Tỷ phú giàu nhất thế giới đầu tư cho công nghệ "trường sinh bất lão"
Jeff Bezos, tỷ phú giàu nhất thế giới, và tỷ phú người Nga Yuri Milner được cho là đang tài trợ cho một công ty công nghệ sinh học khởi nghiệp, nghiên cứu về cách đảo ngược quá trình lão hóa.
09:00 07/09/2021
Tờ Daily Mail hôm 5/9 đưa tin, công ty Altos Labs đã huy động được ít nhất 270 triệu USD để xem xét phát triển tiềm năng của công nghệ "cải lão hoàn đồng" ở động vật và có thể là con người.
Dù vẫn còn rất ít thông tin về Altos Labs cho tới nay, nhưng những thành viên của công ty này cũng gợi mở phần nào về các loại kỹ thuật chống lão hóa mà công ty này đang nghiên cứu.
Một trong số các thành viên của Altos Labs là tiến sĩ Shinya Yamanaka - người đi tiên phong trong việc nghiên cứu tái lập trình tế bào - giúp ông giành giải Nobel 2012.
Tiến sĩ Yamanaka phát hiện ra rằng, khi được thêm 4 loại protein đặc biệt, các tế bào sẽ có thể trở lại trạng thái mới hình thành ban đầu, với các đặc tính của tế bào phôi gốc - thứ tạo ra các khối cấu tạo nên sự sống mới ở động vật.
Tiến sĩ Yamanaka sẽ đóng vai trò là cố vấn không lương cho ban cố vấn khoa học của Altos Labs, theo một bài viết về sự thành lập của Altos đăng trên tạp chí MIT Technology Review.
Những tài năng khác được đưa về Altos bao gồm cả tiến sĩ Juan Carlos Izpisua Belmonte, một nhà sinh vật học người Tây Ban Nha, đang làm việc tại Viện Salk (Mỹ). Ông Belmonte cũng là người đi đầu trong nghiên cứu chuyển đổi tế bào.
Năm 2016, ông Belmonte đã trình diễn kỹ thuật tế bào phôi gốc của đồng nghiệp Yamanaka và động vật được thử nghiệm là chuột.
Sau thí nghiệm, ông Belmonte đã đặt biệt danh cho kỹ thuật này là "tiên dược của sự sống", MIT Technology Review đưa tin. Tiến sĩ Belmonte cũng nổi tiếng với công trình nghiên cứu trộn phôi giữa khỉ và người.
Ngoài 2 nhà khoa học trên, Altos còn có sự góp mặt của tiến sĩ Steve Horvath, người chuyên phát triển một dạng "đồng hồ sinh học" giúp đo lường chính xác sự lão hóa ở người và động vật.
Bất kỳ nghiên cứu "trường sinh bất lão" nào cũng cần một "đồng hồ sinh học" như vậy để đo mức độ hiệu quả của các kỹ thuật được áp dụng cho thí nghiệm.
Tỷ phú Mỹ Jeff Bezos và tỷ phú Nga Yuri Milner là những người không còn xa lạ với việc đầu tư vào các phòng thí nghiệm, nhằm tìm kiếm các giải pháp chống lão hóa.
Ông Bezos, 57 tuổi, người được tạp chí Forbes xếp hạng là tỷ phú giàu nhất thế giới với khối tài sản ròng 177 tỷ USD, từng đầu tư vào công ty chống lão hóa Unity Biotechnology.
Trong khi đó, ông Milner, 59 tuổi, đồng sáng lập công ty Mail.Ru, trong năm qua đã tài trợ cho nghiên cứu về tuổi thọ thông qua quỹ Milky Way.
Tỷ phú Nga Yuri Milner (trái). Ảnh: Getty
Tuy nhiên, gần đây, một kế hoạch được đưa ra để tăng tốc độ nghiên cứu phương pháp chống lão hóa bằng cách thành lập một công ty được tài trợ tốt và thu hút nhân tài với mức lương lên tới 1 triệu USD/năm, theo Technology Review. Đó là lý do Altos Labs ra đời.
Technology Review còn cho biết, một số tài năng khác đang được mời tham gia vào Altos gồm, tiến sĩ Peter Walter - người đã nghiên cứu về một phân tử ảnh hưởng đến trí nhớ; tiến sĩ Wolf Reik - chuyên gia tái lập trình tế bào và cựu thành viên của Viện Babraham (Anh).
Tiến sĩ Manuel Serrano, tới từ Viện nghiên cứu Y sinh (Tây Ban Nha), cũng sẽ tham gia Altos. Tiến sĩ Serrano tiết lộ, Altos chịu trả số lương gấp 10 lần số lương hiện tại để mời ông về làm việc.
Theo Daily Mail, Altos đang được thành lập mà không có kỳ vọng về doanh thu, mặc dù bất kỳ phương pháp chống lão hóa nào mà công ty này tìm ra đều mang lại giá trị hàng tỷ USD.
"Mục đích là để hiểu về sự trẻ hóa", tiến sĩ Serrano nói. "Tôi có thể nói rằng ý tưởng có doanh thu trong tương lai là có nhưng hiện tại thì không".
Hiện tại, một trong số những mục tiêu hàng đầu của Altos là có thể áp dụng kỹ thuật "trường sinh bất lão" cho động vật mà không gây ra cái chết.
Trong các thử nghiệm trước đây, kỹ thuật "trường sinh bất lão" có thể gây ra các khối u phôi. Cho tới nay, vẫn có rất ít nghiên cứu được công bố về vấn đề này dù chúng thu hút sự chú ý và đầu tư rất lớn.
Theo các nhà khoa học, công nghệ này không chỉ làm cho các tế bào "trẻ lại" mà còn làm cho chúng trở thành tế bào gốc, làm thay đổi vai trò của chúng. Điều đó có nghĩa rằng, rất nguy hiểm nếu thử nghiệm phương pháp này trên người.
Mỹ có thể phải chọn điều trị bệnh nhân Covid-19
Ca Covid-19 tăng mạnh đang gây quá tải các bệnh viện Mỹ, khiến một số bang phải tính đến ban hành tiêu chuẩn chọn bệnh nhân điều trị trong trường hợp khủng hoảng.