Ván cược bỏ khẩu trang của Mỹ thất bại
Mỹ bỏ quy định khẩu trang vào tháng 5, nhưng chưa đầy ba tháng sau phải khôi phục biện pháp này vì đối mặt biến chủng Delta dễ lây lan.
09:00 30/07/2021
Sử dụng khẩu trang để ngăn ngừa lây nhiễm nCoV từ lâu là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Trong khi khẩu trang được sử dụng rộng rãi tại châu Á, các nước phương Tây tỏ ra chần chừ với khuyến nghị này.
Khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) thông báo hướng dẫn mới vào tháng 5, trong đó nêu rõ người đã tiêm chủng không cần đeo khẩu trang cả ở trong nhà và bên ngoài, Mỹ đã ghi mình vào danh sách những nước phương Tây muốn bỏ quy định khẩu trang trước khi đại dịch kết thúc, dù hiệu quả của biện pháp ngừa dịch này đã được chứng minh rõ ràng.
Vào thời điểm đó, nhiều người đã chỉ trích CDC rằng cơ quan này dường như hay đưa ra lời khuyến nghị sai vào sai thời điểm, đồng thời cho rằng sai lầm này không khác gì việc trì hoãn quy định đeo khẩu trang trong giai đoạn đầu dịch. Mỹ lần đầu khuyến nghị đeo khẩu trang ngừa Covid-19 vào ngày 3/4/2020, sau một thời gian dài cho rằng đây là biện pháp không cần thiết.
"Tôi liên tục bị bất ngờ về cách chúng ta sẵn sàng từ bỏ nhanh chóng những bài học của mình", Ian Mackay, phó giáo sư về virus học tại Đại học Queensland, Australia, nói.
Chưa đầy ba tháng sau, ngày 27/7, CDC Mỹ một lần nữa thông báo thay đổi hướng dẫn về khẩu trang, khuyến nghị tất cả người Mỹ đeo khẩu trang trong không gian kín ở nơi công cộng. Thay đổi được đưa ra khi dữ liệu cho thấy người đã tiêm chủng vẫn có nguy cơ nhiễm biến thể Delta với tải lượng virus cao như người chưa tiêm chủng.
Giới chuyên gia cho rằng việc đảo ngược khuyến nghị của CDC không dễ dàng. "Một khi bạn đã để điều đó xảy ra, rất khó để cứu vãn tình hình", Lawrence Gostin, giáo sư về luật y tế toàn cầu tại Đại học Georgetown, cho hay.
Những người Mỹ đã bỏ đeo khẩu trang có thể sẽ khó bị thuyết phục để tuân thủ quy định một lần nữa.
Năm ngoái, CDC không phải là cơ quan duy nhất hoài nghi về tác dụng của khẩu trang. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã không công bố hướng dẫn toàn cầu về khẩu trang cho tới ngày 5/6, muộn hơn hai tháng so với Mỹ. Nhưng WHO hiện liên tục khuyến nghị mọi người, tiêm vaccine hay chưa, đeo khẩu trang khi ở gần người khác.
Người phát ngôn của WHO Tarik Jasarevic ngày 27/7 nói rằng cơ quan y tế này khuyên các chính phủ tiếp tục nhấn mạnh vai trò quan trọng của các biện pháp xã hội và y tế cộng đồng, như đeo khẩu trang, nếu quốc gia đó vẫn "ghi nhận lây nhiễm trong cộng đồng".
Thời điểm CDC bỏ quy định về khẩu trang, Covid-19 ở Mỹ vẫn tiếp tục lây lan trong cộng đồng. Ngày 13/5, Mỹ ghi nhận gần 50.000 ca nhiễm mới, trong khi tỷ lệ tiêm chủng giảm. Quyết định bỏ khẩu trang được nhiều người cho là nỗ lực để khuyến khích người dân tiêm chủng.
Tuy nhiên, ván cược của Mỹ có thể đã thất bại. Số lượng vaccine được tiêm ở Mỹ trong tuần này giảm một nửa so với tuần mà CDC thông báo bỏ quy định khẩu trang. Dù nguồn cung dồi dào, chỉ 58% người Mỹ đã tiêm chủng đầy đủ.
Số ca nhiễm nCoV tại Mỹ gần đây tăng mạnh khi biến chủng Delta ngày càng trở nên phổ biến, với tổng số ca nhiễm và tử vong hiện lần lượt hơn 35 triệu và hơn 627.000. Số ca nhiễm mới hàng ngày ở Mỹ trong hai tuần qua tính tới 27/7 tăng 145%, với hơn 63.000 ca/ngày. Tỷ lệ nhập viện và tử vong cũng tăng lần lượt 70% và 6%, theo NYTimes.
"Khoa học đã đúng", Gostine nói. "Nhưng CDC là cơ quan y tế cộng đồng, chứ không phải viện nghiên cứu khoa học. Và nếu họ nói chuyện với bất kỳ nhà khoa học hành vi nào vào thời điểm đó, họ chắc chắn nói rằng thông điệp được truyền đạt tới mọi người là hãy bỏ khẩu trang của bạn ra".
Christos Lynteris, giáo sư về nhân học y tế tại Đại học St. Andrews ở Scotland, nói rằng "đây là thất bại lớn trong việc truyền tải thông tin y tế cộng đồng, bởi điều lý tưởng nhất mà chúng ta nên hướng tới là khẩu trang không chỉ được sử dụng trong đại dịch mà còn sau đó nữa".
Rất ít chuyên gia cho rằng khẩu trang là "chìa khóa vạn năng", nhưng rất nhiều người tin đây là công cụ quan trọng cùng với tiêm chủng. Khẩu trang được sử dụng phổ biến trong mùa cúm ở các nước Đông Á và được xem như một yếu tố làm nên thành công kiểm soát dịch ở một số quốc gia.
"Khẩu trang là một trong những biện pháp phòng ngừa lây nhiễm phi dược phẩm, chi phí thấp, an toàn và hiệu quả nhất", Sunny Wong, phó giáo sư tại Đại học Trung văn Hương Cảng, nói.
Wong là tác giả chính của nghiên cứu công bố vào tháng 6/2020, cho thấy những nơi sử dụng khẩu trang sớm trong đại dịch, như Hong Kong và Đài Loan, thời điểm đó ít ghi nhận đợt bùng phát lớn như nhiều nơi khác trên thế giới.
Việc nới lỏng quy định khẩu trang bắt buộc của các chính phủ hồi đầu năm nay sẽ "hợp lý" nếu họ có tỷ lệ tiêm chủng cao nhưng tỷ lệ lây nhiễm cộng đồng thấp, theo Wong. "Ngược lại, khẩu trang vẫn nên là biện pháp phòng ngừa sáng suốt, bất kể tình trạng tiêm chủng", ông nói.
Wong lưu ý Hong Kong, nơi chỉ ghi nhận vài ca nhiễm một ngày và đã tiêm chủng đầy đủ khoảng 30% dân số, vẫn giữ khuyến nghị đeo khẩu trang.
Giờ đây, nhiều chính phủ đã đồng thuận hơn trong việc áp dụng các quy định về khẩu trang, trừ một vài trường hợp ngoại lệ ở phương Tây như Thụy Điển và Hungary. Ngay cả tại sự kiện thể thao Olympic Tokyo ở Nhật Bản, chia rẽ toàn cầu về khẩu trang cũng đã thay đổi. Hầu hết các đoàn thể thao đều đeo khẩu trang theo quy định của quốc gia đăng cai, trừ vận động viên của Kyrgyzstan và Tajikistan, cùng một số trường hợp khác.
Mỹ không phải là quốc gia duy nhất phải khôi phục quy định về khẩu trang sau khi nới lỏng. Tại Israel, đeo khẩu trang trong không gian kín được dỡ bỏ ngày 15/6 và được tái áp đặt 10 ngày sau đó do số ca nhiễm tăng.
Tại Hàn Quốc, một trong những nước Đông Á đầu tiên vạch ra con đường thoát đại dịch, chính phủ hồi tháng 6 thông báo người dân đã tiêm chủng ít nhất một liều sẽ sớm được phép ra ngoài không cần đeo khẩu trang. Nhưng trước khi quy định có hiệu lực, chính phủ Hàn Quốc đã hủy bỏ chúng ở Seoul và các vùng lân cận, yêu cầu cả những người đã tiêm chủng đầy đủ đeo khẩu trang.
Ở một số nước như Pháp và Australia, các quy định đeo khẩu trang của địa phương đã trở lại vào mùa hè này.
Tại Anh, quy định đeo khẩu trang đã được dở bỏ cùng tất cả các hạn chế Covid-19 cuối cùng vào ngày 19/7. Chính phủ Anh gọi đây là "ngày tự do" trên con đường trở lại cuộc sống bình thường của quốc gia này. Tuy nhiên, nhiều quan chức chính phủ vẫn khuyến nghị người dân đeo khẩu trang sau ngày "sổ lồng".
Chris Whitty, giám đốc y tế Anh, ngày 7/7 cho biết ông sẽ đeo khẩu trang khi ở trong không gian kín và tiếp xúc với người khác, dù đã tiêm vaccine đầy đủ và chính phủ bỏ quy định này.
Tuy nhiên, việc khôi phục quy định khẩu trang sau khi dỡ bỏ không phải điều dễ dàng. Israel đã gặp khó khăn với việc thực hiện quy định này kể từ hôm 25/6. Chính phủ Israel thông báo có thể phạt một cơ sở kinh doanh hơn 300 USD nếu phục vụ cho người không đeo khẩu trang hoặc không đặt biển hiệu thông báo về quy định này.
Bất chấp những thay đổi, Keiji Fukuda, hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Hong Kong, cho rằng chia rẽ Đông - Tây về khẩu trang có thể vẫn tồn tại.
"Tại các nước phương Tây, nhiều người đã đánh đồng quy định khẩu trang với vi phạm quyền riêng tư", Fukuda nói. "Tại châu Á, đặc biệt ở Hong Kong, đeo khẩu trang đơn giản được xem là hành động an toàn và thận trọng, tương tự như rửa tay và tránh tiếp xúc với người khác nếu đã nhiễm bệnh".
Tuy nhiên, Fukuda, cựu quan chức cấp cao của cả CDC và WHO, nói rằng chia rẽ toàn cầu về khẩu trang đang có xu hướng giảm dần. "Tôi hy vọng hầu hết mọi người đều hiểu được rằng đối phó với Covid-19 không đơn giản, cần đến sự phối hợp của khoa học, phán đoán chính trị, truyền tải thông tin tốt, niềm tin và sự linh hoạt. Tôi nghĩ cũng cần thêm sự khiêm tốn", ông nói.
Báo động về dấu hiệu sinh tồn của Trái Đất
Theo một nghiên cứu mới, thái độ thờ ơ của các nền kinh tế trên thế giới trước biến đổi khí hậu khiến các “dấu hiệu sinh tồn” của Trái Đất ngày càng trở nên tồi tệ.