TT Trump bất ngờ "đánh úp" Moskva, nghị sĩ Nga phản pháo: Mỹ đừng mơ chiếm thế thượng phong!

Trước đây, Tổng thống Putin từng tuyên bố đanh thép rằng Nga sẽ đáp trả "tương xứng và tức thì" nếu Mỹ đơn phương rút khỏi INF. Liệu kịch bản Chiến tranh Lạnh có lặp lại?

21:00 21/10/2018

Mỹ muốn lôi kéo Nga chạy đua vũ trang

Hôm thứ 7 (20/10 - theo giờ Washington), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ tuyên bố đơn phương rút Mỹ khỏi Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), được kí kết giữa Mỹ và Liên Xô từ năm 1987.

Lí do được ông Trump đưa ra là Nga đã vi phạm các điều khoản của thỏa thuận kiểm soát hạt nhân trên trong nhiều năm qua, và Mỹ sẽ không tiếp tục làm ngơ để Nga tiếp tục những hành động đó.

Bên cạnh đó, ông Trump còn khẳng định đây là động thái quan trọng nhằm giúp Mỹ chống lại những "mối đe dọa" ngày càng gia tăng từ phía Nga và Trung Quốc. Vị Tổng thống Mỹ cho biết tình hình hiện nay là "không thể chấp nhận được", do đó Mỹ "buộc phải phát triển các loại vũ khí này [vũ khí hạt nhân tầm trung]".

"Chúng ta có hẳn một khoản tiền khổng lồ để 'thử nghiệm' với quân đội", ông Trump tuyên bố.

Phát biểu trên được ông chủ Nhà Trắng đưa ra trong một buổi họp báo hậu tiếp xúc cử tri tại bang Nevada, sau khi có các thông tin cho rằng cố vấn an ninh quốc gia John Bolton đang cố gắng thuyết phục Tổng thống rút Mỹ khỏi hiệp ước INF.

Các nhà lập pháp Nga đã phản ứng gay gắt trước quyết định của Tổng thống Mỹ.

"Quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) của Tổng thống Mỹ Donald Trump không phải là điều bất ngờ đối với chúng tôi, nhưng chúng tôi hy vọng rằng lẽ phải sẽ chiến thắng.

Rõ ràng Mỹ không hề có bằng chứng cho thấy Nga vi phạm các điều khoản trong hiệp ước này", ông Frants Klintsevich, một thành viên của Ủy ban Quốc phòng thuộc Thượng viện Nga, khẳng định với Sputnik.

Ông này cũng nhấn mạnh rằng quyết định rút khỏi INF của ông Trump sẽ gây tổn hại đối với các đồng minh châu Âu của Mỹ.

"[Mỹ] muốn kéo chúng tôi, giống như Liên Xô trước kia, vào một cuộc chạy đua vũ trang. Họ sẽ không đạt được mục đích đó. Tôi chắc chắn rằng Nga sẽ nỗ lực đảm bảo an ninh quốc gia trong bất cứ hoàn cảnh nào", ông Klintsevich nói.

Ngày hôm nay (21/10), ông Alexey Pushkov, một nghị sĩ khác của Thượng viện Nga, cũng đã đáp trả quyết định của Tổng thống Mỹ trên tài khoản Twitter cá nhân.

Trong đó, ông đã chỉ trích việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận INF là đòn giáng mạnh tay thứ 2 vào sự ổn định toàn cầu, sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước chống Tên lửa Đạn đạo (ABM) hồi năm 2001.

Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định Nga sẽ không khai hỏa vũ khí hạt nhân nhằm vào các nước khác, mà chỉ sử dụng nó để ngăn chặn đòn tấn công của các bên gây hấn. Nhắc lại phát biểu của Tổng thống Putin, nghị sĩ Pushkov cho biết điều đó đồng nghĩa với việc Nga sẽ không cho phép Mỹ chiếm thế thượng phong về vũ khí hạt nhân.

"Mỹ đang đẩy thế giới về thời Chiến tranh Lạnh", ông Pushkov kết luận.

TT Trump bất ngờ đánh úp Moskva, nghị sĩ Nga phản pháo: Mỹ đừng mơ chiếm thế thượng phong! - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Tổng thống Xô viết Mikhail Gorbachev kí kết Hiệp ước INF năm 1987. Ảnh: Reuters.

Nga sẽ đáp trả tương xứng?

Hiệp ước INF được kí kết giữa Mỹ và Liên Xô năm 1987, với mục đích loại bỏ các tên lửa đạn đạo và hành trình hạt nhân phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km.

Tuy nhiên, theo RT, thỏa thuận INF không ảnh hưởng tới các loại tên lửa phóng từ trên biển và máy bay - lĩnh vực Mỹ có lợi thế chiến lược hơn Liên Xô vào thời điểm đó. Bởi vậy, INF được coi là một cử chỉ thiện chí của Liên Xô đối với Mỹ.

Ngoài ra, một vấn đề lớn khác của INF là các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân như đồng minh Anh, Pháp của Mỹ, hay Trung Quốc, không tham gia hiệp ước này.

Trước đây, Nga từng cam kết sẽ tuân thủ chặt chẽ các điều khoản của INF, với điều kiện Mỹ cũng phải hành động tương tự.

Tổng thống Putin đã tuyên bố đanh thép rằng "Nga sẽ đáp trả tương xứng và tức thì" nếu Mỹ đơn phương rút khỏi INF như kịch bản năm xưa với thỏa thuận ABM.

Hai nước Nga-Mỹ từng nhiều lần cáo buộc nhau vi phạm các điều khoản của INF.

Cụ thể, phía Washington cho rằng Moskva đã bí mật phát triển các loại tên lửa tầm trung, đặc biệt dành cho hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander-M được triển khai ở biên giới phía Tây nước Nga. Phía Moskva thì chỉ trích việc Washington lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore, có khả năng đánh chặn các tên lửa phóng từ ngoài khơi, tại châu Âu.

Tags:
Báo Mỹ lần theo lá thư bí ẩn trong chiếc túi Trung Quốc

Báo Mỹ lần theo lá thư bí ẩn trong chiếc túi Trung Quốc

Một lần nữa, một lá thư kêu cứu của tù nhân Trung Quốc đã được một người mua sắm ở Mỹ tình cờ phát hiện, hé lộ sự thật về một nền sản xuất sử dụng “nô lệ thời hiện đại” của Trung Quốc.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất