Vì sao siêu bão Irma lại mạnh tới vậy?

Irma và hai siêu bão khác vừa được hình thành sắp càn quét khu vực Đại Tây Dương, đe dọa hàng triệu tính mạng. Vì sao những cơn bão này lại là mối nguy hiểm lớn đến vậy?

03:56 08/09/2017

Irma được các chuyên gia đánh giá là “siêu bão Cape Verde” điển hình, nghĩa là nó hình thành từ rất xa, ở Cape Verde gần bờ biển phía tây châu Phi. Một số cơn bão khủng khiếp nhất bắt đầu từ những đợt không khí bất thường ở đó, rồi dần lớn mạnh hơn trên đường xẻ dọc Đại Tây Dương.

Cũng tại khu vực này, hai cơn bão nhiệt đới, Jose và Katia, đã mạnh lên thành siêu bão vào chiều 6/9. Jose được hình thành tương tự như Irma. Còn Katia trở thành siêu bão ở phía nam Vịnh Mexico, không xa nơi siêu bão Harvey đã hình thành cách đây 2 tuần. Cũng có những cơn bão hình thành từ hiện tượng gió đứt tầng thấp hoặc do những điều kiện thời tiết khác. 

Vì sao có nhiều bão vào thời điểm này?

Mùa bão bắt đầu ngày 1/6 và kết thúc ngày 30/11 ở Đại Tây Dương. Bão thường hình thành khi nước đủ ấm - ít nhất là mức 26 độ C - cộng thêm nhiều điều kiện thời tiết khác. Mùa bão cao điểm là từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 10.

Ảnh vệ tinh chụp bão Irma hôm 6/9 được công bố bởi Cơ quan Kiểm soát Đại dương và Khí tượng Mỹ (NOAA). Ảnh: Reuters.

Mùa bão thường diễn ra thế nào?

Theo Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ, trung bình mỗi mùa bão có 12 cơn bão được đặt tên. Katia là cơn bão thứ 11 trong năm nay. Bão được đặt tên khi sức gió đạt 62 km/h. Trung bình mỗi mùa có 6 cơn bão lớn và 3 trong số đó trở thành siêu bão cấp 3 khi sức gió đạt từ 178 km/h trở lên.

Năm nay khu vực Đại Tây Dương đã phải đón 6 cơn bão lớn: Harvey, Irma, Katia, Jose, cùng 2 cơn bão nhiệt đới Franklin và Gert.

Viễn cảnh bão năm nay đã được dự báo?

Câu trả lời là có. Hồi tháng 5, cơ quan thời tiết đã dự đoán 70% khả năng năm nay sẽ xảy ra từ 11-17 cơn bão được đặt tên, trong đó từ 5-9 cơn bão sẽ trở thành siêu bão, 2-4 siêu bão mạnh từ cấp 3 trở lên.

Hồi đầu tháng 8, dự báo thay đổi thành 60% khả năng xảy ra 14-19 cơn bão được đặt tên, 5-9 siêu bão và 2-5 siêu bão từ cấp 3 trở lên.

Siêu bão Sandy tàn phá New York năm 2012. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Bão gối đầu nhau là điều bất thường?

Siêu bão cấp 3 trở lên có thể nối đuôi nhau càn quét, giống trường hợp bão Matthew và Nicole năm ngoái, nhưng khi có từ 2 siêu bão loại này ập vào lãnh thổ nước Mỹ trong cùng một mùa bão thì lại là điều lạ.

Nếu Irma là bão cấp 4 hoặc 5 khi tấn công Florida thì đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử, nước Mỹ bị ảnh hưởng bởi 2 siêu bão cấp 4 hoặc 5 trong cùng 1 năm.

Vì sao Irma lại mạnh đến vậy?

Bão dùng nước ấm như một loại "nhiên liệu". Irma đã đi qua vùng nước ấm hơn mức bình thường từ 0,7-1 độ C. Vùng nước ấm này cũng có độ sâu hơn bình thường. Các đới gió cao yếu cũng là nhân tố giúp Irma bởi khi đủ mạnh những đới gió này thường cản bão hoặc thậm chí khiến bão tan.

Khi quét qua Đại Tây Dương vào hôm 5/9, sức gió 300 km/h của Irma đã lập kỷ lục. Trên toàn Đại Tây Dương, vùng Caribe và Vịnh Mexico, mới chỉ có siêu bão Allen năm 1980 với sức gió 305 km/h là mạnh hơn.

Mức độ bất thường của Irma?

Kể từ khi việc theo dõi bão qua vệ tinh bắt đầu vào 40 năm trước, đây mới là lần thứ 2 một cơn bão duy trì được sức gió 300 km/h trong suốt 24 giờ. Trường hợp đầu tiên là siêu bão Haiyan đã cướp đi sinh mạng của hơn 6.000 người ở Philippines năm 2013.

Siêu bão Harvey biến Houston thành sông. Ảnh: AP.

Lỗi ở sự nóng lên toàn cầu?

 Các nhà khoa học phải mất hàng tuần hoặc hàng tháng thực hiện những nghiên cứu phức tạp, sử dụng những mô phỏng qua mát tính, để xem liệu biến đổi khí hậu do con người gây ra có phải là nguyên nhân khiến tình hình bão tồi tệ hơn.

Kể từ khi việc lưu trữ bắt đầu năm 1851, số lượng bão ghi nhận được khá hạn chế, điều này khiến công tác phân tích thống kê trở nên khó khăn. Tuy nhiên, các nhà khoa học từ lâu đã cho rằng sự ấm lên toàn cầu sẽ làm cho cho một số cơn bão tồi tệ nhất trở nên mạnh hơn.

Gần đây họ cũng đưa ra mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và sự gia tăng nhanh chóng trong tương lai của những cơn bão. Vẫn còn những cuộc tranh luận khoa học về việc liệu Trái Đất nóng lên có đồng nghĩa với bão xảy ra nhiều hơn, nhưng các nhà nghiên cứu phần lớn đều đồng thuận với ý kiến cho rằng bão mạnh hơn là do biến đổi khí hậu.

Vận may đã qua

Trước khi Harvey đổ bộ, không siêu bão từ cấp 3 trở lên nào quét qua lãnh thổ nước Mỹ kể từ Wilma năm 2005. Khoảng thời gian 12 năm đó rất có thể chỉ là vận may của nước Mỹ. Số lượng bão vẫn thế, chúng chỉ không ảnh hưởng đến Mỹ hoặc không phát triển thành siêu bão. Tuy vậy, siêu bão Sandy năm 2012 có sức gió không lớn nhưng đã gây nên hậu quả thảm khốc khi tàn phá miền Đông Bắc nước Mỹ.

Tags:
Dân Florida đổ xô mua lương thực phòng bão 'quái vật' Irma

Dân Florida đổ xô mua lương thực phòng bão 'quái vật' Irma

Người dân Florida, ở cực đông nam nước Mỹ, đổ xô đi mua lương thực và xăng dầu tích trữ trước khi bão cấp 5 Irma đổ bộ.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất