Vì sao Trung Quốc đóng lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, thay vì Vũ Hán?
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, trả đũa sau khi Washington làm điều tương tự với lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston.
12:00 25/07/2020
Mỹ hiện có 5 lãnh sự quán ở Trung Quốc, với cơ sở lớn nhất tại Thượng Hải và nhỏ nhất tại Vũ Hán, nhưng câu hỏi là tại sao Bắc Kinh lại chọn cơ sở ở Thành Đô để trả đũa cho việc Washington ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, Texas.
Trước đó, khi Washington đột ngột yêu cầu đóng Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston hôm 22/7, tài khoản Twitter của Hoàn cầu Thời báo đã mở một cuộc thăm dò trên mạng xã hội này xem Bắc Kinh nên đáp trả bằng việc đóng cửa lãnh sự quán nào của Mỹ, câu trả lời nhận được nhiều sự bầu chọn nhất là Hong Kong, nhưng điều này không diễn ra.
Tại sao Thành Đô?
Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 24/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cáo buộc các nhân viên trong lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô "can thiệp vào công việc nội bộ và làm tổn hại lợi ích an ninh quốc gia của Trung Quốc".
Ông Uông nói thêm rằng việc đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô là "phản ứng chính đáng và cần thiết" sau khi Washington yêu cầu lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston ngừng hoạt động.
Trước đó, các quan chức Mỹ cũng đưa ra cáo buộc tương tự, họ cho rằng các nhà ngoại giao Trung Quốc ở Houston hành động vượt quá bổn phận và tham gia các hoạt động liên quan gián điệp.
Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, là cơ sở ngoại giao quan trọng của Washington, phụ trách một khu vực rộng lớn của Trung Quốc bao gồm cả khu tự trị Tây Tạng.
Đây cũng là nơi xảy ra vụ đào tẩu kịch tính khi cảnh sát trưởng Trùng Khánh Vương Lập Quân đến cơ sở này xin tị nạn hồi năm 2012. Hành động này sau đó đã dẫn đến một chuỗi những sự kiện kết thúc bằng việc ngã ngựa của 2 quan chức hàng đầu đảng Cộng sản Trung Quốc là Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang.
Chia sẻ với CNN, ông James Green, nhà phân tích về Trung Quốc tại Đại học Georgetown và cựu nhân viên ngoại giao Mỹ, cho rằng do gần đây Washington trừng phạt các quan chức Trung Quốc liên quan đến Tây Tạng, "việc đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô có thể là động thái đáp trả hợp lý với một số người".
Các nhà quan sát trước đó cho rằng Bắc Kinh có thể ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Vũ Hán, vì cơ sở này và lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston có mối quan hệ kết nghĩa không chính thức, và đây cũng là cơ sở được mở cửa gần đây nhất ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, lãnh sự quán Mỹ ở Vũ Hán đã không hoạt động trong nhiều tháng nay, kể từ khi các nhân sự được đưa lên máy bay về nước khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở thành phố này.
Phía Mỹ đã đề nghị đưa các nhân viên trở lại đây nhưng Trung Quốc khăng khăng tất cả cần được xét nghiệm virus corona khi có mặt - việc sẽ khiến thông tin di truyền (DNA) của những người này bị lộ và Washington không chấp nhận điều đó.
Động thái leo thang
Jeff Moon, người từng là tổng lãnh sự Mỹ ở Thành Đô từ 2003-2006 và hiện điều hành một công ty tư vấn về Trung Quốc, cho rằng việc Bắc Kinh chọn thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên để đáp trả Washington cho thấy phía Trung Quốc chọn "tiếp tục leo thang xung đột thay vì tạm dừng hoạt làm dịu căng thẳng".
"Nếu Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Vũ Hán, vấn đề có thể đã kết thúc ở đó vì vấn đề ở Vũ Hán là Trung Quốc ngăn cản các nhà ngoại giao Mỹ trở lại sau sự bùng phát của dịch Covid-19. Điều đó có thể được giải quyết theo thời gian, khi căng thẳng hạ nhiệt", ông Moon nhận định.
Theo ông Moon, Thành Đô đặc biệt quan trọng với Mỹ "vì đây là lãnh sự quán duy nhất của Washington ở miền tây Trung Quốc", nơi có một loạt các công ty và tập đoàn lớn của Mỹ đang hoạt động kinh doanh.
Thêm vào đó, việc đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô có nghĩa là Washington sẽ có 2 lãnh sự quán ở Trung Quốc không thể hoạt động (bao gồm cả Vũ Hán), trong khi Bắc Kinh chỉ mất đi một lãnh sự ở Houston.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gợi ý rằng ông có thể ra lệnh đóng cửa thêm các lãnh sự quán Trung Quốc, với 4 cơ sở còn lại ở New York, Chicago, Los Angeles và San Francisco. Các quan chức FBI từng liên kết những lãnh sự quán Trung Quốc với hoạt động gián điệp và trộm cắp tài sản trí tuệ của Mỹ.
Các công tố viên liên bang cũng đang truy tìm một nhà khoa học Trung Quốc bị kết tội gian lận visa. Họ cho rằng người này đang trốn trong lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đã xấu đi nhanh chóng trong vòng một năm qua, từ cuộc chiến thương mại cho đến sự bùng phát của đại dịch Covid-19, cũng như việc Mỹ chỉ trích Trung Quốc trong vấn đề Hong Kong.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, trong bài phát biểu hôm 23/7 tại Thư viện Nixon ở bang California, cho rằng sự thất bại trong chính sách Trung Quốc của Washington đã kéo dài hàng thập kỷ, và Tổng thống Donald Trump sẽ là người thay đổi điều đó. Chính tổng thống Nixon với chuyến thăm lịch sử đến Trung Quốc năm 1972 đã mở ra một chương mới cho mối quan hệ giữa hai nước.
"Như Tổng thống Trump đã nói rất rõ ràng, chúng ta cần một chiến lược để bảo vệ nền kinh tế và lối sống Mỹ. Thế giới tự do phải chiến thắng chế độ chuyên chế mới này", ông Pompeo nói.
"Sự thật là chính sách của chúng ta - và các quốc gia tự do khác - đã hồi sinh nền kinh tế thất bại của Trung Quốc, chỉ để thấy Bắc Kinh cắn vào cánh tay quốc tế đã nuôi dưỡng nó. Chúng ta mở rộng vòng tay với các công dân Trung Quốc, chỉ để thấy đảng Cộng sản Trung Quốc bóc lột xã hội tự do và cởi mở của chúng ta", ngoại trưởng Mỹ cho biết thêm.
TQ: Chính thức thông báo về sự biến dạng của đập Tam Hiệp
Trong một lần tiết lộ hiếm hoi, Trung Quốc thừa nhận đập Tam Hiệp, đập thủy điện lớn nhất hành tinh trên sông Dương Tử, bị "biến dạng nhẹ" sau đợt lũ kỷ lục.