Vì sao số lượng người trẻ tại Mỹ không có nhà ở tăng kỷ lục?
Tại Mỹ, do giá nhà đắt đỏ, mức lương thấp và gia đình không ổn định, ngày càng có nhiều thanh niên Mỹ rơi vào cảnh không có nhà ở, buộc phải sống nhờ nhà bạn bè, ngủ trong xe ô tô hoặc trên đường phố...
00:50 03/01/2018
Các nhà nghiên cứu Chapin Hall - trung tâm nghiên cứu chính sách dành cho giới trẻ thuộc trường đại học Chicago (Mỹ), trong năm 2016 và 2017 đã tìm hiểu cuộc sống của khoảng 26.000 người và gia đình của họ trên khắp nước Mỹ để xác định bao nhiêu người phải sống trong cảnh không có nhà ở.
Ngày càng có nhiều thanh niên Mỹ rơi vào cảnh không có nhà ở.
Kết quả nghiên cứu rất đáng kinh ngạc, trong năm 2017, cứ 10 người Mỹ trong độ tuổi từ 18-25 có 1 người đang trong tình trạng không có nhà ở. Với nhóm người ở độ tuổi trên 25, tỷ lệ người không có nhà là 1/30.
Như vậy, tính chung có đến gần 3,5 triệu thanh niên và 660.000 người trưởng thành Mỹ phải sống trong cảnh không nhà ở trong năm 2017.
Theo kết quả nghiên cứu của Chapin Hall, mức lương thấp, giá nhà đắt đỏ và gia đình không ổn định đã dẫn tới tình trạng số lượng người trẻ tuổi tại Mỹ không có nhà ở tăng chóng mặt, ngày một nhiều thanh niên Mỹ phải sống nhờ nhà nhà người quen, ngủ trong xe ô tô hoặc ngủ trên đường phố.
Ông Matthew Morton - chuyên gia nghiên cứu tại Chapin Hall khẳng định, nghiên cứu này cho thấy không chỉ những người lớn tuổi phải sống trong tình cảnh không nhà cửa, rất nhiều sinh viên đại học và nhân viên trẻ tại các công ty cũng gặp khó khăn trong việc kiếm được một chỗ ở lâu dài.
Mức độ khó khăn trong việc tìm kiếm nhà ở tại các vùng nông thôn và thành thị là tương đương, trái ngược với quan niệm lâu nay cho rằng ở các đô thị lơn có nhiều người không có nhà ở hơn.
Tại thủ đô Washington, các chuyên gia tính toán số lượng trẻ em và các bậc cha mẹ không có nhà cửa còn cao hơn so với số lượng đàn ông độc thân.
Rất nhiều sinh viên đại học và nhân viên trẻ tại các công ty cũng gặp khó khăn trong việc kiếm được một chỗ ở lâu dài.
Trong năm 2015 và năm 2016, số lượng các hộ gia đình không có nhà ở tăng đến hơn 30%, theo tính toán của chính phủ liên bang.
Chính quyền địa phương và những nhà hoạt động xã hội lý giải rằng gia tăng tình trạng không có nhà là vì số lượng người nghèo tăng, giá nhà cũng như tiền thuê nhà cao khiến ngày một nhiều người rơi vào cảnh không có nhà ở.
Theo chuyên gia Morton, kết quả nghiên cứu không khỏi gây ngạc nhiên cho nhiều người, bởi việc xuất hiện nhiều thanh niên rơi vào tình trạng vô gia cư trong bối cảnh kinh tế vẫn tăng trưởng tốt. Đó là do những người này thiếu đi sự hỗ trợ vững chắc từ gia đình, khiến họ đột ngột trở thành người không có nhà ở.
Các chuyên gia của trung tâm Chapin Hall dẫn chứng có những trường hợp thanh niên Mỹ, dù có gia đình đầy đủ nhưng cuối cùng vẫn trở thành người không gia đình, như trường hợp của Dee Baillet năm nay đã 27 tuổi. Dee Baillet trước đây từng sống với mẹ, tuy nhiên năm 17 tuổi, khi mẹ anh biết anh là người đồng tính, mẹ đã đuổi anh ra khỏi nhà.
Dee Baillet bị buộc phải rời khỏi nhà, nhưng cũng không biết mình sẽ đi đâu. Baillet phải ngủ nhờ bạn bè mỗi người vài đêm, nhưng cuối cùng anh cũng phải ra ngủ ngoài đường.
Tuy nhiên, Baillet vẫn học được hết trung học, sau đó thi đại học, tốt nghiệp đại học và kiếm được công việc dạy học tại trường Indianapolis. Đến lúc này anh mới có nhà ở. Song, vài năm sau đó Baillet gặp khó khăn về tài chính khiến anh lại rơi vào cảnh không có nhà ở và cuối cùng hàng ngày ngủ qua đêm trên xe ô tô.
Người trẻ Mỹ trông chờ thừa kế
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Natixis, có đến 70% thanh niên Mỹ mong chờ được thừa kế gia tài của gia đình. Thế nhưng chỉ có 40% các bậc phụ huynh dự định để lại của cải cho con.