Vay tứ tung mua nhà đất rồi dành chục năm đẹp nhất đời “còng lưng” trả nợ

Chứng kiến giá nhà đất tăng vùn vụt, tôi nghĩ việc vay tiền tứ tung mua nhà, rồi dành mấy chục năm è cổ trả nợ là điều không đáng.

22:02 19/07/2023

Theo nghiên cứu của cá nhân tôi, năm 2016 giá một căn nhà trong hẻm tại quận Tân Phú (TP HCM) là khoảng hai tỷ đồng, các năm sau đó tăng quá nóng tới cuối 2019 đầu năm 2020 thì đã có giá khoảng tám tỷ.

Năm rồi và năm nay giá vật liệu xây dựng tăng phi mã, giờ này chắc giá sẽ hơn tám tỷ đồng một chút. Tới miếng đất bé bé mặt chợ ở trong làng tôi bây giờ giá cũng cả tỷ bạc rồi.

Người nào đã chậm chân thì thôi tạm gác qua một bên, chuyến tàu giấc mơ nhà đất đã đi quá xa rồi, tới khói tàu mình còn không được hít nữa là. Anh em nên tạm quên đi, lấy tiền đó để mà theo đuổi đam mê. Ai thích đi du lịch thì đi du lịch, ai thích chơi xe thì chơi xe, con cái cũng đẻ ít lại, lo cho các cháu ăn uống đủ đầy, văn thể mỹ cho khoẻ mạnh.

tra no mua nha

Ở nhà thuê được nhiều bạn trẻ lựa chọn bởi thuận tiện với việc làm, sinh hoạt, lối sống. Ảnh: Gia Minh

Không đâu như ở xứ ta, nhà giàu làm được đồng nào cũng đổ hết vào đất với cát. Ai muốn mua đất cát thì cũng đều phải vay anh em bạn bè, vay tứ lung tung hết cả lên, rồi 20-30 năm đẹp nhất cuộc đời cày è cổ ra trả nợ.

Đất cát làm cho một bộ phận giàu lên thật đấy, nhưng xã hội phải trả quá nhiều chi phí, bỏ lỡ quá nhiều cơ hội. Nhà khoa học, chuyên gia, nghệ nhân... cũng vì gánh nặng căn nhà mà sức sáng tạo nó cũng giảm đi nhiều.

Người Việt (tất nhiên không phải tất cả) mình rất thích đua nhau đổ tiền vào đầu tư bất động sản, tiền và nguồn lực đổ dồn hết vào đất cát, nên các mảng tiêu dùng, sản xuất bỏ ngỏ cho nước ngoài làm.

Bản chất cơ bản của nhà đất là để ở, và ở một cách thoải mái để an cư. Vậy nếu có quá nhiều người mua đất không phải để ở thì thị trường đó mang tính đầu cơ quá cao, và nhiều người có nhu cầu thật không mua được.

Cả đời của nhiều người phải tằn tiện, phải gánh nợ bao nhiêu áp lực để chỉ có một nơi tạm gọi là chui ra chui vào. Đương nhiên như vậy, chúng ta đã phải bỏ ra quá nhiều nguồn lực để được nhu cầu cơ bản là ở, mà phải hy sinh quá nhiều nhu cầu khác như đời sống tinh thần, học tập... Đó chính là thất bại của thị trường bất động sản.

"An cư lạc nghiệp" đã không còn phù hợp

Trên thế giới thường dùng chỉ số R để đo mức độ tương quan giữa thu nhập bình quân của một người với giá nhà.

R = (Giá nhà bình quân)/(Thu nhập bình quân năm theo đầu người). Chúng ta lấy TP HCM làm ví dụ. Giá nhà bình quân khoảng 2 tỉ đồng.

Thu nhập bình quân năm theo đầu người ở mức 200 triệu đồng/năm (số liệu năm 2018). Như vậy, R = 10. Tức là một người tại TP HCM với thu nhập bình quân 200 triệu đồng mỗi năm thì phải mất 10 năm để mua được một căn nhà, với điều kiện họ không chi tiêu gì cả. Trong khi đó, chi phí, tiêu dùng ở TP HCM thì đắt đỏ.

Trong thực tế, có nhiều người cả đời không mua nổi một căn nhà vì không có tích lũy hoặc tích lũy không đủ do lương, thu nhập tăng không kịp tốc độ tăng giá nhà. Vậy nên, nếu xem nhẹ việc sở hữu nhà, chúng ta có thể chuyển hướng chấp nhận một chỗ ở tương đối.

Theo tôi, quan niệm ngôi nhà là ước mơ cả đời xuất phát từ cụm từ "an cư lạc nghiệp" đã ăn sâu trong tiềm thức người Việt Nam. Trong giai đoạn hiện nay, nó đã dần không còn phù hợp. Bởi người trẻ, đặc biệt là thế hệ Millenials (sinh năm 1981 trở đi) đã quan tâm đến việc sống trải nghiệm nhiều hơn, đi ra thế giới nhiều hơn, có xu hướng muốn tiếp cận và trở thành "công dân quốc tế".

Cần một hoạch định tốt

Hiện giờ vẫn có 2 luồng ý kiến trái ngược nhau giữa lối suy nghĩ truyền thống và quan điểm mới này. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng và ủng hộ quan điểm mới là không nên dồn sức vào mua nhà. Bởi thế hệ trẻ hiện nay cần thoát khỏi cách nghĩ dùng thu nhập hạn chế của mình trong độ tuổi còn trẻ để nhất quyết phải sở hữu một căn nhà. Thay vào đó vẫn có thể chọn phương án thuê chỗ ở, quản lý chi tiêu hợp lý, dùng phần tiền tích lũy để học phát triển bản thân, học kinh doanh, học khởi nghiệp để tìm cách đa dạng nguồn thu nhập của mình, làm sao để "thu nhập tăng nhanh hơn giá nhà" chứ không để "giá nhà tăng nhanh hơn thu nhập". Có như thế, các bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn là vay ngân hàng mua nhà rồi "dành cả thanh xuân để đi trả nợ".

Lời khuyên dành cho các bạn trẻ để có một hoạch định tốt hơn, nhất là về chuyện nhà cửa, theo tôi là: Ở nhà thuê: Giai đoạn mới ở độ tuổi tốt nghiệp, hãy ở nhà thuê để tiết kiệm chi phí; chi tiêu tiết kiệm: Giúp tăng tiền tích lũy; không mua những thứ xa xỉ chỉ để "thiên hạ nể trọng": đồng hồ đắt tiền, điện thoại đắt tiền, ăn uống ở các nhà hàng sang trọng, ở các khách sạn sang trọng chỉ nên khi các bạn đã thực sự kiếm rất nhiều tiền; đầu tư cho bản thân: đọc sách, kết giao với người giỏi về kinh doanh và đầu tư, đi học phát triển bản thân, rèn luyện sức khỏe để có khả năng giải quyết khối lượng công việc nhiều hơn và hiệu quả hơn; mua "tài sản", không mua "tiêu sản": căn nhà hoặc mảnh đất có thể là một vụ đầu tư tồi nếu không biết cách. Đầu tư học hỏi để có kiến thức bài bản về bất động sản sẽ giúp biến đầu óc và bản thân bạn trở thành một loại "tài sản" giá trị nhất, tốt nhất trong các khoản đầu tư. 

Theo VnExpress / Người Lao Động

Tags:
Cô gái Việt khiến ai cũng nể phục, là niềm tự hào dân tộc: Cô là người gốc Việt đầu tiên chủ trì một chương trình trên hệ thống truyền hình quốc gia tại Mỹ

Cô gái Việt khiến ai cũng nể phục, là niềm tự hào dân tộc: Cô là người gốc Việt đầu tiên chủ trì một chương trình trên hệ thống truyền hình quốc gia tại Mỹ

Không chỉ thành công trên nước Mỹ bằng tài năng và nghị lực phi thường, cô gái gốc Việt còn trở về giúp đỡ quê hương thông qua những hoạt động thiện nguyện ý nghĩa.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất