Trương Minh Cường – ‘Jang Dong Gun Việt Nam’ loay hoay trên đất Mỹ

Tám năm trên đất Mỹ, những tưởng với trình độ, ngoại hình, cùng lợi thế của người nổi tiếng, cũng như với tài chính vững chắc, Trương Minh Cường sẽ không khó khăn. Nhưng không, anh đã trải qua một thời gian dài khủng hoảng đến mức phải đi điều trị…

12:30 05/03/2019

Bước vào lĩnh vực giải trí bắt đầu bằng một TVC (Television Commercial) quảng cáo cho một hãng vỏ xe của Malaysia tại Việt Nam hồi năm 2008, Trương Minh Cường nổi lên như một hiện tượng vì khả năng diễn xuất và với vẻ lịch lãm, điển trai, khá giống với tài tử Jang Dong Gun của Nam Hàn.

Rồi cũng bắt đầu từ đó, anh được mời tham gia phim truyền hình. Từ năm 2008 cho đến khi sang Mỹ định cư năm 2011, Trương Minh Cường xuất hiện dày đặc trên sóng truyền hình.

Thù lao 30 giây quảng cáo bằng thu nhập cả năm 

Anh góp mặt trong nhiều bộ phim truyền hình mà nổi tiếng nhất là vai một anh chàng si tình, thủy chung trong bộ phim “Gió Nghịch Mùa,” đóng cùng với Lý Nhã Kỳ. Bên cạnh đó, anh còn khá thành công trong vai trò TV host cùng với người đẹp Thanh Mai trong talk show Sức Sống Mới.

Anh tin mọi thứ trong cuộc đời này đều có sự sắp đặt của Thượng Đế. (Hình: Trương Minh Cường cung cấp)

Nhưng nổi tiếng hơn cả, mang lại thu nhập nhiều hơn cả là công việc đóng quảng cáo của Trương Minh Cường. Anh là gương mặt đại diện cho hầu hết các thương hiệu lớn vào Việt Nam như Samsung, LG, Sony, Panasonic, Philips, Gillette dao cạo râu, bột giặt Omo, kem đánh răng Colgate, Sơn Nippon, Sơn Dulux, Pepsi, Coca Cola, Unilever, ngân hàng ANZ, ngân hàng SHBC, ngân hàng Vietcombank, Canon…

“Mức thù lao của Cường lúc đó từ khoảng $30,000 đến $65,000 cho một spot quảng cáo 30 giây và hay bị người trong nghề gọi là ‘chiếm sóng’ quảng cáo. Trước khi chiếu phim thì thường có vài phút cho quảng cáo, có những lúc trong vòng 4, 5 phút mà Cường xuất hiện trong 4, 5 TVC luôn. Nhiều khi thực sự thấy ngại. Từ khoảng năm 2008 đến 2011, Cường đóng hơn 40 TVC. Còn đi sự kiện thì trung bình trên dưới $2,000 cho khoảng một giờ ở sự kiện,” anh nhớ lại.

Vậy mà “đùng” một cái, Trương Minh Cường quyết định lấy vợ, làm cho hàng triệu con tim phụ nữ tan nát. Vợ anh là Nguyễn Thị Thu Huyền, lúc đó là giám đốc nhân sự cho một công ty truyền thông lớn ở Sài Gòn. Chuyện lấy vợ của anh cũng bị gọi là “chiếm sóng” trên các mặt báo lúc bấy giờ. Dư luận xì xầm rằng anh vì ham giàu.

Ngoài mẹ ruột, vợ là người phụ nữ thứ hai anh nể trọng. (Hình: Trương Minh Cường cung cấp)

“Người đời lạ lắm. Họ luôn bắt người khác phải sống theo ý mình. Nếu thấy điều gì đó không đúng ý họ, không đúng như họ mong đợi là họ tưởng tượng đủ thứ chuyện, rồi dùng những lời lẽ khó nghe, vô tư gây tổn thương cho người khác. Vợ chồng là duyên nợ, gặp nhau trong cuộc đời này là vì ‘duyên,’ rồi lấy  nhau là vì ‘nợ.’ Đã là duyên nợ thì mọi chuyện đã được định sẵn, có muốn chối bỏ cũng không được,” anh thổ lộ.

Năm 2011, vợ chồng Trương Minh Cường quyết định bỏ tất cả ở Việt Nam để sang Mỹ định cư. Theo anh, lấy Thu Huyền là một quyết định đúng đắn. Trong cuộc đời anh cho đến giờ phút này, ngoài mẹ, Thu Huyền là người phụ nữ thứ hai anh nể trọng. Nhưng còn chuyện định cư ở Mỹ, cho đến bây giờ, khi đã hài lòng về cuộc sống, có đôi lúc anh vẫn tự hỏi, không biết quyết định của mình đúng hay sai?

Học được chữ “duyên” và “chấp nhận” 

Hỏi khi đang ở trên đỉnh cao sự nghiệp như vậy, tại sao vợ chồng anh lại quyết định từ bỏ mọi thứ để định cư tại Mỹ, “Jang Dong Gun Việt Nam” cười: “Bây giờ nhìn lại, cũng không biết nói tại sao. Tất cả là do chữ ‘duyên.’ Có những thứ đến đúng thời điểm và trở thành định mệnh, số phận.”

“Chấp nhận” là điều tưởng chừng đơn giản nhưng phải mất nhiều năm anh mới làm được. (Hình: Trương Minh Cường cung cấp)

Trương Minh Cường tốt nghiệp Đại Học Kinh Tế ở Sài Gòn, từng mở công ty riêng chuyên về thực hiện quảng cáo cho các công ty nước ngoài vào Việt Nam, trước khi anh nổi tiếng trong lĩnh vực giải trí.

Những tưởng với tài năng, sự nổi tiếng, cũng như với kinh tế vững chắc, khởi đầu của Trương Minh Cường ở Mỹ sẽ không khó khăn như phần lớn những người khác. Nhưng không, anh cũng đã trải qua những ngày tháng “khủng hoảng” đến mức phải đi bác sĩ và dùng thuốc ngủ mỗi đêm. Có những ngày anh chạy xe ra biển, ngồi một mình bốn, năm tiếng đồng hồ, rồi tự hỏi cuộc sống của mình rồi sẽ đi về đâu?

Anh trầm tư: “Thực sự thì năm đầu tiên ở Mỹ rất tốt, sướng lắm. Con trai thì lúc này chỉ mới hơn một tuổi, chưa đi nhà trẻ nên hai vợ chồng cứ bế con đi chơi suốt, đi khắp các tiểu bang của nước Mỹ. Sau một năm, không còn chỗ nào để đi, mà đi chơi riết rồi cũng chán. Cũng lúc này, các công việc đầu tư làm ăn của Cường tại Mỹ không hiệu quả. Và cũng lúc này, cái cảm nhớ nghề diễn, nhớ cái hào quang từng có ở Việt Nam khiến cho Cường trở nên tâm trạng. Cường bị mất ngủ nhiều hơn, lầm lì, ít nói hơn và cũng dễ cáu gắt hơn…”

Tâm trạng này của Trương Minh Cường, có lẽ, cũng như nhiều người từng nổi tiếng, thành đạt khác phải từ bỏ mọi thứ ở Việt Nam sang Mỹ định cư. Cái cảm giác chông chênh giữa được và mất, muốn quay lại không được mà ở lại cũng không xong. Đúng, không ai ép anh phải sang Mỹ, cũng không ai ép anh không được quay về. Nhưng có những thứ vô hình ràng buộc, áp lực mà anh, cũng như nhiều người khác không vượt qua được.

Trương Minh Cường nói hiện anh đang “nạp năng lượng” để “tái xuất.” (Hình: Trương Minh Cường cung cấp)

Cái khó khăn, khủng hoảng của Trương Minh Cường lúc này không nằm ở tài chính mà chính ở những áp lực vô hình, những kỳ vọng của chính bản thân, bởi vì lúc này anh chỉ ngoài 30 tuổi, đâu thể sống mà không làm gì như một người vô dụng.

“Sang Mỹ định cư, hoặc là khi còn nhỏ, hoặc là ở tuổi nghỉ hưu chứ ở tuổi như Cường thì dở dang, chẳng làm được gì cả. Lúc đầu Cường cũng đi học ở New York Film Academy College ở Los Angeles, nhưng chẳng dễ dàng để gia nhập phim ảnh ở Hollywood. Còn người Việt chúng ta ở đây thì lâu lâu mới có một bộ phim, nên cũng không dám mong đợi gì. Cường từng nghĩ đến xin làm những công việc không liên quan đến nghệ thuật giải trí, nhưng rồi không làm được gì cả,” anh chia sẻ.

Sau hai, ba năm chìm trong khủng hoảng, mắc kẹt giữa những luồng cảm xúc, tư tưởng của chính mình, Trương Minh Cường dần dần nhận ra mọi thứ trong cuộc đời này xảy ra đều do “duyên,” do số phận. Anh tìm đến các lớp thiền định, cũng như đọc rất nhiều sách về ý nghĩa của cuộc sống, học làm người, làm sao vượt qua khủng hoảng… để lấy lại thăng bằng cho mình.

Cuối cùng, Trương Minh Cường đã học và thực hành được “chấp nhận.” Anh nói: “Mọi thứ xảy ra đều có lý do của nó, trong Phật Giáo gọi đó là ‘duyên,’ bởi vậy mình phải biết chấp nhận và đón nhận mọi sự việc. Hôm nay mình nghĩ đó có thể là điều không tốt, nhưng biết đâu ngày mai nhìn lại, mình lại thấy đó là điều tuyệt vời. Thú thật, cũng có lúc Cường tự hỏi quyết định ở lại Mỹ có đúng hay không? Nhưng từ lâu trong lòng Cường đã chấp nhận mọi chuyện, không còn hoang mang, ray rứt như trước đây.

Hiện tại Trương Minh Cường đang làm việc cho một đài truyền hình tại miền Nam California. Bên cạnh đó, anh đang vận động để thành lập một bảo tàng về văn hóa dành cho người Việt tại California, vì anh mong muốn giúp các cháu nhỏ sinh ra lớn lên tại Mỹ hiểu được cội nguồn văn hóa Việt.

Tags:
Chuyện chàng trai Việt đi làm ở đất Nhật: Gửi xe đạp ven đường, lúc ra về khóc ròng vì xe “dát” toàn phân chim

Chuyện chàng trai Việt đi làm ở đất Nhật: Gửi xe đạp ven đường, lúc ra về khóc ròng vì xe “dát” toàn phân chim

Người ta bảo “đất lành chim đậu”, nhưng đậu cái kiểu… bốc mùi như thế này thì quá khủng khiếp!

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất