Văn hoá dùng xe hơi của người Mỹ
Từ phương tiện chỉ dành cho những người giàu có và nổi tiếng, xe hơi đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống người Mỹ, trở thành cầu nối văn hoá giữa các thế hệ.
13:30 15/08/2018
Xe hơi lần đầu xuất hiện trên đường phố ở Mỹ vào những năm 1900. Thời đó, ôtô bị xem như món đồ chơi nhạt nhẽo cho người giàu và nổi tiếng. Chi phí vận hành quá cao và không thực tế khiến xe hơi là món đồ người Mỹ bình thường không dám mơ tới.
Henry Ford là người đầu tiên hiểu rằng hầu hết người Mỹ không thể mua được một chiếc xe, nhưng tất cả đều muốn có một chiếc. Model T là chiếc xe đầu tiên trong lịch sử nhân loại được sản xuất hàng loạt, phù hợp với tầng lớp trung lưu. Mẫu xe này cũng được xem như khởi nguyên của ngành công nghiệp xe hơi tại Mỹ.
Trong những năm 1950, sự phát triển kinh tế bùng nổ sau chiến tranh đã tạo nên một thế hệ thanh thiếu niên giàu có, đủ sức mua những chiếc “siêu xe” uống xăng như nước.
Lúc này, xe hơi trở thành phương tiện thể hiện phong cách chứ không đơn thuần là phương tiện đi lại như trước. Chúng phản ánh lối sống, địa vị của chủ sở hữu.
Người ta thường hỏi nhau về dung tích máy, số lượng xy-lanh hay công suất cực đại của chiếc xe trong những lần gặp gỡ. Họ cũng bắt đầu “độ” chiếc xe của mình để trở nên nổi bật. Nắm bắt nhu cầu này, các hãng đua nhau tăng dung tích xy-lanh và sức mạnh.
Từ đường phố cho tới những bài hát
Ôtô bắt đầu trở thành một phần văn hoá Mỹ, không chỉ trên các đường phố hay câu lạc bộ tại địa phương mà còn trong thế giới giải trí. Trong phim, các ngôi sao thường xuất hiện cùng chiếc xe hơi thời thượng. James Dean và chiếc xe của ông đã trở thành biểu tượng của “sự nổi loạn không có nguyên nhân”.
Cô gái tóc vàng trên chiếc T-Bird màu trắng (nhân vật Suzanne Somers trong phim American Graffiti) thậm chí không được gọi tên. Họ gọi cô bằng “Blonde in T-Bird” (tóc vàng hoe trong xe T-Bird).
Ngay cả những ca khúc hit của những năm 60 đã cuốn hút một thế hệ vào lối sống tập trung vào ôtô và những cô gái. Những chiếc xe hơi xuất hiện mọi lúc, mọi nơi trong đời sống văn hoá của người Mỹ.
Xe độ trong Fast and the Furious trở thành một phần văn hoá chơi xe của người Mỹ. Ảnh: Superfly.
Năm 2001, loạt phim Fast & Furious của Universal Pictures chiếm giữ vị trí số một tại phòng vé, doanh thu vượt trội so với chi phí sản xuất. Các ngôi sao xuất hiện trong phim cùng những chiếc xe đặc biệt.
Với những chiếc xe hào nhoáng và âm nhạc nóng bỏng, các cô gái bốc lửa, loạt phim này trở thành biểu tượng văn hoá hiện đại của giới trẻ Mỹ ngày nay. Ngoài dàn diễn viên nổi tiếng, nhiều khán giả tới rạp chỉ để ngắm nhìn những chiếc xe mơ ước.
Cũng từ loạt phim Fast & Furious, những hãng độ xe bắt đầu ăn nên làm ra bởi giới trẻ Mỹ tin rằng độ xe cho phép họ thoả mãn sự sáng tạo và có cảm giác như đang “xây dựng ước mơ cho riêng bạn”.
Sưu tập mô hình: Cầu nối các thế hệ
Sưu tầm ôtô, cả bản sao model thực tế và những chiếc xe cổ đang phát triển mạnh tại Mỹ. Nhu cầu sưu tầm những mô hình xe chi tiết giống thật giúp thị trường này phát triển sôi động. Một số nhà sản xuất như Racing Champions và Ertl là những tên tuổi có kinh nghiệm chế tạo trong nhiều thập kỷ qua.
Ông Peter Henseler, Chủ tịch của tập đoàn RC2 nói: “Thông qua thương hiệu Ertl và Racing Champions, chúng tôi mang tới những bộ sưu tập tới nhiều khách hàng bằng cách chế tạo những mô hình chi tiết có ý nghĩa trong văn hoá người Mỹ”.
Những mô hình xe hơi giống thật là cầu nối đam mê giữa các thế hệ.
“Chúng tôi tạo ra những bản sao của những chiếc xe trong Fast and the Furious, American Graffiti hay Batman, thậm chí cả những chiếc xe NASCAR đặc biệt. Với những người đam mê xe hơi nhưng không đủ tài chính mua xe thật, việc sưu tầm mô hình là một cách tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đủ thoả mãn đam mê”.
Những bộ sưu tập mô hình xe hơi cũng là cầu nối đam mê giữa các thế hệ. Cha và ông nội có thể chia sẻ niềm đam mê với con cháu của họ thông qua việc sưu tầm mô hình tĩnh chi tiết.
Henseler kết luận: “Bộ sưu tập mô hình xe hơi thực sự là cách để các thế hệ khác nhau gần gũi hơn. Niềm đam mê về xe cộ là thứ vượt ngoài sự khác biệt về tuổi tác”.
Thạch Lam
Sai lầm khi sơ cứu đa số người mắc phải
Bạn sai lầm nếu ngửa đầu ra sau khi chảy máu cam, hóc dị vật thì vỗ lưng, tạt nước vào mặt người bất tỉnh, theo BrightSide.