Việt kiều Mỹ bình tâm trong đại dịch Covid-19, mong trở về thăm Việt Nam
Khi dịch Covid-19 ập đến, những người Việt ở Mỹ vượt lên trên những nỗi lo lắng, bất an, chọn cho mình cách sống bình tâm. Họ xem đây là một thử thách như bao thử thách từng nếm trải trong cuộc đời lưu lạc của mình.
21:30 29/04/2020
Cuộc sống của những gia đình Việt kiều ở Mỹ có khác nhau. Đối với những người sang Mỹ sớm vào khoảng những năm 1990 về trước thì kinh tế có phần ổn định hơn. Con cái đã trưởng thành, có nghề nghiệp, đã lập gia đình. Phần lớn những người Việt sang giai đoạn này đã nghỉ hưu, có thể bắt đầu nhàn nhã hưởng tuổi già.
Gia đình người Việt sang định cư trễ hơn, khoảng từ những năm 2000 trở lại đây, cuộc sống chưa thật sự ổn định. Con cái còn nhỏ đang đi học, còn phải thuê nhà nên họ phải tiếp tục đi làm để trang trải cuộc sống.
Dù sang Mỹ ở giai đoạn nào, họ đều có chung một suy nghĩ: Ngoài việc lo cho gia đình ở bên này vẫn cố chắt chiu những đồng tiền lao động để gửi cho người thân ở Việt Nam.
Gia đình ông Quý dành thời gian sửa chữa lại căn nhà mà bao năm nay chưa thực hiện
Bình tĩnh giữa đại dịch
Khi đại dịch Covid-19 ập đến, những người Việt xa xứ vượt lên trên những nỗi lo lắng, bất an, chọn cho mình cách sống bình tâm, đối mặt với thực tại. Họ xem đây là một thử thách như bao thử thách họ từng nếm trải trong cuộc đời lưu lạc của mình.
Bà Anh Đào (48 tuổi, sang New York được 20 năm) phải đóng cửa tiệm nail hơn tháng nay vì dịch Covid-19. Ở nhà, bà dành thời gian học thêm cách nấu những món ăn chay (cả hai vợ chồng đều ăn chay trường), tập yoga mỗi sáng. Bà vẫn giữ thói quen thắp nhang và ngày đọc kinh hai lần. Giờ rảnh thì chăm sóc các chậu hoa hoặc nói chuyện điện thoại với bà con ở Việt Nam và đọc báo mạng như Thanh Niên Online để biết thêm tình hình quê nhà.
Đeo khẩu trang khi ra cửa hàng
Em Cindy Trần, thế hệ thứ hai Việt kiều Mỹ, sinh ra ở New York và chưa bao giờ về thăm quê hương. Tiếng Việt của em bập bõm nhưng rất quan tâm về văn hóa Việt Nam. Trong thời gian này, cả gia đình dọn ra ngoài ở bang New Jersey để trốn dịch. Em nói rất nhớ bạn bè, trường lớp. Nhưng ở giai đoan dịch, gia đình em lại có thời gian hiếm hoi để gần gũi trò chuyện cùng nhau, cùng nấu những món ăn Việt.
Còn bà Trần Thanh Lan 62 tuổi, cùng chồng và hai con sang Bắc California định cư từ năm 2000. Sang Mỹ ở tuổi đã lớn nên cô rất vất vả, cô làm phụ bếp cho một nhà hàng Thái. May mắn là hai con đã tốt nghiệp đại học. Vì vợ chồng đều mất việc nên gia đình đang sống bằng số tiền trợ cấp thất nghiệp và tiền cứu trợ thiên tai của liên bang. Bà Lan rất lo lắng với công việc làm trong tương lai nhưng vẫn tự động viên mình như thời còn ở quê nhà: “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”.
Việt kiều Mỹ cảm kích, tri ân bác sĩ sau khi khỏi bệnh Covid-19 và xuất viện
Ông Đỗ Xuân Quý (70 tuổi, hiện sống ở Nam California) có một nhà hàng gần bệnh viện trung tâm Los Angeles nhưng nay đã sang nhượng để nghỉ hưu. Kinh tế không còn phải là vấn đề nữa, tuy vậy với một người quen hoạt động mà phải ở nhà thường xuyên như lúc này quả là một điều bí bách. Nhưng ông và gia đình đã bắt đầu làm quen với cuộc sống mới như uống cà phê, tập thể dục trong vườn nhà, đọc sách, cắt cỏ, sửa chữa lại căn nhà mà bao năm nay chưa thực hiện.
Bà Helen Nguyễn ở Houston lại có một tâm trạng khác. Bà có ba con đều là bác sĩ ở bệnh viện Texas. Bà luôn bày tỏ sự lo lắng vì môi trường làm việc của các con tại bệnh viện rất dễ bị lây nhiễm. Bà nói: “Mỗi lần nhìn con đi bệnh viện thì cảm giác như con ra chiến trận”.
Vợ chồng ông bà Huỳnh Anh sống ở khu Bellaire sang định cư từ những năm 1976 – 1978. Bà làm nghề nấu ăn ở một trại dưỡng lão người Việt. Khi bệnh dịch bùng phát, gia đình sống bằng dịch vụ nhận đặt và giao cơm tận nhà riêng nên cũng tạm ổn.
Mong dịch qua nhanh để về thăm quê hương
Tuy mỗi người có một hoàn cảnh, nhưng tất cả đều có chung một suy nghĩ là chọn cho mình một lối sống tích cực trong giai đoạn này. Đây cũng là một cách trả ơn đất nước đã cưu mang mình.
Bà Lan và chồng chấp hành lệnh giãn cách xã hội của chính phủ Mỹ. Tương tự, bà Đào nói: “Mình đi ra ngoài nhiều lỡ mang bệnh thì cực cho bác sĩ chăm sóc”. Ông Quý thì có hành động tích cực hơn: vận động bạn bè Việt Nam ở Mỹ góp tiền gửi hội Chữ thập đỏ (Red Cross) ở New York, trung tâm của dịch. Gia đình ông Quý cũng đã may 1.000 khẩu trang vải và gửi đến New York.
Còn tôi, sống trên đất nước này hơn mười năm, tôi tình nguyện ở lại New York để tham gia các hoạt động thiện nguyện, phát động gây quỹ trên mạng để giúp đỡ các em học sinh trường Brooklyn gặp hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch.
Trên tất cả, mọi người đều mong muốn đại dịch sớm được đẩy lùi khắp thế giới. Cuộc sống trở lại ổn định như cũ. Còn một lẽ khác, trong tận cùng sâu thẳm của trái tim mỗi người Việt xa quê đều mong chóng được trở về thăm quê nhà, đã có bao chiếc vé máy bay về thăm quê bị hủy, bao nhiêu dự định phải dang dở nhưng chúng tôi chưa bao giờ thôi hy vọng một ngày, dịch Covid-19 bị đẩy lùi, những người Việt xa xứ lại trở về thăm quê hương.
Theo Thanh Niên
Link nguồn: https://thanhnien.vn/doi-song/viet-kieu-my-binh-tam-trong-dai-dich-covid-19-mong-tro-ve-tham-viet-nam-1216531.html
Tiết lộ bất ngờ về ca tử vong đầu tiên do Covid-19 tại Mỹ
Kết quả giải phẫu thi thể bệnh nhân đầu tiên tử vong vì Covid-19 tại Mỹ đã cho thấy người này tử vong vì vỡ tim do cuộc tấn công của virus SARS-CoV-2.