Tỷ phú Trung Quốc bị Bắc Kinh truy nã xin tị nạn ở Mỹ
Quách Văn Quý, tỷ phú Trung Quốc sống lưu vong bị Bắc Kinh truy nã vì tham nhũng, đệ đơn xin tị nạn chính trị tại Mỹ.
22:30 08/09/2017
Quách Văn Quý, đang ở Mỹ theo thị thực du lịch, muốn xin tị nạn bởi những cáo buộc nhằm vào ông khiến ông trở thành "người đối lập với chính phủ Trung Quốc", New York Times dẫn lời Thomas Ragland, luật sư của Quách, nói ngày 7/9. Thị thực du lịch của Quách sẽ hết hạn trong năm nay.
Theo Ragland, thời gian trung bình từ lúc nộp đơn cho đến khi được phỏng vấn là hai đến ba năm. Trường hợp của Quách "phức tạp hơn nên sẽ cần nhiều thời gian hơn". Tuy nhiên, Quách vẫn có thể ở lại Mỹ trong thời gian đơn được xem xét.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói ông không biết thông tin trên.
Đơn xin tị nạn của Quách có thể trở thành thách thức ngoại giao cho chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Mỹ đang tìm kiếm sự trợ giúp từ Trung Quốc trong việc cô lập Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng phóng thử hàng loạt tên lửa và thử hạt nhân lần 6.
Quách rời Trung Quốc năm 2014 và tới New York, Mỹ, sống. Tỷ phú này từng quay video đăng lên YouTube, viết bài trên Twitter cáo buộc có tham nhũng trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao đảng Cộng sản Trung Quốc, bao gồm cả ông Vương Kỳ Sơn, chỉ huy cuộc chiến chống tham nhũng của Bắc Kinh.
Quách từng nêu rõ muốn làm gián đoạn đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc, sự kiện tổ chức 5 năm một lần, dự kiến diễn ra vào ngày 18/10. Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng cáo buộc từ Quách không khiến chính phủ Trung Quốc lo ngại.
"Tôi không nghĩ Quách được coi là mối đe dọa của đảng Cộng sản Trung Quốc. Quách không có sức ảnh hưởng như ông ta tưởng", Chen Ping, doanh nhân tại Hong Kong, nói.
Cảnh sát quốc tế Interpol đã phát "thông báo đỏ" đối với Quách hồi tháng 4, theo đề nghị từ Bắc Kinh. AP đưa tin Trung Quốc đang điều tra Quách với 19 hành vi phạm tội, trong đó có bắt cóc, gian lận, hối lộ và rửa tiền.
"Thông báo đỏ" được Interpol phát ra theo đề nghị của một quốc gia thành viên, nhằm yêu cầu lực lượng cảnh sát các nước trong tổ chức xác định và bắt giữ người có liên quan. Đây là văn bản gần nhất với lệnh truy nã quốc tế của Interpol. Tuy nhiên, "thông báo đỏ" không có tính ràng buộc về mặt pháp lý với các nước thành viên.
Các CEO bày tỏ quan điểm sau quyết định của Trump về DACA
Tuần trước, hơn 400 giám đốc điều hành doanh nghiệp đã ký một lá thư cho tổng thống và các nhà lãnh đạo Quốc hội, nói rằng những người nhập cư, được gọi là "người mơ mộng" là rất quan trọng đối với nền kinh tế.