Vì sao tỷ phú bị cáo buộc cư.ỡng hi.ếp của Trung Quốc tới Mỹ học?
Giống như nhiều doanh nhân Trung Quốc, Lưu Cường Đông muốn học ý tưởng kinh doanh mới và hiểu rõ hơn xã hội cũng như thị trường Mỹ.
05:30 06/09/2018
Lưu Cường Đông (giữa) rời Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, sau phiên họp khai mạc quốc hội Trung Quốc hồi tháng 3. Ảnh: Reuters. |
Tỷ phú Trung Quốc Lưu Cường Đông (Richard Lưu), người sáng lập kiêm CEO của trang bán lẻ trực tuyến Trung Quốc JD.com bị bắt vì cáo buộc cưỡng hiếp ở hạt Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ nửa đêm 31/8, theo Bloomberg. Lưu được thả khỏi nhà tù vào chiều hôm sau vì cảnh sát cho rằng không cần tiếp tục giam giữ ông trong thời gian điều tra.
Sở hữu khối tài sản trị giá 7,3 tỷ USD cùng các hoạt động kinh doanh trải rộng toàn cầu, Lưu vẫn dành những ngày cuối cùng của tháng 8 tại Minneapolis để hoàn thành chương trình tiến sĩ quản trị kinh doanh Mỹ - Trung của Đại học Minnesota.
Tại sao một trong những thương nhân thành công và nổi tiếng nhất Trung Quốc lại chọn việc học tập tại Minneapolis? Đó là một phần bí ẩn quanh những ngày Lưu ở Minnesota.
Lưu, 45 tuổi, là sinh viên của Trường Quản trị Carlson thuộc Đại học Minnesota. Chương trình tiến sĩ mà Lưu theo học là sự hợp tác giữa Đại học Minnesota và Đại học Thanh Hoa, ngôi trường danh giá nhất ở Trung Quốc. Khóa học chủ yếu diễn ra ở Bắc Kinh với một nhóm sinh viên đặc biệt có độ tuổi trung bình 50 và nhiều người trong số đó là lãnh đạo các doanh nghiệp.
Khóa học này nhằm đáp ứng nhu cầu của một nhóm người đang tăng nhanh ở Trung Quốc: các giám đốc điều hành cấp cao. Không giống như Mỹ, nơi các tỷ phú công nghệ như Mark Zuckerberg, Bill Gates dám rời bỏ trường đại học để khởi nghiệp, các giám đốc điều hành Trung Quốc tìm kiếm sự tán dương về học vấn sau khi đã có một sự nghiệp ổn định.
"Nếu bạn có tấm bằng cao hơn và nền giáo dục tốt hơn, bạn sẽ được công nhận nhiều hơn. Trung Quốc rất chú ý đến bằng cấp", Wang Huiyao, người sáng lập Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa nhận định.
Tuy nhiên, trong trường hợp của Lưu Cường Đông, vấn đề không chỉ ở học vấn. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang thăm dò thị trường nước ngoài hy vọng sẽ thâm nhập mạng lưới và hiểu rõ mục tiêu lâu dài của họ.
"Đối với những người như Richard Lưu, mục đích của họ không phải nhằm hiểu biết nhiều hơn người khác. Ông ấy tham gia khóa học chắc chắn nhằm mở rộng tầm nhìn, học ý tưởng mới để hiểu hơn về xã hội và thị trường Mỹ", Freeman Shen, một cựu sinh viên trường Carlson nhận định.
Hình ảnh Lưu Cường Đông tại sở cảnh sát hạt Hennepin, bang Minnesota hôm 31/8. Ảnh: WSJ. |
Sri Zaheer, hiệu trưởng trường Carlson, cho biết khóa học của Lưu thường kéo dài 4 năm. Giữa khóa học, sinh viên sẽ đến Minnesota vào mùa hè, làm việc với các cố vấn dày dạn kinh nghiệm và gặp giám đốc điều hành hàng đầu của những doanh nghiệp địa phương có tiếng.
"Họ đang ở giai đoạn cảm thấy mình có thể thành công trước khi có cơ hội để thực sự nghĩ tại sao và như thế nào", Zaheer nói về các giám đốc điều hành tham gia khóa học.
Nhưng đó không phải toàn bộ công việc của các nhóm sinh viên cấp cao khi họ đến Minneapolis. Một phần quan trọng của khóa học liên quan đến việc mang đến cho các giám đốc điều hành Trung Quốc sự trải nghiệm về . "Họ từng được đưa đi xem các trận bóng bầu dục và Viện Nghệ thuật Minneapolis nên chúng tôi cũng muốn cho họ tiếp xúc thêm với văn hóa Mỹ", bà nói thêm.
Mặc dù căng thẳng Mỹ - Trung tăng cao, Đại học Minnesota vẫn tiếp tục chào đón các sinh viên đến từ châu Á. Đây cũng là một trong những trường đầu tiên tiếp tục trao đổi sinh viên sau khi Mỹ và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ vào cuối những năm 1970. Năm 2008, trường mở văn phòng ở Bắc Kinh để tăng cường hợp tác.
Theo Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, xu hướng lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc ra nước ngoài học mới chỉ bắt đầu và sẽ tăng lên. "Nó sẽ tăng lên bởi vì có nhiều doanh nhân muốn nghiên cứu về những vấn đề mới, thách thức mới", Wang nói. "Nền kinh tế thị trường không bắt đầu ở Trung Quốc, bởi vậy khá dễ hiểu khi doanh nhân tìm đến các trường nước ngoài để học tập và nghiên cứu".
Nguồn: VnExpress.net
NÓNG: Để đáp trả các cuộc tấn công của Trung Quốc, Đài Loan sẵn sàng chơi chiêu 'độc'
Đối diện với sự phân hóa sức mạnh quân sự giữa hai bờ eo biển, quân đội Đài Loan gần đây đã lên kế hoạch kỳ lạ để đối đầu quân đội Trung Quốc, Hoàn cầu viết.