Ước vọng xa vời của ông Biden về hòa bình Trung Đông

Ông Biden nỗ lực thúc đẩy giải pháp hai nhà nước cho xung đột Israel - Hamas, song giới chuyên gia cho rằng ước vọng hòa bình này khác xa thực tế ở Trung Đông.

20:02 04/05/2024

Tầm nhìn của Tổng thống Mỹ Joe Biden về Trung Đông thoạt nhìn mang rất nhiều ý nghĩa, khi ông tìm cách kết nối Israel với các cường quốc Arab trong khu vực nhằm đạt được nền hòa bình lâu dài, cũng như giải quyết dứt điểm xung đột ở Dải Gaza bằng giải pháp hai nhà nước.

Israel, đồng minh được Mỹ viện trợ quân sự hàng tỷ USD mỗi năm, sẽ thấy những lo ngại về an ninh khu vực của họ được dập tắt nhờ mối quan hệ liên minh với một số nước láng giềng Arab. Các nước Arab cũng sẽ thu được lợi ích từ mối quan hệ gần gũi hơn với Israel, quốc gia nổi tiếng về công nghệ cao và có ngành công nghiệp quốc phòng tiên tiến.

Tham vọng và ảnh hưởng của Iran, quốc gia đối đầu với Israel và các nước Arab, sẽ bị kiềm chế đáng kể trước sức mạnh của liên minh khu vực được Mỹ vun đắp.

Ishaan Tharoor, nhà phân tích của Washington Post, cho rằng tầm nhìn này ít nhiều giống với những điều mà cựu tổng thống Donald Trump từng thúc đẩy khi ông làm cầu nối cho Hiệp định Abraham, thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và hai nước Arab gồm Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cùng Bahrain vào năm 2020.

Hiệp định Abraham được coi là bước đột phá cho hòa bình khu vực, nhưng từ đó đến nay, Mỹ, Israel và các cường quốc Trung Đông, đặc biệt là Arab Saudi, chưa đạt được thêm bước tiến nào.

"Vấn đề làm lung lay hy vọng của ông Biden về hòa bình Trung Đông vẫn là điều mà từng chưa giải quyết được: mối quan hệ giữa Israel và người Palestine", Tharoor cho hay.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Tel Aviv ngày 18/10/2023. Ảnh: AFP
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Tel Aviv ngày 18/10/2023. Ảnh: AFP

Sau khi nhậm chức hồi năm 2021, ông Biden tiếp tục theo đuổi mục tiêu về hòa bình Trung Đông của người tiền nhiệm. Tổng thống Mỹ đã đưa ra vài nhượng bộ mang tính biểu tượng cho người Palestine sau khi ông Trump đã trao nhiều món quà chính trị cho Israel. Tới mùa hè năm 2023, cuộc đàm phán về bình thường hóa quan hệ giữa Arab Saudi và Israel trở thành tâm điểm chú ý ở Trung Đông.

Khi thỏa thuận Arab Saudi - Israel gần thành hình, xung đột ở Gaza bùng phát. Ngày 7/10/2023, nhóm vũ trang Hamas bất ngờ tấn công miền nam Israel, khiến hơn 1.100 người chết và bắt cóc 250 người tới Gaza. Israel lập tức mở chiến dịch đáp trả Hamas và hơn 6 tháng xung đột ở Gaza đã khiến hơn 34.000 người chết, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

Cuộc xung đột đã phá vỡ hiện trạng khu vực. Mỹ cùng đồng minh châu Âu và đối tác Arab đều nhận ra rằng cần nhanh chóng hồi sinh giải pháp hai nhà nước, trong đó hai nhà nước có lãnh thổ tách biệt được thiết lập cho người Israel và Palestine. Ngay cả khi thúc đẩy chấm dứt các hành động thù địch ở Gaza và trả tự do cho các con tin mà Hamas bắt, họ vẫn thúc đẩy ý tưởng thành lập hai nhà nước ở khu vực này.

"Khi cuộc khủng hoảng này kết thúc, cần có tầm nhìn về những gì tiếp theo. Và theo quan điểm của chúng tôi, đó phải là giải pháp hai nhà nước", ông Biden nói tại Nhà Trắng ngày 25/10/2023.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng giữa kế hoạch của ông Biden và thực tế khu vực tồn tại khoảng cách rất lớn. Mỹ vẫn coi thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Arab Saudi là trụ cột trong thỏa thuận chính trị lớn hơn, nhằm mở đường cho việc tái thiết Dải Gaza và thành lập nhà nước Palestine.

Tổn thất xung đột quá lớn ở dải đất bên bờ Địa Trung Hải khiến các chính phủ Arab không thể hợp tác với Israel mà phớt lờ vấn đề của người Palestine. Song không có ai trong giới chính trị Israel, từ đồng minh cánh hữu của Thủ tướng Benjamin Netanyahu tới các đối thủ trong phe đối lập, dường như sẵn sàng trao quyền tự quyết cho người Palestine.

"Israel không quan tâm, không sẵn sàng và cũng không chuẩn bị tâm thế cho việc đưa ra những quyết định chiến lược. Tất cả đều mang tính chiến thuật. Israel đang dồn lực vào chiến dịch đáp trả, cùng tình trạng bế tắc trên ba mặt trận: chống Hamas ở Gaza, Hezbollah ở Lebanon và đối phó Iran", Alon Pinkas, nhà bình luận của Haaretz, nói.

Vị trí Israel, Dải Gaza và một số nước trong khu vực. Đồ họa: AFP
Vị trí Israel, Dải Gaza và một số nước trong khu vực. Đồ họa: AFP

Các nước Arab cũng có những bất bình đối với Israel. "Thách thức là chúng tôi hiện chưa có bất kỳ đối tác đàm phán nào ở Israel", Ngoại trưởng Jordan Ayman al-Safadi nói trong cuộc họp tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở thủ đô Riyadh của Arab Saudi tuần trước, cho thấy Israel tiếp tục từ chối bất kỳ cuộc thảo luận nào về việc thành lập nhà nước Palestine.

Ngoại trưởng Safadi cũng chỉ ra các chính phủ Arab khó có thể tham gia nỗ lực gìn giữ hòa bình và tái thiết ở Gaza nếu không đạt được giải pháp chính trị có ý nghĩa.

Ngoại trưởng Arab Saudi Faisal bin Farhan al-Saud cũng lặp lại những lo ngại này, cho rằng nếu Israel cam kết thực thi giải pháp hai nhà nước, điều đó sẽ khiến sứ mệnh gìn giữ hòa bình trong tương lai ở Gaza trở nên "đáng tin cậy hơn".

"Giải pháp mà tất cả chúng tôi đều hướng tới là nhất trí thành lập nhà nước Palestine, trao quyền cho người dân của họ. Khi thống nhất được điều này, chúng tôi mới quyết định có nên dồn lực để biến nó trở thành hiện thực hay không", ông nói.

Tuy nhiên, người Israel tới nay không thể hiện bất cứ dấu hiệu nào cho thấy họ đồng ý với phương án như vậy. Trong chuyến công du thứ 7 tới khu vực sau khi xung đột bùng phát, Ngoại trưởng Mỹ Antonty Blinken tới Israel và lần nữa thảo luận với Thủ tướng Netanyahu. Tại Riyadh, ông Blinken thừa nhận mấu chốt của vấn đề.

"Nếu không đảm bảo được tương lai chính trị cho người Palestine, việc vạch kế hoạch tương lai rõ ràng cho Dải Gaza sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều, nếu không muốn nói là không thể", ông nói.

Kế hoạch của ông Netanyahu đối với Gaza thiên về phương án sử dụng vũ lực hơn. Thủ tướng Israel ngày 30/4 tỏ ra không khuất phục trước áp lực ngày càng tăng trong nước và quốc tế nhằm phản đối kế hoạch tấn công Rafah. Thành phố miền nam Gaza được Israel xem là thành trì cuối cùng của Hamas, song cũng là nơi trú ẩn của khoảng 1,5 triệu người Palestine.

"Dù có đạt được thỏa thuận hay không, chúng tôi vẫn sẽ tiến đánh Rafah và loại bỏ các tiểu đoàn Hamas ở đó để giành chiến thắng hoàn toàn", ông Netanyahu nói trong cuộc gặp với các đại diện và gia đình con tin ở Jerusalem.

Tại Riyadh, Tổng thống Chính quyền Palestine ở Bờ Tây Mahmoud Abbas nói nếu Thủ tướng Israel tiến hành chiến dịch tấn công Rafah theo ý mình, "thảm họa lớn nhất trong lịch sử người Palestine sẽ xảy ra". Ông cho rằng Mỹ là quốc gia duy nhất có thể ngăn chặn Israel khỏi "tội ác này".

Tổng thống Joe Biden trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại  ngày 4/4. Ảnh: White House
Tổng thống Joe Biden trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại ngày 4/4. Ảnh: White House

Ngay cả trong trường hợp Israel tiến quân vào Rafah, giới quan sát cho rằng không có gì đảm bảo ông Netanyahu có thể đạt được các mục tiêu chiến lược của mình. Họ tin năng lực quân sự của Hamas đã bị suy giảm, nhưng nhóm vũ trang này "chưa thể bị loại bỏ" bằng các hoạt động quân sự.

"Thay vì xóa sổ Hamas, chiến dịch của Israel đang phá hủy nơi sinh sống của người dân ở Dải Gaza. Những khu vực đổ nát, nơi chỉ còn lại hận thù, sẽ là mảnh đất màu mỡ cho sự hồi sinh của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan", nhà sử học Pierre Filiu ở Viện nghiên cứu Sciences Po Paris tại Pháp, nói.

Giới chuyên gia cho rằng dù tầm nhìn về giải pháp hai nhà nước hay nỗ lực thúc đẩy hòa bình Trung Đông của ông Biden có vẻ mang nhiều ý nghĩa, chúng thực chất vẫn là chiến lược thất bại kéo dài hàng thập kỷ của Mỹ trong khu vực.

Bất kỳ nỗ lực nghiêm túc nào nhằm thúc đẩy cuộc sống hòa bình cho người Palestine đòi hỏi ông Biden phải gây áp lực với Israel theo cách mà đến nay chính quyền của ông chưa sẵn sàng làm. Dù nhiều lần bày tỏ bất bình với lập trường cứng rắn của Thủ tướng Netanyahu, chính quyền ông Biden đến nay vẫn ủng hộ và tiếp tục viện trợ vũ khí cho Israel.

Khi đến thăm Israel hồi cuối năm ngoái, ông Biden tuyên bố ủng hộ thành lập nhà nước Palestine, nhưng cảnh báo rằng "điều đó không thể xảy ra trong ngắn hạn". Đối với nhiều nhà quan sát, bình luận này giống như lời thừa nhận của Tổng thống Mỹ về hiện trạng khó khăn cho hòa bình khu vực Trung Đông.

Tags:
Vị hoàng đế Trung Hoa “bỏ trốn” trong hoàng cung, hơn 20 năm không thiết triều

Vị hoàng đế Trung Hoa “bỏ trốn” trong hoàng cung, hơn 20 năm không thiết triều

Trong giai đoạn cuối của triều đại nhà Minh, có một hoàng đế trị vì lâu nhất nhưng cũng mang tiếng xấu nhất vì bỏ bê triều chính, gián tiếp khiến triều đại suy yếu, cuối cùng toàn bộ cơ nghiệp bị người Nữ Chân ở phương bắc thôn tính.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất