Trung Quốc tìm cách 'hiểu Mỹ' trong chiến tranh thương mại
Trung Quốc tăng cường các nghiên cứu về Mỹ sau khi "đọc sai" ý đồ của Trump hồi năm ngoái khiến chiến tranh thương mại bùng nổ.
04:30 03/07/2019
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters. |
Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc hồi đầu tháng 7 năm ngoái, các học giả, nhà nghiên cứu Trung Quốc đối mặt với những lời chỉ trích nặng nề rằng họ đã đánh giá thấp quyết tâm đối đầu thương mại với Bắc Kinh của chính quyền Trump.
Cũng trong tháng đó, nhiều học giả và cố vấn chính sách Trung Quốc cho biết việc Bắc Kinh siết chặt hoạt động của các tổ chức tư vấn cũng như quy trình để các nhà nghiên cứu xin sang Mỹ gặp gỡ, trao đổi đã dẫn đến hậu quả là các quan chức cấp cao lẫn những chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc không nhận ra tâm lý chống Trung Quốc đang chuyển biến xấu đến mức nào ở Washington.
Tháng 6/2018, khi Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đến thăm Bắc Kinh, một số lãnh đạo Trung Quốc vẫn hy vọng họ có thể thuyết phục Washington không thực hiện lời đe dọa áp thuế nhằm vào hàng hóa Trung Quốc.
Một cựu cố vấn chính sách Mỹ lúc đó đã nói: "Giới lãnh đạo và các nhà nghiên cứu Trung Quốc nghĩ rằng Trump chỉ hù dọa đánh thuế. Họ cho rằng Trump làm như vậy chỉ vì cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ và rồi sau đó, mọi chuyện sẽ thay đổi. Họ đã sai và hoàn toàn đọc nhầm tình huống".
7 năm trước, khi Chủ tịch Tập phát động chiến dịch chống tham nhũng, Bắc Kinh đưa ra hàng loạt quy định hạn chế xa hoa lãng phí, bao gồm cắt giảm những chuyến công tác nước ngoài của các quan chức chính phủ, học giả, nhà tư vấn chính sách. Nếu đi công tác nước ngoài, họ thường bị cấm ở lại quá một tuần.
Do vậy, các cố vấn chính sách Trung Quốc không thể nắm bắt những luồng ý kiến mới nhất ở Washington cũng như nói lên chính kiến của mình. Điều này khiến Bắc Kinh không thể có một chiến lược toàn diện để ứng phó với chính quyền Trump, ít nhất là trên mặt trận thương mại, giữa lúc tình trạng căng thẳng và đối đầu giữa hai bên leo thang.
Hai tuần trước khi Mỹ bắt đầu tiến hành đợt áp thuế đầu tiên nhằm vào hàng hóa Trung Quốc hồi tháng 7 năm ngoái , Quỹ Khoa học Xã hội Quốc gia Trung Quốc (NSSFC) thông báo phê duyệt ngân sách tài trợ 18 dự án nghiên cứu về Mỹ, trong đó chỉ có ba dự án tập trung vào thương mại.
Tuy nhiên, trong một bước thay đổi rõ rệt, ngày 25/6, NSSFC quyết định cấp ngân sách tài trợ cho 143 dự án nước ngoài, trong đó có 24 dự án tập trung nghiên cứu Mỹ, 12 công trình nghiên cứu thương mại và các dự án còn lại cũng liên quan đến hai lĩnh vực này ở mức độ nhất định.
Trong một bản hướng dẫn nghiên cứu công bố tháng 12/2018, NSSFC liệt kê 92 hạng mục dự án nước ngoài mà các nhà nghiên cứu có thể xin cấp kinh phí tài trợ, trong đó có 20 dự án tập trung vào Mỹ hoặc thương mại. Năm trước đó, văn bản hướng dẫn này chỉ liệt kê 4 hạng mục dự án liên quan đến Mỹ hoặc thương mại.
Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, cho hay Bắc Kinh đã nhận ra họ cần phải ưu tiên nghiên cứu Mỹ và thương mại để vượt qua sự thiếu hiểu biết về chuyên môn và kiến thức khi ứng phó với Washington. " quan của chúng ta có những lỗ hổng nghiêm trọng, khiến chúng ta thiếu chuẩn bị cho xu hướng cô lập có chọn lọc với Trung Quốc của Mỹ", ông nói.
Theo Shi, đây là nỗ lực mạnh mẽ của Trung Quốc để có thể hiểu rõ hơn về nước Mỹ dưới thời một lãnh đạo khó đoán như Trump, dù việc tăng cường đầu tư vào những lĩnh vực nghiên cứu kể trên chưa chắc đủ để bảo đảm thành công.
Một trong những dự án tiêu biểu được NSSFC cấp kinh phí trong năm nay là công trình nghiên cứu thương mại số hóa do Zhou Nianli, chuyên gia nghiên cứu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ở Đại học Kinh tế và Kinh doanh quốc tế ở Bắc Kinh, chủ trì.
"Gia tăng tài trợ cho những nghiên cứu Mỹ và thương mại phản ánh các mối quan hệ thương mại đang thay đổi giữa Mỹ và Trung Quốc. Các học giả sẽ phải rất nhạy bén về mặt học thuật trước những thay đổi này và phát triển các ý tưởng nghiên cứu của họ", Nianli nhận định.
Trước khi đàm phán thương mại Mỹ - Trung rơi vào bế tắc hồi đầu tháng 5, Washington đã yêu cầu Bắc Kinh "mở hoàn toàn mạng Internet" và nới lỏng các biện pháp kiểm soát, như bỏ quy định yêu cầu các công ty dịch vụ điện toán đám mây nước ngoài phải lưu trữ tất cả dữ liệu của họ ở Trung Quốc nếu muốn kinh doanh ở nước này.
Phó giáo sư Jiang Hui ở Viện Đo lường Trung Quốc tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, cũng nhận được kinh phí tài trợ từ NSSFC cho dự án nghiên cứu về các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ cũng như sự tuân thủ pháp lý Mỹ ở các công ty Trung Quốc.
"Mỹ từ lâu đã cấm xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc, bao gồm các thiết bị hàng không vũ trụ và vật liệu cao cấp", Jiang bình luận. Ông cho rằng nếu Trung Quốc được phép mua các công nghệ trên, mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc sẽ được cắt giảm, giúp giải quyết một trong những điều phật lòng của Trump trong cuộc chiến tranh thương mại hiện nay với Trung Quốc.
Trong cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật cuối tuần trước, ông Tập đã dẫn lại chính sách "ngoại giao bóng bàn" để nhấn mạnh về tầm quan trọng của hợp tác Mỹ - Trung. Hai lãnh đạo sau đó nhất trí sẽ đình chiến thương mại, ngừng áp thêm thuế để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán cấp làm việc.
"Tôi nghĩ chúng tôi sẽ trở thành đối tác chiến lược của nhau", Trump nói khi được hỏi về cảm nhận với Trung Quốc. "Tôi nghĩ chúng ta có thể giúp đỡ lẫn nhau. Nếu một thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung đúng đắn được xây dựng, chúng ta có thể là những đối tác tuyệt vời của nhau".
Nguồn: VnExpress.net
Gian lận thương mại: Hàng tỉ đô la hàng TQ được gắn mác Việt để né thuế Mỹ
Theo bài báo trên tờ Wall Street Journal (WSJ), hàng tỉ đô la giá trị hàng hóa Trung Quốc lẽ ra phải chịu thuế quan của Mỹ trong chiến tranh thương mại đang đi đường vòng vào Mỹ qua các nước khác ở Châu Á, đặc biệt là Việt Nam.