Từ bỏ “Giấc mơ Mỹ”, cựu sinh viên trường Cambridge, Stanford về nước làm cách mạng giáo dục

Câu chuyện về anh chàng cựu sinh viên Cambridge và Stanford lĩnh vực kinh tế, tài chính quyết định trở về nước với khát vọng đổi mới giáo dục.

23:30 01/04/2019

Anh Trần Việt Hưng với phong cách giản dị và thân thiện khó ai ngờ lại sở hữu cho mình một bảng thành tích học tập đầy ấn tượng trên đất Mỹ. Tốt nghiệp đại học Cambridge chuyên ngành kinh tế, nhận học bổng toàn phần trị giá 2,3 tỷ cho khóa học thạc sỹ Chính sách Quốc tế tại đại học Stanford, đồng thời cũng là người Việt Nam trẻ nhất đỗ tất cả các kỳ thi cho chứng chỉ CFA (phân tích tài chính) và FRM (Quản trị rủi ro). Tuy vậy, anh quyết định từ bỏ mảnh đất đầy cơ hội Hoa Kỳ để trở về quê hương với khát vọng làm một cuộc cách mạng trong giáo dục nước nhà. 

Về Việt Nam, anh Hưng có một thời gian giảng dạy CFA – một chứng chỉ phân tích tài chính uy tín trong ngành ngân hàng và chứng khoán. Bên cạnh đó, anh cũng tham gia giảng dạy SAT cho các trung tâm Tiếng Anh. Từ những trải nghiệm này, sau một thời tích lũy kinh nghiệm, anh quyết định thành lập Start – Up 7Astar. Chia sẻ với Hotcourses, anh Hưng cho biết: “7A* là sự kết hợp của 7-Eleven (chuỗi cửa hàng tạp hóa phổ biến tại nhiều nước trên thế giới, mở cửa từ 7.00 am - 11.00 pm suốt 7 ngày/tuần) và A* (điểm cao nhất của hệ thống điểm của Anh, tương tự như A+ cho hệ thống điểm của Mỹ) Với tên gọi này, 7A* mong muốn phổ cập giáo dục "Chất Vượt trội - Giá bình dân" tới mọi người, ở mọi lúc và tại mọi nơi". 

Tại sao anh lựa chọn mô hình kinh doanh có phần mạo hiểm với các khóa học giảng dạy hiện vẫn đang khá lạ lẫm với phần lớn sinh viên, học sinh Việt?

Cùng là giáo viên, tôi và các bạn đồng sáng lập khác có chung quan điểm về đầu tư giáo dục dài hạn và sẵn sàng chấp nhận thử thách ngắn hạn. Trong dài hạn, lợi ích của các Khóa học này là rất lớn với học sinh và phụ huynh, vì học sinh khi thi đủ tối thiểu điểm 4/5 AP sẽ được miễn các môn học năm đầu đại học, tiết kiệm học phí, và tăng thêm "sức nặng" của bộ hồ sơ đăng ký du học. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, học sinh Việt hiện còn quan ngại về khả năng học được các môn học AP và không dư nhiều thời gian học thêm do đã kín lịch vì học và luyện thi Đại học.  

Để khuyến khích học sinh đăng ký các khóa học còn rất mới, chúng tôi đưa ra mức học phí thấp hơn hẳn các Trung tâm Tiếng Anh có chất lượng khác và sẵn sàng khai giảng lớp chỉ với 1 học sinh. Đồng thời, đối với các học sinh giỏi và có quyết tâm, chúng tôi đưa ra nhiều chương trình học bổng 100% để khuyến khích, cụ thể là Quỹ học bổng 7A* cho AP & A-level lên tới 3 tỷ đồng, tài trợ toàn bộ học phí AP hoặc A-level cho các em học sinh xuất sắc trong suốt 3 năm học tại 7A*. Dù thời gian có thể tính bằng năm, song 7A* tin rằng với quyết tâm và sự bền bỉ cố gắng của các thầy lẫn trò, những nỗ lực của chúng tôi sẽ được ghi nhận và góp phần vào thay đổi bức tranh Giáo dục tại Việt Nam.   

Là một cựu du học sinh, anh có thể chia sẻ góc nhìn của mình về thị trường du học hiện nay, các bạn du học sinh Việt hiện đang có những lợi thế gì hơn thời của anh? 

Lợi thế rõ rệt nhất của các bạn học sinh Việt Nam hiện nay là trình độ tiếng Anh. Cách đây 10 năm, thời tôi đi du học thì chỉ cần tiếng Anh IELTS 7.0 đã là một thành tích rất lớn, đủ điều kiện đầu vào cho Đại học nước ngoài. 10 năm sau đó, học sinh đang học các lớp ACT của 7A* thường đã có điểm IELTS 8.0 hoặc TOEFL 110, cá biệt có em được TOEFL 116 dù chỉ mới lớp 9. Điều này làm chúng tôi rất vui vì nền tảng tiếng Anh tốt cho phép các em dễ dàng học tập các Chứng chỉ AP hay A-level, song cũng đặt gánh nặng lên giáo viên chúng tôi cần phải nỗ lực hơn để các em có những giờ học thực sự bổ ích và lý thú. 

Anh có thể chia sẻ về những kĩ năng cần chuẩn bị khi theo đuổi ước mơ du học?

Theo kinh nghiệm cá nhân, bên cạnh việc giỏi ngữ pháp và hai kỹ năng Nghe - Nói, các du học sinh nên đặc biệt quan tâm đến 2 kỹ năng Đọc và Viết, bởi vì ở môi trường Đại học, các em phải đọc nhiều, thậm chí là rất nhiều, tài liệu bằng tiếng Anh, cũng như viết các bài luận của riêng các em trên cơ sở tài liệu các em đã đọc.

2 kỹ năng này không thể có ngay trong ngắn hạn, mà phải tích lũy dần qua nhiều năm tích cực Đọc và Viết tiếng Anh. Đồng thời, việc làm quen trước với các Khóa học ở bậc Đại học thông qua các Chứng chỉ như AP và A-level từ Việt Nam sẽ hỗ trợ một phần trau dồi kỹ năng này cho các em.   

Cuối cùng, quan điểm của anh về vấn đề “ở lại hay trở về” là như thế nào?

Tôi không có kinh nghiệm về môi trường du học tại các nước khác nên chỉ xin nói về Mỹ. Thời điểm tôi ra trường là năm 2009, xin việc trước một năm là 2008, đúng thời điểm xảy ra Khủng hoảng tài chính của Mỹ. Trước tình hình tỷ lệ thất nghiệp Mỹ tăng từ 4% lên 10%, tôi đã quyết định không mất thời gian xin việc ở Mỹ mà quay về Việt Nam để có nhiều cơ hội hơn, khi ngành Ngân hàng đang bùng nổ vào 2009.                           

Ngoài yếu tố ngoại cảnh như khủng hoảng tài chính, tôi nghĩ môi trường làm việc ở Mỹ hay Việt Nam rất khác nhau, vì thế sẽ phù hợp với người này mà không phù hợp với người khác. Nhìn chung, du học sinh có thành tích học tập tốt và theo một số chuyên ngành đang thiếu nhân lực của Mỹ như STEM (Science, Technology, Engineering, Mathematics) sẽ có cơ hội xin việc với mức thu nhập tốt và thậm chí ở lại Mỹ dài hạn. Tuy nhiên, khả năng thăng tiến lên một vị trí quản lý tầm cao sẽ bị hạn chế với du học sinh, chưa kể công việc đòi hỏi thời lượng làm việc 10-12 giờ/ngày và nhiều giới hạn gò bó trong công việc. Do đó, môi trường ở Mỹ sẽ phù hợp với (đa số) du học sinh ưa thích sự ổn định và an toàn trong công việc.

Ngược lại, môi trường công việc ở Việt Nam có luôn biến động, khiến nhiều du học sinh phải mất vài năm để tìm được chỗ đứng phù hợp. Mức thu nhập khởi điểm của du học sinh thường không cao hơn nhiều so với học sinh trong nước, chưa kể rủi ro mất việc và chuyển việc là khá lớn. Tuy nhiên, khả năng lên chức rất nhanh nếu các du học sinh chứng minh được khả năng bằng kết quả công việc thực sự - chứ không phải bằng cấp nước ngoài. Đồng thời, do công việc thường chưa định hình cụ thể nên cho phép các du học sinh được giao nhiều trách nhiệm hơn, nhất là những công việc mà tiếng Anh là một lợi thế. Thêm vào đó, do chỉ làm việc 6-8 giờ/ngày sẽ cho phép du học sinh có thời gian để tìm tòi sáng tạo và thử nghiệm những ý tưởng mới. Do vậy, môi trường ở Việt Nam chỉ phù hợp với (số ít) du học sinh chấp nhận sự bất ổn và có tham vọng sự nghiệp dài hạn 

Anh Trần Việt Hưng sẽ tham gia chuỗi sự kiện WorkShop 2 Hours Abroad – 2 Giờ du học số 1: Quản lí thời gian hiệu quả vào Chủ Nhật (20/12/2015) của công ty Student Life Care đồng tổ chức cùng Bristish University Vietnam. Trong dịp này, anh sẽ chia sẻ nhiều những câu chuyện và kinh nghiệm về quãng thời gian du học tại Mỹ cũng như phương pháp quản lí thời gian của mình.

Tags:
Chồng của em vợ có thể bảo lãnh gia đình chị gái được không?

Chồng của em vợ có thể bảo lãnh gia đình chị gái được không?

Em gái không đủ khả năng bảo trợ tài chánh, có thể nhờ chồng bảo lãnh gia đình chị gái ruột định cư Mỹ cùng không? Cùng Di Trú Và Quốc Tịch tìm hiểu vấn đề này qua bài viết sau:

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất