Việt kiều Mỹ kể chuyện đời xứ 'thiên đường': Da vàng, mũi tẹt... làm quản lý
Tôi làm cho công ty thuê mướn nhà đã mười sáu năm. Tôi mất hai năm đằng đẵng, sáng xách cặp đi, chiều xách cặp về. Đôi khi phải cắn răng bỏ qua những lời nói mang đầy tính phân biệt màu da, tuổi tác.
10:49 22/06/2023
Một trong những khu nhà do tác giả quản lý
Suốt ba năm sinh viên, tôi làm bán thời gian ở công ty này. Tới khi ra trường thì nhảy cái vèo lên làm quản lý. Có người ngày xưa là sếp, đồng nghiệp giờ nằm dưới quyền, nên lúc mới bắt đầu cũng khó ăn khó nói. May mắn của tôi là được sếp tin tưởng nên cứ thế mà tự học, mày mò rồi khá dần lên. Giờ thì nhắm mắt làm cũng được vì quen việc dù chẳng đúng với chuyên môn, bằng cấp.
Đừng tin lý thuyết!
Để một đứa châu Á 24 tuổi (hồi năm 2005), cao 1m73 (tính luôn 5 phân giày độn), da vàng, mũi tẹt, mắt một mí, lên làm quản lý, chỉ dưới quyền sếp, tồn tại giữa gần hai trăm con người đủ sắc tộc, trong một công ty đa quốc gia, ở một đất nước lạ xa chẳng dễ tí nào. Có mấy đứa nhân viên cao gần 1m9, hơn tôi cả cái đầu. Nhiều lúc nghĩ thầm, lỡ tụi nó nổi điên lên, đưa một ngón tay ra xô nhẹ cái là mình bẹp dí. May phước hồi giờ hổng đứa nào dám làm vậy. Ít ra tôi cũng có vài chiêu trị người sau bao năm lăn xả.
Người Mỹ vốn sợ trách nhiệm và kiện cáo vô cùng. Đúng thôi! Ở đất nước mà bất kì ai cũng có thể kiện người khác. Rồi người bị kiện phải bỏ ra một đống tiền để mướn luật sư bào chữa nếu không muốn bị thua và có hồ sơ xấu, thì không sợ mới là chuyện lạ. Nên khi làm việc, chuyện ai người nấy làm, hồn ai nấy giữ, ít dám làm trái chuyên môn. Bị tra gạn, cách tốt nhất là lắc đầu, hổng biết. Chờ tao đi hỏi sếp cái nhen. Nhân viên tôi thuộc “bài” này vô cùng. Nhiều lúc tụi nó biết tỏng hết trơn nhưng luôn bán cái qua tôi cho nhẹ bụng. Chả bù với người châu Á và đặc biệt là Việt Nam, cái tính nhiều chuyện, ôm đồm ăn sâu vào máu. Thấy cái chi ngứa mắt cũng mó tay vô, hổng đúng chuyên môn cũng đứng ra lãnh rồi gồng mình lên làm cho xong. Chắc vì vậy mà được tiếng siêng năng, nên hay được lòng chủ.
Nhiều người vẫn bảo, ở Việt Nam, sếp là trời, nói một là một, hai là hai, nhân viên răm rắp nghe theo. Còn ở Mỹ thì sếp và nhân viên ngang hàng, mặc sức tranh cãi. Đó chỉ là trên lý thuyết và trong phim Hollywood thôi, chứ ngoài đời và đặc biệt là ở công ty tôi thì hoàn toàn ngược lại. Sau lưng không biết người ta nói xấu cái gì, chứ trước mặt, nhân viên sợ sếp ra phép. Không nghe lời, chọc giận, sẽ mất nhiều cơ hội tiến thân, áp lực quá sẽ xin nghỉ không thì làm chẳng được việc rồi bị đuổi. Mỹ mà, có việc làm là có tất cả. Có tiền trả góp nhà, xe, điện thoại, shopping, du lịch, để dành dưỡng già. Mất việc thì mọi thứ theo ông theo bà, sớm muộn gì cũng ra đường ở.
Sống lâu sẽ mọc nanh mọc sừng
Nếu bạn tự ý nghỉ việc, thì ngồi mơ lãnh tiền trợ cấp thất nghiệp đi nhen. Bạn xung phong mà, không ai bắt biểu. Còn lỡ bị đuổi, cũng không hẳn bạn sẽ có tiền trợ cấp liền, mà phải qua nhiều công đoạn. Văn phòng thất nghiệp sẽ phỏng vấn hai bên, tìm ra nguyên nhân bị đuổi. Nếu lỗi thuộc về bạn nhưng không đến mức quá đáng, bạn sẽ nhận được trợ cấp trong vòng vài tháng, dựa vào số tiền đã đóng khi đi làm. Còn nếu lỗi hoàn toàn thuộc về bạn, kiểu hút ma túy, đi trễ về sớm nhiều lần ảnh hưởng tới công việc, thì yên tâm đi ha, một xu cũng không có. Dù bạn có làm năm năm, mười năm, cũng chả khác gì nhau. Không đồng ý với quyết định của họ, bạn có thể mướn luật sư đi kiện.
Khác với châu Âu, Mỹ không mạnh lắm về công đoàn nên nhân viên không được bảo vệ một cách triệt để. Bạn cũng có thể kiện công ty ra tòa, kiểu phân biệt chủng tộc, giới tính, bị đe dọa khi làm việc. Nhưng để theo đuổi một vụ kiện sẽ vô cùng tốn thời gian và tiền bạc. Rồi mai mốt nộp đơn qua công ty khác, họ kiểm tra lịch sử làm việc của bạn. Dù pháp luật không cho phép từ chối, nhưng đời mà, ai biết được chữ ngờ. Ít ai muốn mướn một nhân viên hay đi kiện cáo công ty. Người ta không nói ra, sao bạn biết.
Nhiều người hỏi tôi kinh nghiệm quản lý này nọ. Tôi chỉ cười, làm riết sẽ quen. Sống lâu sẽ mọc nanh, mọc sừng thôi. Làm ba cái nghề liên quan tới khách hàng, vài năm thôi da mặt sẽ dày như da trâu, không còn cảm giác gì nữa. Kiểu như hồi mới đi làm bị khách vô cớ chửi thì chạy vô toilet ôm mặt khóc hu hu, giờ bị chửi hả, cứ trơ trơ, ung dung uống trà, rồi ngước mặt lên hỏi uống hông? Tao kêu nhân viên pha cho mày một ly uống cho hạ hỏa. Nói vậy thôi, ít nhiều tôi cũng có vài chiêu trị nhân viên phòng thân. Hay nhất là đánh thẳng vào túi tiền của họ. Phần lớn dân Mỹ vẫn sống theo kiểu “pay check to pay check”, lãnh đồng nào hết đồng đó. Cứng đầu cỡ nào, bị trừ lương thẳng cẳng là sợ liền. Đi trễ về sớm, nghỉ nhà quá phép, cũng không cho mượn trước. Trừ lần một ok; lần hai không sợ; tới lần thứ ba, đảm bảo, khi cầm cái check hụt tiền, không đủ chi tiêu, mặt mũi đứa nào đứa nấy cũng xanh lè, mồ hôi mẹ mồ hôi con túa ra cả vũng. Sau đó, họ không sợ sếp ra mặt, tôi đi bằng đầu gối.
“Cảnh giác” chốn công sở
Thiệt ra tôi cũng hơi ớn khi phải dối diện với nhân viên nữ. Đơn giản, người Mỹ vốn nhạy cảm với đủ thứ, từ sắc tộc, giới tính, ngôn từ, cử chỉ, hành động… Cái gì cũng phải cẩn thận chứ không bị hiểu sai, rồi đẩy việc tới những cảnh giới mình không ngờ tới. Đàn ông đàn ang với nhau, có nói gì cũng tắt lưỡi bỏ qua, không để bụng. Riêng với nữ giới, phải cẩn thận từng lời ăn, tiếng nói, hay hành động của mình. Không được nói chuyện quá thân mật, kiểu đụng chạm sờ mó, dù rất xã giao.
Cũng không nắm tay, vỗ vai, vuốt tóc, hay nhắn tin ỡm ờ này nọ. Không được khen hôm nay mày mặc áo đẹp, tóc xinh, giày dễ thương ghê, xài nước hoa gì mà thơm quá. Hay khen đứa này đẹp mà không khen đứa kia. Nói chuyện thân tình với đứa này mà bỏ bê đứa khác. Coi chừng bị ghép vào tội quấy rối tình dục như chơi. Dù mình không làm gì nhưng bị dính phốt, lúc đó mặt mũi để ở đâu cho đẹp?
Phương châm làm việc của tôi là luôn đối xử nhân viên rất chân thành, thưởng phạt công minh, lấy chữ tình đối đãi. Nhưng không bao giờ để đi quá xa mối quan hệ nhân viên và sếp. Tôi chả có bạn bè gì ở công ty. Thân thiết làm chi, lỡ họ làm sai, khó ăn khó nói. Đặc biệt, phải làm cho họ nể thay vì sợ sệt. Nhiều người sợ trước mặt, sau lưng chửi mình không ra gì. Bảo là không quan tâm, nhưng tới tai, cũng nhột. Nhưng nếu họ nể về kiến thức và khả năng làm việc thì lúc ấy mặc sức chứng tỏ vị thế của mình.
Chẳng một đứa nhân viên nào chịu thần phục một ông sếp dở hơn mình về mọi mặt.
Nguồn: Thanh niên
Việt Kiều kể chuyện giải tỏa đền bù ở Mỹ: Từ lo sợ đến hạnh phúc vỡ òa
Chúng tôi cưới nhau xong thì trở thành tay… đen (người ta tay trắng, còn mình tay đen) vì nợ (năm 2003). Chồng láo ngáo mới qua Mỹ, vợ còn đang đi học nên rất nghèo! Vậy mà hai năm sau cũng mua được căn nhà cũ do mượn ngân hàng (năm 2005).