Tuần định đoạt nhiệm kỳ Biden
Dự luật hạ tầng và chi tiêu xã hội mang tính bước ngoặt có thể được thông qua trong tuần này, giúp Biden hiện thực hóa lời hứa tranh cử.
11:00 27/10/2021
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, thành viên đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden, ngày 24/10 cho biết Hạ viện đang "tiến khá gần" tới mục tiêu thông qua dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD vào ngày 27/10 hoặc 28/10, sau đó trình lên Tổng thống Biden ký thành luật.
Hồi tháng 8, dự luật cơ sở hạ tầng đầy tham vọng do Biden đề xuất được 50 thượng nghị sĩ Dân chủ và 19 thượng nghị sĩ Cộng hòa nhất trí thông qua tại Thượng viện, sau đó chuyển qua bỏ phiếu tại Hạ viện.
Tuy nhiên, tại Hạ viện, kế hoạch của Biden lại vấp phải rào cản từ chính đảng Dân chủ của ông, khi các nghị sĩ cấp tiến trong đảng tuyên bố sẽ không ủng hộ dự luật hạ tầng nếu nó không đi kèm một gói chi tiêu xã hội. Trong khi đó, không nghị sĩ Cộng hòa nào ủng hộ gói chi tiêu lên tới 3,5 nghìn tỷ USD này, khiến số phận của dự luật hạ tầng bị đe dọa.
Một số thành viên đảng Dân chủ cũng không đồng ý với gói chi 3,5 nghìn tỷ USD. Thượng nghị sĩ Joe Manchin, người mang quan điểm ôn hòa, từng đề xuất giảm khoản ngân sách này xuống còn 1,5 nghìn tỷ USD.
Vì vậy, phe Dân chủ đang cố gắng thảo luận những điều khoản sửa đổi, thu hẹp tham vọng của gói chi tiêu xã hội. Trong một dấu hiệu dường như cho thấy Biden đang kiểm soát tình hình, ông đã tới gặp Manchin tại nhà riêng ở thành phố Wilmington, bang Delaware hôm 24/10. Nhà Trắng cho biết hai người bạn lâu năm dùng bữa sáng cùng lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer và tiếp tục đạt được tiến bộ.
Gói chi tiêu xã hội dự kiến có quy mô nhỏ hơn nhiều so với mức đề xuất 3,5 nghìn tỷ USD. Các nguồn tin tiết lộ Manchin hiện đồng ý với mức 1,75 nghìn tỷ USD. Dự luật bị thu hẹp có nghĩa là Biden phải nhượng bộ bằng cách bỏ một số đề xuất mà ông vận động, như miễn học phí các trường cao đẳng cộng đồng. Như Tổng thống đã giải thích hôm 21/10, cần phải thỏa hiệp để thông qua các dự luật.
Hiện chưa rõ nội dung chính xác của dự luật chi tiêu xã hội, bởi các cuộc đàm phán đều được tổ chức kín. Tuy nhiên, phe Dân chủ dường như vẫn quyết theo đuổi các mục tiêu như miễn phí cho giáo dục mầm non, mở rộng chương trình Medicare (hỗ trợ chi phí chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và khuyết tật).
Nếu dự luật cơ sở hạ tầng và chi tiêu xã hội khổng lồ được thông qua, đây sẽ là bước ngoặt đánh dấu việc Biden đạt được một trong những di sản lập pháp quan trọng nhất đối với bất kỳ tổng thống thời hiện đại nào. Chúng có thể giúp Biden hiện thực hóa mục tiêu sử dụng quyền lực chính phủ để chuyển cán cân của nền kinh tế về tay người lao động.
"Quy mô dự luật hẹp hơn so với dự kiến của chúng tôi, nhưng vẫn lớn hơn bất cứ biện pháp nào mà chúng tôi từng đưa ra để giải quyết nhu cầu cho những gia đình người lao động Mỹ", Pelosi cho hay.
Ngoài ra, nếu đảng Dân chủ đạt đồng thuận về cấu trúc dự luật và Biden đưa được vào hàng tỷ USD tài trợ cho kế hoạch chống biến đổi khí hậu, ông sẽ nắm lợi thế lớn khi lên đường công du từ ngày 28/10 để dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rome và hội nghị khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Scotland.
Khoản ngân sách đáng kể dành cho môi trường trong dự luật được đánh giá đóng vai trò quan trọng với mức độ tín nhiệm của Biden trên trường quốc tế, khi ông đang nỗ lực đưa Mỹ trở lại vị trí dẫn dắt toàn cầu bảo vệ hành tinh, hối thúc các quốc gia gây ô nhiễm hàng đầu khác cùng hành động. Đây là một trong những mục tiêu đối ngoại hàng đầu của Biden.
Dự luật hạ tầng 1.000 tỷ USD nếu được thông qua cũng sẽ giúp Biden hiện thực hóa lời kêu gọi đoàn kết đất nước lúc tuyên thệ nhậm chức, cũng như kêu gọi lưỡng đảng tìm ra các lĩnh vực hợp tác bất chấp khác biệt về ý thức hệ.
Giữa lúc đất nước phân cực gay gắt và thế đa số của đảng Dân chủ trong quốc hội không quá chênh lệch với đảng Cộng hòa, việc thông qua bất kỳ dự luật lớn nào cũng được cho là khá bất thường.
Theo bình luận viên Stephen Collinson của CNN, việc Biden huy động được gần 3 nghìn tỷ USD xây dựng cơ sở hạ tầng và chi tiêu xã hội, bên cạnh gói hỗ trợ Covid-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ USD đạt được trước đó, còn giúp xoa dịu cơn giận trong đảng Dân chủ, sau khi tín nhiệm của Biden giảm sút vì cuộc rút quân hỗn loạn ở Afghanistan, Covid-19 trỗi dậy trở lại, lạm phát gia tăng, giá khí đốt lên cao, thị trường lao động bấp bênh và chuỗi cung ứng gặp khó khăn.
"Đây là cơ sở để Biden nói với người dân Mỹ rằng ông và đảng Dân chủ đã thực hiện tốt những lời hứa tranh cử, tận dụng thời cơ kiểm soát quyền lực ở Washington để thúc đẩy những thay đổi chính trị quan trọng", Collinson nhận định về bước ngoặt nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên, bình luận viên này chỉ ra rằng mức tín nhiệm lao dốc của Biden gần đây là một trong những yếu tố cho thấy ngay cả khi chương trình nghị sự trị giá hàng nghìn tỷ USD của Tổng thống Mỹ được thông qua, lợi ích chính trị có thể không xuất hiện kịp thời để bảo đảm chiến thắng cho đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đầy thử thách vào năm sau.
Collinson đánh giá tranh cãi nội bộ gay gắt của đảng Dân chủ về các dự luật đã làm lu mờ những nội dung cải cách xã hội được đề xuất. Thêm vào đó, những cuộc đàm phán được tổ chức kín, khiến dư luận thắc mắc về nội dung cuối cùng trong dự luật chi tiêu xã hội, dẫn đến khó tạo được sự đồng thuận về mặt chính trị. Ngoài ra, quy mô dự luật thu hẹp còn 1,75 nghìn tỷ USD có thể gây thất vọng đối với nhiều cử tri cấp tiến, làm giảm sự nhiệt tình của họ trong cuộc bỏ phiếu năm sau.
Các khoản ngân sách trong dự luật còn có thể mất tới nhiều tháng, hoặc thậm chí nhiều năm, mới thực sự chạm được đến người dân Mỹ và thay đổi cuộc sống của họ, ở mức độ đủ để định hình quyết định về chính trị. Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Giá phải chăng của cựu tổng thống Barack Obama từng mất nhiều năm mới trở nên phổ biến trong xã hội Mỹ.
Collinson đánh giá về ngắn hạn, phe Dân chủ có thể phải trả giá bằng việc đánh mất thế đa số trong quốc hội sau bầu cử giữa kỳ. Tuy nhiên, trong bối cảnh quyền lực giờ đây thường xuyên thay đổi giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa, Collinson cho rằng việc mỗi đảng tối đa hóa thành tựu của họ trong khoảng thời gian nắm quyền lực ngắn ngủi ngày càng quan trọng.
"Biden đang đứng trước cơ hội tiến một đoạn dài đến mục tiêu đó trong tuần tới", bình luận viên kết luận.
Sống ở đời biết bớt quản, bớt nói, bớt nghĩ thì ấy là điều phúc khí
Có câu: “Bệnh tật từ miệng mà ra”, khẩu nghiệp là cái nghiệp nặng nhất. Muốn sống an nhàn, cuối đời tận hưởng phúc khí, tốt hơn hết nên biết bớt quản, bớt nói, bớt nghĩ.