Việt Nam không phải là đối tượng hưởng lợi trong thương chiến Mỹ - Trung
Bà Virginia Foote, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmChams) ở Hà Nội, đồng chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp (DN) Việt Nam (VBF), cho biết như vậy tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2019 do Bộ Công Thương tổ chức sáng 6-9 ở TP HCM.
05:00 07/09/2019
Bà Virginia Foote đánh giá thương chiến Mỹ - Trung rất nghiêm trọng và khó tiên lượng sẽ kéo dài bao lâu. Bà cho rằng Trung Quốc có khả năng "chịu đòn" trong thời gian dài, còn phía Mỹ cũng không "xuống thang" bởi sắp tới sẽ diễn ra bầu cử.
"Ý tưởng của Tổng thống Mỹ là mang các DN Mỹ trở về Mỹ chứ không phải mang DN Mỹ rời Trung Quốc để đến Việt Nam, Malaysia hay quốc gia nào khác; không chỉ là trừng phạt Trung Quốc mà là dân tộc chủ nghĩa, hướng về Mỹ" – Phó chủ tịch Amcham Hà Nội nói.
Bà Virginia Foote lưu ý DN hết sức cẩn thận vì Việt Nam không phải là đối tượng hưởng lợi của cuộc chiến này. "Tôi đã làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về những cơ hội có thể làm được cho những DN tại Việt Nam. Đừng chơi trò chơi đuổi bắt và nghĩ rằng đây là tiền dễ kiếm mà nó rất nguy hiểm mà nên nghĩ về cục diện lớn hơn. Việt Nam vẫn còn bảo hộ nhiều nhưng tôi hy vọng các bạn không dính vào bẫy bảo hộ. Việt Nam có thể thay đổi theo hướng phát triển năng lượng sạch. Các chuỗi cung ứng năng lượng sạch sẽ là cách Việt Nam có thể làm để thu hút đầu tư trong dài hạn" - bà Virginia Foote cho biết thêm.
Các diễn giả và khách mời trao đổi tại Diễn đàn thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ 2019
Ông Nguyễn Hồng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương, cũng lưu ý nếu nhìn nhận xung đột thương mại Mỹ - Trung và chính sách thương mại của chính quyền Mỹ dưới góc độ hẹp và đưa ra những chính sách kinh doanh sẽ rất dễ mắc sai lần bởi tác động của cuộc chiến đối với từng nhóm hàng, ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam rất khác nhau.
Trong bối cảnh chung như vậy, bà Mary Tarnowka - Giám đốc điều hành Amcham tại Việt Nam, nhận định xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng đang tạo ra cơ hội cho Việt Nam khi các tập đoàn phải đa dạng hóa nguồn cung của họ.
Việt Nam vẫn còn lợi thế về nguồn nhân công chi phí thấp, môi trường kinh doanh, cải cách giáo dục đã phần nào đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực cho các tập đoàn quốc tế. Bên cạnh đó, các thỏa thuận thương mại của Việt Nam và các nước cũng tạo ra các hoạt động kinh doanh nhiều hơn. Việt Nam từng bước có thể tạo ra được lợi thế cạnh tranh cho mình từ việc hiện đại hóa cắt giảm được các chi phí trong thương mại và từ đó tiếp cận được nhiều thị trường mới hơn.
"Chúng tôi hy vọng môi trường kinh doanh được cải thiện nhiều hơn nữa ở các lĩnh vực, thúc đẩy phát triển thương mại giữa hai nước. Các hoạt động của Amcham nhằm thúc đẩy Việt Nam trở thành một phần trong chuỗi cung ứng toàn cầu" - bà Mary Tarnowka nhấn mạnh.
Theo: NLD
'Canh bạc' của Mỹ - Trung sau đợt áp thuế mới
Ông Trump nghĩ rằng kinh tế Mỹ mạnh hơn nên Trung Quốc sẽ nhượng bộ, còn Bắc Kinh thì 'cược' là nước này chịu đựng được.