Vì sao tòa án Mỹ bác quy định di trú về 'gánh nặng xã hội'?

Ông Trump tiếp tục vấp phải trở ngại pháp lý , khi ba tòa án liên bang Hoa Kỳ ngăn chặn một quy định cho phép chính quyền bác hồ sơ xin thẻ xanh và xin visa của những người nhập cư có thu nhập thấp

21:30 19/10/2019

Nỗ lực siết chặt chính sách di trú của chính quyền Trump tiếp tục vấp phải trở ngại pháp lí khi ba tòa án liên bang Hoa Kỳ hôm 11/10 ngăn chặn một quy định sâu rộng mà lẽ ra sẽ cho phép chính quyền dễ dàng bác hồ sơ xin thẻ xanh và xin visa của những người nhập cư có thu nhập thấp mà chính phủ xác định là - hoặc có thể trở thành - gánh nặng cho người đóng thuế ở Mỹ.

Thẩm phán George Daniels của tòa án liên bang ở Manhattan đã ban hành một sắc lệnh sơ bộ có hiệu lực toàn quốc, cấm chính quyền thực thi quy định gọi là "gánh nặng xã hội" chỉ vài ngày trước khi quy định dự kiến có hiệu lực vào thứ Ba tuần này. Một thẩm phán liên bang ở tiểu bang Washington cũng chặn quy định này trên toàn quốc, trong khi một thẩm phán tòa án liên bang ở San Francisco phán quyết rằng chính quyền Trump không thể thực thi quy định này trong khu vực mà Tòa Phúc thẩm liên bang Khu vực 9 có thẩm quyền tư pháp.

Từ hàng chục năm nay, Mỹ đã yêu cầu hầu hết những người nộp đơn xin thẻ xanh và xin thị thực chứng minh được rằng họ sẽ không trở thành "gánh nặng xã hội" (public charge) - tức là gánh nặng về kinh tế - đối với đất nước. Chính quyền Trump mở rộng đáng kể định nghĩa của thuật ngữ này bằng cách bao gồm các loại hình và số lượng phúc lợi xã hội mà di dân không được xin khi tìm cách lưu trú hay di cư tới Mỹ.

Theo quy định mới, nhân viên duyệt xét hồ sơ di trú sẽ xem xét người nộp đơn có ghi danh trong chương trình tem phiếu thực phẩm (SNAP), một số phúc lợi bảo hiểm y tế Medicaid cụ thể được chính phủ liên bang đài thọ và những loại hình nhà ở được chính phủ trợ cấp hay không. Đương đơn sẽ bị xem là “gánh nặng xã hội” và bị bác đơn nếu bị xét thấy họ có phần chắc sẽ sử dụng một trong những phúc lợi đó trong vòng 12 tháng hoặc lâu hơn trong mốc thời gian ba năm.

Thẩm phán Daniels trong phán quyết của mình nói rằng chính phủ đã không thể giải thích thỏa đáng lí do tại sao lại thay đổi định nghĩa về "gánh nặng xã hội" hoặc tại sao cần phải thay đổi. "Quy định này chỉ đơn giản là một chính sách loại trừ mới của cơ quan nhằm tìm kiếm sự biện minh," ông viết trong phán quyết của mình. "Nó nhổ toẹt vào giấc mơ Mỹ về cơ hội cho sự thịnh vượng và thành công thông qua lao động cần mẫn và vươn lên trong xã hội."

Luật sư Khanh Phạm, chuyên về luật di trú Hoa Kỳ đang hành nghề ở Houston, bang Texas, nhận định rằng chính quyền Trump đã vội vàng ban hành quy định mà không đi đúng trình tự.

“Thông thường họ phải trải qua giai đoạn lấy ý kiến của công chúng và sau đó ban hành quy định áp dụng như thế nào,” ông nói. “Vấn đề là họ đã không làm điều đó.”

Luật sư Khanh cho biết trước khi có phán quyết của tòa hôm 11/10, Sở Di Trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) đã đưa ra những thay đổi trong những yêu cầu đối với đương đơn xin thẻ xanh, bao gồm những điều chỉnh trong đơn xin bảo trợ tài chính và một mẫu đơn yêu cầu di dân phải liệt kê các loại phúc lợi xã hội và tiền lương của họ trong 5 năm qua. Ông nói các đơn này đã bị rút lại sau khi phán quyết của tòa án được ban hành.

Đối với trường hợp di dân Việt Nam, luật sư Khanh nhận định nếu quy định này được áp dụng, nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới người xin đứng ra bảo lãnh lúc họ khai đơn bảo trợ tài chính. Ông giải thích:

“Sở Di trú có thể nói rằng người được bảo lãnh trước hết không có khả năng chi trả những khoản tiền cần phải có để không trở thành gánh nặng xã hội. Thứ hai là người đứng ra bảo lãnh cũng không đủ thu nhập để lo cho những người được bảo lãnh nếu họ cần sự giúp đỡ đó. Thông thường luật cho phép tìm một người đồng bảo lãnh nữa, nhưng khi Sở Di trú nhìn vào hồ sơ của người bảo lãnh và người được bảo lãnh, họ có thể quyết định rằng những người này trong tương lai có thể là gánh nặng cho xã hội, nên vì vậy có thể bác đơn của những người xin thẻ xanh.”

Dù quy định này chưa được thi hành, các nhà nghiên cứu đã nêu ra "tác động đáng sợ" của nó trong các cộng đồng người nhập cư, kể cả trong các hộ gia đình bao gồm những thành viên là người nhập cư không có giấy tờ lẫn những người khác là thường trú nhân và công dân Mỹ, đài CBS cho biết.

Theo một nghiên cứu, những bàn tán về quy định này, cùng với sự không rõ ràng liên quan tới những phúc lợi nào sẽ được xem xét, đã khiến một số gia đình nhập cư - bao gồm cả công dân Mỹ - tránh hoặc từ bỏ các phúc lợi của chính phủ về thực phẩm, y tế và nhà ở vì sợ rằng việc họ ghi danh nhận những phúc lợi đó sẽ ảnh hưởng tới hồ sơ di trú mà các thành viên trong gia đình đã nộp.

Các quan chức chính quyền và những người có lập trường cứng rắn về di trú đã bảo vệ và bênh vực mạnh mẽ quy định này, lập luận rằng nó sẽ thúc đẩy tinh thần "tự lực cánh sinh" trong các cộng đồng người nhập cư.

Theo VoA

Tags:
Trung Quốc tranh cãi vì khóa dạy trẻ đọc 'thần tốc'

Trung Quốc tranh cãi vì khóa dạy trẻ đọc 'thần tốc'

Các trung tâm ở Trung Quốc dạy trẻ em đọc hơn 100.000 từ trong 5 phút bị bác bỏ là thiếu cơ sở khoa học.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất