Từ Mỹ về Sài Gòn tìm mẹ đẻ: Manh mối về người thân của Hoa ‘An Lạc’

“Cô Vũ Thị Hoa trong bài viết Cô gái Mỹ về Sài Gòn tìm mẹ đẻ: Trên vai tôi có hai chữ An Lạc rất giống bà ngoại và dì của tôi”, một cô gái trẻ tìm đến tòa soạn Báo Thanh Niên sau bài viết.

21:00 21/02/2019

Vũ Thị Hoa, cô gái tên thật là Amelia Gessey từ Mỹ về Sài Gòn tìm mẹ đẻ

Ngày 18.2, cô gái trẻ tên Nguyễn Thị Hồng Phương (29 tuổi, trú P.Thới An, Q.12, TP.HCM) tới tìm gặp chúng tôi tại tòa soạn Báo Thanh Niên, bày tỏ nguyện vọng muốn tìm được người thân.

“Tôi và mẹ tôi đã đọc được bài viết Cô gái Mỹ về Sài Gòn tìm mẹ đẻ: Trên vai tôi có hai chữ An Lạc từ ngày mùng 4 Tết. Cô gái Vũ Thị Hoa trong bài viết rất giống bà ngoại và một người dì của tôi. Bà ngoại tôi có một người con gái thất lạc. Có hai chi tiết không thể sai được, đó là dì này sinh năm 1973 và từng được đưa vào cô nhi viện An Lạc”, Phương nói.

 

Người dì thứ 7 trong nhà của Phương (bìa trái)…

 

Và Vũ Thị Hoa, cô gái từ Mỹ về Sài Gòn tìm mẹ ruột…

“Mẹ tôi từng chạy theo và khóc: “Đừng mang em con đi!”

Chị Phương cho biết bà ngoại cô là Nguyễn Kim Nương, sinh năm 1932, có 8 người con. Năm 1966, ông ngoại mất. Sau đó, có một thời gian, bà ngoại quen với một người đàn ông quốc tịch Thái Lan hay qua lại Sài Gòn làm ăn.

“Mẹ tôi là Trần Thị Bích Ngọc, 53 tuổi. Ngày xưa, mẹ tôi và một dì nữa tên là Khanh được sống cùng bà ngoại nhiều hơn cả. Mẹ tôi kể với tôi, những ngày còn nhỏ từng được bà ngoại đưa đi gặp người đàn ông Thái Lan kia. Năm mẹ tôi 7 tuổi, bà ngoại sinh một bé gái, bà ngoại giấu cả gia đình, đưa bé gái này cho một người thân nuôi giúp. Đó là năm 1973”, Phương kể.

Cũng theo Phương, những ngày còn nhỏ, mẹ cô nhiều lần được qua chơi với em gái nên rất quý em. “Mẹ kể với tôi một câu chuyện đến giờ mẹ vẫn không thể quên được. Đó là năm 1973, bà ngoại bế em đưa cho người thân nuôi, mẹ cứ chạy theo khóc lớn với bà ngoại: “Mẹ ơi, đừng cho em đi. Bác ơi, bác đừng mang em con đi”. Sau đó, nhờ vài thông tin dò hỏi, bà ngoại biết năm 1973, con gái bị ghẻ, gia đình nhà kia đã gửi em bé vào vô nhi viện An Lạc. Năm 1975, bà ngoại cũng biết em bé được đưa sang Mỹ theo diện babylift. Đó là những thông tin hiếm hoi mẹ có với người em gái lưu lạc”, Phương hồi tưởng.

Năm 2009, bà ngoại Phương là Nguyễn Kim Nương qua đời. Ra đi đột ngột ở tuổi 77, bà không để lại lời trăng trối gì về người con gái đã thất lạc bấy lâu. Tuy nhiên, mẹ của Phương luôn đau đáu trong lòng, luôn muốn tìm được em gái cùng mẹ khác cha với mình để mẹ dưới suối vàng được thanh thản.

 

Cụ bà Nguyễn Kim Nương. Cụ Nương mất vào năm 2009

 

Cụ bà Nguyễn Kim Nương và cô Trần Thị Bích Ngọc ngày còn trẻ

Năm 2009, Phương giúp mẹ liên hệ với nhiều cơ quan chức năng thường hỗ trợ liên lạc với các trường hợp babylift trước đây, cũng như chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly của VTV, tuy nhiên, không hề có một chút thông tin về người thân. Cho đến ngày mùng 4 Tết Kỷ Hợi vừa qua, mẹ Phương tình cờ đọc được bài viết trên báo Thanh Niên.

“Tôi đang ngủ trưa, mẹ tôi gọi tôi dậy. Mẹ gấp gáp mở ra bài báo, rồi lật đật mở ra những tấm hình cũ chụp bà ngoại và các dì của tôi. Thật kỳ lạ, cô Vũ Thị Hoa trong bài viết rất giống bà ngoại và người dì thứ 7 của tôi. Tôi có linh cảm gì đó rất đặc biệt. Mẹ tôi không rành về công nghệ, truyền thông, tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm làm cầu nối, giúp mẹ và bà ngoại tìm được người dì bấy lâu mất dấu”, Phương bộc bạch.

“Tôi không biết làm sao bây giờ, tôi sẽ khóc mất”

Khi chúng tôi kể sơ lược câu chuyện trên cho Vũ Thị Hoa, cô gái tên thật là Amelia Gessey từ Mỹ về Việt Nam tìm mẹ đẻ, Hoa reo lên: “Chúa ơi, có thật không?”. Thế rồi, cô cuống quýt các câu hỏi: “Tôi phải làm gì bây giờ? Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình có ngày hôm nay…”.

 

Chị Nguyễn Thị Hồng Phương đến tòa soạn Báo Thanh Niên chia sẻ câu chuyện đi tìm người dì lưu lạc

Hoa rất buồn khi biết bà Nguyễn Kim Nương, có thể là mẹ đẻ của mình đã qua đời, tuy nhiên khi biết có thể cô sẽ có một người chị ở Việt Nam bao nhiêu năm qua đi tìm kiếm mình, Hoa xúc động: “Bao giờ tôi có thể gặp được chị Ngọc, cháu Phương? Tôi sẽ đi giám định ADN, chúng tôi sẽ sớm biết có cùng huyết thống hay không. Tôi sẽ khóc mất. Tôi hy vọng những điều tốt đẹp nhất. Tôi sẽ không từ bỏ hy vọng đâu”.

Trong khi đó, anh Võ Tấn Huy, chủ căn hộ dịch vụ cho người nước ngoài tại P.Thảo Điền, Q.2 (TP.HCM) người kết nối chúng tôi với Vũ Thị Hoa (Amelia Gessey) cũng mừng vui không kém khi nghe về manh mối giúp Hoa tìm được người thân.

Chúng tôi đã sắp xếp một cuộc hẹn để Hoa có thể gặp chị Trần Thị Bích Ngọc, bé Nguyễn Thị Hồng Phương… và chờ đợi những điều kỳ diệu. Kết quả ADN sẽ cho câu trả lời thỏa đáng, nhưng dù kết quả ra sao, đứa trẻ babylift ngày nào cũng hạnh phúc khi có thêm niềm tin, ở Việt Nam luôn có người yêu thương, chờ đợi…

Nguồn: Thanh niên

Tags:
Phương pháp thử nghiệm nhiễm trùng huyết mới có thể đ.á.n.h bại “kẻ g.i.ế.t người thầm lặng”

Phương pháp thử nghiệm nhiễm trùng huyết mới có thể đ.á.n.h bại “kẻ g.i.ế.t người thầm lặng”

Một xét nghiệm nhiễm trùng huyết cho kết quả chỉ sau ba phút đã được các nhà khoa học phát triển với kỳ vọng có thể cứu sống 14.000 người mỗi năm.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất