Vấn nạn s.ú.n.g đ.ạ.n ở Thái: Cái c.h.ế.t rình rập ở thiên đường du lịch

Trong khi giá bán cao hơn nhiều so với ở Mỹ, việc sở hữu một khẩu súng hoàn toàn nằm trong tầm với của một công dân bình thường ở Thái Lan và thủ tục dễ dàng một cách bất ngờ.

22:30 12/05/2018

Khi Sunantha Ratchawat bị bắn, cơ thể cô trở nên đông cứng. Bên trong quán bar nổi tiếng với những người trẻ tuổi này rất tối. Đám đông đang uống rượu và nhảy nhót. Nhạc hip hop Mỹ được phát ầm ầm qua loa.

Sunantha, người thường được gọi là Pam, mới ngoài 20 vào năm 2006. Đó là một đêm bình thường như bao đêm khác khi cô đi chơi với bạn bè ở Khao San, khu phố đêm sôi động của Bangkok. Đó là nơi cô thường tới. Khi cuộc cãi cọ nổ ra gần nơi cô ngồi trong quán bar, ban đầu cô không chú ý nhiều.

Nhưng khi tiếng súng vang lên, cuộc đời cô đã thay đổi.

“Tôi nghe thấy ai đó bắn súng”, Pam nói. “Bạn tôi rất sợ hãi và chúng tôi cố gắng ngồi xuống và làm cho bản thân mình an toàn nhất có thể”.

“Nhưng thật không may, người bị bắn và tháo chạy đã đến ngay chỗ chúng tôi, ngã gục lên người chúng tôi và kẻ xấu đã cố giết anh ta. Nhưng chính tôi và bạn tôi là người bị bắn”, Pam kể.

“Giây phút tôi bị bắn, tôi không biết gì vì mọi thứ náo loạn, rất ồn: ‘Bang bang bang bang’, tôi không hề biết gì nữa”, cô nói.

Pam bị bắn ở khu phố đêm Khao San nổi tiếng ở Bangkok. Ảnh: CNA.
Pam bị bắn ở khu phố đêm Khao San nổi tiếng ở Bangkok. Ảnh: CNA.

“Đầu tiên, tôi thấy vùng dưới nách bị tê cứng, rồi tôi thấy máu chảy trên cánh tay, sau đó tôi cảm thấy rất đau. Lúc ấy, tôi mới nhận ra mình đã trúng đạn”.

Cô được đưa vào một bệnh viện gần đó trong tình trạng mất nhiều máu, nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt 7 ngày. Khi đó cô không biết rằng cô đã bị bắn 2 lần, một viên đạn khác vẫn nằm trong người cô.

Bạn cô, Not, bị bắn ở phần bụng, trong khi một nạn nhân khác, người mà Pam chưa từng gặp, đã thiệt mạng.

“Súng khiến mọi người bình đẳng”

Thái Lan được biết đến rộng rãi là xứ sở của nụ cười. Song đằng sau hình ảnh được quảng bá rộng rãi đó là vấn nạn sử dụng vũ khí nhức nhối trong xã hội.

Các nghiên cứu cho thấy Thái Lan có tỷ lệ án mạng liên quan đến súng theo bình quân đầu người cao hơn so với Mỹ, nơi các vụ xả súng chết chóc thống trị tin tức và chính trị. Thái Lan đứng thứ hai chỉ sau Philippines trong khu vực.

Hàng triệu vũ khí sát thương đang tồn tại trên toàn quốc và nhiều trong số đó là phi pháp, chưa đăng ký.

Năm 2016, Thái Lan có hơn 3.000 vụ giết người bằng vũ khí với tỷ lệ 4,45 người chết trên 100.000 dân, theo nghiên cứu của Đại học Washington.

Tỷ lệ này cao gần gấp 8 lần so với Malaysia và nếu không tính những trường hợp tử vong vì xung đột vũ trang, Thái Lan còn vượt lên cả Iraq, một trong những quốc gia nguy hiểm nhất thế giới.

Hầu hết vụ giết người ở Thái Lan được quy vào các yếu tố hình sự, hoạt động băng đảng hoặc xung đột do cảm thấy mất mặt hoặc bất bình cá nhân. Đất nước này không có các vụ xả súng hàng loạt như ở Mỹ.

“Đôi khi chúng ta gặp phải xung đột và súng dường như là câu trả lời. Những khẩu súng làm cho mọi người bình đẳng”, đại tá cảnh sát Naras Savestanan, vụ trưởng Vụ Thi hành án thuộc Bộ Tư pháp Thái Lan, nhận xét.

Thái Lan có tỷ lệ án mạng liên quan đến súng theo bình quân đầu người cao hơn
Thái Lan có tỷ lệ án mạng liên quan đến súng theo bình quân đầu người cao hơn so với Mỹ. Ảnh: CNA.

Tuy nhiên, tỷ lệ bạo lực cao, chính quyền Thái Lan vẫn không có bức tranh rõ ràng về việc có bao nhiêu khẩu súng trên đường phố.

Quan chức được giao nhiệm vụ biên soạn dữ liệu quốc gia thừa nhận rằng thống kê về vũ khí lộn xộn và không đầy đủ. Mọi vụ việc trên khắp đất nước kể từ khi luật sở hữu súng được giới thiệu vào năm 1947 chỉ được ghi lại bằng tay một cách thủ công.

“Không chỉ vậy, tất cả hồ sơ đều nằm rải rác ở các văn phòng huyện, tỉnh. Chúng tôi có 5 đến 6 triệu giấy phép, và bây giờ chúng tôi đang cố gắng đưa chúng vào máy tính”, Chamnanwit Terat, vụ phó vụ Hành chính tỉnh thuộc Bộ Nội vụ Thái Lan, nói.

“Chúng tôi thấy có sự trùng lặp, hoặc một giấy phép được cấp cho nhiều loại vũ khí và do đó chúng tôi phải kiểm tra những lỗi đó từng trường hợp một”.

Cơ quan này đang cố gắng tạo ra một cơ sở dữ liệu trực tuyến ở cấp trung ương về tình hình sở hữu súng để đất nước có trách nhiệm hơn trong vấn đề này.

Ông Chamnanwit tin rằng tự vệ là lý do chính đáng để công dân “trưởng thành” sở hữu vũ khí, đặc biệt là khi họ “không thể luôn dựa vào sự bảo vệ của nhà nước”. Tuy nhiên, ông muốn quy định về việc cấp giấy phép được thắt chặt để có thể đánh giá mức độ phù hợp của người muốn sở hữu súng.

“Cá nhân tôi nghĩ những người sở hữu hoặc sử dụng vũ khí phải tái đăng ký giấy phép sau một thời gian. Nhưng bây giờ, một khi bạn được phép sở hữu súng, bạn có thể giữ nó suốt đời. Bạn có thể cư xử tốt trong năm nay, nhưng vào năm tới thì sao? Nếu bạn bị tống vào tù thì sao?”, ông phân tích.

Biến phạm nhân thành công dân yêu nước

Hơn 30.000 người đang bị giam giữ trong các nhà tù ở Thái Lan vì các tội liên quan đến súng. Một số tội phổ biến nhất là những tội nhẹ về mức độ hình sự như sở hữu vũ khí bất hợp pháp, hoặc chế tạo súng. Việc mua bán súng tự chế nở rộ trên khắp đất nước, đặc biệt là bởi các nhóm tội phạm có tổ chức.

Đầu năm nay, một sáng kiến được đưa ra là mở khóa đào 3 tuần về việc chế tạo súng cho người phạm tội liên quan đến súng. Chương trình sẽ được giám sát bởi chính phủ và Quân đội Hoàng gia Thái Lan, với mục tiêu giảm tỷ lệ tù nhân mãn hạn tái phạm”.

“Một trong những vấn đề lớn nhất ở Thái Lan là tái phạm. Một trong những giải pháp là tìm cho họ một công việc gì đó”, đại tá cảnh sát Naras Savestanan nói.

Thái Lan có chương trình đào tạo về chế tạo súng cho tù nhân. Ảnh: CNA.
Thái Lan có chương trình đào tạo về chế tạo súng cho tù nhân. Ảnh: CNA.

Vụ Thi hành án lựa chọn các “thiên tài” về vũ khí tự chế để hiểu rõ hơn về cách thức các nhóm tội phạm đang hoạt động, và trong quá trình này, họ hy vọng sẽ biến các tù nhân thành công dân yêu nước.

“Một số người tự mình làm súng. Họ là kiểu một cậu bé nghịch ngợm mày mò làm súng và cố gắng làm gì đó với nó. Vì vậy, họ sẽ thu được kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm về cách thức hoạt động của quân đội, cách chúng tôi phát triển vũ khí của chính mình và mặt khác, quân đội, chính phủ sẽ thu được một số ý tưởng mới từ họ”, ông nói.

Và trong khi pháp luật rất nghiêm khắc với những người phạm tội về súng, dẫn đến việc các vụ bỏ tù hàng loạt,đại tá Naras không biện bạch về lập trường cứng rắn.

“Việc này tốt hơn là để tỷ lệ giết người cao. Trên thực tế, chúng tôi có tỷ lệ giết người cao nhưng ít nhất là có luật về súng nghiêm ngặt có thể giúp giảm bớt con số đó”, ông nói.

“Thiên đường súng”

Hàng chục cửa hàng súng nằm dọc những con đường ở Wang Burapha, một quận cũ ở trung tâm Bangkok. Một số cơ sở nổi tiếng với lịch sử làm thợ sửa súng và đã hoạt động trong nhiều thập kỷ. Theo thời gian, kệ trưng bày của họ chứa đầy vũ khí hiện đại.

“Đó là điều gây kinh ngạc cho những du khách lần đầu tiên đến khu này bởi vì Thái Lan không thực sự được biết đến là một thiên đường súng”, một người đam mê súng nói.

Những cửa hàng này không phải che đậy và không phải chuyện gì bí mật. Đó là hiện thân của bản chất đã khắc sâu về quyền sở hữu súng ở Thái Lan. Ngay cả khi chính phủ thống kê số lượng súng hợp pháp không đầy đủ và không đáng tin, dữ liệu cho thấy cứ 10 người Thái sẽ có một người sở hữu súng cầm tay.

Các giấy tờ cần thiết để được cấp quyền sở hữu súng không bao quát mọi khía cạnh. Một công dân không có tiền án chỉ cần xuất trình giấy tờ từ văn phòng cấp quận/huyện, giấy chứng minh tài khoản ngân hàng và thư của chủ lao động. Quá trình này thường mất một vài tuần để hoàn thành và một số khẩu súng trường rẻ nhất ở Wang Burapha có thể được mua với giá 1.300 USD

Trong khi giá cao hơn nhiều so với ở Mỹ, điều này hoàn toàn nằm trong tầm với của một công dân bình thường ở Thái.

“Thành thật mà nói, việc mua súng dễ dàng một cách đáng ngạc nhiên”, một người đam mê nói. “Nó phụ thuộc vào việc mất bao lâu mới được chính quyền chấp thuận. Nếu bạn là một công dân bình thường, đó là một thủ tục rất đơn giản”.

Việc sở hữu một khẩu súng hoàn toàn nằm trong tầm với của một công dân bình t
Việc sở hữu một khẩu súng hoàn toàn nằm trong tầm với của một công dân bình thường ở TháiLan. Ảnh: CNA.

Mua vũ khí bất hợp pháp, dường như là nguồn gốc của hầu hết tội ác, thậm chí còn đơn giản hơn. Một số người Thái nói với Channel NewsAsia rằng một giao dịch có thể được sắp xếp trong vòng một hoặc hai ngày qua chợ đen.

Không có ai vận động để cấm sở hữu súng tại Thái Lan và những người tự trang bị vũ khí cho mình trong khuôn khổ pháp luật muốn bảo vệ quyền của họ với cùng sự mạnh mẽ và lập luận như những người bảo vệ quyền sở hữu súng ở Mỹ.

“Tôi tin rằng một người tốt có thể sử dụng súng theo cách tốt. Và nếu một người xấu sử dụng súng, kiểu gì cũng sẽ là bất hợp pháp”, huấn luyện viên tự vệ bằng súng David Sutthaluang nói.

“Nếu bạn cấm súng ở Thái Lan, có nghĩa là những người tốt sẽ không có súng, vậy thì họ có thể bảo vệ được ai?”.

Mỗi sáng đều có ai đó chết

Tìm ai đó muốn vận động cấm sở hữu súng ở Thái Lan quả thực không dễ dàng.

Tuy nhiên, một chính trị gia sẵn sàng chấp nhận những gì đã được chứng minh là lựa chọn không được ủng hộ trong cuộc tranh luận này. Là một cựu bộ trưởng ngoại giao của đất nước, tiếng nói của Kasit Pirom vẫn có trọng lượng.

Ông muốn có một kỳ ân xá liên quan đến súng trên toàn quốc, trong đó những người sở hữu súng bất hợp pháp có thể đầu thú mà không bị phạt, được hỗ trợ bởi chính phủ và các tổ chức tôn giáo. Thái Lan đã từng thử tiến hành những kỳ ân xá như vậy nhiều lần trong những thập kỷ trước.

“Đó là thời gian chúng tôi biết được những khẩu súng ở đâu và chúng đến từ đâu. Tôi nghĩ đó là một phản ứng của con người bởi vì mỗi ngày bạn mở một tờ báo hoặc bạn nghe trên radio hoặc đặc biệt là trên truyền hình, mỗi sáng đều có ai đó chết”, ông nói.

“Chúng ta có quá nhiều vụ giết người. Nó có vẻ rất phổ biến, trở thành một loại tiêu chuẩn trong xã hội Thái Lan và trong bối cảnh là một quốc gia Phật giáo, rất nhiều truyền thống Phật giáo, rất nhiều tổ chức tôn giáo đều nói về hòa bình và cùng chung sống”.

“Theo nghĩa đó, tôi nghĩ chúng ta nên làm gì đó để kiểm soát súng ống. Chúng ta có luật, nhưng cũng có những điểm yếu về thực thi”.

Việc tìm người muốn vận động cấm sở hữu súng ở Thái Lan là điều không dễ dàng
Việc tìm người muốn vận động cấm sở hữu súng ở Thái Lan là điều không dễ dàng.Ảnh: CNA.

Không ai bị xử tội trong vụ tấn công gây sốc cho Pam tại Khao San. Và vụ nổ súng đã có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của cô kể từ đó.

“Tôi gần như mất đi một cánh tay nhưng may mắn là tôi được đưa đến bác sĩ và tôi đã tập vật lý trị liệu ít nhất một năm. Ngay cả bây giờ, tay trái của tôi không phải là bình thường 100% nhưng nó ổn. Tôi đã quen với nó rồi”, cô nói.

Giờ đây cô đã kết hôn và là mẹ của một cô con gái nhỏ. Cuộc sống của cô đã khác với ngày cô thường xuyên đi đến những tụ điểm đêm Bangkok.

Nhưng trong nhiều năm, cô nói rằng cô sợ hãi khi đến những công cộng, ồn ào như quán bar, vì nhỡ đâu một người lạ với ý định nổ súng lại xuất hiện.

“Đúng, tôi có chút sợ hãi. Nhưng đó là lý do tại sao tôi cố gắng cẩn thận hơn, cố gắng nhìn xung quanh và chú ý nếu có bất cứ điều gì không ổn xung quanh tôi hoặc gần tôi để tôi có thể chạy trốn kịp thời”, cô nói.

“Nếu bạn thấy ai đó mang súng, có lẽ tốt hơn là bạn tránh xa anh ta vì chuyện đó không bình thường”.

Tags:
5 định luật khiến người nghèo mãi không thể giàu và cách hóa giải

5 định luật khiến người nghèo mãi không thể giàu và cách hóa giải

Một khi hóa giải được những định luật này thì tự khác họ sẽ thành công, tiền tài ồ ạt tìm đến.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất