Tương lai khó lường với bà Haley nếu thua Trump

Tăng cường chỉ trích Trump, bà Haley đối mặt nguy cơ bị cựu tổng thống và đông đảo thành viên đảng Cộng hòa ruồng rẫy nếu bị đánh bại trong vòng sơ bộ.

21:06 05/03/2024

Nikki Haley, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, vừa hứng chịu loạt thất bại liên tiếp trước đối thủ Donald Trump trong vòng sơ bộ của đảng Cộng hòa, khi để thua tại ba bang gồm Michigan, Idaho và Missouri trong ngày 2/3. Những chiến thắng này đưa ông Trump đến gần hơn với tấm vé đại diện đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống, trong khi triển vọng với bà Haley trở nên mờ mịt hơn.

Bà Haley đã tăng cường chỉ trích ông Trump trong những tuần gần đây, khi cuộc đua vòng sơ bộ tăng nhiệt. Bà cũng tuyên bố sẽ không bỏ cuộc cho tới ít nhất Siêu thứ ba vào 5/3, ngày 16 bang và vùng lãnh thổ Mỹ đồng loạt tổ chức bầu cử sơ bộ. Đây được xem là cơ hội cuối cùng để bà Haley tiếp tục nuôi hy vọng đánh bại ông Trump.

Khi phóng viên gần đây hỏi liệu bà có ý định tiếp tục chỉ trích hướng đi của đảng Cộng hòa dưới thời ông Trump dù rời cuộc đua sau Siêu thứ ba hay không, bà Haley khựng lại.

"Tôi không biết", bà nói. "Ý tôi là tôi chưa nghĩ tới điều đó".

Cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley phát biểu tại Concord, bang New Hampshire ngày 23/1. Ảnh: AP

Cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley phát biểu tại Concord, bang New Hampshire ngày 23/1. Ảnh: AP

Haley lập luận rằng đảng Cộng hòa dưới thời ông Trump đang trong tình trạng tồi tệ và không thể mở rộng tầm ảnh hưởng. Tuy nhiên, bà không chắc liệu có tiếp tục cuộc tranh đấu vì đảng Cộng hòa sau khi dừng cuộc đua tranh đề cử hay không.

Các ứng viên thua cuộc trong vòng sơ bộ thường đối mặt thời gian rất khó khăn sau đó. Nhiều người từ bỏ chính trị, chìm dần vào quên lãng, phục vụ trong các hội đồng quản trị công ty hoặc tổ chức phi lợi nhuận, hay tham gia lĩnh vực truyền thông.

Tuy nhiên, tương lai của bà Haley trong đảng Cộng hòa thậm chí còn bấp bênh hơn nếu thua cuộc trước Trump. Sau khi mô tả Trump hoàn toàn không phù hợp với vai trò tổng thống và rời khỏi thế giới MAGA (phong trào Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại), tương lai chính trị của bà Haley sẽ phải phụ thuộc vào việc ông Trump có sẵn sàng tha thứ cho bà hay không.

"Nếu thua, bà ấy sẽ cần nhận được sự ủng hộ của để hồi sinh vị thế trong đảng Cộng hòa", Jason Roe, cựu cố vấn chiến dịch tranh cử của thượng nghị sĩ Marco Rubio, nói.

Roe cho rằng Haley vẫn còn cơ hội hàn gắn quan hệ với Trump, nếu cựu thống đốc Nam Carolina bày tỏ ủng hộ và lòng trung thành với cựu tổng thống. "Nếu bà ấy tiếp tục chỉ trích hậu tranh cử, tôi nghĩ bà ấy sẽ có kết cục giống Liz Cheney", Roe nói, đề cập tới nữ nghị sĩ bị khai trừ khỏi đảng Cộng hòa và mất ghế trong quốc hội vì chỉ trích ông Trump.

Cựu cố vấn Roe cho rằng nếu Haley chọn ủng hộ , tương lai của bà có thể rộng mở khi nhận được hậu thuẫn từ cơ sở đảng Cộng hòa. "Đó không phải cuộc sống tồi tệ, mà ngược lại có rất nhiều lợi lộc. Giải khuyến khích giành cho bà ấy không tệ chút nào", Roe nói.

Động lực để bà Haley ở lại đường đua đang biến mất và cựu thống đốc Nam Carolina chỉ cam kết tiếp tục vận động cho đến Siêu thứ ba. Ngay cả với kịch bản ông Trump bất ngờ rời đường đua, rất ít đảng viên Cộng hòa nghĩ rằng bà Haley sẽ là lựa chọn của đa số đại biểu tại một đại hội toàn quốc nhiều tranh cãi của đảng.

Haley đã không ngừng chỉ trích Trump, thậm chí tỏ ra kích động hơn cả cựu tổng thống và thế giới MAGA của ông. Song lần lượt bang này tới bang khác, các cử tri Cộng hòa đều chọn Trump.

"Bà ấy đã tự bắn vào chân mình", Andy Sabin, nhà tài trợ nổi tiếng của đảng Cộng hòa từng ủng hộ bà Haley, nói. Sabin cho rằng Haley đáng lẽ nên rời cuộc đua ngay sau khi thua ở New Hampshire và gọi bà là "kẻ tham lam bị trừng phạt".

"Tôi đoán có rất nhiều người đều nói giống tôi rằng 'bà ấy đang cố chứng minh điều gì chứ?'. Bà ấy tranh cử ở Michigan và để thua với cách biệt 40 điểm phần trăm", ông nói.

Mike Murphy, chiến lược gia kỳ cựu của đảng Cộng hòa, cũng cho rằng Haley nên rời cuộc đua sớm. "Nếu ở lại lâu hơn, bà ấy sẽ rơi vào tình huống như Chris Christie", Murphy nói, đề cập tới cựu thống đốc New Jersey đã rời đường đua tranh cử hồi tháng 1 sau khi trở thành người mạnh mẽ chỉ trích ông Trump.

Trước khi thông báo rời cuộc đua, Christie dự đoán rằng Haley sẽ "thảm bại" khi cố giành vị trí ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa.

Haley phản đối bất kỳ so sánh nào giữa bà với Christie. "Tôi không chống Trump. Nếu tôi làm điều đó, tôi đã là Christie", bà nói.

Rob Godfrey, cựu trợ lý của Haley, hy vọng sau khi kết thúc cuộc đua, bà dành thời gian cho gia đình nhiều hơn và trở lại đấu tranh cho các sáng kiến chính sách sau một thời gian dồn sức cho vận động tranh cử. Bà Haley sẽ phải quyết định liệu có muốn dành thời gian còn lại của năm để vận động cho các ứng viên hoặc Trump hay không.

"Bà ấy chưa từng thua cuộc trước đây và phải xem liệu người đánh bại bà có phải là người mình muốn làm việc cùng hay không. Tôi nghĩ khoảng thời gian thư giãn và suy ngẫm sau khi kết thúc chiến dịch tranh cử sơ bộ có thể kéo dài hơn một chút đối với Haley", Godfrey nói.

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tại Rock Hill, Nam Carolina, hôm 23/2. Ảnh: AFP

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tại Rock Hill, Nam Carolina, hôm 23/2. Ảnh: AFP

Nhiều nhà quan sát cho rằng kịch bản tốt nhất với Haley là sẽ thua đối thủ , Tổng thống Joe Biden, trong cuộc bầu cử tháng 11. Tuy nhiên, nếu đảng Cộng hòa vẫn nằm trong tầm kiểm soát của ông Trump sau cuộc bầu cử năm 2024, Haley nhiều khả năng sẽ bị đảng ruồng bỏ. Bất kỳ đảng viên Cộng hòa nào từng chỉ trích Trump đều phải chịu số phận tương tự.

Lợi ích duy nhất mà Haley có thể giành được nếu tiếp tục chiến dịch tranh cử có thể là bước chuyển đổi nghề nghiệp để không còn là thành viên đảng Cộng hòa, theo Joe Walsh, cựu nghị sĩ từng thách thức ông Trump trong cuộc đua sơ bộ đảng Cộng hòa năm 2020. Walsh đã thông báo rời đảng sau khi tranh cử tổng thống.

"Đảng sẽ không còn chỗ cho bà ấy vào năm 2028, bởi cơ sở của đảng sẽ không thay đổi so với bây giờ", ông nói.

Cựu thống đốc Minnesota Tim Pawlenty, người từng tham gia vòng tranh cử sơ bộ đảng Cộng hòa năm 2012, hy vọng "Trump sẽ đề nghị bà Haley trở thành phó tướng". Tuy nhiên, kịch bản này là điều cả Trump và Haley thừa nhận khó có thể xảy ra.

Pawlenty lạc quan hơn về tương lai của bà Haley hậu tranh cử. "Chiến dịch của bà ấy đã vượt mong đợi và giúp bà có thể đứng trong hàng ngũ các ứng viên yêu thích cho năm 2028. Nếu muốn giữ cơ hội đó, bà ấy nên dành phần lớn thời gian trong 4 năm tới để duy trì và mở rộng mạng lưới hoạt động, cũng như cải thiện hình ảnh chính trị", ông nói.

Mitt Romney là một ví dụ. Ông đã từ bỏ chiến dịch tranh đề cử ngay sau sự kiện Siêu thứ ba năm 2008 và sau đó trở thành ứng cử viên của đảng vào năm 2012. Sau chiến dịch tranh cử tổng thống đầu tiên, Romney và đội ngũ của ông đã cố gắng giữ mối liên hệ với các lãnh đạo đảng cùng các nhà hoạt động trên khắp nước Mỹ, theo Kevin Madden, cựu cố vấn chiến dịch của Romney.

"Tôi hy vọng Haley có cách tiếp cận tương tự. Chiến dịch là một cuộc đầu tư đáng giá đối với hồ sơ chính trị của Nikki Haley", Madden nói. "Tôi hiếm khi nói điều gì chắc chắn trong chính trị vì nó là lĩnh vực rất biến động. Nhưng Nikki Haley sẽ trở thành tổng thống vào một ngày nào đó".

Tags:
Siêu thứ ba - cơ hội cuối để bà Haley cản bước ông Trump

Siêu thứ ba - cơ hội cuối để bà Haley cản bước ông Trump

Siêu thứ ba, ngày 16 bang và vùng lãnh thổ Mỹ đồng loạt tổ chức bầu cử sơ bộ, là cơ hội cuối cùng để bà Haley tiếp tục nuôi hy vọng đánh bại ông Trump.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất