Vai trò của trợ giảng AI trong lớp học ở Australia và Mỹ

Trong khi ZenoBot có thể giao tiếp và tương tác với học sinh thì Jill Watson lại trả lời tự động email và các câu hỏi trên forum trường.

10:30 12/04/2018

Việc ứng dụng những sản phẩm AI tại lớp học đã xuất hiện ở nhiều nước và đạt được hiệu quả rõ rệt.

ZenoBot

ZenoBot là một sản phẩm AI trợ giảng đang được thử nghiệm với học sinh tại trường Trinity Lutheran, Australia. Với phòng học được chia làm 4 không gian khác nhau gồm khu thảo luận, khu vực sảnh, khu vực giảng dạy, khu vực làm việc cá nhân, 20 học sinh học tại các khu vực khác nhau và 2 giáo viên không thể làm việc với tất cả học sinh cùng một lúc.

Trợ lý ZenoBot sẽ hiển thị trên màn hình tương tác chính của lớp, đồng thời xuất hiện trên máy tính cá nhân của học sinh. Trong khi giáo viên làm việc với học sinh tại khu thảo luận và khu giảng dạy thì ZenoBot tiến hành các bài học tại các khu vực còn lại trong lớp.

Trợ lý ảo tại lớp học làm việc như thế nào

Học sinh tương tác với trợ giảng ZenoBot. Ảnh: SMH.

Trợ lý ZenoBot có thể nói hơn 10 ngôn ngữ, cung cấp bài giảng, hỗ trợ học sinh làm bài tập, đáp ứng các yêu cầu của học sinh và ghi lại những câu trả lời của họ.

Theo đội ngũ phát triển, ZenoBot giải quyết đồng thời hai vấn đề tại lớp học. Một mặt đây là công nghệ trên máy tính giúp giảm áp lực cho các giáo viên, mặt khác AI này vẫn yêu cầu học sinh giao tiếp và tương tác, để hạn chế tình trạng chỉ tập trung vào màn hình và không tương tác xã hội.

Jill Watson

Jill Watson - trợ lý AI là một trong 9 nhân viên trợ giảng của chuyên gia khoa học máy tính Ashok Goel (Mỹ), giảng viên khóa học trực tuyến "Trí tuệ nhân tạo dựa trên nền tảng tri thức". Với khoảng 10.000 câu hỏi từ gần 400 sinh viên học mỗi năm, đội ngũ trợ giảng thật của Tiến sĩ Goel không thể giải quyết hết được khối lượng công việc khổng lồ này. Năm 2015, Jill Watson được Goel và các sinh viên cũ xây dựng trên nền tảng Watson của IBM để hỗ trợ xử lý các thông tin này.

Để xây dựng dữ liệu cho Jill Watson, Goel cùng nhóm nghiên cứu thu thập khoảng 40.000 mẫu câu hỏi của sinh viên, sau đó cung cấp toàn bộ thông tin gồm cả mẫu câu hỏi và giải đáp cho Jill.

Do nhiều câu hỏi có tính trùng lặp nên AI sẽ nhanh chóng quét dữ liệu để trả lời. Thời gian đầu, Jill được nhóm nghiên cứu kiểm duyệt nội dung để đảm bảo đưa ra câu trả lời chính xác. Dần dần, Jill có thể trả lời chính xác tới 97%. Jill được nhóm nghiên cứu cho phép trả lời tự động email và các câu hỏi trên forum vào đầu năm 2016.

Các sinh viên tham gia khóa học không hề nghĩ mình được trả lời bởi một trợ lý ảo. Họ chỉ biết sự thật khi nhóm Tiến sĩ Goel công bố thông tin sau 4 tháng thử nghiệm. Một vài sinh viên có nghi ngờ vì trợ giảng trả lời quá nhanh, tuy nhiên vẫn tin đó là người thật.

Do là khóa học trực tuyến nên mọi tương tác với giảng viên và trợ giảng đều qua Internet. Một số sinh viên cho biết Jill dùng ngôn ngữ bình thường như một người thật, với các từ phổ thông và thậm chí dùng dấu chấm than biểu cảm cuối câu.

Trợ lý ảo tại lớp học làm việc như thế nào - 1

Jill Watson trả lời các câu hỏi của sinh viên trên forum. Ảnh: Gatech.edu.

Giáo viên tại trường Trinity Lutheran không cảm thấy ZenoBot là một mối đe dọa, thậm chí còn thấy đó là một trợ lý đắc lực trong một môi trường học tập linh hoạt, cho phép giáo viên dành nhiều thời gian hơn cho từng học sinh. Với Tiến sĩ Goel, Jill Watson là một trợ lý lớp học xuất sắc và được kỳ vọng sẽ giải quyết hơn 40% khối lượng câu hỏi mà khóa học cần xử lý.

Với các lớp học, AI giúp việc học tập được cá nhân hóa tốt hơn. Máy móc có thể làm nhanh và chính xác hơn. Các nhà khoa học dự đoán AI sẽ thay thế những công việc đơn giản với số lượng lớn.

Các chuyên gia cũng cho biết, tốc độ tiến bộ của AI nhanh hơn nhiều so với suy nghĩ ban đầu. AI có thể thực hiện các công việc văn thư chuyên sâu nhanh chóng tự động. Các mô hình AI mới cũng có khả năng đưa ra những quyết định như con người. Theo chuyên gia giáo dục Anh quốc Anthony Seldon, năm 2027, robot có thể thay thế được giáo viên.

Nguyên Chương (tổng hợp từ Sydney Morning Herald, Daily Mail)

Tags:
Nghị sĩ Mỹ hỏi ông chủ Facebook 'tối qua ngủ ở khách sạn nào'

Nghị sĩ Mỹ hỏi ông chủ Facebook 'tối qua ngủ ở khách sạn nào'

Thượng nghị sĩ bang Illinois hỏi tên khách sạn mà ông chủ Facebook nghỉ tại thủ đô Washington DC nhằm chỉ ra rằng ai cũng có quyền riêng tư.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất