Việt kiều Mỹ kể chuyện đón Tết năm Covid giữa đông tuyết lạnh giá: Kẹt lại mùa xuân
Những ngày cuối năm như thế này, cách tốt nhất để không phải buồn là... khóa facebook và không nên đi qua khu Việt Nam làm gì cho mệt.
00:30 16/02/2021
Nước Mỹ bắt đầu bước vào những ngày lạnh tái tê, nhiệt độ tụt xuống dưới 0, khu vực thủ đô Washington D.C. dính bão tuyết kéo dài tới tận ba ngày dài đăng đẵng. Tuyết rơi cả đêm, dày hơn nửa thước. Xe chạy khắp đường, cào xới, rải muối cho tuyết mau tan. Mọi thứ đen thui, dơ hầy chứ chẳng đẹp xinh như những gì mình thấy trong phim hay tranh ảnh.
Lên facebook, thấy bạn bè viết status mua vé về quê, hẹn nhau họp lớp. Hết người này chụp hình hoa đào, hoa mai, tới người kia khoe mớ cúc trước sân hay thược dược hiên nhà bung nở. Cô bạn học ngày nào giờ một nách ba con lên facebook rao bán chả lụa, nem chua lẫn củ kiệu, me ngâm. Chị tôi gọi hỏi, năm nay cậu có tính mua gạo phát cho bà con hông... cũng có nghĩa mùa xuân sắp về trên quê hương xứ sở.
Đùng một cái Covid bùng phát trở lại bên nhà. Như một cơn bão tố tràn qua sự bình yên mấy tháng nay bà con đang ung dung tận hưởng. Đứa này lo lắng đổi vé ở lại hổng về quê. Đứa nọ nhà trường vừa cho con nghỉ học là lên xe đổ đường lái mấy trăm cây số về trong đêm, vừa tránh dịch, lại hưởng được không khí Tết quê nhà, nhưng chắc năm nay sẽ khác xa vì dịch bệnh.
Mọi năm, giờ này tôi đã hân hoan có mặt ở Sài Gòn bù khú với bạn bè, không thì nôn nao ngồi lựa áo quần, quà cáp, đi ngân hàng đổi tiền mới hai đô la lì xì lấy hên, chọn tới chọn lui như muốn mang hết nước Mỹ về tặng người thân ruột thịt. Đêm ngủ không được, cứ mong ngóng chờ ngày lên máy bay dù ê mông, lưng mỏi. Vậy mà năm nay book vé mấy lần bị hủy hết trơn. Tưởng cuối năm mọi chuyện êm rồi có thể về. Ai dè…
Những chuyến bay giải cứu cứ ít dần. Hết nước này đóng cửa, tới nước nọ lock down… Thế là biết mình sẽ quay lại làm người trễ hẹn mùa xuân y như hồi mới qua, mấy chữ “về quê ăn Tết” coi bộ khó như lên trời khi lương bảy tám đô một giờ, mà vé gần ngàn rưỡi bạc.
Covid-19 đã bước sang năm thứ hai. Nước Mỹ vẫn loay hoay chống dịch. Bạn bè khắp nơi úa sầu, thở than đủ kiểu. Bạn gọi, em stress quá. Ngày đi làm không cầm nổi vô lăng, tối về ngủ cũng chẳng tròn. Giờ Việt Nam mở cửa bảo cách ly một tháng em cũng về chứ không chịu được nữa rồi. Tôi an ủi, chờ thêm ít tháng nữa đi em chứ dịch thế này đi lung tung rồi lây nhiễm khắp nơi, dẫu lòng dạ mình cũng rã rời tan nát. Hổng biết năm nay Việt Nam có nhớ chúng tôi? Sài Gòn có mong ngóng người thân trở về? Ninh Hòa có ai ra trước sân đợi cửa? Sân bay Tân Sơn Nhất chắc vắng hẳn những gương mặt sướng vui khi chạm chân lên mảnh đất quê hương, dù phải ngồi hơn hai chục tiếng máy bay dài đăng đẵng.
Những ngày cuối năm như thế này, cách tốt nhất để không phải buồn là... khóa facebook và không nên đi qua khu Việt Nam làm gì cho mệt. Nhưng thời bây giờ, facebook hầu như là kênh kết nối bạn bè, người thân rộng nhất. Nếu không xài thì coi như những mối liên lạc bị gián đoạn hết trơn. Nhiều bữa buồn đời nghỉ chơi có mấy ngày, vô mở lại đã thấy tin nhắn quá trời, hỏi bữa giờ anh đi đâu hổng thấy? Bộ bị dính Covid hả? Hay thất tình do bồ đá?
Còn khu Việt Nam thì nói miệng vậy thôi chứ ở đó là một nơi nhiều ma lực nhất trên cõi đời xa xứ của chúng tôi. Thà xa tít mù khơi không sao. Đằng này có nửa tiếng lái xe, hầu như cuối tuần nào cũng phải đi chợ.
Ngay từ sau Tết dương lịch, bà con bắt đầu bày đủ thứ hàng hóa ra bán Tết rồi. Theo thống kê, có khoảng gần 50.000 người sống rải rác ở D.C., Maryland và đông nhất là phía bắc Virginia. Và tất nhiên, nơi nào có đông người Việt, sẽ có một khu shopping để tụ tập đồng hương tới mở nhà hàng, siêu thị, tiệm ăn nhanh hay trà sữa. Khu Eden (hay Vườn địa đàng) mang dang dấp của chợ Bến Thành, là chốn để bà con chuyện trò, gửi tiền, sắm vàng, hớt tóc, bán dĩa cơm tấm bì sườn, ổ bánh mì, ly chè ba màu, hay mâm bánh bèo, bánh bột lọc, chả lụa, nem chua… Cuối năm, chẳng cần gói bánh tét, bào dừa, ngâm me, sên mứt chi cho mệt. Cứ tới Eden hay chợ Việt Nam. Đảm bảo, tất tần tật những món ngon ba miền ở Việt Nam, bên này có đủ. Nem chua, chả lụa thì hầu như bán quanh năm suốt tháng, tới Tết cũng chẳng lên giá làm gì.
Chợ Tàu có cả quýt nguyên lá mua về chưng cúng ông bà cho may mắn một năm. Cũng vui, thỉnh thoảng thấy tôi ăn các loại mắm, bún riêu, bánh bèo, bánh bột lọc thậm chí mua được cả cà cuống, nhiều người hỏi ủa Mỹ mà cũng có mấy món này nữa hả? Tôi cười to bảo, ở đây gì mà không có, chỉ cần có tiền nhiều là mua được thôi.
Chợ Tết, bánh tét 16 đô la một cây, mứt thập cẩm 25 đô một hộp. Hột dưa 10 đô một bịch. Mứt dừa, gừng, hột sen, bí, khoai lang gì cũng có đủ. Chúng tôi hay đùa, hổng biết đây là mứt mới hay mứt trữ mấy năm, ế thì đem vô kho cất sang năm lôi ra bán tiếp. Mua về cúng kiếng vậy thôi chứ không dám ăn đâu. Ớn lắm. Cúc vàng, cúc tím được bán khắp nơi trong các chợ Mỹ. Dưa hấu cũng có đủ kích cỡ. Chợ Eden có bán cúc đại đóa. Chậu bé xíu mà 15 đô. Ai siêng đi chợ Costco gần khu châu Á sẽ mua rẻ hơn, có 10 đô một chậu. Nhìn chậu cúc đại đóa vàng ươm nằm gọn trong lòng bàn tay, hay cành đào hồng tươi rói (nói thiệt ở quê cho cũng chẳng thèm vì nhỏ quá) cũng thấy vui dễ sợ. Có mắc gấp đôi gấp ba ngày thường cũng mua về chưng cho có mùi Tết. Đi ra, đi vô ngắm nghía đôi lần, chụp hình gửi về bên nhà khoe, bên này cũng có cúc vàng nè, thấy chưa? Không như hồi mới qua, hổng tiền nên đi mua bịch mai giả bụi bặm chất đầy, ghé công viên lén bẻ một nhánh cây khô rồi về gắn hoa lên, chưng giữa nhà. Tự nhiên thấy thương mình dễ sợ.
Một số hãng xưởng đóng cửa, tiệm nail, tiệm tóc ế òm, nên nhiều chị ở nhà chuyên làm bánh bỏ sỉ chợ hay bán khách quen. Đủ thứ hết nhen, từ bánh bèo, bánh ít, bánh ướt, bánh nậm tới xôi, chè, nem chả các thể loại. Lấy công làm lời. Một khay lời ít đồng, vài mươi khay cũng lên tới cả trăm, tàng tàng đủ sống. Cuối năm, là thời điểm bận rộn để gói bánh tét với bánh chưng. Hầu như ngày nào cũng ngồi cong lưng để gói. Bà con quen biết gọi đặt để giao đúng ngày, mấy chợ thì hối thúc đem bánh ra cho người ta bán. Nhiều người có bạn bè sống ở các khu chung cư cũ bao nước và gas, nên tranh thủ qua nhờ vả luộc cả ngày cho đỡ tốn. Nghĩ lại cũng hơi có chút dối gian, nhưng người quen mình cũng trả tiền thuê đàng hoàng mà, đâu có ở miễn phí đâu mà ngại.
Năm nay do dịch nên chắc mấy hội chợ Tết bị hủy hết trơn. Tự nhiên thấy thương người Việt quê mình, có cái Tết để tụ tập, gặp gỡ, bán buôn, sẻ chia món ngon vật lạ, hoa cỏ cho có không khí xuân, thì cũng đành ngậm ngùi cho qua chuyện. Công ty chỉ có ba người Việt (tính luôn tôi). Tôi chơi sộp nên xin nghỉ hai ngày và cho hai mẹ con nhân viên ở nhà ăn Tết. Chị gái Việt Nam vui mừng ra mặt, rối rít cảm ơn, sếp tốt thế này, sếp tốt thế kia làm tôi nở cả mũi. Dân Mỹ làm việc nhiều nhất thế giới. Lễ thường chỉ nghỉ đúng một ngày. Lễ Tạ Ơn hay Giáng sinh nếu rơi vào thứ ba, thì thứ hai vẫn phải đi làm, nghỉ đúng hai bốn tiếng đồng hồ, thứ tư văn phòng mở cửa trở lại. Ai muốn ở nhà dài hơi thì phải xin phép lấy kì nghỉ từ rất sớm chứ không bị người khác giành mất. Tết nguyên đán không phải là ngày lễ Mỹ, công ty nào du di thì cho nhân viên gốc Á nghỉ ngày mồng một ở nhà, đi chùa, nhà thờ với gia đình, còn không thì vẫn phải đi làm kiếm sống.
Giữa những ngày dịch bệnh, mới thấy Tết thiêng liêng với người Việt thế nào. Từ những người xa lìa xứ sở đã hơn bốn mươi năm, tới kẻ như tôi đã hơn hai mươi mùa tuyết đổ, hay có đứa tròm trèm chục năm, vài mươi tháng sống, học tập và làm việc trên xứ người, đều mong ngóng được trở về xứ sở. Để hớn hở đi chợ Tết sắm đồ, mua hoa chất khắp sân sau, ngõ trước. Nghe mùi bánh tét, bánh chưng, củ kiệu, mứt gừng nồng nàn trong khung cảnh rộn ràng. Để mừng vui gặp lại nói chuyện dưới đất trên trời, ngồi uống ly cà phê sữa đá thơm lừng, đứng góc phố gặm ổ bánh mì, hay ngồi bệt trên vỉa hè ăn tô bún cá.
Thế mới hay, quê hương là một khái niệm vô cùng thiêng liêng không miêu tả bằng lời được. Nó nằm trong tiềm thức, sâu thẳm trong trái tim, hòa vào nỗi nhớ chơi vơi không định hình nổi trên xa lạ xứ người. Mỗi ngày gặp nhau trên mạng, đứa này kêu đứa kia giữ gìn sức khỏe lẫn tinh thần tích cực. Thầm thì hò hẹn, khi nào thế gian hết dịch, mình sẽ cùng về thăm lại quê xưa!
Cựu quan chức Mỹ cảnh báo chính sách của Biden sẽ mang tới nhiều thảm kịch
Cựu Giám đốc Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) Tom Homan đã đưa ra những cảnh báo nghiêm trọng về cách chính quyền Biden đang xử lý vấn đề nhập cư tại biên giới phía nam Hoa Kỳ.