Vì sao hàng chục triệu liều vaccine viện trợ của Mỹ tới trễ?

Những rào cản về pháp lý, thông quan, hậu cần... khiến Mỹ không thể hoàn thành cam kết trao tặng 80 triệu liều vaccine Covid-19 cho thế giới vào cuối tháng 6.

11:00 02/07/2021

Chuyến bay thương mại chở 2,5 triệu liều vaccine Covid-19 Moderna, cất cánh từ Dallas, Texas, Mỹ, vừa đáp xuống Islamabad, Pakistan vào ngày 30/6. Đây là một phần trong cam kết chia sẻ 80 triệu liều vaccine Covid-19 của Mỹ cho hơn 50 quốc gia trên thế giới.

Tuy vậy, để có thể thực hiện được chuyến bay này, các quan chức liên bang phải vượt qua rất nhiều cản trở về mặt hậu cần, theo New York Times.

Mỹ đưa ra một thỏa thuận tài trợ với Moderna và sáng kiến chia sẻ vaccine COVAX. COVAX trước đó cũng phải thảo ra các thỏa thuận với Moderna, nhằm bảo vệ Moderna khỏi trách nhiệm đối với thiệt hại tiềm ẩn từ vaccine.

Quan chức Đại sứ quán Mỹ tại Islamabad đã làm việc với các cơ quan quản lý nước sở tại, để đánh giá xem xét của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm về vaccine. Các cơ quan quản lý Pakistan phải kiểm duyệt và đánh giá nguyên liệu trên lô vaccine và nhà máy sản xuất chúng, trước khi cho người dân sử dụng vaccine do Mỹ trao tặng.

Thỏa thuận 3 bên chỉ được ký kết sau khi tiêu tốn rất nhiều công sức và thời gian, trong bối cảnh thế giới đang cần nhanh chóng đối phó với đại dịch.

Điều này nhấn mạnh những bất cập khiến việc chia sẻ vaccine của Mỹ đang bị tụt hậu, trong khi nhiều quốc gia đang chờ được giúp đỡ khẩn cấp từ những nước có dư vaccine.

Đại diện Nhà Trắng thừa nhận lý do chậm trễ "không phải do thiếu vaccine" mà nằm ở các thủ tục và hậu cần, theo AP.

Rào cản hậu cần

Một số chuyên gia y tế cộng đồng nói việc chuyển giao vaccine của chính quyền Tổng thống Biden cho các nước quá chậm trễ. Mỹ không hoàn thành được mục tiêu cung cấp 80 triệu liều vaccine Covid-19 cho khoảng 50 nước vào cuối tháng 6 do hàng loạt rào cản về hậu cần và quy định vaccine.

My cham tang 80 trieu lieu vaccine Covid19 anh 2

Tổng thống Biden nói về kế hoạch chia sẻ 80 triệu liều vaccine Covid-19 cho thế giới, ngày 2/6. Ảnh: Reuters.

Nhà Trắng cho biết họ không thiếu vaccine, tất cả vaccine đều đã sẵn sàng để vận chuyển. Tuy nhiên, họ mất nhiều thời gian hơn dự kiến vì phải thông qua các yêu cầu pháp lý, các quy tắc về sức khỏe, thông quan, chuỗi kho lạnh, rào cản ngôn ngữ và chương trình phân phối.

“Thách thức lớn nhất của chúng tôi không thực sự là nguồn cung. Chúng tôi có rất nhiều vaccine để chia sẻ cho thế giới. Vấn đề khó khăn nhất là các thách thức về hậu cần”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết.

Hơn 80 triệu liều vaccine Covid-19 được Mỹ hứa viện trợ cho khoảng 50 quốc gia, Liên minh châu Phi và 20 quốc gia vùng Caribbean.

Khoảng 40 triệu liều đã rời Mỹ, và phần còn sẽ được chuyển đi trong những tuần tới, Natalie Quillian - phó điều phối viên Covid-19 của chính quyền Biden - cho biết.

Khoảng 75% trong số 80 triệu liều vaccine được gửi đi thông qua COVAX. Phần còn lại được chia sẻ trực tiếp, thông qua các thỏa thuận song phương.

Nhà Trắng cũng nói Tổng thống Biden đã nỗ lực hết mình trong khả năng để đáp ứng cam kết.

Toàn chính phủ liên bang phải làm việc liên tục. Cuộc họp cấp thứ trưởng diễn ra vài lần một tuần. Các cuộc điện thoại điều phối được gọi đi hàng ngày.

Nhà Trắng có thể thực hiện khoảng 15 cuộc gọi đến các quốc gia một ngày, bắt đầu từ 7h, và thường liên quan đến Hội đồng An ninh Quốc gia, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và các cơ quan khác, theo New York Times.

Đại diện Nhà Trắng từ chối nêu rõ các rắc rối đang gặp phải ở những nước nào, chỉ cho biết họ đang làm việc song phương với các quốc gia nhận viện trợ để loại bỏ những trở ngại với việc tiếp nhận vaccine.

Bà Quillian mô tả chiến dịch "ngoại giao vaccine" này có thủ tục phức tạp. Một trong những thách thức khi viện trợ vaccine là quốc gia tiếp nhận phải đàm phán các thỏa thuận miễn trừ trách nhiệm với nhà sản xuất.

Bên cạnh đó, mỗi nước yêu cầu loại vaccine khác nhau. Một số nước muốn vaccine Johnson & Johnson vì bảo quản dễ dàng hơn, và đây là loại vaccine chỉ cần tiêm một mũi.

Đối với các nước chấp nhận một hoặc nhiều loại vaccine đã được Mỹ phê duyệt và đưa vào sử dụng, thì quá trình này diễn ra nhanh chóng hơn.

My cham tang 80 trieu lieu vaccine Covid19 anh 3

Bộ trưởng Y tế Brazil Marcelo Queiroga (trái) và Đại sứ Mỹ tại Brazil Todd Chapman bên lô vaccine Covid-19 của Johnson & Johnson do Mỹ trao tặng. Ảnh: Reuters.

Vì vaccine mà Mỹ hỗ trợ được sản xuất và đưa ra thị trường theo quy trình pháp lý riêng của Mỹ, nên để đưa được vaccine đến các quốc gia tiếp nhận thì chúng phải được phê duyệt riêng tại các nước đó.

Một số nước yêu cầu kiểm tra với vaccine mà Mỹ hỗ trợ, để đảm bảo độ an toàn trước khi đưa vào sử dụng.

Bên cạnh đó, một số nước chưa hoàn thiện kế hoạch phân phối vaccine, để đảm bảo đưa vaccine đến người dân trước khi chúng hết hạn sử dụng.

Việc phân phối vaccine của COVAX đôi khi cũng gặp trở ngại. Chẳng hạn Nam Sudan và Congo phải trả lại một số vaccine cho sáng kiến COVAX vì các vấn đề hậu cần và thái độ do dự của người dân với vaccine.

Ngoài ra, trước khi giao vaccine đến một số nước, quan chức Mỹ cũng phải phối hợp với nước tiếp nhận và các cơ quan liên quan, để xác định khả năng dự trữ của họ.

Chẳng hạn, tiến sĩ Hilary D. Marston - thành viên của đội phản ứng Covid-19 của chính quyền Biden, đồng thời là người đã giúp điều phối vaccine cho Pakistan - cho biết Bộ Ngoại giao và CDC đã phải làm việc với các quan chức Pakistan, để tìm hiểu nước này có thể dự trữ khoảng bao nhiêu liều vaccine.

Ưu tiên cho các nước láng giềng và châu Á

Các nhà nghiên cứu ước tính toàn thế giới cần 11 tỷ liều vaccine để có thể dập tắt đại dịch Covid-19.

Cho đến nay, hơn 3 tỷ liều vaccine Covid-19 được triển khai trên toàn thế giới, có nghĩa cứ khoảng 100 người thì có 40 liều vaccine được sử dụng.

Một số quốc gia vẫn chưa đưa ra báo cáo nào về việc tiêm vaccine, ngay cả khi biến chủng Delta đang lây lan trên khắp thế giới.

My cham tang 80 trieu lieu vaccine Covid19 anh 4

Người dân nhận vaccine Covid-19 do Mỹ trao tặng tại một trường tiểu học ở Đài Bắc, Đài Loan. Ảnh: AP.

“Nếu cứ tiếp tục cung cấp vaccine với tiến độ hiện tại, thật không may, tốc độ này chậm hơn rất nhiều so với mức yêu cầu”, tiến sĩ Saad B. Omer, giám đốc Viện Y tế Toàn cầu Yale, nói.

Trong khi đó, bà Quillian nói Mỹ sẽ chuyển giao nhiều vaccine hơn trong mùa hè, ngoài 500 triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech mà chính quyền ông Biden cam kết sẽ phân phối cho khoảng 100 quốc gia trong năm tới.

Bà cũng cho biết Pakistan là một trong những nước được ưu tiên hỗ trợ vaccine. Là nước láng giềng với Ấn Độ, Pakistan có khả năng bị ảnh hưởng bởi biến chủng Delta dễ lây lan.

Jake Sullivan, Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, nói hồi tháng 6 rằng Mỹ trước mắt ưu tiên các nước láng giềng của mình và các nước châu Á có số ca bệnh gia tăng.

Tiến sĩ Omer cho rằng chính quyền ông Biden cần dựa nhiều hơn vào chuyên môn của CDC. Cơ quan này đạt nhiều thành công trong việc phân phối các loại vaccine ra toàn cầu, bao gồm việc tổ chức phân phối vaccine bại liệt.

Tiến sĩ Michael H. Merson - giáo sư y tế toàn cầu tại Đại học Duke và là cựu giám đốc Chương trình Toàn cầu về AIDS của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - tin rằng Mỹ có thể phân phối vaccine Covid-19 hiệu quả hơn nếu làm theo mô hình Kế hoạch Cứu trợ AIDS Khẩn cấp của Tổng thống (PEPFAR).

Tags:
Có câu nói: 50 không xây nhà, 60 không trồng cây, 70 không may quần áo, nghĩa là gì? Nó có ý nghĩa không?

Có câu nói: 50 không xây nhà, 60 không trồng cây, 70 không may quần áo, nghĩa là gì? Nó có ý nghĩa không?

Thời xưa khoa học kỹ thuật, y tế còn hạn chế, hơn nữa thời xưa nông nghiệp là trụ cột nên tuổi thọ của con người thời đó không dài lắm, 60 tuổi đã là sống lâu rồi! Và những nhóm tuổi này không nên làm gì?

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất