Vì sao ông Trump sắp làm điều mà các tổng thống Mỹ khác đã né tránh trong 22 năm qua?
Việc chính quyền Mỹ cho rằng động thái Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô Israel sẽ không gây hậu quả nghiêm trọng chỉ là phỏng đoán dựa trên...niềm tin!
05:03 07/12/2017
Học giả Shibley Telhami, chuyên gia của Trung tâm Chính sách Trung Đông, Quan hệ của Mỹ với thế giới Hồi giáo thuộc Viện Brookings (Mỹ) cho rằng ông "không thể thấy bất cứ logic nào trong ý định của ông Trump về việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel cũng như chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem" - một động thái mà tất cả các tổng thống Mỹ từ năm 1995 tới nay đều tìm cách không thực thi dù đã được Quốc hội Mỹ thông qua.
Nhà Trắng có tính toán sai lầm?
Theo phân tích của Telhami, có thể Nhà Trắng đang tính toán rằng, mặc dù thế giới Ả Rập sẽ ồn ào phản đối động thái công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, nhưng những đồng minh chính của Mỹ là Ả Rập Saudi và Ai Cập sẽ hạn chế sự phản đối (vốn đã công khai) của họ đối với Mỹ ở mức "nói cho có". Bởi vì, những đồng minh này đều rất quan tâm tới mối quan hệ của họ với ông Trump trong các vấn đề cấp bách khác, ví dụ như quốc phòng hay chống lại Iran.
Nhà Trắng cũng có thể đã dự tính rằng sự phản đối của cộng đồng Ả Rập và Hồi giáo sẽ bị hạn chế, vì các chính phủ sẽ ngăn chặn những bên bất đồng chính kiến, và có thể các quan chức trong chính phủ Mỹ nghĩ rằng những người Ả Rập hiện không còn quan tâm tới Palestine, hay thậm chí là Jerusalem.
Tất cả những tính toán trên đều không có gì đảm bảo chắc chắn. Nhưng cứ cho rằng những tính toán đó của Nhà Trắng, về các hậu quả của hành động công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, là đúng, thì vẫn không có ai – kể cả Tổng thống Donald Trump – có thể nói rằng động thái đó có ích đối với chính sách về Trung Đông của Mỹ.
Có thể thấy, việc chính quyền Mỹ cho rằng động thái công nhận Jerusalem là thủ đô Israel không gây hậu quả lớn chỉ là phỏng đoán dựa trên...niềm tin!
Thực tế, động thái này sẽ đi ngược lại tất cả những ưu tiên mà chính quyền Mỹ đã đặt ra ở Trung Đông: Chiến đấu chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và ngăn chặn ảnh hưởng của Iran. Jerusalem sẽ là cái cớ hoàn hảo để Iran và những lực lượng vũ trang Hồi giáo kêu gọi chống Mỹ và các đồng minh đứng về phía Mỹ.
Quốc kỳ Israel tại Jerusalem
Lịch sử đã chứng minh rằng Mỹ đã từng đánh giá thấp vai trò trung tâm của Jerusalem đối với người Palestine nói riêng và thế giới Ả Rập nói chung, khi năm 2000, cựu Tổng thống Clinton đã không thành công trong vai trò trung gian hòa giải khi đàm phán được tiến hành tại Trại David. Tại đây, quy chế của Jerusalem chính là vấn đề bế tắc của hòa đàm Israel – Palestine.
Hiện tại, Trung Đông đã bị chia rẽ hơn rất nhiều so với thời điểm năm 2000. Rất nhiều nước Ả Rập hiện phải tập trung vào những khó khăn trước mắt, nhiều nước khác thì đã giảm bớt các mối liên hệ với Palestine – thậm chí cả Jerusalem.
Chuyên gia Telhami nhận định rằng, ngay cả khi khu vực đã chia rẽ như thế, Jerusalem vẫn là một biểu tượng trung tâm vượt qua mọi sự chia cắt. Nó vẫn là một vấn đề được đưa ra để huy động sự đoàn kết trong một môi trường phân cực: Dù những người Ả Rập không công khai phản đối trên đường phố, một tuyên bố như Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô Israel sẽ tạo ra rất nhiều những "sóng ngầm".
Nhớ lại những sự kiện vừa xảy ra cách đây vài tháng, sau khi một số cảnh sát Israel bị giết hại, chính phủ Israel đã cho lắp đặt những máy móc để kiểm tra an ninh những người Palestine đến cầu nguyện tại đền thờ Hồi giáo al-Aqsa. Việc làm này của phía Israel đã thổi bùng làn sóng biểu tình phản đối từ cộng đồng Ả Rập và Hồi giáo. Các chính phủ đã phải vào cuộc can thiệp và những máy móc an ninh đã phải dỡ bỏ.
Tất nhiên quyết định của ông Trump về Jerusalem cũng ảnh hưởng trực tiếp tới Jordan. Mà sự ổn định của Jordan là một điều rất cần thiết trong khu vực. Quốc vương Jordan Abdullah, một đồng minh của Mỹ, đã là một trong những người đầu tiên đưa ra cảnh báo rõ ràng với ông Trump. Các lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỹ và Pháp cũng đã cảnh báo ông Trump.
Những người Palestine cũng sẽ chịu tác động trực tiếp từ quyết định này của Mỹ. Tổng Palestine Mahmoud Abbas có thể sẽ từ chối đàm phán. Thậm chí ngay cả khi ông Trump có thể làm cho ông Abbas chấp nhận việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, thì điều đó đồng nghĩa với việc ông Abbas phải thuyết phục người Palestine đồng ý với tất cả những điều khác mà Mỹ đưa ra – và đây là một nhiệm vụ bất khả thi.
Tổng thống Trump không cần "lấy lòng" cử tri nào nữa
Ông Trump chắc chắn không cần phải củng cố, tỏ rõ thêm lập trường về Israel của mình. Ba trong số những cố vấn chủ chốt của ông là những người nổi tiếng có thiện cảm với Israel. Quan trọng hơn, các cuộc thăm dò, nghiên cứu đều cho thấy rằng, công chúng Mỹ, bao gồm cả những người Cộng hòa, đều cho rằng chính sách của Trump là đã "hướng Israel" rồi, dù đa số người được hỏi (59%) đều cho biết họ thích ông Trump giữ lập trường trung lập trong xung đột Israel – Palestine, và 63% cho biết họ phản đối việc Mỹ di chuyển đại sứ quán ở Tel Aviv đến Jerusalem.
Còn các cử tri Kito giáo - một lực lượng người ủng hộ rất quan trọng đối với ông Trump thì sao? Tuy 2/3 trong số họ ủng hộ việc thừa nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, nhưng các cuộc thăm dò cho thấy vẫn có 40% trong số họ phản đối việc di chuyển đại sứ quán Mỹ ở Tel Aviv tới Jerusalem.
Những cử tri Kito giáo đã lên tiếng với Tổng thống Trump về việc cần công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, nhưng nếu ông Trump không làm thế thì họ cũng không đến nỗi sẽ từ bỏ sự ủng hộ của mình đối với tổng thống. Bởi vì, ông Trump đã là tổng thống mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng này nhiều hơn bất cứ tổng thống Mỹ nào khác trong lịch sử: Từ việc bổ nhiệm những vị trí quan trọng như thẩm phán tối cao Neil Gorsuch hay Bộ trưởng bộ Giáo dục Betsy DeVos, tới việc có các chính sách có lợi cho các trường tôn giáo.
Vậy, tại sao ông Trump lại định công nhận Jerusalem là thủ đô Israel?
Theo tác giả Shibley Telhami, ngay từ đầu, hầu như tất cả các chuyên gia đều hiểu rằng "thỏa thuận thế kỷ" [giữa Israel và Palestine] là không thể đạt được và thất bại này sẽ dẫn tới việc tổng thống Trump có những động thái như dời đại sứ quán tại Israel đến Jerusalem, bật đèn xanh cho việc Israel mở rộng các khu tái định cư ở bờ Tây. Và đến thời điểm này, việc Nhà Trắng có thể sẽ có những bước đi gây tranh cãi ở Jerusalem có một vài ý nghĩa.
Đầu tiên, điều đó có nghĩa là các cố vấn của ông Trump chỉ sống trong "bong bóng" của chính mình – với mức độ thiếu kinh nghiệm chưa từng có tiền lệ. Đây là điều công chúng Mỹ từng lo sợ.
Dù xã hội Mỹ đang chia rẽ về mặt chính trị rất mạnh mẽ nhưng 81% người Mỹ, trong đó bao gồm 71% những người Cộng hòa cho biết họ muốn Tổng thống Trump tham vấn các chuyên gia ngoại giao về Trung Đông hơn là dựa vào các luật sư cá nhân hay những người trong gia đình không có kinh nghiệm trong vấn đề này.
Thứ hai, Shibley Telhami nhận định rằng có khả năng chính quyền ông Trump đã chính thức từ bỏ "thỏa thuận thế kỷ" và đang tìm cớ đổ trách nhiệm cho bên khác về thất bại này.
Trump sẽ dời đại sứ quán tại Israel đến Jerusalem
Tổng thống Mỹ sẽ chuyển cơ quan đại diện của nước này ở Israel đến địa điểm gây tranh cãi, tuy nhiên chưa có thời gian cụ thể.