Vì sao dân Mỹ ‘hắt hủi’ khẩu trang?
Đa số người Mỹ chưa bao giờ đeo khẩu trang nên khi bị bắt buộc, sự phản đối và nổi loạn là một điều tự nhiên, giáo sư y khoa David Aronoff nhận xét.
21:30 08/05/2020
Dù vậy, bác sĩ David Aronoff - giám đốc Khoa Truyền Nhiễm của Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, kêu gọi người Mỹ suy nghĩ theo chiều hướng rằng việc đeo khẩu trang không phải là một quy định bắt buộc phải tuân thủ, mà là một hành động đoàn kết cần thiết: Đeo khẩu trang vải có thể ngăn những người mang nCoV lây cho những người khác, dù bản thân họ không có triệu chứng.
"Tất cả chúng ta đều hy vọng rằng đại dịch này sẽ sớm biến mất. Sau đó, chúng ta có thể ngừng công việc giảm thiểu rủi ro này. Nhưng lúc này, chúng ta thực sự phụ thuộc vào sự tử tế của người khác để bảo vệ sức khỏe của chính mình. Và đó là một phần của việc là người Mỹ", bác sĩ David Aronoff nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đưa ra một số lý giải dưới góc độ tâm lý cho việc "nói không với khẩu trang" của người Mỹ.
Họ cho rằng bắt buộc đeo khẩu trang là xâm phạm quyền tự do công dân
Dù đeo khẩu trang không phải là quy định bắt buộc ở Mỹ hiện tại, việc thực hiện theo yêu cầu này có thể khiến cho một số người cảm thấy như thể là bị tước quyền tự do. "Tâm lý tự nhiên là người ta sẽ nổi loạn khi ai đó bảo họ phải làm gì, kể cả đó là các biện pháp nhằm bảo vệ họ đi chăng nữa", Steven Taylor, nhà tâm lý học lâm sàng và tác giả của cuốn "The Psychology of Pandemic" (Tâm lý học đại dịch) nói.
Aronoff so sánh việc hướng dẫn đeo khẩu trang với lệnh cấm hút thuốc trong nhà hàng, hoặc các trường học. "Có những quy tắc về việc không hút thuốc trong các nhà hàng, quán bar không gian khép kín, bởi vì khói thuốc có thể gây hại cho sức khỏe của người khác. Giờ đây chúng ta đang trong một tình huống tương tự, mà nếu tôi bị nhiễm Covid-19, hơi thở của tôi có thẻ gây tử vong cho người khác. Nhưng trong khi luật cấm hút thuốc là chính thức, việc đeo khẩu trang lại không như vậy", Aronoff nói.
Ở Michigan, mới đây đã có cuộc biểu tình với hơn 700 người tham dự để phản đối lệnh cách ly ở nhà hay đeo khẩu trang. Cảnh sát cho biết, thậm chí đã có một nhân viên bảo vệ của Michigan Family Dollar bị khách hàng bắn chết bởi yêu cầu đeo khẩu trang trước khi vào cửa hàng. Cũng tại Michigan, một khách hàng đã thách thức bằng cách giật áo của một nhân viên ở Dollar Tree để lau mặt, sau khi nhân viên yêu cầu anh ta đeo khẩu trang.
"Nhiều người trong số những người phản đối trích dẫn một niềm tin sai lầm rằng yêu cầu này là trái với hiến pháp, và một người không thể bị buộc phải đeo khẩu trang", quản lý thành phố Norman McNickle nói, và nhấn mạnh: "Không một luật pháp hay một tòa án nào ủng hộ quan điểm này".
Họ cho rằng đeo khẩu trang "trông yếu đuối"
Theo David Abrams, nhà tâm lý học, giáo sư khoa học xã hội thuộc Trường y tế Công cộng Toàn cầu thuộc Đại học New York nhận định: "Nhiều người xem khẩu trang như một bằng chứng rành rành của sự yếu đuối, nó cho người khác thấy rằng bạn sợ việc lây nhiễm virus. Vì vậy, để bù đắp cho nỗi sợ đó cũng như một sự thể hiện sức mạnh, họ có thể kiên quyết không đeo khẩu trang", ông nói.
Một số thấy hướng dẫn đeo khẩu trang không nhất quán
Tại Mỹ trong vòng ba tháng, chiếc khẩu trang từ việc chỉ được dành cho những người bệnh, giờ đây được khuyến khích dành cho tất cả mọi người khi ra nơi công cộng. Các hướng dẫn có sự xung đột đã khiến cho nhiều người Mỹ có một chút bối rối.
CDC hồi giữa tháng 4 khuyến cáo người dân "không cần đeo khẩu trang nếu khỏe mạnh". Tuy nhiên, những hướng dẫn đã thay đổi khi các nhà nghiên cứu phát hiện ra sác xuất lây nhiễm cao của người mang mầm bệnh. Đeo khẩu trang vải đã không còn là một "trò điên rồ", bởi nhiều người nhiễm bệnh mà không hề hay biết nên khẩu trang sẽ giúp ngăn hơi thở của họ đi xa và lây nhiễm cho người khác.
Ngoài ra, còn có cả những thông điệp "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" ở cấp liên bang. Khi CDC quay sang khuyến nghị đeo khẩu trang, Tổng thống Donald Trumps không đeo khẩu trang khi đến thăm nhà máy Honeywell. Hay như Phó tổng thống Mike Pence cũng quên luôn chính sách đeo khẩu trang bắt buộc của bệnh viện khi đến thăm một bệnh nhân.
"Tất cả những điều này càng làm rối loạn thông điệp tới những người Mỹ", Abrams nói, "Sự lộn xộn của các thông điệp khiến mọi người càng dễ làm những điều mà họ muốn và lấy làm quan điểm của mình".
Một số thấy khó chịu khi đeo khẩu trang
Khi không có sự chắc chắn, mọi người có xu hướng muốn tìm kiếm những cách thức khiến họ cảm thấy an toàn. Đối với nhiều người Mỹ, đeo khẩu trang ở nơi công cộng không phải là một trong những cách ấy. "Khi mọi người được bảo phải làm gì, và đó không phải là theo cách ứng xử thông thường hay phù hợp, họ có xu hướng đặt câu hỏi và chống lại nó", Abrams lý giải, "Đó là xu hướng tâm lý để phản ứng với những người nói bạn phải làm gì".
Cho đến thời điểm này, người Mỹ vẫn chưa bị bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng. Đó là một hiện tượng có phần trái ngược với một số quốc gia Đông Nam Á, nơi đeo khẩu trang ở nơi công cộng là một việc được chấp nhận rộng rãi, và đó có thể là lý do khiến mốt số quốc gia thành công trong việc chống lại dịch bệnh.
Thùy Linh (Theo CNN)
Link nguồn: https://vnexpress.net/vi-sao-dan-my-hat-hui-khau-trang-4096312.html
'Cảm ơn Việt Nam viện trợ vật tư y tế chống dịch lúc Trung Quốc khó khăn nhất'
Tham tán Công sứ ĐSQ Trung Quốc tại Việt Nam cảm ơn sự hỗ trợ của Việt Nam với Trung Quốc trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 thời gian qua.