Ước mơ mua nhà xa vời với mẹ đơn thân ở Mỹ
Mất việc, thu nhập ảnh hưởng, lại một mình chăm con, nhiều phụ nữ đơn thân khó thích ứng trước thị trường nhà ở ngày càng cạnh tranh tại xứ cờ hoa.
04:00 14/11/2021
Sau khi trải qua những cú sốc trong đại dịch - thu nhập suy giảm, phải quanh quẩn trong 4 bức tường - Karlet Hewitt (33 tuổi) quyết định thay đổi hoàn toàn lối sống.
Vào tháng 2, người mẹ đơn thân có con trai 9 tuổi quyết định rời thành phố Mount Vernon (thuộc tiểu bang New York, Mỹ) và di chuyển về phía nam.
"Tôi đã đặt mục tiêu mua nhà tại Bắc Carolina vì thị trường nơi đó tốt hơn", cô nói. Tuy nhiên, trong đại dịch, Hewitt đã phải dùng phần lớn khoản tiết kiệm để thay đổi định hướng doanh nghiệp tổ chức sự kiện của cô. Cùng lúc, giá nhà tiếp tục tăng mạnh, New York Times đưa tin.
Hewitt chật vật tiết kiệm tiền mua nhà khi công việc kinh doanh bị ảnh hưởng trong dịch. Ảnh: New York Times.
Mất việc, chật vật trông con nhỏ
Suốt 3 thập kỷ vừa qua, những người mẹ đơn thân vẫn chiếm tỷ lệ ngày càng lớn trong số chủ sở hữu nhà, ngay cả khi không có sự tương trợ của bạn đời. 25% mẹ đơn thân đã mua được nhà trong năm 2019, nhiều hơn gấp đôi so với năm 1990, theo báo cáo gần đây của Urban Institute.
Đại dịch có nguy cơ làm giảm tiến độ đó, các chuyên gia cho biết. 1,5 năm sống trong đại dịch đã khiến nhiều phụ nữ mất việc, lại phải gồng gánh trách nhiệm chăm con. Đây là thách thức nghiêm trọng với mẹ đơn thân, nhất là những người có con nhỏ.
Trong khi đó, thị trường nhà ở ngày càng trở nên cạnh tranh: giá nhà dành cho gia đình đơn thân tăng 20% so với năm 2020, theo dữ liệu mới nhất.
"Covid-19 gây ra nhiều khó khăn với các gia đình, đặc biệt là phụ nữ độc thân có con. Đại dịch có thể sẽ xóa bỏ những tiến triển nhiều năm qua", Jun Zhu, phó giáo sư khoa tài chính Đại học Indiana (Mỹ) kiêm tác giả báo cáo của Urban Institute, cho hay.
Việc sở hữu nhà thường được xem là dấu hiệu của sự ổn định tài chính, bởi chi phí nhà ở sẽ không bị ảnh hưởng khi tiền thuê và lạm phát gia tăng. Tuy rủi ro có tồn tại, ngôi nhà vẫn là tài sản với giá trị gia tăng theo thời gian, có thể được sử dụng trong tương lai hoặc truyền lại cho thế hệ sau.
Với phụ nữ đơn thân có con nhỏ, việc mua nhà là một điều quan trọng nhằm đảm bảo sự ổn định tài chính. Ảnh: Getty.
"Mua nhà là một phần quan trọng trong việc tích lũy tài sản, đặc biệt với những gia đình có thu nhập trung bình", Kelly Shue, giáo sư tài chính tại Trường Quản lý Yale, cho biết.
Bà Shue đã phân tích dữ liệu khảo sát của chính phủ trong khoảng 1989-2016 và nhận thấy rằng, trong số các hộ gia đình có mức tiết kiệm trung bình, nhà cửa chiếm 70% tài sản của phụ nữ độc thân khi nghỉ hưu. Con số này là 50% với nam giới độc thân và 60% các cặp vợ chồng.
"Việc sở hữu nhà quan trọng với mọi nhóm người, nhưng đặc biệt là phụ nữ đơn thân", bà nói.
Đại dịch, cùng thị trường đầy thách thức, đã ăn mòn niềm tin của những phụ nữ này về khả năng mua được nhà. Gần 60% mẹ đơn thân đang đi thuê nhà cho rằng họ có lẽ sẽ không bao giờ trở thành chủ một căn hộ, theo khảo sát vào tháng 9.
"Mọi thứ thật sự rất khó khăn", cô Hewitt nói. Công ty tổ chức sự kiện của cô chật vật để hồi phục. Cô đang tập trung bình ổn lại thu nhập để tích lũy cho khoản đặt cọc mua nhà, trong khi vẫn phải trang trải chi phí thuê nhà, chăm con và trả khoản nợ sinh viên lên đến hơn 100.000 USD.
"Dù là một người lạc quan, tôi cũng không biết làm thế nào để thoát khỏi hoàn cảnh này", cô bày tỏ.
Taylor Hurles, người mẹ đơn thân có 2 con nhỏ, bị mất việc và giảm thu nhập trong đại dịch. Ảnh: New York Times.
Không từ bỏ
Taylor Hurles, một người mẹ đơn thân 27 tuổi sống cùng 2 con trai nhỏ ở khu Bronx (New York, Mỹ), đang làm việc toàn thời gian trong vai trò trợ lý sản xuất khi cô nhận thêm việc bên ngoài để dành tiền mua nhà.
Đại dịch ập đến và đảo lộn kế hoạch. Cô mất công việc toàn thời gian vào tháng 11/2020 và kết thúc hợp đồng làm ngoài vào tháng 1 năm nay. Tiền trợ cấp thất nghiệp không đủ chi trả phí sinh hoạt gia đình, khiến Hurles phải kiếm việc mới. Cô phải thực hiện hơn 40 cuộc phỏng vấn xin việc qua Zoom và thường xuyên bị ngắt quãng vì phải trông con trai 7 tuổi tại nhà.
"Từ khi mất việc, kế hoạch tương lai của tôi thay đổi hoàn toàn", Hurles chia sẻ.
Cô đã làm thêm một vài công việc hợp đồng và bắt đầu đánh giá lại cách tiếp cận sự nghiệp của mình. Làm sản xuất nội dung tự do và các công việc sáng tạo giúp cô linh hoạt thời gian nhưng cũng chịu nhiều áp lực tiền bạc vì không được trả công xứng đáng.
Trải nghiệm của Hurles khá quen thuộc với những người mẹ đơn thân.
Trước đại dịch, vào tháng 1/2020, 81% mẹ đơn thân tham gia lực lượng lao động, bao gồm những người đang tìm hoặc đã có công việc. Nhưng khi đại dịch xảy ra, tỷ lệ này giảm mạnh xuống 75% vào tháng 4/2020. Tháng 9 năm nay, con số này là 77%, vẫn thấp hơn mức trước đại dịch
Những người mẹ đơn thân, có con nhỏ dưới 5 tuổi như Hurles bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nhóm phụ nữ này chỉ dừng ở mức 60% vào tháng 8.
Tỷ lệ thất nghiệp của mẹ đơn thân gia tăng trong đại dịch. Ảnh: Pew Trusts.
Hewitt, Hurles và những bà mẹ đơn thân đang gồng mình xoay sở cuộc sống lại phải đối mặt thêm nhiều rào cản tài chính. Họ khó vay ngân hàng khi không có giấy tờ chứng minh thu nhập ổn định.
Hurles có 8.000 USD trong quỹ đặt cọc mua nhà và đến nay, cô vẫn chưa từ bỏ giấc mơ. "Tôi chỉ cần một chút thời gian nữa để đạt được điều đó", cô nói.
Sau 3 tuần nghỉ sinh không chính thức, Hurles đã trở lại làm việc từ xa dưới vai trò trợ lý sản xuất cho các buổi nói chuyện và thuyết trình về giáo dục.
Kế hoạch của Hurles rất đơn giản: “Hãy bước tiếp”, cô nói.
Ở Việt Nam 7 năm, chàng trai Tây không dám về quê hương
Jesse Peterson – một chàng trai Canada đã sống ở Việt Nam 7 năm. Jesse thường đùa rằng giờ anh chẳng còn dám về Canada nữa. Để lý giải về nỗi “sợ hãi” này, mời các bạn cùng đọc bức thư mà Jesse gửi cho bố mình ở Canada.