Vàng trong nước vượt mốc 56 triệu/lượng, đắt hơn thế giới 3 triệu đồng
Công ty SJC là doanh nghiệp trong nước đầu tiên đẩy giá bán vàng miếng lên mốc 56 triệu đồng/lượng hôm nay (24/7), cao hơn giá vàng thế giới 3 triệu đồng.
22:30 24/07/2020
Cuối phiên giao dịch sáng nay (24/7), giá vàng miếng trong nước bất ngờ được điều chỉnh tăng mạnh, bất chấp vàng thế giới đang có xu hướng chững lại sau khi tăng “nóng” từ đầu tuần.
Hiện tại, Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất trên thị trường đẩy giá bán vàng miếng lên vượt mốc 56 triệu đồng/lượng.
56 triệu đồng một lượng vàng miếng SJC
Cụ thể, giá vàng miếng khu vực TP.HCM đến trưa nay được SJC niêm yết ở mức 54,4-56 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng tới 880.000 đồng chiều mua và 1,13 triệu đồng chiều bán so với giá mở cửa sáng nay. Nếu so với cuối ngày hôm qua (23/7), giá vàng bán ra tại đây đã tăng 1,2 triệu đồng mỗi lượng.
Đà tăng tương tự cũng được áp dụng tại các cửa hàng khu vực Hà Nội, hiện chấp nhận mua vào ở mức 54,4 triệu nhưng bán ra ở giá 56,02 triệu đồng. Đây là giá bán cao nhất trong lịch sử giao dịch của
Giá vàng SJC ghi nhận lúc 12h ngày 24/7.
Cùng giữ xu hướng tăng, nhưng nhiều doanh nghiệp vàng trong nước có sức tăng thấp hơn so với SJC.
Như Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) hiện niêm yết giá vàng miếng ở mức 54,4 triệu/lượng (mua) và 55,4 triệu/lượng (bán), tăng 800.000 đồng so với buổi sáng nay. Tuy vậy, so với giá bán tại SJC, PNJ vẫn thấp hơn nửa triệu đồng.
Tương tự, cả Bảo Tín Minh Châu và Tập đoàn Vàng bạc Phú Quý sau khi mở cửa sáng nay ở mức giá 54,5 triệu đồng/lượng, đến giữa ngày hôm nay đã tăng thêm gần 1 triệu đồng/lượng bán. Hiện cả 2 doanh nghiệp này cùng bán ra ở mức 55,4 triệu đồng/lượng, trong khi giá mua vào phổ biến ở mức 54,4 triệu.
Đà tăng mạnh của vàng trong nước sáng nay đã nới rộng khoảng cách với vàng thế giới lên 3 triệu đồng/lượng (so với SJC). Kim loại quý thế giới sau khi tăng “nóng” từ đầu tuần hiện duy trì giao dịch ở ngưỡng 1.885 USD/ounce (tương đương 53 triệu/lượng theo tỷ giá Vietcombank cùng ngày).
Như vậy, sau nhiều tháng dịch chuyển cùng chiều với thế giới, kim loại quý trong nước lại tăng cao hơn thế giới 3 triệu đồng, tương tự lần đạt đỉnh 49 triệu hồi tháng 3 năm nay.
Tại sao chỉ SJC tăng lên 56 triệu đồng?
Nói với Zing, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) cho biết, ngoài yếu tố chung của thị trường là các doanh nghiệp vàng đang muốn “đánh giá đi lên”, vàng SJC tăng chạm mốc 56 triệu đồng còn có nguyên nhân từ việc thiếu vàng bán ra.
“Xu hướng chung của vàng hiện nay là tăng giá, nhưng SJC không mua được vàng từ cư dân, khi không mua được vàng, họ bắt buộc phải nâng giá lên”, ông nói.
Giá vàng SJC tăng đột biến có nguyên nhân từ việc thiếu nguồn cung. Ảnh: Chí Hùng.
Ông Hải cho biết, đã từng xảy ra tình trạng tương tự vào thời điểm ông còn làm việc tại SJC. Khi đó, mang lưới hàng chục cửa hàng của SJC trên cả nước không mua được vàng từ thị trường, trong khi nhu cầu mua của người dân vẫn xuất hiện, buộc doanh nghiệp phải nâng giá bán.
“Đó là lý do hôm nay giá vàng SJC bán cao hơn thế giới 3 triệu đồng. Giá mua cũng cao hơn thế giới 1,5 triệu”, ông Hải nhấn mạnh.
Lý giải giá vàng các thương hiệu khác thấp hơn SJC, vị chuyên gia cho biết, SJC là một thương hiệu vàng quốc gia, là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước nên lợi ích của SJC cũng là lợi ích của quốc gia. Do đó, doanh nghiệp phải đảm bảo giá vàng có giá trị cao hơn so với thị trường.
Vàng tăng cao ngoài nguyên nhân doanh nghiệp lớn đầu cơ, đầu tư thu lợi nhuận, còn một bộ phận không nhỏ người dân thấy vàng đi lên đã tìm mua cất trữ. “Khi mua để cất trữ, người dân sẽ chọn vàng có thương hiệu tốt. Mua vàng SJC có thể bán tại bất kỳ đâu trên cả nước, nhưng mua tại các thương hiệu khác chỉ có thể bán được ở địa chỉ của chính doanh nghiệp đó”, ông Hải phân tích.
Nói về giá vàng hiện nay, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, vàng miếng SJC đang tăng theo giá vàng quốc tế, và đạt mức 54,9 triệu/lượng vào chiều qua (23/7).
Tuy nhiên, vị lãnh đạo khẳng định, đà tăng này của vàng trong nước vẫn phù hợp với diễn biến của quốc tế, giao dịch mua, bán trên thị trường ở mức bình thường, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua. Thậm chí, còn có hiện tượng người dân bán ra khi vàng tăng cao.
Vị lãnh đạo Chi nhánh NHNN cho biết thêm, trong thời gian tới, giá vàng thế giới sẽ còn diễn biến phức tạp, phụ thuộc vào tình hình dịch Covid-19 cũng như diễn biến căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Do vậy, vàng trong nước có thể biến động tăng, giảm theo giá thế giới. Tuy nhiên, ông cho rằng, giá vàng trong thời gian này còn nhiều yếu tố rủi ro.
Mưa lớn không ngừng, Trung Quốc lo gánh thêm thảm họa tự nhiên
Nhiều khu vực trên khắp Trung Quốc đang đối mặt với mối đe dọa thảm họa tự nhiên do mưa lớn không ngừng trong suốt thời gian qua và dự kiến sẽ kéo dài trong những ngày tới.