Ước mơ thời thơ bé ít ai ngờ của Hoa hậu H’Hen Niê
Thời thơ bé, H’Hen Niê từng giản dị ao ước được như những chị bán ve chai trong làng, đẩy xe, thay vì làm nương rẫy. Nhưng, “Đi học đã cho tôi cơ hội”, H’Hen nói. Nếu cô không quyết tâm với việc học hành, Việt Nam có thể đã chẳng có hoa hậu đầu tiên lọt vào top 5 Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới.
23:00 16/01/2019
Thời thơ bé, H’Hen Niê từng giản dị ao ước được như những chị bán ve chai trong làng, đẩy xe, thay vì làm nương rẫy. Nhưng, “Đi học đã cho tôi cơ hội”, H’Hen nói. Nếu cô không quyết tâm với việc học hành, Việt Nam có thể đã chẳng có hoa hậu đầu tiên lọt vào top 5 Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới.
Xuất hiện tại buổi giao lưu với chủ đề Bình đẳng giáo dục cho mọi người trong khuôn khổ lễ hội BridgeFest – Thu hẹp khoảng cách, H’hen Niê thu hút sự chú ý lớn.
“Hoa hậu quốc dân” trông rất vui vẻ và tràn đầy năng lượng. Cô liên tục cười và thoải mái chụp hình với người hâm mộ trước khi lên sân khấu, giao lưu với khán giả về một chủ đề mà bản thân cô là một ví dụ truyền cảm hứng, không chỉ trong nước mà còn cả cộng đồng quốc tế.
“Tôi là một người dân tộc thiểu số, tôi đáng lẽ sẽ lấy chồng lúc 14 tuổi, nhưng không, tôi chọn giáo dục. Đứng tại đây tôi muốn nói tôi làm được và bạn cũng có thể làm được!”, H’Hen Niê từng mạnh mẽ tuyên bố tại đêm chung kết Hoa hậu Hoàn vũ thế giới cách đây ít lâu.
Nói với MC Diễm Quỳnh, H’Hen Nie nhấn mạnh giáo dục luôn là thứ cô quan tâm và ưu tiên nhất trong các hoạt động. H’Hen mong rằng cô sẽ là động lực để các em dân tộc thiểu số muốn thay đổi. Bởi, hơn ai hết, H’Hen hiểu rõ những khó khăn, vất vả, những khoảng cách, hạn chế mà một đứa trẻ vùng sâu vùng xa bị thiếu.
Thời đi học, H’Hen kể rằng từ lớp 1 đến lớp 8, rào cản lớn nhất của cô là ngôn ngữ. Bởi từ lớp 1 đến lớp 8, xung quanh cô đa phần là đồng bào người Ê đê. “Tôi rất ngại nói tiếng Việt, không dám nói, qua cấp 3 thì có nói nhiều hơn”, cô kể.
14 tuổi, H’Hen được mẹ gợi ý lấy chồng. Bởi với cộng đồng người dân tộc, học hành không phải là thứ quan trọng. Điều mà lớp lớp người ở đây ưu tiên, là kết hôn, sinh con.
“Đi học là tốn kém, mọi người bảo học đủ rồi, không phải học nhiều đâu. Hãy cứ kết hôn, làm nông là đủ rồi”, H’Hen nhắc lại.
H’Hen một buổi đi học, một buổi phụ cha mẹ làm rẫy, vẫn nuôi giấc mơ con chữ. Đến cấp 3, một vấn đề khác phát sinh, là quãng đường đến trường dài hơn vì khoảng cách vật lý. “Đây cũng là giai đoạn các em dân tộc thiểu số hay nghỉ học nếu không chịu được áp lực, khó khăn”, cô nói.
Nhưng cô gái Ê đê này không bỏ cuộc. H’Hen giải thích rằng cô thấy vui khi đi học. Vui vì được biết thêm con chữ, vui vì được cạnh tranh với bạn bè. Những lời mẹ nhắc kết hôn đều bị cô gạt đi. H’Hen cũng nhận ra bản thân là người hài hước, thích trêu chọc người khác, dù vốn tiếng Kinh của cô rất hạn chế.
Trong buôn của H’Hen, tính đến nay, những người học hết cấp 3 và đi học đại học chỉ có 2 người, là cô và một người em họ.
H’Hen từng học trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương khoảng 1 năm. Sau đó cô học trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại về chuyên ngành tài chính doanh nghiệp. H’Hen lúc này chỉ có suy nghĩ được trở thành nhân viên ngân hàng. “Đến mua quần áo tôi cũng suy nghĩ là để dành để mặc khi đi làm sau này”, cô kể.
H’Hen bắt đầu mơ ước này là khi cô đang học cấp 3, theo cha đến ngân hàng trả nợ. Các chị giao dịch viên trong mắt cô bé Ê đê rất chỉnh chu, xinh đẹp, lại được ngồi trong phòng điều hoà mát lạnh. Những điều này quá lạ lẫm với buôn làng, với H’Hen, khi mà con người nơi đây quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời.
Thậm chí, thời còn bé xíu, khi thấy làm nương rẫy khổ quá, vất quá so với sức khoẻ bản thân, H’Hen chỉ mong được như các chị bán ve chai, đẩy xe đi trong làng.
Nhưng nhân duyên lớn nhất của H’Hen, như cô kể, là được tiếp xúc với các anh chị sinh viên tình nguyện. Những con người đó đã gieo vào đầu cô bé suy nghĩ, phải xuống Sài Gòn, phải đi học, phải làm nhân viên ngân hàng.
Sự lựa chọn của H’Hen là khác biệt, gây ngạc nhiên cho tất cả mọi người. Đại đa số những người ở buôn làng H’Hen nói riêng và người dân tộc nói chung, sẽ muốn nắm bắt hạnh phúc trước mắt, theo H’Hen. Đó có thể là việc đi làm thuê 120.000 đồng/ngày thay vì đến trường.
Mẹ H’Hen vẫn nuôi ý định muốn con gái kết hôn, bằng chứng, như H’Hen kể lại là mỗi khi thấy cô có ai theo đuổi, bà đều gợi ý tiến đến hôn nhân. Dù vậy, thấy con gái quyết tâm đeo đuổi học hành, bà đã chạy vạy vay tiền để H’Hen xuống Sài Gòn thi Đại học.
“Mẹ tôi là người hiện đại, luôn cập nhật và luôn thay đổi xu hướng”, H’Hen mô tả về mẹ.
Nhưng nhân viên ngân hàng không phải là đam mê của H’Hen. H’Hen muốn trở thành người mẫu và sau này, là Hoa hậu, hoạt động vì cộng đồng, như cô của ngày hôm nay.
Tất cả điều này được H’Hen giải thích rằng cô có được nhờ vào việc được tiếp cận giáo dục. “Giáo dục là điều cơ bản để tôi theo đuổi khát vọng, ước mơ”, cô nói và cho biết bản thân luôn cảm thấy lạc quan. H’Hen mô tả rằng điều này như một con chim luôn muốn bay, chạm vào đích, một cái đích mà cô có thể bỏ hàng ngày, hàng giờ để thực hiện.
H’Hen nói rằng mỗi ngày cần phải học hỏi. “Thế giới luôn quay, mọi thứ đang chuyển động, kiến thức cũng không dừng lại ở điểm nào cả”, cô cho biết. Và trong mỗi ngày, H’Hen nhấn mạnh cần phải có sự tư duy mà ở đó, tư duy tích cực phải luôn ngập tràn. “Tất cả mọi thứ mình đều làm được nhưng mình có chịu làm hay không thôi”, H’Hen nhận xét.
Cô mong muốn trong tương lai có thể hỗ trợ nhiều hơn nữa cộng đồng dân tộc thiểu số để họ thay đổi tư duy.
“Tôi mong mình trở thành người truyền cảm hứng cho giới trẻ, phụ nữ”, H’Hen Niê cười rạng rỡ.
Mỹ cảnh báo rủi ro lớn trong ứng dụng video nổi tiếng của Trung Quốc
Người dùng ứng dụng chia sẻ video TikTok của Trung Quốc đối diện nguy cơ dữ liệu cá nhân của họ bị chuyển cho Trung Quốc, theo cảnh báo của Viện kinh tế Quốc tế PIIE, trụ sở tại Washington.