Vị thế toàn cầu Mỹ lung lay vì khủng hoảng Afghanistan
Quyết định rút quân khỏi Afghanistan mà Tổng thống Joe Biden đưa ra đang khơi dậy một làn sóng hoài nghi về vai trò dẫn dắt toàn cầu của Mỹ.
12:00 19/08/2021
Tại Liên minh châu Âu (EU), ngoại trưởng các nước thành viên vừa tổ chức một cuộc họp khẩn của về vấn đề Afghanistan hôm 17/8 và đưa ra những lời chỉ trích hiếm hoi nhằm vào Washington, cho rằng việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan sẽ thúc đẩy dòng người di cư đổ về biên giới châu Âu và tạo nền tảng cho chủ nghĩa khủng bố trỗi dậy ở Trung Á.
"Hành động rút quân này gây ra hỗn loạn", Bộ trưởng Quốc phòng Latvia Artis Pabriks nhận xét trong một cuộc phỏng vấn.
Tại Đức, Armin Laschet, ứng viên kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel của đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo, gọi quyết định rút quân là "thất bại lớn nhất của NATO kể từ khi thành lập".
Tại Trung Quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken nói rằng việc quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan nhanh chóng đã gây ra "tác động tiêu cực nghiêm trọng", đồng thời cho thấy Mỹ không có khả năng áp dụng mô hình quản trị của mình sang một quốc gia có văn hóa và lịch sử khác biệt.
Phát biểu ngày 16/8, bảo vệ cho quyết định rút quân, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh Mỹ cần phải thoát khỏi những vũng lầy tốn kém trong thời đại cạnh tranh giữa các cường quốc.
"Những đối thủ cạnh tranh chiến lược thực sự của chúng ta, Trung Quốc và Nga, sẽ không mong muốn gì hơn là Mỹ tiếp tục đầu tư hàng tỷ USD nguồn lực và sự chú ý vào nỗ lực ổn định Afghanistan không hồi kết", ông nói. Theo Biden, Mỹ vẫn có thể triệt hạ các tổ chức khủng bố bằng sức mạnh không quân mạnh mẽ của mình.
Dù vậy, chính quyền Mỹ vẫn phải đối diện những câu hỏi khó khăn với quyết định rút quân, khi Tổng thống Biden lâu nay vẫn truyền đi thông điệp rằng ủng hộ nhân quyền và hỗ trợ đồng minh sẽ là "trọng tâm chính sách đối ngoại của Mỹ".
Những tiếng nói chỉ trích chính sách của Biden lúc này lập tức đặt câu hỏi chuyện gì sẽ xảy ra với phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan khi Taliban giành quyền kiểm soát đất nước. Trong thời kỳ Taliban nắm quyền ở Afghanistan từ năm 1994 đến 2001, lực lượng này đã áp đặt những quy định hà khắc với phụ nữ, cấm họ đi học và làm việc. Phụ nữ chỉ có thể ra ngoài khi có đàn ông đi cùng.
"Đã có chuyện gì xảy ra với cái gọi là 'Nước Mỹ trở lại?'", Tobial Ellwood, chủ tịch Hội đồng Quốc phòng thuộc quốc hội Anh, chất vấn, đề cập tới lời hứa của Tổng thống Biden về việc xây dựng lại các liên minh và khôi phục vị thế Mỹ trên thế giới.
Theo bình luận viên John Hudson và Missy Ryan từ Washington Post, quyết định rút quân của chính quyền Biden đã làm dấy lên hàng loạt câu hỏi về vị thế Mỹ: Liệu nó có cho thấy một nước Mỹ yếu đuối và làm suy yếu khả năng dẫn dắt của Washington trên trường quốc tế hay không? Hay đây chỉ đơn giản là hành động xem xét lại lợi ích quốc gia hợp lý hơn, giúp Mỹ có nền tảng tốt hơn khi ứng phó với những thách thức mới, đồng thời làm rõ với các đồng minh và đối thủ về việc Mỹ sẵn sàng và không sẵn sàng sử dụng nguồn lực cho những mục tiêu nào?
"Một trong những thực tế có thể được nhận ra trong hai thập kỷ qua đó là thúc đẩy nhân quyền thông qua can thiệp quân sự là cực kỳ khó khăn", Stephen Pomper, giám đốc chính sách tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, tổ chức phi lợi nhuận chuyên thúc đẩy các chính sách nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và giải quyết xung đột, bình luận.
Pomper dẫn chứng chiến dịch can thiệp quân sự của Mỹ và các đồng minh châu Âu vào Libya năm 2011. Chiến dịch được triển khai với lý do "bảo vệ dân thường" Libya trước các cuộc "tàn sát" của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi nhưng cuối cùng lại đẩy quốc gia này vào một thập kỷ hỗn loạn và bạo lực. Bài học đó cũng rất rõ ràng ở Afghanistan, nơi Mỹ đã không thể đảm bảo một nền hòa bình lâu dài.
Hôm 17/8, các cường quốc thế giới bắt đầu chấp nhận thực tế rằng Taliban sẽ nắm quyền ở Afghanistan khi thủ lĩnh của nhóm Abdul Ghani Baradar quay trở lại đất nước lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ.
Tại một cuộc họp báo ở Kabul, các lãnh đạo Taliban đã phát đi thông điệp hòa giải, hứa không phân biệt đối xử với phụ nữ hay kiểm soát truyền thông, đồng thời trấn an rằng bất kỳ ai từng cộng tác với chính quyền trước đây và các lực lượng đồng minh đều sẽ được "ân xá". Tuy nhiên, thông điệp này vẫn bị hoài nghi.
Trong lúc chính quyền Biden còn đang cân nhắc có nên công nhận Taliban là chính phủ mới của Afghanistan hay không, một số nước đã bắt đầu đưa ra cách tiếp cận của riêng họ.
Nga, quốc gia thiết lập quan hệ với Taliban từ lâu nhưng không chính thức công nhận, hôm 16/8 đã lên tiếng ca ngợi nhóm. "Tình hình yên bình và tốt đẹp. Mọi thứ đã lắng xuống trong thành phố. Tình hình ở Kabul hiện nay dưới tay Taliban tốt hơn dưới thời Tổng thống Ashraf Ghani", đại sứ Nga tại Afghanistan Dmitry Zhirnov nói.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau trong khi đó khẳng định chính phủ của ông "không có ý định" công nhận chính quyền Taliban.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Washington sẽ chỉ quyết định vấn đề này sau khi Taliban cho thấy thiện chí quản lý đất nước một cách toàn diện và cấm những kẻ khủng bố hoạt động trên lãnh thổ của mình. "Chúng tôi đang xem xét những gì đã diễn ra trong 72 giờ qua và tác động ngoại giao, chính trị của nó", ông nói.
10 quy tắc kiếm tiền từ người Do Thái: Chi tiền cho thứ có lợi ích nhỏ là cách làm của kẻ ngốc
Người Do Thái cho rằng mỗi đồng xu lẻ cũng đều đáng quý, vì thế chi tiền cho thứ có lợi ích nhỏ là cách làm của kẻ ngốc!