Vì sao nhiều người Việt thích định cư ở nước ngoài?

Hiện nay, rất nhiều gia đình tìm đường để được định cư ở nước ngoài, bất kể việc phải bỏ ra rất nhiều công sức và tiền bạc, bất chấp việc họ đang có một công việc và mức thu nhập đáng mơ ước tại quê nhà.

10:15 01/08/2023

Bên cạnh đó, cũng có nhiều người ra nước ngoài học, công tác rồi tìm cách ở lại. Đâu là lý do để có những sự lựa chọn này. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với một số nhân vật để giải đáp thắc mắc: Tại sao một bộ phận người Việt không muốn trở về Việt Nam sinh sống và làm việc, dù họ rất nhớ quê hương, gia đình?.

Chị Ánh Dương (đang sống và làm việc tại Kawasaki, Nhật Bản)

Vợ chồng chị Dương đã sang Nhật làm việc được hơn 3 năm. Trước đây, chồng chị là kỹ sư công nghệ thông tin cho một công ty Nhật Bản có chi nhánh tại Việt Nam, sau đó được cử sang Nhật làm việc. Hiện tại, hai vợ chồng chị mới sinh con nhỏ được hơn 1 tuổi và hai người vẫn chưa có ý định về Việt Nam.

Chị Dương cho biết “Nhiều khi cũng muốn về Việt Nam sống và làm việc ổn định ở quê hương vì nhớ nhà kinh khủng. Hai bên ông bà nội ngoại đều đang còn nên cũng muốn bên cạnh chăm sóc. Nhưng sau khi có con, vợ chồng tôi đang cân nhắc lại. Vì thực tế, môi trường giáo dục ở Nhật Bản rất tốt và hiện đại. Các vấn đề an sinh xã hội cũng được đặt lên hàng đầu. Chúng tôi luôn mong muốn con mình sau này có cuộc sống tốt nhất. Ngoài ra, tôi vẫn thích sống ở Nhật Bản hơn vì công việc của cả hai vợ chồng đều ổn định, thu nhập cao. Môi trường sống sạch sẽ, vấn đề vệ sinh ăn uống cũng không phải lo lắng bất cứ thứ gì. Không có trộm cướp.”

Cũng theo chị Dương, khi sống tại Nhật liên tục từ 5 năm trở lên thì có thể xin vĩnh trú (vẫn là công dân nước ngoài) hoặc nhập quốc tịch (là công dân Nhật) để có thể định cư lâu dài. Khi có vĩnh trú hoặc quốc tịch sẽ có các quyền lợi liên quan như vay ngân hàng để mua nhà, thành lập công ty, làm người bảo lãnh…

Chị Dương chia sẻ “Nhiều người Việt làm việc lâu năm ở đây thường xin vĩnh trú vì khi nhập quốc tịch Nhật thì khi về Việt Nam phải xin visa. Mình lại không thể bảo lãnh cha mẹ sang ở lâu dài vì Nhật hiện tại không có tư cách cư trú dành cho cha mẹ của người nước ngoài để có thể sinh sống dài hạn. Chỉ có thể bảo lãnh cho vợ/chồng hoặc con cái nên rất là bất tiện”.

Chị Nguyễn Dịu (hiện đang sống tại bang Ontario, Canada)

PhuNu8HinhAnh/u5190/phu_nu_8_tai_sao_nguoi_viet_thich_dinh_cu_o_nuoc_ngoai_1_2.jpg

Gia đình chị Dịu đã chuyển đến Canada sinh sống và làm việc được 3 năm. Họ có dự định sẽ ở lại lâu dài, vì cảm thấy đây là môi trường tốt cho con cái sau này và phù hợp với tính cách hai vợ chồng.

Khi lựa chọn giữa Việt Nam và Canada, chị Dịu đã chia sẻ “Mỗi nơi đều có một điểm khiến tôi thích. Sống ở Việt Nam coi trọng yếu tố gia đình, còn bên này mọi người độc lập. Cũng vì thế nó sẽ ảnh hưởng đến tính cách mỗi người. Tôi cảm thấy ở bên này phù hợp với tính hai vợ chồng hơn. Về giao thông, giáo dục, y tế thì Canada có nhiều yếu tố tốt hơn vì đây là một xã hội đã phát triển. Giáo dục và y  tế miễn phí cho tất cả mọi người, giao thông cũng ổn, không bụi bặm hay tắc đường mấy.

Nói về vấn đề hiện có nhiều người thích định cư ở nước ngoài, chị Dịu cho biết “Tôi nghĩ mỗi nơi có một ưu nhược điểm riêng, mỗi nơi phù hợp với tính cách một số người và tuỳ ngành nghề nữa. Về sự nghiệp, ở Việt Nam nhiều cơ hội và ở Canada cũng vậy. Có một điểm là ở Việt Nam ngoài năng lực đôi khi cần phải có các yếu tố khác như mối quan hệ, giao tiếp... trong khi Canada chỉ cần cố gắng là bạn sẽ đạt được những gì theo sự cố gắng đó. Còn về cuộc sống, đối với gia đình tôi thì vấn đề cốt lõi là ở cách sống và văn hoá mỗi nơi. Tôi chọn Canada bởi thấy phù hợp với tính cách của cả hai vợ chồng.”

Chị Dịu cũng cho biết thêm, hiện tại Canada có nhiều chương trình thu hút định cư để tăng dân số và phát triển kinh tế. Các chương trình có thể là cộng điểm cho du học sinh sau ra trường, cộng điểm cho người trẻ có những lời mời làm việc, các chương trình đầu tư kinh tế, skill worker (lao động trình độ cao)... Khi được làm thường trú nhân sau đó là công dân Canada thì mọi người đều được miễn phí giáo dục và y tế. Đó là một thu hút lớn. Mang thường trú nhân và quốc tịch Canada cũng có thể đón người thân sang chơi và đi lại nhiều nơi dễ dàng hơn vì chính sách hợp tác giữa Canada với nhiều nước.

Chị Ngọc cho biết, trước đây mình rất thích được định cư tại Singapore vì đây là nước Châu Á, phù hợp với văn hoá và gần Việt Nam hơn, đồng thời có nền giáo dục rất tốt. Tuy nhiên vì duyên số nên chị đã qua Mỹ cùng chồng và con trai được 1,5 năm. Chị đã chính thức định cư ở Mỹ nhưng chưa có quốc tịch vì phải ở Mỹ 3.5 năm trở lên mới có quốc tịch.

Chị Ngọc sống tại thành phố San Jose (phía bắc California), nơi có đông người Việt nhất trên nước Mỹ. Chị  có rất nhiều chia sẻ những vấn đề về giao thông, y tế, giáo dục ở Mỹ đã khiến chị bị cường quốc này “cám dỗ”.

Về giao thông: Phương tiện giao thông chủ yếu của người Mỹ là ô tô. Đường xá được chăm chút rất tốt. Người dân chấp hành luật giao thông tốt vì phạt rất nặng. Luôn ưu tiên cho người đi bộ và xe đạp.

Về giáo dục:  Khi mới sang đây, năm đầu con chị học lớp 4. Nhưng trong lớp luôn xếp trình độ học của học sinh. Dù Tiếng Anh không bằng các bạn sinh ra tại Mỹ nhưng Toán của bé khá nên sau 1 học kỳ,mỗi lần đến tiết Toán bé lại sang 1 lớp khác học Toán cùng với các bạn cùng trình độ với mình. Năm lớp 5 thì bé được xếp cùng các bé có cùng trình độ học chứ không học chung với các bạn lớp cũ.

Học sinh cũng được học tự viết các bài luận, học cách nói trước đám đông nên trẻ tự do sáng tạo, học được cả cách tự tin diễn thuyết. Ở đây, có chương trình học trên máy tính ở trường rồi liên kết ở nhà. Mỗi lần trẻ học trên đó đều liên thông để giáo viên có thể biết được mức độ học hay sự tiến bộ của mỗi trẻ. Tất cả sách vở và tài liệu học đều được trường cung cấp, trẻ chỉ phải chuẩn bị giấy vở, bút, bút chì màu và vài dụng cụ học tập khác.

Về y tế: Chồng chị làm việc tại một  công ty về y tế, có hệ thống bệnh viện và phòng khám lớn ở nhiều nơi trên nước Mỹ. Chính vì thế bảo hiểm y tế rất tốt. Gần như là miễn phí.  Bất cứ dịch vụ nào cũng chỉ trả 5$ (phí tượng trưng) dù giá dịch vụ đó là bao nhiêu. Chị từng đi bệnh viện cấp cứu do bị viêm đường tiểu cấp, gây đau bụng và sốt. Tất cả dịch vụ chăm sóc như 5 sao và chị chỉ trả có 5$.  Bác sỹ, y tá rất tôn trọng bệnh nhân và nhẹ nhàng, họ luôn làm như họ hiểu được nỗi đau của bệnh nhân. Mỗi người trong gia đình có một bác sĩ tổng quát riêng, nắm toàn bộ thông tin bệnh của mình. Nếu bệnh nhẹ không muốn đi bệnh viện có thể email, bác sĩ sẽ quyết định có cần gặp trực tiếp không. Kết quả cũng được gửi mail về.

Có rất nhiều lý do để một người quyết định ở lại nước ngoài hay trở về Việt Nam. Dù là lý do gì, họ cũng chấp nhận vượt qua tất cả những rào cản về ngôn ngữ, tập tục văn hóa, nỗi nhớ quê hương… với mục đích cuối cùng là muốn hướng đến những điều tốt đẹp nhất cho những thế hệ con cái tương lai sau này. Vì vậy, dù có nhập quốc tịch nước nào đi chăng nữa, dòng máu chảy trong người họ vẫn mãi là của Việt Nam.

Giống như lời chị Ánh Dương chia sẻ “Dù có nhập quốc tịch Nhật, trở thành công dân Nhật thì trong mắt những người Nhật, chúng tôi vẫn chỉ là người nhập cư thôi”

Tags:
Ông Biden cởi trần tắm nắng

Ông Biden cởi trần tắm nắng

Tổng thống Biden cởi trần phơi nắng trên bãi biển ở quê nhà Delaware, giữa lúc xuất hiện những lo ngại về tuổi tác và sức khỏe của ông.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất