Trúng sổ xố, người phụ nữ bị trục xuất bất ngờ được quay trở về Mỹ

'Đây là món quà Giáng sinh tuyệt vời nhất mà chúng tôi từng nhận được. Chúng tôi không cần bất kỳ món quà nào khác', cô nói.

11:00 19/12/2018

Tháng 8/2017, Maria Mendoza-Sanchez và chồng, Eusebio, đứng ngoài ga quốc tế ở sân bay San Francisco, cầm trên tay vé một chiều đến Mexico, ôm hôn chia tay các con trong nước mắt, theo Mercury News.

Cơ quan di trú Mỹ quyết định trục xuất họ sau hơn hai thập kỷ sinh sống tại Mỹ, vì không có giấy tờ hợp lệ. Họ cũng bị cấm quay lại trong ít nhất 10 năm. Nhưng cuối tuần trước, Mendoza-Sanchez, nữ y tá chuyên khoa ung thư ở Oakland, đã may mắn được quay về Mỹ một cách hợp pháp nhờ visa H-1B. Đây là kết quả của một hành trình dài, phức tạp đã đẩy gia đình cô vào tâm điểm chú ý của quốc gia cũng như cuộc tranh cãi về vấn đề nhập cư.

"Đây thực sự là giấc mơ biến thành sự thật mà tôi không bao giờ ngờ lại xảy ra nhanh đến thế", Mendoza-Sanchez nói, vây quanh là 4 đứa con cầm biển đón chào "Mẹ ơi, chúng con yêu mẹ".

Mendoza-Sanchez và chồng gây chú ý khi bị trục xuất trong bối cảnh có công việc ổn định, không có tiền án tiền sự và sinh ba con ở Mỹ. Cô phải từ bỏ công việc y tá ở bệnh viện Highland, nơi cô đang chăm sóc bệnh nhân ung thư, tim mạch và thận hai năm nay theo dạng visa làm việc.

Trúng sổ xố, người phụ nữ bị trục xuất bất ngờ được quay trở về Mỹ - ảnh 1

Maria Mendoza-Sanchez tại sân bay quốc tế San Francisco hôm 15/12. Ảnh: Bay Area News Group.

Mendoza-Sanchez được thần may mắn phù hộ khi là một trong 85.000 người trúng xổ số thị thực H-1B. Mỗi năm, chính quyền Mỹ sẽ tổ chức quay số ngẫu nhiên, chọn ra 85.000 người trong số gần 200.000 hồ sơ. Theo chương trình H-1B, doanh nghiệp Mỹ có thể thuê lao động nước ngoài có kỹ năng trong cách ngành đặc biệt như công nghệ thông tin, tài chính, kiến trúc, kỹ thuật và y tế, những ngành thiếu nhân lực trong nước.

Bệnh viện Highland đã nộp đơn xin thị thực cho Mendoza-Sanchez hồi đầu năm. "Nhiều bệnh nhân và nhân viên ở khoa ung thư luôn khen ngợi Maria", Terry Lightfoot, phát ngôn viên Hệ thống Y tế Alameda, đơn vị giám sát bệnh viện Highland, nói. "Cô ấy luôn đồng cảm với người bệnh, chăm sóc họ chu đáo dù đang đối mặt với lệnh trục xuất".

Trong tuần này, Mendoza-Sanchez sẽ quay lại bệnh viện làm việc và bàn về khởi đầu mới.

Cô và chồng mất nhiều năm để xin thẻ xanh cư trú hợp pháp tại Mỹ, nhưng đều bị từ chối. Tháng 5 năm ngoái, cán bộ sở di trú cho biết họ có 90 ngày để rời khỏi Mỹ và tới tháng 8, hai người bay về Mexico.

"Tôi đã mất ngủ nhiều đêm", Mendoza-Sanchez cho biết. "Nhiều lần tôi muốn bỏ cuộc".

Họ để lại ba người con lớn nhất ở Mỹ là Vianney, 24 tuổi, Melin, 22 tuổi và Elizabeth, 17 tuổi. Dù ban đầu định đưa con trai út Jesus 13 tuổi cùng về Mexico, nhưng cuối cùng, cậu bé vẫn ở lại Okalnd cùng các chị.

Khi bố mẹ vắng nhà, Vianney trở thành chủ gia đình. Cô bé tới Mỹ theo dạng DACA (trẻ em tới Mỹ trái phép cùng bố mẹ), nên không thể về Mexico thăm bố mẹ. Vianney là người đầu tiên ôm chầm lấy mẹ ở sân bay.

"Đây là món quà Giáng sinh tuyệt vời nhất mà chúng tôi từng nhận được. Chúng tôi không cần bất kỳ món quà nào khác", cô nói.

Tuy nhiên, cuộc chiến được quyền ở Mỹ chưa kết thúc. Mendoza-Sanchez sẽ phải gia hạn visa H-1B sau ba năm nữa.

Tags:
Khảo sát bác sĩ Mỹ: 74% tin vào phép lạ, 55% đã từng gặp điều đó

Khảo sát bác sĩ Mỹ: 74% tin vào phép lạ, 55% đã từng gặp điều đó

Năm 2004, một cuộc khảo sát mức độ quốc gia tiến hành với 1.100 bác sĩ, được thực hiện bởi Công ty HCD Research, Viện Tôn giáo và Xã hội học Louis Finkelstein thuộc Chủng viện Thần học Do Thái (Jewish Theological Seminary) tại thành phố New York, Mỹ đã phát hiện 74% bác sĩ tin rằng phép lạ từng xảy ra trong quá khứ, 73% tin rằng những điều kỳ diệu đó vẫn diễn ra trong thời buổi hiện nay.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất