loại thuốc gốc. Hơn 11.000 nhà sản xuất cung cấp dược phẩm, trong đó Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản là 3 thị trường xuất khẩu hàng đầu.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) không có thông tin cụ thể về khối lượng API được sản xuất tại Trung Quốc. Nhưng trong một lá thư gửi tới FDA vào tháng 8 năm ngoái, Chủ tịch ủy ban tài chính Thượng viện Chuck Grassley ước tính khoảng 80% trong số những loại được sử dụng ở Mỹ được sản xuất ở Trung Quốc và Ấn Độ.

Năm ngoái, Trung Quốc đã xuất khẩu 9,8 tỷ USD vật tư y tế và 7,4 tỷ USD hóa chất hữu cơ, bao gồm các thành phần dược phẩm hoạt tính và kháng sinh, sang Mỹ, theo dữ liệu từ Hải quan Trung Quốc.

Công ty dược Trung Quốc cũng "chết"

Ông Shi Yinhong, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đai học Nhân dân Trung Quốc cho biết, nếu áp dụng phương án hạt nhân là giữ lại nguồn cung cấp thuốc, Mỹ sẽ gần như không thể tiếp tục sản xuất hoặc tìm nguồn cung cấp thay thế trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng các công ty Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng vì nhiều công ty phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sang Mỹ và các công ty này "sẽ chết" nếu họ mất khách hàng Mỹ.

Shi nói: "Nếu Trung Quốc cắt nguồn cung cấp dược phẩm, điều đó sẽ khiến Mỹ thêm phẫn nộ. Nếu cả hai quốc gia chọn cách tiếp cận ăn miếng trả miếng, Mỹ sẽ luôn có nhiều quân bài hơn Trung Quốc".

Zhao Daojiong, giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Bắc Kinh, cho biết bất kỳ sự hạn chế nào đối với xuất khẩu y tế gần như chắc chắn sẽ dẫn đến việc các công ty dược phẩm nước ngoài giảm mạnh hoặc chuyển hoàn toàn sản xuất khỏi Trung Quốc.

Mỹ từ lâu đã nhận thức được sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc đối với thuốc men và năm ngoái, Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung đã đánh dấu đây là một "rủi ro an ninh".

Vấn đề đã được nêu rõ vào tháng Hai khi các nhà máy ở Trung Quốc đóng cửa do đại dịch coronavirus.

Rachna Shah, phó giáo sư về chuỗi cung ứng tại Đại học Minnesota, cho biết các công ty Mỹ thuê ngoài sản xuất API vì 2 lý do chính: nguyên liệu rẻ hơn và các quy định về môi trường ít nghiêm ngặt hơn.

Bà nói: "Nếu Trung Quốc sử dụng lựa chọn hạt nhân, thì tôi nghĩ [chính phủ Mỹ] có thể đưa ngành sản xuất dược phẩm trở lại trong nước. Sẽ mất một thời gian, nhưng về lâu dài, chúng tôi sẽ ổn vì Mỹ có vốn và khả năng R&D".

Bà cũn cho rằng, Mỹ phải phát triển các khả năng thay thế nếu họ thực sự muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Link nguồn: http://toquoc.vn/trung-quoc-thao-luan-ve-lua-chon-hat-nhan-dap-tra-my-trong-nuoc-phan-doi-vi-vo-dao-duc-8202011910225521.htm

Tags:
Trung Quốc 'tung đòn' nhằm vào giới ngoại giao Mỹ

Trung Quốc "tung đòn" nhằm vào giới ngoại giao Mỹ

Trung Quốc tuyên bố áp lệnh hạn chế đối với các nhân viên làm việc tại đại sứ quán Mỹ ở đại lục và Hong Kong nhằm đáp trả động thái tương tự trước đó của Washington.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất