Trung Quốc thu mình với thế giới

Trung Quốc tạo ra một bong bóng bảo vệ 1,4 tỷ dân trước Covid-19, chấp nhận đóng cửa với phần còn lại của thế giới gần hai năm qua.

21:00 17/11/2021

Trung Quốc đã kiểm soát làn sóng dịch đầu tiên ở Vũ Hán bằng cách phong tỏa thành phố hơn 10 triệu dân suốt nhiều tháng và dừng dịch vụ giao thông công cộng ở tâm dịch. Sau hơn hai tháng, Trung Quốc tuyên bố "đánh bại virus" và Vũ Hán hồi sinh mạnh mẽ, trong khi dịch bùng lên ở các nơi khác trên thế giới.

Kể từ đó, Bắc Kinh theo đuổi chiến lược "không Covid" để dập tắt các đợt bùng phát. Phong tỏa nhanh, truy vết tiếp xúc, cách ly hàng nghìn người và xét nghiệm hàng triệu người là cách Trung Quốc đối phó với đại dịch trong gần hai năm qua.

Đi trước bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng trở lại và cuộc sống từng bước được bình thường hóa trong "bong bóng" được tạo ra để bảo vệ 1,4 tỷ dân trước đại dịch, vốn đã khiến hơn 254 triệu người nhiễm và hơn 5,1 triệu người chết trên toàn cầu.

Chính phủ Trung Quốc ca ngợi chiến lược "không Covid" là một thành công lớn và bằng chứng cho sự vượt trội của hệ thống chính trị Trung Quốc so với phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Giờ đây, khi phần lớn các quốc gia trên toàn cầu bắt đầu mở cửa trở lại và học cách sống chung với Covid-19, Trung Quốc vẫn lựa chọn đóng cửa với thế giới và ngày càng trở nên thu mình hơn.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không rời khỏi đất nước trong gần 22 tháng qua. Hoạt động giao lưu giữa người dân Trung Quốc và phần còn lại của thế giới cũng giảm mạnh, khi dòng chảy du lịch, học tập và kinh doanh chững lại.

Giới quan sát cũng nhận thấy sự thay đổi lớn trong tâm lý xã hội Trung Quốc trong "bong bóng" đó. Trong khi lòng tự hào về văn hóa truyền thống và sức mạnh quốc gia ngày càng tăng, nhiều người Trung Quốc dần trở nên nghi ngại, chỉ trích và thậm chí thù địch với phương Tây, cũng như bất kỳ tư tưởng, giá trị hoặc hình thức ảnh hưởng nào liên quan.

Nectar Gan, biên tập viên CNN, nhận định lựa chọn đóng cửa biên giới là "biểu hiện bên ngoài" của tâm lý hướng nội đang diễn ra trên khắp Trung Quốc, từ giới lãnh đạo cấp cao tới người dân bình thường.

Nhân viên y tế kiểm tra kết quả xét nghiệm Covid-19 tại ga đường sắt Tây Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc hồi tháng 9. Ảnh: Reuters.

Nhân viên y tế kiểm tra kết quả xét nghiệm Covid-19 tại ga đường sắt Tây Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc hồi tháng 9. Ảnh: Reuters.

Hiện tại, chính sách "không Covid" của Bắc Kinh vẫn nhận được ủng hộ của đông đảo công chúng, dù một số địa phương đã bắt đầu xuất hiện tâm lý mệt mỏi với cách thức truy vết, cách ly quá quyết liệt. Nhưng giới phân tích tự hỏi bằng cách nào Trung Quốc có thể duy trì sự phát triển bền vững khi đóng cửa với thế giới và liệu có tính toán nào khác đằng sau sự thu mình này hay không.

Trong gần hai năm, hầu hết người Trung Quốc đã không thể đi ra nước ngoài do các hạn chế biên giới nghiêm ngặt của đất nước. Các chuyến bay quốc tế bị hạn chế, trong khi chính quyền ngừng cấp mới hoặc gia hạn hộ chiếu cho tất cả, ngoại trừ những chuyến đi thiết yếu.

Người nước ngoài, từ khách du lịch tới sinh viên, hầu hết bị cấm đến Trung Quốc. Một số ít được phép nhập cảnh, cũng như công dân Trung Quốc từ nước ngoài trở về, phải cách ly tập trung ít nhất 14 ngày và có thể kéo dài tới 28 ngày tùy theo yêu cầu của địa phương. Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu giới chức địa phương xây dựng cơ sở cách ly lâu dài cho người nước ngoài nhập cảnh, như trung tâm 5.000 phòng với tổng diện tích bằng 46 sân bóng đá ở Quảng Châu.

Khi biên giới đóng, ngay cả những lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc cũng hạn chế ra nước ngoài. Không riêng ông Tập, Thủ tướng Lý Khắc Cường và 5 thành viên khác trong Bộ Chính trị được cho là không tiến hành bất kỳ chuyến thăm nước ngoài nào trong đại dịch.

Chuyến công du nước ngoài gần nhất của ông Tập là vào tháng 1/2020, khi ông tới Myanmar hai ngày để thúc đẩy sáng kiến Vành đai và Con đường, chương trình tham vọng để đẩy mạnh cơ sở hạ tầng và thương mại trên khắp châu Á, châu Âu và châu Phi.

Trung Quốc đóng biên ngăn Covid-19 trong bối cảnh quốc gia này ngày càng hướng nội về tư tưởng dưới thời ông Tập. "Về mặt ý thức hệ, Trung Quốc trở nên thu mình hơn so với thời kỳ cải cách và mở cửa những năm 1980-1990. Đây là dấu hiệu về kỷ nguyên mới của ông Tập", Carl Minzner, thành viên cấp cao nghiên cứu về Trung Quốc tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại, nói.

Trong những năm qua, sự hồi sinh của văn hóa truyền thống đã diễn ra trên khắp xã hội Trung Quốc, đặc biệt là trong thế hệ trẻ, những người tự hào về nguồn cội văn hóa dân tộc. Xu hướng này được đảng Cộng sản Trung Quốc khuyến khích và thúc đẩy mạnh mẽ, trong xu hướng mà Minzer gọi là "nỗ lực biến văn hóa truyền thống Trung Quốc thành lá chắn ý thức hệ chống lại giá trị ngoại lai, đặc biệt từ phương Tây".

Kể từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2012, ông Tập đã nỗ lực thúc đẩy xây dựng "lá chắn" này, khiến chủ nghĩa dân tộc gia tăng, cùng với đó là cái nhìn khắt khe hơn với các yếu tố phương Tây, đặc biệt sau đại dịch.

Hồi tháng 6, gần 200 trí thức Trung Quốc từng tham gia chương trình trao đổi do chính phủ Nhật Bản tài trợ đã bị công kích trên mạng xã hội nước nhà và bị coi là "những kẻ phản bội" vì những chuyến đi cách đó nhiều năm.

Vào tháng 7, các nhà báo từ một số hãng tin tức nước ngoài đưa tin về đợt lũ lụt ở phía bắc Trung Quốc đã bị quấy rối trên mạng và tại nơi tác nghiệp.

Đến tháng 8, một chuyên gia bệnh truyền nhiễm Trung Quốc bị gọi là "kẻ phản bội", "người mù quáng tin theo các tư tưởng phương Tây", khi cho rằng Trung Quốc nên học cách sống chung với Covid-19. Một số người thậm chí cáo buộc ông thông đồng với các lực lượng nước ngoài để phá hoại nỗ lực ứng phó đại dịch của đất nước.

Tuy nhiên, Victor Shih, chuyên gia Trung Quốc tại Đại học , San Diego, Mỹ cho rằng nỗ lực chống lại "ảnh hưởng nước ngoài" của Trung Quốc khó có thể thành công, khi nước này cuối cùng cũng phải kết nối lại với thế giới.

Sinh viên tốt nghiệp chụp ảnh chung tại Đại học Harvard ở Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ ngày 26/5/2016. Ảnh: Reuters.

Sinh viên tốt nghiệp chụp ảnh chung tại Đại học Harvard ở Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ ngày 26/5/2016. Ảnh: Reuters.

Bất chấp mối quan hệ của Trung Quốc với Mỹ, Anh, Australia và nhiều nước phương Tây đang xấu đi, lượng lớn sinh viên Trung Quốc vẫn theo đuổi các chương trình du học ở những nước đó.

Khi đại sứ quán và lãnh sự quán Mỹ ở Trung Quốc nối lại cấp thị thực sinh viên cho người Trung Quốc vào tháng 5, đơn đăng ký tràn ngập. Hồi tháng 8, trước khi bắt đầu năm học mới, sân bay quốc tế Phố Đông Thượng Hải chứng kiến nhiều sinh viên và phụ huynh Trung Quốc xếp hàng dài hàng trăm mét ở điểm làm thủ tục.

Lucas Li, kỹ sư phần mềm ở tỉnh Quảng Đông từng làm việc tại , đã gặp rất nhiều khó khăn về đi lại giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian đại dịch. Li nói dù không hoàn toàn đồng tình với chiến lược "không Covid", anh hiểu lý do chính phủ Trung Quốc theo đuổi nó.

Anh cho biết quyết định đóng biên chỉ ảnh hưởng hạn chế tới kinh tế Trung Quốc và người dân hầu như không bận tâm chuyện không có những chuyến du lịch hay trao đổi quốc tế, khi họ luôn có những lựa chọn thay thế trong nước. "Tôi chắc chắn rằng đông đảo dư luận sẽ chọn tiếp tục đóng biên", anh nói.

Nhưng chuyên gia nói rằng Trung Quốc có thể phải trả giá về mặt chính trị khi chọn thu mình với thế giới, trong bối cảnh hình ảnh của quốc gia này trong mắt cộng đồng quốc tế đã suy giảm kể từ khi đại dịch xuất hiện.

"Nếu Trung Quốc muốn thuyết phục thế giới rằng họ là một cường quốc ôn hòa, họ cần phải giao tiếp với thế giới", chuyên gia Shih nói. Nhưng hiện nay, điều đó dường như rất xa vời.

Thanh Tâm (Theo CNN)

Tags:
Lý do sửa nhà, làm nhà hay gặp hạn, điều mà gia chủ nên biết để tránh

Lý do sửa nhà, làm nhà hay gặp hạn, điều mà gia chủ nên biết để tránh

Lâu nay, trong dân gian vẫn tồn tại quan niệm về “hạn làm nhà”. Người ta tin rằng, khi gia đình xây cất nhà mới thì khó có thể tránh khỏi tai ương, nhẹ thì mất của, ốm đau, nặng hơn thì có thể có người mất.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất