Từ căng thẳng, vì sao Tổng thống Trump chuyển hòa dịu với các đối thủ tại G20?

Bên lề Hội nghị thượng đình G-20 Osaka, Tổng thống D. Trump đã đưa ra nhiều nhượng bộ trong hầu hết các vấn đề quốc tế quan trọng nhất.

06:00 02/07/2019

Mỹ gây sức ép không đưa nội dung chống bảo hộ thương mại vào Tuyên bố chung

Hội nghị thượng đỉnh của nhóm G20 đã diễn ra trong hai ngày 28-29/6/2019 tại Osaka, Nhật Bản. Mặc dù gặp không ít khó khăn, cuối cùng một Tuyên bố chung đã được các nhà lãnh đạo thông qua. Trong cuộc họp báo sau khi kết thúc hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói: "Chúng tôi đã thông qua được Tuyên bố Osaka. Quá trình đó gặp không ít khó khăn. Nhưng nhờ sự hợp tác của tất cả các nước, chúng tôi đã khắc phục được những khác biệt."

Có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau, nhưng các nhà phân tích chính trị đều cho rằng nước chủ nhà đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đăng cai và diễn đàn Osaka đã đạt được kết quả tích cực, mặc dù trước Hội nghị đã có nhiều sự hoài nghi. 

Không có quyết định đột phá nào, nhưng tuyên bố của Hội nghị cho rằng hệ thống thương mại quốc tế và Tổ chức thương mại thế giới(WTO) hiện nay không thể giải quyết được các vấn đề thương mại toàn cầu.

Tất cả những người tham gia Hội nghị đều khẳng định mong muốn tiếp tục làm việc để hoàn thiện hệ thống này và những cải cách trong tương lai sẽ được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh tiếp theo ở Ryahd, Ả Rập Saudi.

Ngoài ra, tuyên bố cũng nêu rõ sự cần thiết phải duy trì Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu (COP-21) cũng như số hoá nền kinh tế và hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Các nhà lãnh đạo tham gia hội nghị kết luận rằng cần phải chống lại việc phổ biến thông tin về khủng bố trên Internet.

Tuyên bố chung cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn ở mức thấp và thừa nhận căng thẳng thương mại và địa chính trị đang ngày càng gia tăng. Mặc dù khẳng định "sẽ cố gắng tạo ra một môi trường đầu tư và thương mại tự do, công bằng, không phân biệt đối xử, minh bạch, ổn định và mở cửa thị trường", nhưng tuyên bố không có nội dung cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ thương mại.

Mỹ là nước chuyên sử dụng thuế như một công cụ để gây sức ép với các nước đã chống lại việc đưa mục này vào tuyên bố cuối cùng. Đây là Hội nghị thượng đỉnh thứ hai liên tiếp của G-20 đã không đề cập đến sự cần thiết phải chống lại các chính sách bảo hộ gây cản trở cho thương mại thế giới.

Hội nghị không đạt được thỏa thuận về các vấn đề thương mại và biến đổi khí hậu. Có hàng chục tuyên bố được đưa ra trong và sau các cuộc họp của các nhà lãnh đạo bên lề hội nghị, trong đó đề cập đến các hồ sơ nổi bật nhất liên quan đến các cuộc xung đột và cạnh tranh giữa các nước lớn.

Tổng thống Mỹ D. Trump chuyển sang hòa dịu với các đối thủ

Bên lề Hội nghị thượng đình G-20 Osaka, Tổng thống D. Trump đã đưa ra nhiều nhượng bộ trong hầu hết các vấn đề quốc tế quan trọng nhất.

Ông D. Trump đã tỏ ra rất thân thiện với tất cả các nhà lãnh đạo thế giới, đặc biệt là lãnh đạo các nước đối thủ của Mỹ. Sự thân thiện, những cái bắt tay không chỉ mang tính chất xã giao, mà đằng sau nó là những bước đi thực tế, nhượng bộ chưa từng có trong nhiều vấn đề theo hướng hoà dịu với các nước.

Quan hệ Mỹ-Trung: Cuộc gặp giữa Tổng thống D. Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một trong những cuộc gặp nổi bật nhất tại Hội nghị. Hai bên đã nhanh chóng đạt được sự hiểu biết lẫn nhau. Washington quyết định dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với tập đoàn Huawei và nối lại đàm phán thương mại giữa hai nước để đổi lấy việc Trung Quốc mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ.

Như một cử chỉ thiện chí và tạo bầu không khí thuận lợi cho các cuộc đàm phán sắp tới, ông D. Trump tuyên bố các mức thuế quan đối với các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc được giữ nguyên và sẽ không áp thêm thuế mới nữa như ông đã từng đe doạ nhằm vào $300 tỷ hàng hoá của Trung Quốc. Điều này báo hiệu một cuộc ngưng chiến trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ông D. Trump nói việc đánh thuế thêm vào số hàng hóa trị giá khoảng $300 tỷ của Trung Quốc sẽ "không diễn ra vào lúc này" và cuộc đàm phán mới sẽ sớm được khởi sự.

Quan hệ Mỹ-Trung vừa qua hết sức căng thẳng. Tổng thống D. Trump đã tăng thuế quan thêm 25% đối với số hàng hoá của Trung Quốc trị giá $250 tỷ nhập khẩu vào Mỹ và đe dọa sẽ tiếp tục nhằm vào $300 tỷ hàng hóa nữa. Điều này có nghĩa là tất cả các hàng hoá của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đều sẽ bị đánh thuế cao.

Trung Quốc đáp lại bằng cách tăng thuế quan trên $110 tỷ hàng hoá của Mỹ, đặc biệt nhằm vào các sản phẩm nông nghiệp. Cho đến nay, Mỹ và Trung Quốc đã có tất cả 11 lần đàm phán, nhưng không đạt được kết quả nào.

Về phần mình, phía Trung Quốc đồng ý mua số lượng lớn nông sản của Mỹ. Điều quan trọng là hai bên đã thoả thuận nố lại các cuộc đàm phán.

Về phần mình, ông Tập nhắc lại thời đại của "ngoại giao bóng bàn" vốn khởi sự mối quan hệ Mỹ-Trung hơn 40 năm trước đây, để kết luận rằng: "Có một vấn đề căn bản không hề thay đổi: Trung Quốc và Mỹ đều được hưởng lợi từ sự hợp tác và thiệt hại trong đối đầu."

Quan hệ Mỹ-Nga: Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa Trump và Putin sau khi Uỷ ban của Công tố viên đặc biệt Mỹ Robert Muller công bố báo cáo khẳng định không có bằng chứng nào về việc Nga can thiệp vào chiến dịch tranh cử của Tổng thống D. Trump năm 2016.

Trong tình hình như vậy, ông D. Trump muốn tìm kiếm một sự khởi đầu mới trong quan hệ với Putin. Khác với các cuộc gặp trước đây chỉ có sự tham gia của thông dịch viên, cuộc gặp giữa Putin và Trump lần này được tổ chức với sự tham gia của các thành viên chủ chốt của hai đoàn. Điều này có nghĩa là mức độ của cuộc gặp gỡ lần này cao hơn, mang tính công khai và chính thức hơn.

Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận tình hình Syria, Iran, Venezuela và Ukraine. Ngoài ra, chủ đề quan trọng hơn của cuộc trò chuyện là vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân.

Trong cuộc gặp Tổng thống V. Putin, ông D. Trump đã tỏ ra hết sức mềm dẻo, đồng ý thảo luận việc quay trở lại Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược START (Strategic Arms Reduction Treaty) ký năm 1991 giữa Mỹ và Liên Xô. Đặc biệt, Tổng thống D. Trump hữa sẽ xem xét lời mời của Tổng thống V. Putin sang thăm Moskva dự kỷ niệm lần thứ 75 ngày chiến thắng chủ nghĩa phát xít 9/5/2020.

Tại cuộc gặp này hai bên đã đề cập tới tất cả các vấn đề cùng quan tâm, trong đó có quan hệ kinh tế. Các doanh nghiệp Mỹ tỏ ra quan tâm tới việc phát triển quan hệ với Nga và khẳng định sẽ thành lập một tổ chức với sự tham gia của các đại diện cộng đồng doanh nghiệp để nghiên cứu về triển vọng phát triển quan hệ thương mại và kinh tế với Nga.

Tổng thống D. Trump đã gọi Tổng thống V. Putin là "một người tuyệt vời" và các cuộc đàm phán Mỹ-Nga trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G-20 là "xuất sắc". Ông cũng nói rằng, mặc dù có chuyện này, chuyện nọ, nhưng trong số các đời Tổng thống Mỹ, ông là người làm được nhiều việc nhất trong quan hệ hai nước.

Quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ: Tại cuộc gặp Tổng thống R. Erdogan, ông D. Trump đã tuyên bố việc mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga là quyền của Thổ Nhĩ Kỳ và Washington sẽ không áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Ankara.

Quan hệ Mỹ-Triều Tiên: Việc thống D. Trump gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sau Hội nghị G-20 không nằm trong chương trình nghị sự và vượt ra ngoài các thông lệ ngoại giao. Việc ông chủ động đưa ra đề nghị được gặp ông Kim Jong-un "chỉ để bắt tay" và nói "chào ông" tại khu phi quân sự DMZ và bước sang lãnh thổ Triều Tiên 20 bước, mặc dù chủ yếu mang tính chất biểu tượng, nhưng là một cử chỉ để thể hiện ý định của Washington muốn làm giảm căng thẳng với Bình Nhưỡng.

Các nhà quan sát cho rằng, việc Tổng thống D. Trump tỏ ra uyển chuyển hơn rất nhiều trong việc xử lý các vấn để quốc tế nổi cộm nhằm làm giảm leo thang căng thẳng trong quan hệ với các nước là do Washington không thể duy trì mãi tình trạng đối đầu với tất cả các quốc gia trên thế giới, ngay cả với các đồng minh truyền thống ở châu Âu. Điều không kém phần quan trọng là sự tiếp cận mới này không thể nằm ngoài bối cảnh chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ hai của Tổng thống D. Trump vừa mới bắt đầu.

Trong tình hình như vậy, nhà nghiên cứu chính trị, Giám đốc Học viện Liên minh Á-Âu của Nga (IEEU) Vladimir Lepekhin nhận định, mặc dù còn nhiều phức tạp, nhiều vấn đề phải giải quyết, nhưng cả "Nga, Mỹ và Trung Quốc đều cần một chiến thắng cho ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020. Nếu không, Đảng Dân chủ thắng cử sẽ lật ngược các chính sách của đảng Cộng hoà, đưa thế giới vào hỗn loạn và các cuộc chiến tranh xuyên lục địa."

Dù kết quả của Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Osaka thế nào đi chăng nữa thì cuộc gặp của các nhà lãnh đạo cao nhất của các nền kinh tế lớn nhất thế giới tại đây là một cột mốc quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với nền kinh tế và chính trị toàn cầu.

theo Trí Thức Trẻ

Tags:
Những hình ảnh 'đi vào lịch sử' trong cuộc gặp Trump - Kim lần ba

Những hình ảnh 'đi vào lịch sử' trong cuộc gặp Trump - Kim lần ba

Tại cuộc gặp với Kim Jong-un ở biên giới Hàn - Triều, Trump làm nên lịch sử khi trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên tiến vào lãnh thổ Triều Tiên.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất