Vì sao Tưởng Giới Thạch 3 lần từ chối đánh bom nguyên tử vào Trung Quốc?
Nước Mỹ 3 lần muốn giúp Tưởng Giới Thạch phản công vào Trung Quốc Đại lục, lật đổ Mao Trạch Đông bằng cách thả bom nguyên tử. Nhưng Tưởng Giới Thạch đều nhất quyết từ chối…
22:30 08/12/2018
“Nhật ký Tưởng Giới Thạch” tiết lộ nhiều tư liệu lịch sử mới mẻ, đầy bất ngờ
Năm 2005, gia đình Tưởng Giới Thạch quyết định công bố cuốn nhật ký của ông, đồng thời gửi bản gốc đến lưu trữ tại Viện Hoover (California, Mỹ). Trong cuốn nhật ký này, Tưởng Giới Thạch đã ghi chép tường tận hầu hết sự kiện lớn trong đời mình. Và ông đã viết nó liên tục trong suốt 55 năm (1917 – 1973).
Nội dung cuốn nhật ký cho người ta một cái nhìn hoàn toàn khác về Tưởng Giới Thạch, thu hút sự quan tâm rất lớn của giới nghiên cứu. Các học giả nhất loạt kêu gọi phải đánh giá xứng đáng công lao kháng Nhật, giải cứu Trung Quốc của Tưởng Giới Thạch, đính chính lại những thông tin sai lệch, xuyên tạc vốn được tuyên truyền, rao giảng trước đây.
Cho đến khi bản gốc của cuốn nhật ký được Viện Hoover công bố tại Mỹ, giới học thuật mới bắt đầu thay đổi ấn tượng đã ăn sâu về Tưởng Giới Thạch lâu nay. Họ sững sờ phát hiện ra “kẻ độc tài” mà chính phủ Trung Quốc rêu rao bao năm qua thực ra là một vĩ nhân, thẳng thắn, cương trực, đường hoàng, đạo đức.
Jay Taylor là một nhà ngoại giao lâu năm, từng 2 lần đảm nhiệm chức vụ đại sứ Mỹ tại cả Trung Quốc và Đài Loan. Sau khi xem xong cuốn “Nhật ký Tưởng Giới Thạch”, ông mới hiểu được họ Tưởng đã cống hiến biết bao mồ hôi, tâm huyết cho đất nước, dân tộc. Từ đó ông trở thành một học giả phương Tây kêu gọi “bình phản” (lấy lại công bằng) một cách toàn diện cho Tưởng Giới Thạch.
Sự thực lịch sử cuối cùng cũng được trả lại nguyên vẹn. Người nhân nghĩa dẫu bị vùi lấp bởi những lời vu cáo, bịa đặt nhưng hào quang của họ vẫn tỏa sáng tận muôn đời sau.
Tưởng Giới Thạch 3 lần từ chối lời đề nghị đánh bom nguyên tử vào Trung Quốc của Mỹ
Khi nhật ký của Tưởng Giới Thạch được công bố, có một chi tiết khiến người ta phải giật mình. Nước Mỹ 3 lần muốn giúp Tưởng Giới Thạch phản công vào Đại lục, lật đổ Mao Trạch Đông bằng cách thả bom nguyên tử. Nhưng Tưởng Giới Thạch đều nhất quyết từ chối.
Ông nói rằng mình không muốn trở thành kẻ tội nhân, giết hại sinh mệnh của vô số người dân vô tội. Đánh bom nguyên tử chắc chắn sẽ giúp Tưởng có được lợi thế trên chiến trường, nhưng lại hại biết bao nhiêu con dân Đại lục, phản công như thế thà rằng không làm còn hơn.
Khi xảy ra nạn đói ở Đại lục, Tưởng Giới Thạch đã phát động, kêu gọi người Đài Loan quyên góp viện trợ. Nhưng đáng tiếc là chính phủ Mao Trạch Đông ở bên kia bờ eo biển lại không thèm ngó ngàng gì tới đề xuất của ông. Còn Tưởng Giới Thạch vẫn không nản chí mà nghĩ ra cách thả lương thực từ trên máy bay xuống, men theo vùng duyên hải để cứu trợ người dân. Từ nghĩa cử này có thể thấy được tấm lòng lương thiện, yêu dân như con của ông.
Tưởng Giới Thạch và Tống Mỹ Linh nhiều lần xuất hiện trên con phố nguy hiểm nhất để chỉ huy cứu viện
Ông Trương bồi hồi nhớ lại: “Vào tháng 5 năm 1939, quân Nhật tiến hành trận đột kích quy mô lớn vào khu trung tâm Trùng Khánh. Lúc này trên bầu trời Trùng Khánh cảnh sát phòng không không quân cảnh báo liên tục. Người dân Trùng Khánh nháo nhác trong cơn hoảng loạn“.
Ông Trương nói tiếp: “Trên bầu trời gần 100 chiếc máy bay đánh bom của quân Nhật đang gầm thét. Sau trận đánh bom quy mô lớn vào khu trung tâm Trùng Khánh này, ngay cả chiếc xe Buick mà chính phủ Mỹ tặng cho Tống Mỹ Linh cũng được trưng dụng để làm công tác cứu viện.
Tại Hội nghị quốc phòng tối cao của chính phủ Quốc Dân, nơi ở của Tưởng Giới Thạch không thấy bóng dáng bất kỳ một chiếc xe nào. Tất cả đều đang tham gia cấp cứu, chuyên chở những người bị thương. Tưởng Giới Thạch và Tống Mỹ Linh cũng nhiều lần xuất hiện trên những con phố nguy hiểm nhất để trực tiếp chỉ huy cứu viện“.
Tưởng Giới Thạch đã rửa được nỗi nhục hàng trăm năm của Trung Quốc
Jay Taylor đã phân tích cả hai thời kỳ mà Tưởng Giới Thạch cầm quyền ở Đại lục và Đài Loan. Trước năm 1949, Tưởng Giới Thạch liên tiếp 3 lần chỉ huy kháng chiến chống Nhật, thống nhất Trung Quốc. Chiến thắng trong kháng chiến chống Nhật là công lao hiển hách của Tưởng Giới Thạch.
Dẫu sử sách bị sửa đổi, nhưng sông biển, núi non vẫn ghi công người anh hùng ấy và trả lại thanh danh cho ông. Tưởng Giới Thạch thực sự đã rửa được nỗi nhục cả trăm năm của Trung Quốc, biến Trung Quốc trở thành một trong 5 cường quốc, là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lúc bấy giờ.
“Nhật ký Tưởng Giới Thạch” là bảo vật lịch sử xưa nay chưa từng có
Tưởng Giới Thạch tôn sùng các nhà nho. Khi rút về Đài Loan, ông tập trung phát triển kinh tế và tổ chức bầu cử dân chủ. Ông đã biến Đài Loan từ một nơi nghèo khó trở thành vùng đất trù phú, nhân văn và thấm đẫm tinh hoa của văn hóa Thần truyền 5000 năm.
Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc tại Đại lục lại phát động cuộc vận động Hồng Kỳ Tam Diện (Cờ đỏ 3 mặt) và Đại Cách mạng Văn hóa nhằm lật đổ văn hóa Nho gia một cách triệt để thông qua con đường cực tả. Công cuộc “hiện đại hóa” ấy của Trung Quốc đã kéo nước này thoái lùi không biết bao nhiêu năm.
Có không ít các nhà sử học phải kinh ngạc thốt lên rằng “Nhật ký Tưởng Giới Thạch” chính là “bảo vật lịch sử xưa nay chưa từng có, có quyền lực tuyệt đối“. Nội dung cuốn nhật ký đã thể hiện rõ khí phách anh hùng và chiến công kháng Nhật, thống nhất Trung Quốc của Quốc Dân Đảng. Cuốn sách này cũng bộc lộ được nhiều ưu khuyết điểm trong đặc điểm nhân cách của Tưởng Giới Thạch, từng lời văn đều vô cùng chân thật, vốn không phải là kiểu hồi ký viết ra để cho người khác đọc.
Dương Thiên Thạch là một học giả chuyên nghiên cứu về Tưởng Giới Thạch của Trung Quốc. Sau khi đọc và suy ngẫm về “Nhật ký Tưởng Giới Thạch”, ông nói: “Nhật ký Tưởng Giới Thạch có giá trị tư liệu lịch sử rất cao, đủ để viết nên những trang sử cận đại của Trung Quốc!”.
Dẫn dắt nhân dân, giành lấy thái bình là việc làm của bậc hào kiệt. Nhưng tha thứ cho kẻ thù thì chính là bậc thánh nhân
Du Đại Duy, một thành viên Quốc Dân Đảng dưới thời Tưởng Giới Thạch cho biết: “Khó khăn trong thời đầu kháng Nhật chỉ có thể tưởng tượng chứ không thể nào hiểu được thực tế khốc liệt ra sao. Lúc đó tôi làm Sở trưởng Sở công binh. Khi ấy, chỉ biết rằng tổng số đầu đạn sản xuất từ các xưởng công binh trên toàn quốc trong 1 tháng cũng không đủ dùng 1 ngày ngoài tiền tuyến Tùng Hỗ!”.
“Nhờ áp dụng sách lược chính trị của Trưởng ủy viên Tưởng Giới Thạch, chúng tôi mới có thể duy trì được sĩ khí và lòng dân, từ đó mới từng bước giành được một chút thắng lợi. Khi một nước yếu bị một cường quốc xâm lược, lâm vào cảnh bách chiến bách bại, nguy cấp ngàn cân treo sợi tóc thì sẽ sản sinh ra một lãnh tụ kiên cường, có trí huệ hơn người, lãnh đạo nhân dân đi tới thắng lợi. Những người như vậy này đã từng xuất hiện trong lịch sử.
Nhưng sau khi giành thắng lợi, lại có thể áp dụng chính sách đại khoan hồng ‘không nhớ thù cũ’, ‘hành thiện với người’, buông tha cho chính kẻ thù truyền đời đã từng hoành hành xâm lược, tàn phá đất nước mình suốt nửa thế kỷ qua thì xưa nay chưa từng có! Dẫn dắt nhân dân vượt qua gian nguy, giành lấy thái bình là việc làm của bậc hào kiệt. Nhưng có thể tha thứ cho kẻ thù của mình thì đó chỉ có thể là bậc Thánh nhân!”
Những con sóng Trường Giang bạc đầu cuồn cuộn chảy mãi về Đông, lần lượt tiễn đưa các bậc anh hùng về nơi thiên cổ. Nhưng khí phách và tấm lòng yêu nước, thương dân của họ thì vẫn mãi trường tồn cùng núi sông, lịch sử. Dẫu con người vì danh lợi, quyền lực, dùng mưu mô mà rắp tâm đổi trắng thay đen nhưng lịch sử trước sau gì cũng trở về với bộ mặt vốn có của mình.
Hiểu Mai
Trụ sở CNN ở New York sơ tán vì bị đe dọa đánh bom
Nhân viên trong các văn phòng và trường quay chạy ra khỏi tòa nhà sau một cuộc điện thoại đe dọa đánh bom.