Vì đâu hành lý máy bay bị nứt vỡ, mất cắp?
Vấn đề hành lí bị nứt vỡ, mất cắp khi đi máy bay đã tồn tại từ rất lâu mà vẫn chưa tìm được cách thức giải quyết triệt để khiến nhiều hành khách luôn nơm nớp lo lắng.
13:00 05/03/2019
Theo Thanh Niên thông tin, ông Hoàng Anh Tuấn (cựu Đại sứ Việt Nam tại Indonesia, Phó Tổng Thư ký ASEAN) cho biết do công việc nên năm vừa qua ông di chuyển trên chặng Jakarta – Hà Nội, quá cảnh qua sân bay Tân Sơn Nhất khá thường xuyên. Và trong khoảng 4 tháng vừa qua, ông đã có 3 chiếc vali bị hỏng, vỡ, một thùng đồ bị dập nát hoàn toàn.
Chuyện 3 vali bị hỏng của cựu đại sứ Việt Nam tại Indonesia và lời giải thích nhiều độc giả như được chạm đúng nỗi bức xúc dồn nén, và thể hiện nỗi ngao ngán mỗi khi phải ký gửi hoặc nhận hành lý ở sân bay. Rất nhiều người cho biết đã bị hư vali, bể đồ, mất đồ sau khi gửi – nhận qua đây.
Việc kiểm soát hành lý cho hành khách đi máy bay bị cho là vẫn còn nhiều kẽ hở. Ảnh: Ngọc Dương
Trước thực trạng hành lý ký gửi bị quăng quật, bị rách, móp méo; hành lý xách tay bị chôm chỉa ngay trên máy bay; nhân viên bốc xếp trộm đồ của khách…PV báo Thanh Niên có trao đổi với những nhân viên đã từng làm việc ở các hãng hàng không khác nhau để tìm hiểu rõ hơn nguyên nhân của hành lý máy bay bị nứt vỡ, mất cắp.
Kiểm soát chặt, không thể lấy cắp
Anh L.H.V, từng làm nhân viên bốc xếp trực thuộc công ty phục vụ mặt đất của một hãng hàng không tại sân bay Nội Bài (Hà Nội), chia sẻ sau năm 2015 khi Bộ GTVT yêu cầu siết chặt lại giám sát hành lý, các khâu được làm chặt chẽ hơn, nhưng không khó để lấy nếu có ý đồ. Với các chuyến bay đến, nhân viên vệ sinh sẽ lên máy bay dọn dẹp vệ sinh trên khoang, ghế ngồi.
Nhiều trường hợp nhặt được đồ giá trị hành khách bỏ quên từ ví, điện thoại, iPad… Không ít người trả lại đồ nhặt được, nhưng cũng có vài trường hợp “bỏ túi”. Dưới chân cầu thang máy bay luôn có nhân viên kiểm soát an ninh túc trực với gậy dò kim loại. Những trường hợp này sẽ bị phát hiện ra nếu kiểm soát an ninh làm chặt.
Nhiều người ngao ngán khi gửi – nhận hành lý qua sân bay. Ảnh minh họa: Ngọc Dương
Hành lý trong hầm hàng máy bay đều được xếp trong các thùng hàng lớn bằng kim loại, mỗi thùng chứa vài chục vali, kiện hàng. Một nhân viên sẽ đứng trong máy bay chuyển cho nhân viên bên ngoài, đưa lên băng chuyền ra khỏi bụng máy bay. “Hầm hàng có camera di động, nhưng thực tế rất khó soi, nhân viên bốc dỡ chỉ cần đứng chắn tầm chiếu thì không thể quan sát được”, anh V. nói và cho biết hành lý sau đó sẽ được đưa lên xe chở vào khu vực băng chuyền trước khi về tới tay hành khách.
Với các chuyến bay đi, hành lý sẽ được chở từ điểm cuối khu vực băng chuyền trong sân bay ra bằng xe, sau đó nhân viên bốc xếp sẽ xếp các hành lý lên băng chuyền chạy thẳng lên bụng máy bay. Đây cũng là khâu hành lý bị quăng quật “không thương tiếc”, dẫn tới bị móp méo, thậm chí bung rách.
Từ xe, hành lý sẽ được nhân viên bốc xếp lên băng chuyền bên trong sân bay để đưa ra khu vực đảo hành lý. Hệ thống băng chuyền rất dài, với các chuyến bay đến sẽ chạy thẳng ra khu vực nhận hành lý của hành khách, với các chuyến bay đi hành lý từ khâu check in (làm thủ tục) sẽ qua băng chuyền, qua khu vực soi chiếu hải quan, ra điểm cuối băng chuyền, từ đó bốc lên xe.
Quy định với nhân viên bốc xếp, dọn vệ sinh khá chặt. Trước khi vào khu vực cách ly đều phải qua cửa nội bộ có soi chiếu, bắt buộc phải khai báo và ký tên xác nhận những tài sản có giá trị như iPad, điện thoại, máy tính xách tay… “Mang đồ lấy được ra bên ngoài hay không tùy thuộc vào an ninh làm lỏng hay làm chặt, nếu kiểm soát chặt thì không thể đưa ra được”, anh V. nói.
Không có 1 kẻ trộm, có cả ê kíp ăn chia
Kể với Thanh Niên, anh M., một cựu nhân viên an ninh soi chiếu từng làm việc ở sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), khẳng định việc hành lý của khách bị rạch, mất trộm chỉ có thể xảy ra ở khâu vận chuyển lên/xuống máy bay, do các nhân viên bốc xếp “dở trò”. Hơn 10 năm làm công việc kiểm soát an ninh tại sân bay, anh M. đã chứng kiến rất nhiều câu chuyện về nghệ thuật “móc đồ” của các nhân viên bốc xếp.
Anh M. tiết lộ: Có những thứ trong vali của khách, qua máy soi an ninh còn phải nhìn kỹ mới thấy nhưng nhân viên bốc xếp chỉ cần lướt qua là biết được trong vali có đồ gì. Đấy gọi là “nghệ thuật”, kinh nghiệm đúc kết sau một thời gian “hành nghề”. Nhìn hình ảnh những chiếc thùng xốp bị rạch te tua lưu truyền trên mạng xã hội, anh M. cười, đoán chắc do nhân viên mới làm tay nghề kém, chưa có kinh nghiệm.
“Những người làm lâu năm họ luyện thành kỹ năng, rạch vali lấy đồ xong mà vali còn y nguyên, về nhà mở ra không thấy đồ mới biết bị mất. Vali khóa còn đơn giản hơn, khóa xe máy còn bẻ cái một chứ nói gì đến cái khóa vali bé tí”, anh M. cho hay và kể thêm rằng khu bốc xếp có lắp camera quan sát nhưng hoàn toàn có thể “xử lý” được vì tất cả camera đều có điểm mù. Nhân viên làm lâu sẽ biết được đâu là chỗ camera không thể quan sát tới, đâu là góc khuất để có thể thực hiện hành vi xấu.
“Camera chỉ có thể giám sát những người lương thiện, còn những người có ý đồ thì camera không có ý nghĩa gì. Chưa kể việc rạch trộm đồ của khách không thể chỉ do một cá nhân thực hiện. Phải có sự đồng lõa của cả đội, cả tổ, người này che chắn cho người kia làm, rồi ăn chia với nhau”, anh nói. Thực tế, sau 2015, khi nhà chức trách hàng không quyết tâm xóa bỏ tình trạng rạch vali, ăn cắp đồ của hành khách, các cảng đã quy định nhân viên bốc xếp trước khi ra về phải qua cổng kiểm soát.
Nhưng anh M. đánh giá tất cả các biện pháp đưa ra chỉ nhằm đối phó, gây sợ về tâm lý, hầu như chưa có biện pháp triệt để nào. Nhân viên làm lâu năm, tường tận mọi ngõ ngách sẽ tìm ra phương thức để lách. Đơn cử như lấy đồ, giấu ở một vị trí nào đó trong sân bay rồi tìm cách mang ra sau, hoặc “móc ngoéo” với người ở bộ phận khác không bị kiểm tra để tuồn “hàng” ra ngoài.
“Không thể có chuyện các cấp quản lý không biết chuyện nhân viên ở dưới làm. Một anh tổ trưởng sẽ biết rõ nhân viên trong tổ như thế nào, anh đội trưởng biết rõ các anh tổ trưởng thế nào. Chuyện báo chí phản ánh hàng vài chục năm nay làm gì có chuyện người quản lý không biết. Chỉ là họ cố tình không muốn biết mà thôi”, anh M chia sẻ.
Việt Nam được coi là hình mẫu cho sự phát triển kinh tế của Triều Tiên trong tương lai
Báo Lao động Bắc Triều Tiên, đưa tin về Việt Nam 3 ngày liên tiếp (노동신문, 3일 연속 베트남 알리기 나서)