Trung Quốc thu thập sinh trắc học toàn dân và toàn thế giới để làm gì?
Tham vọng kiểm soát toàn dân có thể là nguyên nhân khiến ĐCSTQ thu thập sinh trắc học của người dân Trung Quốc. Nhưng khi mũi nhọn của chính quyền này hướng tới người dân thế giới thì người ta phải thật sự đặt câu hỏi: Trung Quốc thu thập sinh trắc học để làm gì?
21:30 08/06/2019
Tháng 9/2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng cho rằng ông ta có ba vũ khí chủ lực: Quân đội Giải phóng Nhân dân, bộ máy tuyên truyền và Mặt trận Thống nhất. Tuy nhiên chuyên gia Steven W. Moshe, Chủ tịch viện Nghiên cứu Dân số có trụ sở tại Mỹ cho rằng, vũ khí thứ tư mà ông Tập không đả động tới chính là sinh trắc học toàn dân. Ngày 7/11/2017, chương trình thu thập sinh trắc học của Trung Quốc bắt đầu, và tập trung vào thu thập mẫu DNA của hàng triệu người đàn ông. Các quan chức địa phương phải thu thập, xử lý và lưu trữ dữ liệu DNA và phả hệ của toàn bộ dân chúng trong cộng đồng mà họ đảm trách.
Trong năm 2016 và 2017, chính phủ Trung Quốc đã cưỡng ép thu thập dữ liệu sinh trắc học của gần 36 triệu người là người dân tộc thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và người Kazakhstan ở tỉnh Tân Cương. Vào ngày 26/12/2017, hàng trăm học sinh nam ở huyện Kiền Vi, tỉnh Tứ Xuyên, nơi sinh sống của người thiểu số Di, đã buộc phải cung cấp mẫu nước bọt. Bên cạnh đó, các luật sư nhân quyền, những người có niềm tin tôn giáo hoặc tâm linh, những người bất đồng chính kiến, những nhà bình luận hàng đầu trên internet và những thành viên nghèo nhất trong xã hội được nhắm làm mục tiêu cụ thể. Ngoài ra, tất cả cảnh sát, thám tử và nhân viên chính phủ liên quan đến các chương trình y tế và xã hội đều phải cung cấp mẫu DNA.
Nhưng DNA không phải là dữ liệu được nhắm tới duy nhất tại Tân Cương, một dữ liệu sinh trắc học quan trọng khác là dữ liệu máu. Cuối năm 2018, đầu năm 2019, khi thế giới đồng loạt phản ứng trước việc Trung Quốc giam giữ hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung, thì tiến sĩ Sophie Richardson của Human Rights Watch cho biết, hầu hết người Duy Ngô Nhĩ bị đưa vào “trại cải tạo” kể từ năm 2013 đều bị thử máu. Thử máu không giống với thu thập DNA, bởi dữ liệu máu của tù nhân được sử dụng ở Trung Quốc cho một mục đích: cấy ghép nội tạng. Theo ông, một nhân chứng người Duy Ngô Nhĩ từng trốn thoát khỏi trại cải tạo và ra khỏi Trung Quốc, đã cho biết trong số những người bị thử máu cùng cô, một số người bị buộc phải đeo băng màu cam trên cánh tay. Sau đó nhũng người bị đeo băng màu cam sẽ sớm biến mất khỏi trại.
Tội ác thu hoạch nội tạng từ tu nhân lương tâm tại Trung Quốc đã bắt đầu bị đưa ra ánh sáng từ năm 2006, và trong suốt khoảng thời gian từ đó đến nay, “ngày càng có nhiều bằng chứng đáng kể, đáng tin và không thể chối cãi về việc ĐCSTQ đã chỉ đạo, bảo trợ – và tiếp tục thực hiện – một chương trình thu hoạch nội tạng có hệ thống, gây ra mất mát nhân mạng khủng khiếp và tàn khốc”, theo Diễn đàn Tự do Tôn giáo Quốc tế được tổ chức vào đầu tháng 6 tại Đài Loan. Theo các chuyên gia, nguồn nội tạng phục vụ cho ngành công nghiệp cấy ghép ở Trung Quốc đến từ các tù nhân lương tâm, thuộc các tín ngưỡng hay tôn giáo bị đàn áp tại Trung Quốc, bao gồm Pháp Luân Công, Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, Kitô giáo, v.v.. (Xem thêm: Dòng sự kiện phản ứng của quốc tế về tội ác thu hoạch tạng)
Tuy nhiên duy trì một ngành công nghiệp vô nhân tính không phải là mục tiêu duy nhất của chính quyền Trung Quốc. Chính quyền này đang xây dựng một cơ sở dữ liệu DNA khổng lồ của cả những người bên ngoài Trung Quốc, đặc biệt bao gồm hàng triệu người Mỹ. Trong kế hoạch tổng thể ‘Made in China 2025’, Trung Quốc đã lên kế hoạch để trở thành kẻ thống trị trong công nghệ sinh học, bằng cách thu mua công nghệ và dữ liệu gen tiên tiến bằng mọi cách có thể. Điều này liên quan đến việc các đơn vị thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc hoặc được nhà nước Trung Quốc tài trợ trực tiếp mua lại các công ty công nghệ sinh học của Mỹ, cũng như các hoạt động gián điệp và tấn công mạng do nhà nước Trung Quốc chỉ đạo.
Do nỗ lực thu thập DNA liên tục, ước tính 100 triệu mẫu DNA đã được thu thập, phân tích và thêm vào cơ sở dữ liệu khổng lồ của chính phủ Trung Quốc. Để so sánh, các cơ quan thực thi pháp luật của Hoa Kỳ hiện chỉ có DNA từ khoảng 16 triệu người và cơ sở dữ liệu này chỉ được sử dụng để chống tội phạm.
Có ít nhất 23 công ty tại Mỹ có liên quan tới Trung Quốc được phép thực hiện chẩn đoán phân tử hoặc các dạng xét nghiệm di truyền khác, bao gồm giải mã toàn bộ trình tự gen. Các bệnh viện, phòng khám và thậm chí một số công ty xét nghiệm DNA thương mại ở Hoa Kỳ thường xuyên gửi mẫu DNA đến Trung Quốc để được phân tích. Hơn 12 triệu người Mỹ đã gửi mẫu DNA của họ cho các công ty xét nghiệm DNA thương mại để xét nghiệm.
Và dù các công ty sinh học Mỹ và Trung Quốc này có ký kết gì, thì cũng cần lưu ý rằng bất cứ hợp đồng ký kết nào giữa một công ty Trung Quốc với một công ty nước ngoài là vô giá trị trước hệ thống công an của chế độ. Theo luật pháp Trung Quốc, chính quyền có thể truy cập vào tất cả dữ liệu được lưu trữ trên các máy chủ Trung Quốc thuộc sở hữu của các công ty tư nhân. Đây cũng là lý do tại sao sau khi Trung Quốc lật lọng trong thỏa thuận thương mại với Mỹ (bao gồm cả hứa hẹn về các cải tổ thực tế trong pháp luật ở phía Trung Quốc), thì ông Trump lập tức kêu gọi tẩy chay Huawei. Dù Huawei có ký cam kết không chia sẻ dữ liệu cho chính quyền Trung Quốc thì Mỹ và các nước phương Tây vẫn không thể chào đón công ty này bởi vì Huawei là công ty Trung Quốc, đặt dưới luật pháp Trung Quốc.
Quay lại câu hỏi: Trung Quốc thu thập thông tin di truyền của người nước ngoài để làm gì? Thực ra, công nghệ sinh học ngoài việc thúc đẩy nên những bước tiến đáng kể cho nhân loại, cũng đồng thời mang đến những nguy cơ khủng khiếp. Vũ khí sinh học là loại vũ khí giết người nguy hiểm nhất và thầm lặng nhất.
Trong nhiều thập kỷ, các công dân vô tội có tín ngưỡng tại Trung Quốc đã bị đàn áp, tra tấn, giết để lấy nội tạng. Chính quyền ĐCSTQ coi con người là hàng hóa và không có bất kỳ một giá trị đạo đức nào dẫn đường. Dưới tư tưởng đấu tranh, vô thần, và ham muốn kiểm soát triệt để, thậm chí nằm quyền sinh sát tùy ý người dân của chính mình, thì liệu họ có coi trọng sinh mệnh của người dân nước khác? Liệu Trung Quốc có mong muốn sử dụng dữ liệu sinh trắc học này vì mục tiêu tốt đẹp là cải thiện sức khỏe của nhân loại?
Minh Nhật
Khao khát ăn hoa quả thoải mái của người Trung Quốc giữa thương chiến với Mỹ
Thực phẩm tăng giá liên tục trong những tháng gần đây khiến việc "ăn hoa quả thoải mái" trở thành đề tài thảo luận sôi nổi ở Trung Quốc.